Vanh's Kitchen
Một người phụ nữ thuần Việt, xa quê hương nên nhớ quay quắt về tuổi thơ, khát khao tái hiện hương vị quê trên đất khách.
Trứng ngâm tương kiểu Nhật.
Tuy rằng gắn mác là món của Nhật, nhưng người Hàn quốc cũng có món này, còn nay nó được làm bởi người Việt nam 100%.
Đôi khi cũng cạn sức sáng tạo món mới, thì hoàn toàn có thể làm hàng chục món từ trứng. Dễ nhất là trứng luộc, ông xã mình luôn biết luộc chín và thành thạo. Còn mình thì chiên, hay ốp lết hay vài món cầu kỳ hơn như chả phượng. Nhưng món này làm cũng dễ, mà cảm xúc lại khác hẳn. Đưa cơm lắm nhá, không hạp với ai muốn giảm cưn đâu.
Nhìn cái lòng đỏ chảy mượt mà mê mẩn, tương ngọt ngọt, mặn mặn, thơm của hành, tỏi, quyện thành cái vị rất dễ đón nhận. Nhà có bé út ko thích vị cay, chứ đôi ba lát ớt đỏ đỏ điểm xuyết vào, vừa bắt mắt, vừa tê tê cái cơ quan vị giác, kích thích đến đê mê luôn ấy nhá!
Trung thu làm bánh ăn chơi!
Loay hoay với các loại bánh truyền thống mãi, chán rồi. Làm nhiều ăn ít, nhọc cái thân lắm!
Bữa nay làm cái bánh này, coi như đổi gió, đổi vị, nhưng đượm tình trung thu. Vỏ giòn, béo ngậy của bơ, ruột lấp đầy nhân dứa, chua chua, ngọt ngọt, phảng phất chút hương quế. Tình bể bình!
Mần đọi nác chè sen Tây hồ, trong bộ tách mới được tặng, phê tới bến!
Bánh nướng Trung thu, hương vị Việt trên đất khách.
Đến hẹn lại lên, bếp lại thơm lừng mùi nướng bánh. Từ nhỏ chỉ thích bánh nướng thập cẩm, vị truyền thống, nên từ khi xa quê hương, càng thôi thúc mình làm bánh.
Nguyên liệu trời Âu, lấy đâu sen xát, mứt bí? Nhưng bằng cách nào đó, nó cứ phải loay hoay cho đủ vị. Cái gì cũng phải tự làm nên khâu chuẩn bị mới ngại làm sao?
Được cái tay làm hàm nhai, ưng cái bụng lắm ấy, chất lượng điểm 10, hình thức "hết nước chấm".
Mình phục mình quá!
Tôm chua Huế.
Khi cách xa Huế, xa Việt nam trên 10 000km mà nhớ tôm chua thì chỉ có cách là làm ra nó.
Vẫn đỏ, vẫn thơm chuẩn vị, vẫn đạt tới độ có hồn có cốt của tôm chua, ngoài việc cần có đủ nguyên liệu, còn cần biết biến hoá theo hoàn cảnh thực tại.
Cảm thấy rất tự hào vì tình yêu bếp núc của mình, Vanh's kitchen!
Có cá đổ vạ cho cơm, đằng này có rau lại đổ vạ cho gỏi cuốn.
Mùa hè Châu âu được hưởng vô vàn đặc ân của rau xanh, mát mắt, mát lòng.
Chẳng cần cầu kỳ, làm miếng ba rọi luộc, rồi thì có rau thơm sẵn, thêm quả dưa chuột cũng trên giàn, trái táo đang thì xuống mật. Luộc gói bún khô, rồi pha chút mắm nêm nữa, dậy mùi quê hương luôn.
Quá đã! Gói mọi yêu thương!
Cảm thấy yêu đời các bác ạ!
Vườn Việt.
Nếu bạn tới Châu âu mà vô tình thấy nhà nào có trái khổ qua, mướp, bầu bí, thì đích thực là nhà người Việt rồi đó. Đi đâu thì điều thương nhớ vơi đầy nhất vẫn là "canh rau muống, cà dầm tương", rồi mới đến Tổ quốc, đến đồng bào.
Lũ con dở tây dở ta còn hỏi: Quê hương là gì hả mẹ? Là cái nơi mà mấy đứa cứ nhắc nhớ đến bún đậu mắm tôm, phở, bún thang, tào phớ chứ còn gì?
Mảnh vườn to bằng 2 hay 3 cái manh chiếu, nhưng cũng cố nhét đủ thứ như húng, tía tô, kinh giới, ngải cứu, bí, bầu, mướp, đủ cả. Ngày ngày cũng ra vườn như ai, mỗi tội chả đủ để tập thể dục. Nhưng nếu yêu nó, bạn sẽ thấy nó chiếm trọn thời gian của cả ngày, niềm vui thì đôi khi lớn hơn đi shopping hay du lịch. Nhất là khi hiện diện trên bàn ăn màu xanh mướt, điểm xuyết thêm đĩa đậu phụ, thịt luộc. Hay chí ít là bát canh bầu với lấp ló vài mụ tôm nõn. Canh mồng tơi nấu mướp, hay khổ qua xào trứng.
Thấm đượm cái hồn quê lắm, nhất là với người xa xứ.
Soup cừu.
Nghe đến thịt cừu thì nhiều người có thái độ ỉ ôi, còn tôi thì nói TUYỆT VỜI. Từ khi được thưởng thức lần đầu, nó đã ghi điểm tuyệt đối trong các món soup có thịt mà tôi đã có cơ hội biết đến nó.
Cừu là loại thực phẩm có hàm lượng đạm cao đã đành, nhưng nó ngon bởi nhiều yếu tố mang tính đặc biệt. Tuy là mùi thì mạnh, đặc trưng, nhưng cách con người chế biến thì gọi là phù thuỷ.
Cừu nướng cả đùi, không có tẩm ướp, từng lát thịt lát ra còn ứa máu, nhưng tới đầu lưỡi đã ngọt đến tận tâm can.
Thăn và sườn bỏ lò.
Sườn cừu nấu soup với tỏi, tương cà chua, gạo, lá nguyệt quế, không có mùi hoi gì nữa đâu nhé!
Ông nào lỡ quá chén, sáng hôm sau làm đĩa soup cừu, tỉnh rượu ngay, khoẻ như Phạm Văn Mách.
Đi nhiều, biết nhiều các đặc sản ẩm thực của các vùng miền, nhưng soup cừu với tôi vẫn là đặc biệt nhất.
Cá chích muối trùm mền. (Селедка под щубой)
Nhân một chuyến thăm nước Nga, tới thành phố Leningrad, mình đã được thưởng thức món này. Thật ấn tượng và ghi nhớ ngay, để sau này cứ thích là thể hiện.
Trên bàn ăn, có khi lầm tưởng đó là cái bánh, vì nó được đóng khuôn và đủ các sắc màu. Vị cá chích muối mặn và béo, nhưng lại có lớp khoai tây, cà rốt, củ dền, luộc và bào mỏng. Xen lẫn lớp hành tây, trộn rau thì là và mayonese. Trứng luộc, nhưng lòng trắng băm riêng, lòng đỏ nghiền nhỏ, rắc bề mặt. Ý a là tuyệt vời luôn!
Ông anh lấy vợ là người Nga nói, làm được món này làm đầu bếp được rồi.
Cơm nhà nó khác cơm nhà khác.
Cứ tưởng được đi chơi là sướng ư? Đi chơi khổ hơn đi làm, là thật. Lại còn khổ vì ăn nữa chứ, ăn gỉ gì gi cái gì cũng lạ vị. Mặc dù cũng nhuốm mùi "đi tây" sớm, nhưng càng đi xa, càng nhớ cơm nhà. Chưa muốn nói, 1 đứa mà biết nấu ăn thì vị Việt nó như thấm vào máu.
Về nhà, ăn bát cơm với canh thôi, là quên hết cả mệt mỏi, quên mọi sự đời.
P/s: Hình ảnh bữa cơm thường nhật của nhà tiểu gia.
1. Thịt ba rọi luộc, chấm mắm tép.
2. Gà nấu sáo với gừng và hành tăm kiểu quê chồng Miền trung.
3. Canh mồng tơi (nhà trồng ở giời Tây), nấu với tôm nõn.
4. Cà Italy (oliu muối), vì ở Tây nên ăn ôliu thay cà pháo.
5. Dưa chuột và húng hẹ tía tô ( nhà trồng được luôn).
5. Cơm trắng.
Phê thôi rồi!
Bánh g*i!
Bánh g*i giống hệt bánh g*i, lạ thế chứ lị. Ở giữa lòng Châu âu, vẫn làm ra cái bánh đen nhẻm như than thế này. May mà có nhân vàng nhạt nhạt, dừa nạo sật sật, mỡ đường, dầu chuối, bột lá g*i, đương nhiên là có bột nếp nữa, gói vào, hấp lên, mà màu xanh thành màu đen mới ổn áp chứ.
Nói chung là không có việc gì khó, chỉ sợ không muốn mần thôi!
Pha ấm trà xanh, thẩm cho đúng kiểu quê nhà tớ!
Táy máy!
Mọi người cứ bảo sao ngồi nhà mà không thấy buồn? Làm gì có thời gian ngồi không để nỗi buồn nhảy vô hả? Chả cái lọ thì cũng cái chai, tay chân hoạt động liên hồi đấy chứ. Cùng lắm là lại đan lát, thêu thùa, làm vài món cho đứa này đứa kia. Chỉ khi lên giường thì đôi tay này mới nghỉ nhé!
Làm cái bánh gối cho đời đỡ tối!
Làm bánh bao, còn thừa ít nhân, thợ vườn nên hay bị thế. Bụng bảo dạ, mai làm tiếp, nhưng dạ lại đổi lòng khi trời sáng. Quay xe thành bánh gối, thế là cũng thoả mãn được mấy đứa.
Vớ được công thức bột của em Diễm Nauy, thấy chả có gì, ngoài bột, muối và dầu ăn. Tưởng là không thành mà thành ra không tưởng lại thành. Vỏ giòn hẳn hoi, thao tác nhanh, gọn, đỡ rườm con bà rà.
Nhân vẫn là nhân bánh bao còn lại.
Nước mắm của Duong Vo, nghệ nhân pha mắm tôm từ 5 tuổi, thực hiện. Chất lượng chuẩn con bà Vành.
Đúng là già còn hay nghịch!
Bánh bao đê! Bánh bao "lóng" đê!
Ngày xưa, nhà ở mặt phố, đêm khuya, lạnh trời, cứ nghe lảnh lót tiếng dao bán bánh. Nhưng nói thật, phải bánh bán ở Lương Văn Can, mới lay động được tâm hồn ăn uống của mình. Chứ đã có lần bọn trẻ đòi ăn, mua thử, nó chẳng có gì đặc biệt hơn cái từ "lóng" kia, mặc dù mua xong, mang vào đến nhà thì chỉ hơi ấm thôi.
Hôm nay Budapest hơi ấm, vì giữa mùa đông mà dương 6 độ, thì chẳng ai gọi là lạnh cả. Nhưng cũng đủ cớ để làm mẻ bánh, đãi lũ con cháu đông như quân Nguyên, đang kỳ nghỉ đông. Ở đây thì nguyên liệu rất chất lượng, nên sữa tươi, bột, bơ, đường, muối, đặc biệt là men tươi, làm nên cái vỏ bánh tuyệt vời. Từ khi biết đến men tươi là không bao giờ còn mơ màng đến men khô nữa.
Nhân thì cũng thịt xay, cũng miến, mộc nhĩ, nấm hương, hành tươi, trứng luộc, nhưng lần này extra cả lạp xưởng đi từ Campuchia, qua VN, rồi bay như chim đến đây nữa. Vị đã tròn, nay lại thêm tròn vo, hoà quyện làm cho cái bánh thêm phần đặc biệt. Đặc biệt hơn, khi xa Tổ quốc nhưng vẫn như đang được "về nhà".
Bánh dày với giò!
Ở bển mà đòi ăn toàn thứ gì gì đâu ấy? Nhưng ở đâu thì thích là nhích thôi, bếp của người thích nội trợ thì gần mà. Tối đến rồi, chị em còn i ới gọi nhau, mai ăn gì?
Nhà bên đứa em làm giò lụa, bên này con chị làm bánh dày, thế là thành bánh dày giò thôi. Nhanh như một cơn lốc, vì nó chẳng cần đồ xôi, rồi giã giệc gì hết. Bột nếp, xíu muối, trộn nước sôi, vân vê nhào nặn 1 hồi. Hấp 10 min, là xong tuốt tuột.
Đấy! Vào bếp có khó đâu, chị em cứ vùng lên đấu tranh giải phóng làm cái gì? Bị tước quyền vào bếp mới chết ấy!
Vào bếp cổ vũ Chung kết World cup 2022!
Trên các trang mạng, quảng cáo các món ăn, ship đến tận nơi, sôi động hơn cả trận Chung kết. Còn tôi đây tự vào bếp, tự vì càng xa Tổ quốc, tôi càng muốn giữ hồn dân tộc qua các món ăn đúng hương vị, đặc trưng và đảm bảo chất lượng nhất có thể. Sau khi cũng đã từng bỏ công, của, thời gian để thị thẩm một số món cơ bản ở 1 số địa chỉ, thì kết luận tự mình phải vào bếp. Tôi tin chính mình hơn tất cả các món ngoài căn bếp của tôi, vì để ra đời được một món ưng ý, tôi đã chọn lọc nguyên liệu, nâng niu, chăm sóc nó ở từng khâu chế biến, một cách tỉ mỉ. Món ăn mà mình nấu, ăn ngay nó khác xa món ăn bị đóng gói, bị "rong ruổi" khắp các con phố, bị cái lạnh xâm lấn, bị hâm lại vân vân và mây mây. Đúng không các bạn?
Vậy ngay cả khi bạn không đạt trình độ của 1 đầu bếp chuyên nghiệp, thì bếp tới bàn ăn thôi đã đủ làm nó ngon hơn 50% rồi.
Bí quyết làm nội trợ, theo tôi nghĩ là mình chỉ cần tình yêu thôi. Yêu bản thân, yêu chồng, con, yêu túi tiền của mình, yêu ngôi nhà trong đó có căn bếp. Thế là lửa sẽ luôn ấm và lan toả khắp ngôi nhà. Không nơi nào hơn được ngôi nhà của bạn, đúng nghĩa.
Hôm nay tôi lại làm cho ngôi nhà tưng bừng mùi hương của món gà quay mật ong, hạt dổi, mắc khén, để cổ vũ trận bóng đây. Cách ướp thì vẫn vậy thôi, nó vẫn ở trong cái nồi chiên không dầu, và nó vẫn ưng ý vậy.
Nếu ai không biết ăn 1 món ăn ngon, thì đảm bảo không bán được đồ chế biến sẵn cho tôi. Tôi đảm bảo điều đó.
Xôi vò với chè hoa cau!
Ngày cuối thu, chuẩn bị bước vào đông rồi, gió, mưa và lạnh, ngồi thu lu mãi cũng chán. Lại lấy cảm hứng thể hiện món xôi vò, cho thoả nỗi nhớ mong về Chợ Thành công ăn món này, của bác bán quen. Mà cứ xôi vò là chúng nghĩ đến chè. Xôi mẹ nó còn nấu được thì chè là "con muỗi" nhé!
Duy chỉ một điều, mình muốn viết lên đây, cách mình làm nó đơn giản, như đan rổ. Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc làm món này mà mất không quá 2h, từ khâu ngâm gạo đến khi hoàn thành không?
Gạo chỉ ngâm nước ấm, khoảng 1,5h. Vo sạch gạo, rồi xả nước ấm ở vòi vào ngâm thôi, và đồng thời mình cũng thêm luôn 1 thìa nhỏ muối và nửa thìa đó là bột nghệ. Vì mình cứ nhớ, mẹ mình đã từng bị mặn món xôi khi, ngâm gạo xong, cho muối vào xóc. Công đoạn này làm muối ko đều, và hạt gạo khi no nước sẽ gẫy, vỡ, nát xôi. Còn chút bột nghệ kia, làm xôi có màu vàng hấp dẫn con mắt hơn thôi, cũng không phải vì nó có thể nâng cao sức khoẻ, chữa lành dạ dày hay gi gỉ gì gi mà bọn lang băm hay quảng cáo. Sau khi gạo ngậm no nước, thì đổ ra rổ cho ráo nước. Rồi trộn nhẹ tay với đỗ xanh hấp chín, giã nhuyễn. Chỉ vậy thôi, rồi mời các bạn ấy xông vào nồi áp suất điện. 12 phút các bạn ạ! Không cần hơn, mà xôi mềm mọng, chuẩn chỉnh hơn với vài muỗng mỡ gà. Xôi tơi, mềm, bùi và ngậy nữa. Chẳng có gì khó đâu, mà ta chỉ cần chú ý một chút thôi, hiểu đủ và đúng các chức năng của thiết bị. Tiết kiệm thời gian, công sức, và đảm bảo chất lượng như ý nữa.
Đỗ xanh bóc vỏ, mình cũng ngâm trước 30 phút, cũng thêm chút muối nhỏ. Sau đó vớt ra rổ để ráo, trước khi cho vào xửng hấp. Hấp bằng nồi thường, trên bếp, 10 phút, đỗ vừa tới bở tơi. Mở vung, để nguội. 1 phần bỏ ra bát riêng, phần cho món chè, còn lại giã nhuyễn bằng cối, để trộn vào gạo.
Chè thì đơn giản rồi, chắc cũng chẳng có bí quyết gì quá đặc biệt đâu. Nước với đường, đường vani, đun sôi, chiêu bột năng hoặc bột sắn, quấy cho sôi lại, trong veo là được. Quan trọng chỉ là không quá ngọt, không quá đặc, thanh mát là được rồi. Khi múc chè ra bát, chúng ta rắc đỗ đã đồ chín lên trên, thì đỗ ko bị chìm xuống đáy bát.
Kể lể dài dòng, nhưng chốt cuối kỳ chỉ là 2 em ấy thưởng thức cùng nhau thôi! Trời cứ lạnh ngoài kia, bếp tôi vẫn ấm nồng, hoà quyện tâm hồn ăn uống với món ăn chơi ấn tượng của người Hà nội.
Bánh đa cá!
Không phải vì có cá mà nghĩ ra món này đâu, mà vì cái mớ rau cải. Thỉnh thoảng ra chợ Châu á, mua được mớ rau xanh, là lòng dạ bồn chồn, thấy cuộc đời vẫn đẹp sao.
Cá trê đỏ, dai và ngọt thịt, nhưng cá tây nuôi, chắc đủ ngày đủ tháng, đúng tiêu chuẩn nên ngon, ngon thật đấy. Rửa sạch, lấy giấy lau nhà bếp thấm cho khô, cắt lát vừa, nhớ là dọc thớ thì cũng dai thịt hơn. Sau đó tẩm bột chiên giòn ( bột này mình phải tự trộn cho món này: bột bắp, bột năng, muối, tiêu, bột nghệ, riêng cho món cá). Rồi chiên giòn thôi!
Rau cải luộc, rồi vớt ra chậu nước lạnh, cho xanh rau, rồi vớt lên rổ, để ráo.
Bánh đa ngâm nước trước để chần cho nhanh mềm.
Nước xương hầm, cho củ hành và mấy lát gừng cho nước thơm. Đúng ra, sẽ hầm nước của xương cá mới tuyệt đỉnh. Nhưng ở đây ko phải muốn mua là có, nên cứ phải thiên biến vạn hoá cho hợp hoàn cảnh. Tuy nhiên, vẫn ngon và ngọt, chả thiếu chất được.
Khi ăn thì cứ từng thứ xếp vào tô, rắc thêm chút thì là, chan nước, thêm chút hành phi giòn, tiêu xay, cũng vô số topping nhỉ? Mùa đông ngoài kia lạnh cực, nhưng ngồi trong nhà, trước mặt là tô bánh đa cá. Ối giời ơi! Chả biết Tổ quốc hay tổ cò ở đâu nữa!
Cay! Cay đến tận hang cùng ngõ hẻm, Kim chi ơi! Kim chi à!
Mùa đông đã tới sát cửa, chiếc lá thu cuối cùng cũng kịp rời cành. Cái lạnh se sắt, ngấm tận da thịt. Ở cái xứ này, mùa đông không có rau xanh, hẫng hụt lắm, nhưng riết cũng thành quen. Bản chất con người, nhất là người Việt, cho dù ở đâu, hoàn cảnh nào cũng có khả năng biến cái không thể thành có thể.
Và cải thảo, củ cải, cà rốt, thu hoạch nốt mấy cọng hẹ, cần nước, u nó làm ấm bụng cả xóm. Cô gái Việt nam thì ít người không biết muối dưa lắm, nhất là con nhà nông, muối dưa chua thay cá thịt, để mà đưa cơm cho mùa đông tháng giá. Và chắc chắn các bà mẹ Hàn quốc cũng vậy, muối kim chi là văn hoá rồi. Học được cô em dâu đến từ xứ Hàn, bà chị chồng cứ năm nào cũng diễn vô số bận. Chẳng hiểu sao, các chị em bạn dì sau khi thưởng thức, kêu là khác hẳn. Ngon đặc biệt!
Trong nấu ăn hay cụ thể là muối dưa cà, nó rất cần bí quyết để thành công. Chứ không đơn giản đổ ớt nhiều cho đỏ, ướp muối sẽ thành dưa đâu. Kim chi lên men tự nhiên, nó cần quấy cháo bột, rồi mới lần lượt cho các gia vị vào. Cải thảo làm ướt, xát muối hạt, ướp cả nửa ngày hoặc hơn. Rồi lại rửa muối đi cho bớt mặn, sau đó "vuốt ve" từng cọng với hồn hợp kia. Ủ nhiệt độ phòng, tới khi thấy bọt khí thi nhau nổi lên, thì úm ba la để nơi mát, xơi dần.
Ngoài kia, lạnh cóng. Trong căn bếp thắp sáng góc nhà hộp kim chi, luộc thêm đôi ba lạng rọi. Cơm nóng, kẹp 1 em rọi mỏng với lát kim chi, đưa vô miệng. Quốc hồn quốc tuý ở đó chứ ở đâu? Ấm cả cõi lòng!
Gà nướng!
Nhà em thì ở "bển" nhưng riêng ẩm thực thì tâm hồn luôn neo đậu chốn quê nhà. Gà là sản phẩm nông nghiệp có tiếng ở xứ này, mùa nào cũng có những sản phẩm đặc biệt, đưa ra thị trường. Nên tha hồ thể hiện các món, món hôm nay gà nướng với hạt dổi, mắc khén, mật ong với nồi chiên không dầu.
Con gà rửa sạch với muối, ướp gia vị gồm muối, mắm, hạt dổi xay, mắc khén xay, tiêu, chút bột hoa hiên cho lên màu. "Massage" cho "cháu nó" với hỗn hợp gia vị kia, ủ đó mấy giờ. Đại loại, khoảng giữa trưa chuẩn bị, rồi để đó. Chiều đến, 1h trước bữa tối, để lên xửng hấp 15 phút. Sau đó đưa vào nồi chiên không dầu, 180 độ, 8 phút, sau đó phết hỗn hợp gồm mật ong, dầu hào, để thêm 2 phút. Lật mặt kia, 5 min, phết mặt còn lại, để tiếp 2 phút. Thế là xong rồi đấy!
Bữa tối đơn giản, gà nướng, cơm nếp nấu nồi áp suất điện 12 min, như xôi luôn. Khoẻ con nhà bà Vẻ, nóng sốt, ấm bụng và thoả mãn cơn thèm.
Lần đầu tôi thấy!
Đi siêu thị tiện lợi thuộc hệ thống của Đức, gần nhà. Tự nhiên đập vào tầm mắt cái quả táo màu lạ, mua vài trái về thử. Tính mình rất thích thử, nhưng thử đồ ăn thôi. Nào ngờ, bên trong là một bất ngờ to lớn. Đúng là trái táo của mụ phù thuỷ trong chuyện cổ tích Nàng Bạch tuyết và 7 chú lùn rồi. Màu đỏ tươi, vị chua ngọt đậm đà, giòn luôn nhá! Nhưng đảm bảo không có độc, ăn hoài mà chẳng thấy ai ngủ cả. Thêm tý muối chấm ô mai đến từ VN, rất "Ối giời ơi!"
Biến thứ tầm thường thành bình thường, nhưng dễ chấp nhận!
Cái loại cá nhạt nhẽo, rẻ tiền đã biến tấu thành sản phẩm 1 nắng, dai, ngọt thịt, hơi đậm vị, có chút cay của ớt bột, ngọt của đường. Nay u cháu lại chế biến thành món khác, lạ hơn chút, nhưng đưa cơm lắm!
Cá cắt vừa miếng, phết chút dầu ăn (tránh bị khô cá khi nướng, và bóng đẹp nữa), bỏ lò chiên ko dầu 15 min, 185độ. Vàng mặt thì ok. Băm chút hành tỏi, phi vàng, bỏ cá vô. Chiêu nước mắm cùng nước, đường, dấm, tiêu, mỳ chính, chanh ( vị nào cũng cần quá lên 1 chút), đổ vào chảo cá, đảo cho quánh lại, sệt. Bắc ra và xếp lên đĩa thôi! Bao ngon!
( Cá làm 1 lần 5kg, chia túi, bỏ tủ cấp đông, dùng dần. Mỗi lần sử dụng, xả đá rồi chế biến cũng rất tiện.)
Súp FLAKI ( súp sách bò của người Ba lan).
Năm 2018 đưa gái út đi tham gia giải cầu lông "ao làng" của mấy nước Châu âu, năm đó Ba lan đăng cai. 2 mẹ con có thời gian lượn tham quan một số nơi. Nói thực, thành phố như xây mới, đâu đâu cũng gạch đỏ, mới tinh toe, nên u cháu không ấn tượng lắm. Tuy nhiên dễ hiểu, vì Thế chiến thứ 2 làm Ba lan bị phá huỷ thảm hại nhất. Nhưng ẩm thực đã làm 2 mẹ con hài lòng, vì ko mặn như mấy nước khác, dễ ăn, ngon, chất lượng và giá cũng ok.
Trong số những món ăn đã thưởng thức thì món súp nấu với sách bò để lại ấn tượng rất mạnh. Về nhà, tìm tòi mãi chẳng ra được cái công thức mà mần. Mấy năm qua rồi, ra cửa hàng nhìn thấy bán sách bò lại đem lòng nhớ Ba lan. Hôm qua tình cờ bụng bảo dạ, mấy lũ con tìm toàn tiếng "tày", u mày tìm tiếng Việt. Ko được ta sẽ lên Cộng đồng Ba lan hỏi han, chắc cũng có hy vọng. Ối giời! Mới lò dò mấy trang, đã ra ngay 1 cái gì đó rất "Ối giời ơi!". Thế là triển luôn và ngay!
Thưởng thức món Ba lan ngay trên đất Hungialoi, mùi vị chuẩn. Vị béo ngậy, thơm của hành xào, củ cần tây, lá nguyệt quế, tiêu sọ, nhục đậu khấu, kinh giới tây, sách bò mềm, có mùi đặc trưng, ko dai, mềm, ngọt. Mùi vị đặc trưng của nó, không thể món nào lẫn được. Vậy là chuẩn con bà Chỉnh rồi!
Vừa lúc nấu xong, lão gia kêu đói, một đĩa nóng bốc khói được dọn ra. Xoàn xoạt mấy tiếng, cái đĩa trống trơn, còn trên mặt bàn mỗi cái lá nguyệt quế và mấy hạt nhục đậu khấu. Lại có thêm niềm tin để phát huy năng lực nấu nướng nhỉ! Vành ơi! Cố nhên!
Biến hình!
1. Cái váy nhung xinh xắn, nhưng đã không còn vừa, ta lại cắt cái ống quần cũ ngắn, chắp chút. Mặc tiếp!
2. Cái áo quá xinh, đã đi qua 4 lần chuyền tay của các em bé. Đến lần này chẳng còn người chân truyền, mà vẫn thấy yêu quá chừng à. Thế là từ đống quần áo cũ, size nhỏ, mình biến hình nó thành áo cho bé 4 tuổi (hơi còi cọc chút, 13kg rưỡi).
Ka ka, đảm bảo GAP khóc thét! Ờ mà sao ko mời mình làm thiết kế cho đồ cũ nhỉ?
Đời đầu: Chị Gấu nay đã 18 tuổi, sắp vào Đại học.
Đời 2: Hà Nhi, nay 10 tuổi.
Đời 3: bé Thỏ 4 tuổi
Đời 4: bé Kitty, mặc từ 1 tuổi đến 3 tuổi. Nay lại tái dụng.
Cá 1 nắng!
Ngày xưa mình cứ mê tít món mực 1 nắng ở Nha trang, cá thu 1 nắng ở Hạ long. Giờ ở mãi giời Tây, đào đâu ra? Mơ về nơi xa lắm ấy thì cứ mút mùa chim én bay. Vậy là thử, thử hoài, khi thì mặn quá, khi thì nắng quá, nó như luộc luôn. Cũng "lên bờ xuống ruộng" mới ưng cái bụng đấy!
Số là, cái con cá này bán ở cửa hàng, nó đông lạnh, thịt rất bở, mà nó nhạt thịt, chán ơi là chán! Nhưng ở cái đất nước mà lực lượng hải quân mạnh như Lào này, đào đâu ra cá biển. Cá nước ngọt thì quay đi cá chép (béo núc ních, mỡ bọc cá), quay lại cá trắm, mà cũng nhiều xương, cá trê Châu phi cũng tạm được, còn cá trê trắng thì đắt như vàng ấy. Chẳng hiểu sao cá lại đắt hơn thịt rất nhiều lần. Mà lũ con vẫn ko hào hứng, chỉ là do mẹ bắt phải ăn 1 lần/tuần thôi. Muốn chúng ăn cá thì bữa đó chỉ có cá, chứ chêm tý thịt vào thì cá còn, thịt hết.
Nhưng cái món cá 1 nắng này, sau khi tẩm ướp muối, đường, ớt bột, chỉ chừng 2h thôi. Rồi treo lên hong gió, 1 ngày sau là nó quánh lại, dẻo, trong suốt ấy. Trong suốt thì hơi quá, nhưng nhìn miếng cá như tươi mới, thịt chắc lại.
Để thưởng thức nó thì nhanh, cực nhanh, phết chút dầu ăn lên bề mặt, đút vào nồi chiên ko dầu. Nhấn 180 độ, 10 phút, lật mặt, 12 phút tiếp. Thế là xong đấy! Cơm nóng, cơm nguội, chẳng có gì khác, ngoài miếng cá nướng, đảm bảo ngon. Không ngon không viết bài nữa!
Cơm thuần Việt!
Người Việt không ăn cơm Việt, thì ăn gì? Nhưng thuần Việt ở một nơi dặt Tây thì là 1 vấn đề, nó luôn làm những người con xa quê hướng tới.
Nếu sáng bánh mỳ( ko phải bánh mỳ VN nhé!), trưa mỳ, thì tối chỉ muốn nhịn. Biết làm sao khi cha sinh mẹ đẻ đã chỉ biết đến cơm, cháo từ hạt gạo. Một đứa trẻ sinh ra từ làng, nó như được chui ra từ cánh đồng lúa. Nó biết đầy đủ quá trình từ hạt thóc nảy mầm, được gieo xuống, lên thành cây mạ, rồi lại nhổ lên, cấy xuống ruộng. Tháng tháng ngày ngày qua đi, nó lại hình thành lên hạt thóc mới. Nhưng mùi thơm của mùa vàng, rơm rạ, khói bếp lam chiều, hơi cơm mẹ nấu nó in hình trong tâm khảm mỗi con người. Nên cơm Việt là cơm mẹ, là thứ tạo nên tâm hồn và chất con người Việt.
Còn món canh cua, trám ngâm mắm, tôm rang, lạc bọc muối mắm đường kia, nó đưa ta về ngay với quê mẹ. Cua đồng này đến từ Ý, rau mùng tơi là những cọng cuối cùng trước khi đón mùa đông đến, trám kia phải gửi từ quê nhà, tôm thì đông lạnh thôi. Nhưng "đại tiệc" này nó sẽ ngon không thể so sánh với salami, spaghetti..., vì nó là món Việt chỉ dành cho người Việt!
LÀM GÌ CŨNG NÊN CHỌN NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM!
"Điểm yếu cốt t.ử của người khiến họ không thể có sự nghiệp, không lọt được vào m.ắt quý nhân để có cơ hội chính là tính TRÁCH NHIỆM. Một người lớn tuổi, giàu có, quyền lực cao chọn 1 người kế nghiệp, một hạt nhân trẻ để đào tạo, tín cẩn....dựa chủ yếu vào tính trách nhiệm của người trẻ đó.
Qua vài lần thử thách, người có tính trách nhiệm sẽ thể hiện rất rõ, còn người sống 2 m.ặt hoặc chỉ vì lợi ích của cá nhân mình thì cũng sẽ thể hiện ra ngay.
Hãy chọn vợ chọn chồng, chọn bạn, chọn nhân viên, chọn sếp, chọn lãnh đạo, chọn người sống quanh mình là những người có trách nhiệm, và chúng ta sẽ cùng nhau đi lên. Một dân tộc sống có trách nhiệm với nhau sẽ khiến xã hội rất đáng sống, và sẽ giàu có phồn vinh nhanh chóng" - Triết gia Kitarō Nishida
Bánh bao!
Là bánh bao thật chứ không phải "bánh bao" theo kiểu ăn được bao nhé!
Budapest đã thực sự chuyển mùa với cơn mưa dai dẳng từ trưa, rả rích như chẳng muốn ngớt. Kéo thêm cái lạnh như càng se sắt, buồn. Ngẫu hứng làm mấy cái bánh, để sưởi cái không gian bếp, và ấm cái bụng của mấy đứa nhỏ.
Vỏ bánh làm hoàn toàn với sữa, bơ, đường và men tự nhiên, nên nó xốp mềm. Thịt, miến, mộc nhĩ, lạp xưởng, tiêu sọ là nguyên vị Việt nam rồi, hành tây chỉ thêm cho thịt đỡ khô thôi. Xa Tổ quốc mà làm được cái bánh bao, nóng hổi vừa thổi vừa ăn, cảm giác cũng chẳng khác gì đêm đông Hà nội được ôm cái bánh nóng bằng hai bàn tay cho đỡ lạnh.
Luôn nhớ về Hà nội!
Bánh khảo của miền bắc, bánh in của miền nam.
Khi chinh phục được bánh trung thu, tâm hồn tự nhiên lại "treo ngược" với bánh này. Khi còn bé, Tết nào bà nội cũng mua mấy phong bánh khảo, gói ni lông màu đỏ hoặc màu hồng đậm, để đi lễ chùa hoặc đặt lên ban thờ mấy ngày Tết. Chẳng hiểu sao, cái thuở thiếu đủ thứ ấy thì cái gì cũng thấy ngon hết. Bánh xốp, thơm mùi bột nếp, ngọt vừa vừa, hương tinh dầu bưởi, cài giữa 2 lớp là vệt đậu xanh. Về sau này khi túi tiền rủng rỉnh để mua bánh khảo thì nó lại không còn thèm thuồng nữa. Rồi các bánh khác, hấp dẫn hơn, mới lạ hơn được ra đời, nó vắng dần ở chợ Tết.
Nhưng khi xa quê rồi, mọi ký ức cứ thế, lần lượt hiện về, với những nỗi nhớ nhung cứ vơi đầy. Nên mình cứ muốn thử làm nó, thưởng thức nó. Phần nữa, không muốn con cháu quên đi nơi nó cần hướng về.
Thu đến, rồi thu sẽ qua, nhưng mọi ký ức của mình đều có bóng dáng của bà nội, người thổi vào mình tình yêu thiên nhiên, nguồn cội và tình người.
Xôi vò với chè hoa cau!
Một ngày mưa và khá lạnh, vì hôm qua có cơn bão vừa đi qua, nhiệt độ dưới 10 rồi. Đã cần tới cái áo dày hơn để đủ ấm, thêm cái khăn quàng cổ nữa. Cái tiết thu làm cho mình càng nhớ quê, nhớ cái quán bán xôi chè gần nhà bố chồng, ở chợ Thành công. Cũng chưa chắc nơi đó bán món xôi chè ngon nhất Hà nội, nhưng chị chủ quán thì rất dễ thương, cười hiền, khuôn mặt phúc hậu, và đặc biệt rất yêu chiều khách. Lũ nhỏ lúc nào cũng muốn được mẹ cho ra đó thưởng thức, vì bác cứ hỏi ăn xôi nữa ko? Bác thêm cho, chứ bác không lấy thêm tiền đâu mà lo. Đôi khi món ăn ngon thêm, cũng vì cả cái tình người chất chứa trong đó.
Thỉnh thoảng mẹ chúng cũng yêu chiều, làm lại những món xa quê là nhớ, để đỡ nhớ hoặc không quên, cái gọi là GỐC RỄ hay CỘI NGUỒN. Nuôi dưỡng tình yêu của hậu duệ dở tây dở ta đối với quê hương, nhất định phải có ẩm thực chêm vào.
Món ăn như hồn cốt của người Hà nội, phong vị rất đặc biệt và tinh tế.
Đốt lò nóng lắm, chơi trò khác!
Cần phải làm cái áo cho em tai nghe, mua thì dễ, nhanh, nhưng bản thân cứ thích tự "vẽ việc". Nó ra đời chỉ sau 30 phút thôi, ngầu phết!
Bánh cam!
Ngày xưa, khi cuộc sống còn thiếu thốn đủ đường, nhưng đêm giao thừa bà nội vẫn làm bánh rán. Trời tiết tháng chạp, được ăn cái bánh nóng hổi, ấn tượng khó phai lắm.
Mình nhớ hồi đó cái bánh nó dẹt cơ, nhiều vỏ, ít nhân. Mà nhân cũng không được nhuyễn như bây giờ, nhai vẫn đá phải hạt đỗ còn nguyên. Còn bây giờ mọi phương tiện đầy đủ hiện đại, loáng cái đã xong nhân bánh, và thơm ngon.
Tập trung mấy chị em, nhào nhào, nặn nặn, rán rán, lật lật, ra nguyên rổ bánh, tròn vo, phồng đẹp, giòn tan nữa chứ. Chủ nhật ý nghĩa cho lũ con cháu đang xa Tổ quốc.
Bạn than vất vả?
Bạn than đời bất công?
Bạn than mình không có cơ hội? Không được trao cơ hội? Làm gì cũng hỏng!
Khởi nghiệp sao lắm gian truân, bỏ đi, bỏ đi...
Không thích công việc mình đang làm?
Lương thấp quá! Làm nhiều quá! Chán quá!
Sếp hà khắc quá, bossy quá, political quá...
Bạn nói bạn chán ghét cuộc sống?
Bạn không thích gia đình mình?
..
Một bức ảnh hơn VẠN LỜI NÓI!
Hãy nhìn bức ảnh này rồi bạn thử ngẫm nghĩ: mình có ĐANG MAY MẮN HƠN những số phận như người đàn ông này!?
Việc đó có làm cho bạn thầm BIẾT ƠN điều BẠN ĐANG CÓ?
Chúc bạn một ngày hạnh phúc, an lành và THÊM BIẾT ƠN!
P/S: Có thể nhiều bạn sẽ nói: “ờ thì cơn mưa ngang qua thôi mà! Làm gì đâu nghiêm trọng?”. Ồ, vậy là bạn chưa học được thói quen biết ơn cuộc sống! Thói quen quan trọng để tạo ra nhiều sự may mắn! Thân
(Thái Phạm - Founder Happy.Live)
Bánh trung thu chay!
Mình không phải là đầu bếp và cũng không phải là thợ bánh chuyên nghiệp, mình chính là 1 cô giáo "mất dạy", tràn ngập tình yêu với bếp núc thôi.
Lúc mới bắt đầu dịch bệnh thì con mình nhớ bánh Trung thu, vì cắt đường bay, không có viện trợ từ quê nhà. Chúng thúc giục mẹ làm đi! Và đúng là liều ăn nhiều đấy, may mà nó thành công ngay từ lần làm đầu tiên. Càng lọ mọ thì càng thêm được kinh nghiệm, và cứ thế thể hiện.
Nhưng rồi đến lúc "bị" mọi người biết tên, lại có những đặt hàng đặc biệt, đó là bánh chay. Mà bánh chay thì không có trứng, mỡ muối, lạp sườn, sao mà ngon, đẹp được. Nhưng đến nay thì bánh chay của mình vẫn ngon và đẹp, rất lấy làm hoan hỉ.
Đến hẹn lại lên!
Nói thật, năm nay Châu âu khủng hoảng đa phương diện, mà có 1 trong những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm hứng làm bánh của mình, đó là giá cả và đặc biệt nhiên liệu đốt tăng. Nhưng mà rồi cứ có những mối lương duyên nên vẫn cứ phải nổi lửa. Mặc dù cả đêm mất ngủ, đứng làm nhân mà chân cũng buồn ngủ. Lên giường nằm là định đào tẩu luôn, bỏ hết ... bỏ hết cho người....bỏ luôn mắt môi nụ cười. Thế rồi lại có những cuộc điện thoại năn nỉ, ỉ ôi, lại vục dậy hành xác.
Và thế là, bánh vẫn phải ra lò, vì Trung thu vẫn đến.
Từ vườn vào bếp!
Mướp đắng (khổ qua) xào trứng.
Caramen tan chảy!
Về VN phải sắm ngay cái cốc inox để thoả mãn khi làm món này, chứ ko mang cả cái khay chữ nhật hay tròn, cả đội ngồi "phá", nó cứ sao sao ấy!
Và em ấy đây, thơm, béo ngậy và mãn nhãn!
Bữa cơm màu dân dã!
Ở trời Âu trồng được mấy cây lá lốt, tía tô, nên cũng cố gắng hưởng thụ cái vị quê nhà. Mua thêm mấy quả cà tím, vài miếng đậu phụ, chút thịt ba rọi cháy cạnh, thế là trên bàn ăn cũng đượm mùi, màu và êm cái thú ẩm thực. Nhưng nó còn đặc biệt hơn nữa vì nó được nấu với mẻ và cả chút mắm tôm nữa đấy! Chẳng có gì khó, chỉ cần có đam mê thôi nhỉ?
Và đây cũng là bữa ăn đầu tiên trong ngày, vì để đảm bảo sức khoẻ cho ngày làm việc, nên sẽ là bữa ăn chính. Cơm trắng, cà b**g, cá kho, thêm chút dưa vàng tráng miệng, còn ấm trà xanh nữa chốt hạ sau khi kết thúc bữa nữa. Chuẩn con bà Chỉnh nhỉ?
Phở gà tây ngon như gà ta!
Thịt gà là đặc sản của nước Hungary, và làm thoả mãn cái cơ sự thích nấu ăn của mình. Ngày xưa, hồi những năm 1990, đi học và đi làm ở Nga, đi cửa hàng mà thấy đùi gà của Hungary là khỏi cần nghĩ, mua luôn. Khi tới đây định cư, còn khám phá ra cơ man các loại gà khác nữa, đúng là xứng tầm đặc sản.
Con gà đẻ rồi, thì hơi dai với các bạn tây, chứ khoái khẩu của các bạn VN. Cùng dòng này nhưng con đóng túi bán ở siêu thị, chất lượng đúng là dai, rất dai. Nhưng mua ở chợ thì còn cả chân, lẫn đầu, và chất thì dai vừa, ngọt, thơm.
Lũ con dở tây dở ta của mình, nói tiếng tây tốt hơn tiếng mẹ đẻ, nhưng ăn thì món Việt là muôn năm. Mình cũng chỉ mong, khoẻ để có thể nấu món cũ ngon hơn và món mới cũng Việt hơn cho chúng, để ký ức về quê hương luôn tròn đầy.
Mặc dù mình không sinh ra ở Hà nội, nhưng gần như tuổi thơ và 1 phần rất to của tuổi trẻ đã gắn bó ở đây. Đủ để ngấm cái hồn của Hà nội qua từng món ăn, từng ngõ phố.
Phở gà, bún thang luôn được tái hiện trong căn bếp nhỏ của mình. Hương và vị đã được nhiều Hanoiers đến đây nhận xét, chuẩn vị Hà thành. Niềm vui cũng làm cho mình luôn cố gắng hoàn thiện chúng, cảm nhận chúng và gửi gắm tình yêu ẩm thực.
Cũng hạt mùi rang thơm, thảo quả, gừng và hành nướng, vẫn xái sùng rang vàng, lá chanh tươi VN. Chỉ quan trọng là định lượng là bao nhiêu thôi.
Mùa đông giá lạnh hay mùa hè ấm áp thì món ăn này vẫn được chào đón nhiệt tình.
Thằng con zai mang hẳn cái khẩu hiệu từ Nga, treo cửa phòng bếp của mẹ. Nên mẹ nó cứ lo giữ tốt sức khoẻ mà thể hiện.
Pi ét: Cái khẩu hiệu kia được dịch là: Nhà hàng "của mẹ", phục vụ (như ngựa), từ 7h sáng đến người khách cuối cùng.
Kattints ide a szponzorált hirdetés igényléséhez.
Kategória
a közszereplő elérése
Weboldal
Cím
Budapest
Personalized Cooking/Coffee workshops for teams, friends and families. Aywhere in the world :)