Kỹ sư hay mơ mộng

Những suy nghĩ của một kẻ luôn nhớ về 10 năm trước và nghĩ đến 10 năm sau

09/04/2024

Cả hai chúng tôi đều khổ, bố tôi khổ vì những nỗi ám ảnh tôi không bao giờ hiểu được. Còn tôi, chưa bao giờ nguôi nỗi khổ do ông đem lại suốt 20 năm đầu đời.

Ngày bố tôi còn sống, gia đình tôi chưa bao giờ yên ổn. Có 1 cảnh tượng từ lúc còn rất rất nhỏ mà tôi luôn nhớ. Là lúc bố mẹ tôi đánh nhau, chính xác hơn là bố tôi đánh mẹ trong khi 4 chị em tôi ôm lấy hai người rồi òa khóc. Bố tôi uống rất nhiều rượu, hầu như bữa nào cũng uống. Sau bữa cơm luôn là những trận chửi bới, đôi khi nhắm vào vài người ông không ưa, đôi khi tôi còn chẳng biết ai là kẻ bị chửi. Tôi đã quen với điều ấy đến mức tôi vẫn nhớ như in những câu chửi lặp đi lặp lại từ ngày tôi còn nhỏ - mặc dù tôi còn chẳng hiểu những câu đấy là gì, kể cả đến bây giờ.

Đáng sợ là, kết thúc những trận chửi, cơn giận luôn luôn đổ lên mẹ tôi. Mẹ tôi rất hay bị đánh, những vết bầm lớn cứ hết lại nổi lên trên cánh tay và bắp chân của bà, thường gây ra do một cây gậy lớn bố tôi tìm được trong nhà. Ác mộng đối với mẹ con tôi chắc chắn là chiếc lưỡi lê, loại dao được gắn lên súng dài của bộ đội ngày xưa, và một thanh tuýp sắt - hai món vũ khí luôn luôn được bố tôi để ở đầu giường. Những trận đánh chửi chắc là lý do khiến mẹ tôi đến giờ vẫn có những cơn đầu đầu mãn tĩnh.

Khi còn nhỏ, trước những trận cãi vã, tôi rất sợ nhưng cũng cam chịu cùng mẹ. Càng lớn, nỗi sợ càng có xu hướng biến thành sự chống trả. Một lần, cơn giận của bố tôi lại đến và ông bắt đầu trút lên mẹ, ông ghì mẹ tôi xuống thành giường, toan giáng xuống một trận đòn thật dã man. Trong khoảnh khắc đấy, giữa rất nhiều hỗn độn, thứ tôi nghe rõ ràng nhất là tiếng kêu thảm thiết của mẹ. Tôi tiến đến, đẩy người đàn ông ra, vung tay đánh trả ông ấy một cái rất đau, khiến ông ngã nhào ra đất. Điều còn lại tôi nhớ của cuộc cãi vã là tiếng hét của mẹ tôi khi bố tôi tiến đến chỗ tôi với chiếc lưỡi lê. Tôi chạy khỏi nhà, thoát khỏi một tích tắc có thể đã là cuối cùng của mình.

Đấy là lý do lớn nhất khiến sau này lớn lên, tôi đã luôn tránh xa đồ uống có cồn, nỗi sợ một ngày tôi trở thành người như bố tôi vẫn luôn ở đấy.

Trước kia tôi luôn ôm một nỗi hận rất lớn cho bố, luôn hỏi tại sao ông muốn những người khác đau khổ. Tôi luôn giữ sự tự ti về gia đình và nỗi bất an của đứa trẻ không lớn lên trong an toàn và bao bọc của cha mẹ. Cơn giận kéo dài đến tận lúc bố tôi đã khuất, tiếng gọi "bố" ở hiện tại đôi khi vẫn khiến tôi thấy ngượng ngùng khi thốt lên. Nhưng suy cho cùng, cả hai chúng tôi đều khổ, bố tôi khổ vì những nỗi ám ảnh tôi không bao giờ hiểu được. Còn tôi, chưa bao giờ nguôi nỗi khổ do ông đem lại suốt 20 năm đầu đời.

Có thể tôi đã tha thứ cho ông ấy, có thể tôi chỉ đã quên khi nỗi sợ không còn thường trực. Nhưng cơn đau vẫn còn dai dẳng mãi, kể cả khi xung quanh những người yêu thương mình vẫn đang cố xoa cho vết thương thôi nhức nhối, tôi vẫn cứ ôm lấy nỗi sợ, rồi khóc mãi, khóc mãi...

20/06/2023

Series "Du" và "Học" - Phần 6.
Những áp lực chỉ "thợ săn học bổng" mới hiểu

Hồi mới tốt nghiệp Đại học, mình đang thực tập tại một công ty khá lớn trong mảng viễn thông. Tính ra con đường sự nghiệp sẽ suôn sẻ nếu chọn đi làm ở đấy vì sếp có vẻ muốn mình làm lâu dài, cũng offer mức lương tương đối tốt với sinh viên vừa tốt nghiệp. Không biết hồi đấy mình nghĩ gì, từ chối công việc đấy, bắt đầu dấn thân vào con đường săn học bổng khi hồ sơ của mình chẳng có gì nổi bật. Gần 3 năm nhìn lại,sau đây là những áp lực mình đã trải qua trong suốt quãng thời gian "nằm im chờ thời" đến lúc có offer học bổng đầu tiên. Bài viết mang tính chia sẻ cá nhân, và mình cũng rất sẵn lòng nếu có góp ý từ mọi người, miễn là thiện chí ạ.

1. Áp lực đồng trang lứa
Thật ra kể cả mình có chọn nộp học bổng hay không thì ở độ tuổi 20-30, áp lực từ bạn bè, người xung quanh là không thể tránh khỏi. "Quarter-life crisis" - khủng hoảng tuổi 20 còn đáng sợ hơn gấp bội với những người chọn lùi một bước, chờ cơ hội tìm kiếm học bổng như mình.
Mình đi làm nghiên cứu trong 2 năm, lương chỉ bằng một nửa so với bạn cùng lớp đi làm ở các công ty khác. Tất nhiên, làm trợ lý nghiên cứu cũng có cái hay là thời gian linh hoạt, mình cũng tận dụng được để làm một số việc khác, học tiếng Anh, chuẩn bị hồ sơ,... Cơ mà nhiều lúc tự hỏi không biết mình có nhận được học bổng không, trong khi lương thì bèo bọt, các bạn đã bắt đầu có những bước tiến trong sự nghiệp - nản lòng vô cùng.

2. Áp lực trong công việc
Rời công ty thực tập, mình chọn làm trợ lý nghiên cứu tại một trường đại học mới mở nhưng mảng học thuật khá tốt. Mình được giao KPI 1 năm 1 bài báo hạng Q2 trong mảng điện tử và xử lý tín hiệu. Không biết ngành khác thế nào, riêng nhóm ngành của mình, để xuất bản được một bài báo nghiên cứu ở hạng cao tương đối khó, cần kinh nghiệm và cực kì chăm chỉ. Biết khó nhưng mình vẫn chọn vì biết đấy là cách nhanh nhất để bộ hồ sơ của mình cạnh tranh hơn.
Ban đầu mình chỉ định làm trong 1 năm, cố đạt KPI để có báo rồi sẽ apply đi học luôn. Ai dè đến tận khi mình nhận học bổng, bài báo của mình mới được công bố (trộm vía hạng Q1), tính ra là gần 2 năm lận. Hồi làm nghiên cứu, ngoài viết báo mình cũng phải theo một số dự án và giảng dạy. Lúc ấy chưa có kinh nghiệm, có một thời gian mình stress kinh khủng vì phải làm việc một mình, bên đối tác giục mãi khiến mình suýt bỏ không làm nghiên cứu nữa. Tất nhiên, cuối cùng mình cũng hoàn thành xong đầu việc được giao, nhưng nghĩ lại vẫn thấy ớn vì hồi ấy khủng hoảng đến mức chiều nào đi làm về mình cũng vừa lái xe vừa khóc 😭

3. Áp lực chuyện tiền bạc
Cái này thì trong suốt 2 năm làm nghiên cứu mình lại may mắn không phải trải qua. Không phải nhà mình khá giả gì, ai đọc series này phần 4 cũng biết nhà mình rất hoàn cảnh, và chỉ khi nhận được 100% học bổng + sinh hoạt phí mình mới có cơ hội đi du học. Lý do là gia đình rất tôn trọng quyết định và lựa chọn của mình, thành ra, chỉ cần không phụ thuộc kinh tế vào gia đình thì mẹ mình vẫn ủng hộ. Cũng may, lương nghiên cứu tuy thấp so với đi làm công ty, mình vẫn đi dạy thêm trong suốt 2 năm nên cũng không gặp khó khăn gì về chuyện tiền nong.
Mình kể về áp lực này vì biết rất nhiều bạn trong quá trình gap year chuẩn bị nộp học bổng ít nhiều gặp khó khăn trong chuyện tiền bạc, đôi khi bỏ dở vì kinh tế không cho phép. Cơ mà nếu có động lực đủ lớn thì các bạn sẽ nghĩ ra cách thôi ấy mà.

4. Áp lực học tiếng Anh
Cái này mình thấy khá nhiều bạn gặp phải, khi hồ sơ nhiều điểm mạnh, hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ rất gì và này nọ nhưng lại không thể apply các chương trình vì thiếu chứng chỉ tiếng Anh. Hồi trước mình cũng thế, mình từng bỏ lỡ 1 chương trình rất thích chỉ vì không thi kịp IELTS, mấy năm mình gap year cũng là thời gian dịch bùng phát nên thi cứ bị lùi lịch mãi.
Ngoài ra, với một tá công việc phải làm, việc sắp xếp thời gian học tiếng Anh cũng khiến rất nhiều người nản chí, chưa kể tự học (như mình) còn thiếu động lực hơn rất nhiều. Mình may mắn khá thích học ngôn ngữ, thời gian làm nghiên cứu linh hoạt nên mình cũng cố gắng duy trì việc ôn luyện mỗi ngày. Nói thế chứ mình cũng chỉ kịp thi chứng chỉ đâu đó hơn 2 tháng trước deadline học bổng, trộm vía mọi thứ cũng ổn, không gặp biến cố gì.

---------------------------------------
Mình trải qua 2 năm với rất rất nhiều lần cảm thấy khó khăn không thể bước tiếp, cảm giác bị tụt lại phía sau những người bạn đồng trang lứa. Hành trình tìm kiếm học bổng rất dài, rất cô đơn, chẳng ai đong đếm được bao nhiêu lần chỉ muốn ngồi sụp xuống khóc nức nở cho những lúc chạm đáy. Thế nhưng, sau cùng, kiên định và ghi nhớ những điểm rơi trong hành trình ấy sẽ là những bước nhỏ nhưng tịnh tiến đều đến kết quả học bổng, mọi thứ rồi cũng sẽ ổn hết ấy mà.
Chia sẻ thêm về 3 học bổng toàn phần mình nhận được sau quãng thời gian đầy áp lực: học bổng thạc sĩ trong nước VinIF 2021, học bổng ngành Electrical Engineering của Paris Sacley 2022, học bổng Erasmus Mundus ngành Smart Systems and Integrated Solutions 2022. Phải nhắc thêm là việc nhận học bổng cũng chỉ là bước đầu, kết thúc chuỗi áp lực trong thời gian chuẩn bị, nhưng lại mở ra một series áp lực với cả up cả down khi đi học xa nhà. Có thời gian mình sẽ chia sẻ thêm nhé ạ.

Ảnh mình chụp ở trung tâm thành phố Oslo, Nauy mấy hôm trước

19/06/2023

Nửa đêm,
Bắc bán cầu trời vẫn còn chưa tối
Phần Lan không ngủ được,
Ánh mắt nhìn ra phía chơi vơi...
Hà Nội người ta chắc đã ngủ hết rồi
Ai còn thức giờ này làm gì đâu em nhỉ?

Đêm nay,
Bài hát buồn bỗng khiến anh thấy nhớ
Những câu chuyện dài giữa đêm mình không ngủ
Em đã kể rất nhiều, ta như hai đứa nhỏ
Có lúc nào trong hôm ấy
Ta đã nghĩ mình sẽ có lúc xa nhau?

Đêm nay,
Nơi Bắc bán cầu nửa vòng trái đất quay
Anh vẫn tự hỏi những người ở dãy nhà phía trước
Rằng có ai đang vui, có ai đang thổn thức?
Chỉ là vẫn dưới hình hài của những kẻ an nhiên

Đêm nay anh ở đây
Hà Nội vẫn cách anh 8000 cây số,
Em đang ở thật xa, còn anh thì đang nhớ
Những đêm rất dài,
Và ta từng là hai đứa trẻ con

20.06.2023
Espoo 0.15

17/06/2023

Đừng tốn thời gian học tiếng Anh nữaaaaa

Mình đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về phương pháp sai khi học bất cứ ngôn ngữ nào - thiếu căn bản. Mình có quãng thời gian tự học tiếng Anh tương đối dài, tính ra suốt những năm học Đại học mình đã tự trau dồi khả năng học ngoại ngữ, chỉ khi tốt nghiệp mình mới bắt đầu ôn luyện theo các chứng chỉ Toeic, IELTs.

Dù thế, mình tự thấy việc không qua các lớp, trung tâm tiếng Anh của mình cực kì có giá trị, tất nhiên kỉ luật và sự chăm chỉ luôn luôn là chìa khóa để mình không bỏ cuộc giữa chừng. Chính thời gian tự luyện ngữ pháp, phát âm và học rất nhiều từ vựng đã là nền tảng cực kì tốt để lúc mình bắt đầu học theo các format TOEIC hay IELTS, mọi thứ trở nên suôn sẻ và tốc độ cải thiện của mình cũng nhanh đáng kể.

Thế nên bất kể ai ở mức độ sơ cấp nhắn hỏi mình phương pháp học tiếng Anh, mình đều khuyên nên học từ những thứ cơ bản nhất. Tất nhiên, các bạn hoàn toàn có thể tự học mà vẫn có thể lên trình nhưng nhắc lại là kỉ luật và chăm chỉ thì không bao giờ là thừa nếu như không muốn quá trình học bị gián đoạn.

Để tóm lại nội dung của post này, mình dự định sẽ mở một khóa tiếng Anh sơ cấp, tập trung vào những nội dung cực kì căn bản nhưng rất rất quan trọng để bắt đầu. Khóa học dành cho những bạn chưa có nền tảng, hoặc đã có kiến thức nhưng quá trình học lên trình độ nâng cao chậm (do phần cơ bản bị hổng).

-----------------------
Thông tin người dạy (chính là mình haha):
- Có kinh nghiệm dạy, tổ chức lớp tiếng Anh từ hồi học Đại học.
- Phát âm nắm chắc 44 âm trong bảng phiên âm IPA
- Ngữ pháp chắc chắn: phong cách dạy ngữ pháp của mình là theo hướng hiểu - áp dụng, không nặng nề nhớ công thức.
- Có thời gian học tập tại Phần Lan và Na Uy - những nước nói tiếng Anh top đầu của châu Âu.

----------------------------------------
Thông tin lớp học:
- 2 buổi/ tuần vào thứ 4 và thứ 7. (21h30-23h)
- Hình thức học: online trên nền tảng Zoom hoặc Teams
- Thời gian: 21/6 - 21/8
- Trao đổi bài tập, thắc mắc sau giờ học: zalo

-------------------------------------
Yêu cầu:
- Chăm chỉ và kỉ luật: ghi chép, làm bài tập, luyện nói.
- Không bỏ học.

----------------------------------
Mọi thông tin khác mọi người inbox qua messenger hoặc qua zalo nhé. Nhân tiện, ai đã từng làm việc/học với mình thì cho mình review, seeding mạnh vào để tăng tình cảm đồng chí nhé ạ. ❤

28/04/2023

Hello, đợt này mình có tham gia cuộc thi tìm ra đại sứ học bổng Panasonic, cũng là học bổng toàn phần đầu tiên mình nhận hồi học Đại học. Nhờ mọi người giúp like page, like và comment vào bài viết gốc nhé ^^
Nhân tiện, nếu bạn nào muốn ứng tuyển năm nay (hiện đã mở đơn) cứ mạnh dạn liên hệ mình nhé.

🎓Hoàng Văn Nhất – Thạc sĩ Đại học Nam Nauy – Sinh viên nhận Học bổng Panasonic 2017🎓
------------------------
“Những thời khắc tồi tệ làm nên con người bạn"
Năm 2017, tình cờ nhìn thấy thông tin học bổng Panasonic, mình đã tự tin ứng tuyển trong khi hồ sơ chẳng có gì. 6 năm sau nhìn lại mới thấy chính sự dũng cảm ấy đã mang đến cho mình rất nhiều thứ, tất nhiên là cả học bổng Panasonic - dấu mốc đầu tiên cho sự cố gắng của bản thân.
Chào mọi người, mình là Nhất - mình đã nhận học bổng toàn phần của Panasonic vào năm 2017. Khóa của mình chương trình vẫn còn giới hạn cho sinh viên nhóm ngành kỹ thuật, và cũng chỉ 10 người được chọn để trao học bổng. Hồi đấy mình mới là sinh viên năm nhất của trường Đại học Công Nghệ, ĐHQG Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, động lực lớn nhất của mình lúc ấy chỉ là học để tìm kiếm một cơ hội đổi đời, để bớt gánh nặng cho mẹ - người đã hy sinh rất nhiều để hai anh em mình có cơ hội học Đại học. Mình đọc được thông tin về chương trình học bổng của Panasonic khi vừa hết học kì đầu, ngoài điểm số khá ổn thì bộ hồ sơ của mình hoàn toàn lép vế trước rất nhiều ứng viên từ khắp các trường Đại học trên toàn quốc. Thế mà mình đã dám chuẩn bị toàn bộ giấy tờ trong vòng một ngày rồi tự tin nộp hồ sơ theo diện sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cho chương trình.
Mình trải qua 2 vòng phỏng vấn khá đáng nhớ khi cả hai đều diễn ra sau tiết học trên trường. Lần đầu ngồi trước hai chị phỏng vấn, mình đã bật khóc khi được hỏi về gia đình, hỏi về mẹ và những khó khăn mình gặp phải tại thời điểm ấy. Lần phỏng vấn thứ hai diễn ra ở trụ sở của Panasonic ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, mình tranh thủ bắt xe buýt sau tiết học sáng, rồi mượn xe đạp của người thân ở Đông Anh, đi khắp khu công nghiệp giữa trời nắng để tìm đến chỗ phỏng vấn. Nghĩ lại thấy bi hài, thế nhưng chính những thời điểm như vậy lại càng khiến việc mình trở thành ứng viên miền Bắc duy nhất năm ấy có cơ hội nhận học bổng trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết. Ngày hôm ấy, mình đã rất chắc chắn mình đã nắm trong tay một cơ hội đổi đời, một phép màu được trả giá hơn hết bằng rất nhiều nỗ lực và kiên trì không ngừng nghỉ.
6 năm qua mình đã luôn cố gắng, mình miệt mài đi dạy thêm kể cả có học bổng hỗ trợ cho mình toàn bộ chi phí sinh hoạt và học phí. Mình tự học tiếng Anh, chăm chỉ làm nghiên cứu, mình tự tin ứng tuyển những chương trình học bổng thạc sĩ danh giá. Mình trúng học bổng 3 toàn phần bao gồm chương trình thạc sĩ trong nước của VinIF, thạc sĩ ngành kỹ thuật điện của Paris-Sacley học ở Pháp, và chương trình thạc sĩ ngành Hệ thống thông minh của Erasmus Mundus học ở 3 quốc gia châu Âu. Có được những thành tựu đáng kể, mình chưa bao giờ thôi tự hào về dấu ấn đầu tiên trong con đường học tập – chính là việc nhận học bổng Panasonic.
Chặng đường dài thật dài, bản thân mình cũng luôn không ngừng cố gắng, để những thời khắc tồi tệ ở hiện tại sẽ trở thành mảnh kim tuyến đính trên chiếc áo của sự tự hào sau này. Đấy cũng là câu trả lời cho câu hỏi: “Nếu trở thành đại sứ cho học bổng Panasonic, bạn sẽ làm gì để lan tỏa những giá trị tốt đẹp?” – không ngừng cố gắng và luôn tin vào những điều bản thân đang chiến đấu!
Một lần nữa cảm ơn Panasonic, cảm ơn vì đã cùng mình chứng kiến quá trình mình trưởng thành từ những ngày đầu tiên!
------------------------------------------------
- Hướng dẫn bình chọn cho bài thi yêu thích:
• Bước 1: Like page "Panasonic Vietnam Group Careers"
• Bước 2: Like, Thả tim hoặc Chia sẻ tác phẩm ở chế độ công khai để bình chọn (Lưu ý: lượt share sẽ không được tính nếu chưa like fanpage “Panasonic Vietnam Group Careers")
- Cách thức tính điểm
+ 1 lượt “Thích” = 1 điểm
+ 1 lượt “Bình luận” = 2 điểm
+ 1 lượt “Chia sẻ” = 3 điểm
—--------------------------------
📌Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
📌 Văn phòng Học bổng Panasonic: Lô J1-J2, Khu công nghiệp Thăng Long, Huyện Đông Anh, Hà Nội
[email protected]
024-3955-0111, ext. 1310/ 1204

25/04/2023

"Tôi không biết ơn cái xích chó, tôi biết ơn vì đã vượt qua và cho nó một ý nghĩa"

Ngồi nghe một tập Have a sip khác với khách mời là Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, bàn về khổ hạnh, và nội lực bên trong con người. Chị Mai có chia sẻ một câu chuyện đại ý như này:
Có một người sống trong một gia đình bất hạnh, bị bố mẹ bạo hành. Anh ta kể về việc bị bố ngược đãi, dùng xích chó xiết quanh cổ khi còn nhỏ. Thành ra, khi nghe ai đó nói "Tôi biết ơn những khổ hạnh mình đã trải qua vì nó khiến tôi trở thành một con người mạnh mẽ", anh ấy không bao giờ biết ơn những trải nghiệm kinh khủng đấy cả. Tôi không biết ơn cái xích chó, tôi biết ơn vì đã vượt qua nó và biến nó trở thành một điều có ý nghĩa.

Lại quay về chuyện khổ hạnh, hôm qua mình và các bạn trong lớp đã ăn tối cùng với những bạn người đạo hồi, kết thúc "Tháng nhịn ăn" - Ramadan. Mình cực kì tò mò về việc những người bạn của mình đã thực sự "sống sót" sau 1 tháng dài không được phép ăn, thậm chí là uống nước trước hoàng hôn, đặc biệt là khi mặt trời ở Na Uy có thể đến 9h mới lặn vào mùa này. Câu hỏi đặt ra trong đầu mình, rằng niềm tin của họ khủng khiếp đến mức nào để sức mạnh nội tại có thể chiến thắng những "khổ hạnh" về mặt thể xác?

Hôm trước, mình ngồi nói chuyện với một bạn người Yemen, về câu chuyện niềm tin và những nỗi khổ trong tiềm thức. Bạn mình, và tất cả những người theo đạo hồi khác đều đặn sẽ thực hành cầu nguyện 4-5 lần một ngày, mỗi lần kéo dài 2-3 phút và niềm tin của họ rất rất lớn. Mình chia sẻ về quãng thời gian khủng hoảng tâm lý đến mức trầm cảm của mình, rồi hỏi liệu có bao giờ bạn mình đã từng mất phương hướng? "Những người không còn chỗ nào để neo vào là những người không có một chút niềm tin" - đấy là câu người bạn của mình đã trả lời.

Ở góc độ nào đấy, với những khác biệt về góc nhìn, văn hóa, về việc phải sống cho bản thân đầu tiên, ưu tiên của mình đặt lên trên tất cả, mình vẫn thấy đôi khi niềm tin quá lớn cũng không hẳn là tốt. Đơn cử mình có hỏi về những người đồng tính ở các quốc gia theo đạo hồi sẽ không được phép kết hôn, thậm chí - không được phép có những ý nghĩ yêu một người đồng giới khác. Vì chúa của họ cho rằng đó là điều sai trái, và niềm tin với chúa là tuyệt đối, chắc chắn hơn rất nhiều so với những nhu cầu mang tính cá nhân - cho nên không được phép!

Lại nhắc đến câu hôm trước "Forge meaning, build identity". Cái xích chó, 30 ngày nhịn ăn, nhịn uống trước hoàng hôn, hay niềm tin vào chúa lấn át cảm xúc cá nhân về tình yêu với một người đồng giới - thực ra là quá trình rèn dũa nội lực để những nỗi khổ hạnh được đính kèm với một ý nghĩa nào đó. Tức là, kể cả những điều khủng khiếp nhất, những nỗi đau đớn tột cùng - khi đã có niềm tin đủ lớn, cũng trở thành một bước đi có chủ đích trong tiềm thức của kẻ tưởng chừng như đang quằn quại.

Suy nghĩ cứ lẫn lộn mãi, không có bài học nào được đưa ra hôm nay cả.
Ảnh mình chụp tại Phần Lan hồi mùa thu năm ngoái

21/04/2023

Series "DU" và "HỌC"
Phần 6 - Những bài học mình nhận ra khi đi du học

Tháng 8/2022, đáp chuyến bay xuống sân bay Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, ngắm bình minh trong cái hơi lạnh nhè nhẹ, mình đã tranh thủ viết một vài dòng: "Châu Âu giống như một giấc mơ, tôi chỉ vừa bắt đầu chuyến hành trình. Có đẹp đẽ hay không, phải chờ thêm thật lâu nữa". Những điều mình sắp chia sẻ, như mọi lần, hoàn toàn mang góc nhìn cá nhân, và có khi cũng chỉ đúng ở thời điểm hiện tại. Nếu có thêm những trải nghiệm khác, mọi người cứ chia sẻ ở đây nhé.

1. Muốn có kim cương không chỉ cần áp lực

Mình thực sự shock khi kỳ học đầu tiên tại Phần Lan chỉ kéo dài 4 tháng từ tháng 9 đến giữa tháng 12. Mình phải học 7 môn và khối lượng công việc khổng lồ khiến một người từng tự tin vào khả năng quản lý thời gian như mình cũng cảm thấy có chút khủng hoảng. Cụ thể, mỗi môn học mình sẽ phải làm bài tập cá nhân hàng tuần (viết báo cáo hoặc làm bài tập tính toán) và làm các project nhóm (mỗi môn có khoảng 1-2 đề tài nhóm vào trước khi thi giữa kì và cuối kì). Mặc dù đôi lúc hơi mất cân bằng nhưng may mắn mình vẫn kiểm soát được mọi thứ nhờ thay đổi phương pháp học. Mình dành nhiều thời gian tự học, làm việc cùng bạn với những bài tập khó, phân bố thời gian cho công việc cá nhân và công việc chung cho các project nhóm...
Bù lại, quãng thời gian sấp ngửa với deadlines giúp mình học được rất nhiều kỹ năng, mình cũng dạn dĩ, tự tin và có trách nhiệm hơn với những việc mình phải làm.

2. Vấn đề của bạn sẽ không được giải quyết nếu bạn bỏ chạy

Trước khi bay, mình đã có một số vấn đề về tâm lý khá bất ổn. Mình đã kỳ vọng việc chuyển sang sinh sống tại một quốc gia khác có thể sẽ là giải pháp cho những gì mình từng trải qua ở Việt Nam. Thế nhưng 2 tuần đặt chân đến Phần Lan, mình đã có những lúc suy sụp tột độ, thậm chí phải tìm đến phòng tâm lý ở trường. Nói thêm chút là ở Phần, việc hỗ trợ tâm lý cho sinh viên được tổ chức rất tốt và hoàn toàn miễn phí, đa phần là do tỉ lệ trầm cảm cao do yếu tố thời tiết tại quốc gia này.
Ngoài ra, những vấn đề như nhớ nhà, nhớ đồ ăn Việt Nam, nhớ nhịp sống nhanh và vội cũng khiến thời gian đầu du học có đôi chút bỡ ngỡ. Mình may mắn vượt qua được quãng thời gian khủng hoảng bằng cách cân đối lại nhịp sinh hoạt, kết bạn và hòa nhập với những người khác trong chương trình. Thế mới nói, nỗi buồn ở vùng trời nào thì cũng sẽ như nhau.

3. Học được gì từ những lần shock văn hóa

Mình có một chuyện hài hước thế này, hồi mới nhập học, mình và một bạn người Việt trong lớp đã không ít lần vô thức đứng dậy chào giảng viên khi giáo mới bước vào lớp. Đợt đầu, mỗi lần gửi mail cho giáo, mình có một format quen thuộc "Dear sir/madam,...", dùng những từ ngữ trang trọng nhất vì đấy là phong cách mình đã được dạy ở Việt Nam rất lâu trước đó. Về sau mới phát hiện, khoảng cách giữa sinh viên và giáo viên ở đây (Phần Lan, Na uy) gần như không tồn tại. Với mình, thứ quan trọng hơn những câu từ đao to búa lớn thật ra là thái độ tôn trọng nhau, tương tác thoải mái nhưng có chừng mực để công việc vẫn đạt kết quả tốt.

4. Trải nghiệm đa văn hóa vô cùng thú vị

Cuộc sống mới không gây cho mình quá nhiều khó khăn để thích nghi, thậm chí mình còn rất tận hưởng những gì ở Phần Lan. Mình thích cách các bạn cùng lớp chia sẻ về câu chuyện cá nhân, cách mọi người giúp đỡ nhau trong quá trình học. Mình tận hưởng thời gian giữa căn bếp vỏn vẹn 15m2, có khi có tới 3-4 nền văn hóa đan xen. Từ đó, mình học cách trân trọng sự khác biệt, trân trọng những thứ mới mẻ bởi những điều quý giá sẽ càng trở nên đẹp đẽ nếu con người nhận ra, và trân trọng.

Nhân tiện, mình xin phép chia sẻ một sự kiện có mình và những anh, chị đã, đang học tại các châu lục khác nhau tham gia vào 22/04 tới theo hình thức webiner. Với chủ đề "Quốc tế - nhiều "vị" thế", mình sẽ chia sẻ các góc nhìn cá nhân về việc du học, về trải nghiệm du học của bản thân. Nếu các bạn quan tâm thì đăng ký ở đây ạ: https://cutt.ly/trainghiemquocte1

Có rất nhiều điều mình học được trong những tháng vừa qua ở châu Âu. Có những điều mình mất đi, tiếc nuối, có những lúc khóc, cười tưởng chừng như phải dừng lại. Thế nhưng mình vẫn kiên cường ở đây, và cuộc sống ở nơi này vẫn tiếp diễn, hay một nơi nào đó cách mình 7500 cây số - cuộc sống đâu có dừng lại. Châu Âu vẫn là một giấc mơ, bước tiếp thôi, dũng cảm lên nào!
------------------------------------------------------
Ảnh mình chụp sảnh tại trường USN

19/04/2023

"We cannot bear a pointless torment : but we can endure great pain if we believe that it's purposeful."
Suốt những năm lúc mình còn nhỏ, trải qua không biết bao thời khắc cực kì tồi tệ, mình đã rất mơ hồ về mục tiêu sống của bản thân. Mình bị bắt nạt ở trường, từng nghe những lời nói nặng nề đến mức đôi khi nghĩ lại mình còn cảm thấy rùng mình. Mình từng tự đốt sách ôn thi Đại học khi những cuộc cãi vã của bố mẹ kéo dài, khiến bản thân mình cảm thấy chẳng còn gì ý nghĩa trên cuộc đời này nữa.
Thế nhưng, ngày đầu tiên quay lại học Đại học, mình đã biết đây chính là cơ hội đổi đời duy nhất còn lại của mình. Mình không bỏ bất cứ buổi học nào, mình đi dạy thêm trên những chuyến xe buýt chật ních người vào giờ tan tầm ở Hà Nội. Mình đã đối xử với chính mình rất tệ, đến mức những cơn đau dạ dày bắt đầu dày vò mình từng đêm sau khi ca dạy kết thúc.
Nhà văn Salomon trong một bài diễn thuyết từng nói "Forge your meaning, build your identity", rằng việc tôi luyện ý niệm qua những gì trải qua, kể cả là những thời khắc gớm ghiếc, xấu xí, tồi tệ nhất - cũng sẽ là ý nghĩa để xây dựng nên bản ngã của bạn. Và kể cả lúc cơn trầm cảm khiến bản thân lạc lối, ý nghĩa cuộc đời bỗng dưng bị lu mờ bởi những suy nghĩ luẩn quẩn không có lối ra, mình cũng ra kiên trì trong bóng tối mờ mờ mà bước tiếp. "Forge your meaning, build your identity" - rằng sau tất cả mình tin những cơn đau tâm lý, những vết thương vật lý mình đang chịu, sẽ là "meaning"- ý nghĩa mà bản thân mình nhận được, để "identity" được hình thành cả ở hiện tại và sau này.
Hôm nay mình nhận được email của một công ty mình rất rất thích, thông báo không nhận hồ sơ thực tập của mình nữa do mình gặp một vài vấn đề về email trong quá trình ứng tuyển. Mình đã thoáng cảm thấy bất công vì nghĩ rằng bản thân hoàn toàn đủ khả năng để được nhận, nhất là khi mình đã kiên trì gửi hồ sơ đến tận 3 lần sau khi biết CV của mình chưa đến được người tuyển dụng. Thế nhưng, mình cũng hoàn toàn tin, những "ý nghĩa" mình đang tôi luyện, và "danh tính cá nhân" mình đang xây dựng, sẽ giúp bản thân bước tiếp, nắm bắt những cơ hội khác, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Xin phép kết thúc những suy nghĩ rối rắm hôm nay bằng một câu nói khác mình rất thích của diễn giả Zain Asher:
"Success comes when opportunity meets preparation"

11/04/2023

Gửi Vũ,

Mấy cây hoa lộc vừng ngoài đầu ngõ đã nở, rồi rơi lấm tấm một khoảng lớn chưa em nhỉ? Nauy mới chuyển mùa, thỉnh thoảng lại có một vài cơn mưa nhỏ, rả rích mãi, ướt nhẹp cả một vùng cỏ ngay cạnh nhà nơi anh ở. Tuyết cũng vừa tan hết, mấy hôm nay anh đã có thể đi men theo con đường phía bìa rừng để đến lớp, không còn sợ tuyết ngập đến tận mắt cá chân nữa rồi.

Anh bỗng nhớ trước khi dời Việt Nam, mình từng hứa hẹn sẽ gặp nhau ở Nauy vào mùa xuân, để cùng nhau đi khắp đất nước xinh đẹp này, rồi ngắm khoảng trời châu Âu vừa cao, vừa rộng. Anh nhớ những ngày cuối cùng ở Hà Nội, hai đứa lái xe ra tận ngoại thành để thả chiếc diều màu cam hình con bạch tuộc có cái đuôi dài thật dài. Những đêm loanh quanh khắp thành phố, rồi cuối cùng vẫn quay về Hồ Tây, nơi ở góc nào đó, em đã khóc thành tiếng khi biết tin anh sẽ bay đến một vùng đất xa lạ vào tháng 8.

Lúc ngồi viết bức thư này, tự nhiên anh lại nghĩ đến bức thư viết tay chú Lưu Quang Vũ gửi cho cô Xuân Quỳnh, nét chữ nghiêng nghiêng đầy vơi những lời nói vừa chân thành, vừa xúc động. Thật may là lúc này, anh đã quên gần hết thời điểm suy sụp và khủng hoảng anh phải trải qua chỉ 15 ngày sau khi đến Phần Lan. Nhưng cũng thật buồn, mình không còn nói chuyện, không có chút dính líu gì đến nhau kể từ ngày ấy nữa. Vài hôm sau chuyện em gây ra, anh đã đến trường trên chiếc xe buýt số 52, hôm ấy nắng rất đẹp, xuyên qua từng ô cửa kính. Nhưng anh chỉ ngồi hướng ra phía cửa sổ, nghe bài "Driver License", và khóc.

Anh vẫn giữ lại chiếc áo sơ mi màu xanh, vải đã sờn trắng ở phần cổ, chiếc áo em đã mặc 10 năm, cũng là chiếc áo em mặc ngày đầu tiên mình gặp nhau ở công viên Thống Nhất tháng 10.2021. Anh vẫn giữ bức thư dài 3 trang giấy khổ lớn, em gửi anh trước ngày bay, lời lẽ ngô nghê, ý tứ lộn xộn, anh chỉ mở và đọc đúng 1 lần, rồi giữ lại cùng những tấm thiệp anh nhận từ những người bạn khác.

Khi viết những dòng này, anh đã có một cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với những ngày đông dài, lạnh, và tối ở Phần Lan-lúc anh vẫn còn nghĩ đến em hằng đêm, rồi thỉnh thoảng khóc thật lớn khi cảm thấy bản thân không có ai bên cạnh. Nghĩ lại anh thấy thật may vì lúc em làm những điều rất tệ, anh đã lặng lẽ chịu cơn khủng hoảng mà không nhắc đến em bằng những lời xấu xí. Anh thấy thật may vì sau cùng, anh vẫn đã nghĩ em từng là người trân trọng anh thật nhiều. Anh không muốn quay lại làm bạn với em nữa, kể cả khi anh đã thấy nhẹ nhõm khi nghĩ về em, nghĩ về Hà Nội-nơi ta có bao nhiêu là kỉ niệm. Anh nhẹ nhõm viết những dòng này, vì bản thân đã thực sự hết mình lúc ta vẫn còn nhiệt thành với đối phương.

Hôm nay, bầu trời vẫn rất cao và xanh, nắng lên từ sáng sớm và đến 8h vẫn còn ở phía chân trời. Nauy mới chuyển mùa, tuyết cũng vừa tan hết, mỗi sáng anh đi men theo bìa rừng để đến trường, lòng anh đã thật an nhiên. Mấy cây hoa lộc vừng ngoài đầu ngõ đã nở, rồi rơi lấm tấm một khoảng lớn chưa em nhỉ?

10/04/2023

Series "DU" và "HỌC"
Phần 5 - Thích nghi trong môi trường đa văn hóa
--------------------------------------

7 tháng rời Việt Nam, học tập tại 2 đất nước Bắc Âu khiến cảm giác bỡ ngỡ và khó tin rằng mình đang cách "nhà" gần 8000km không còn rõ ràng nữa. Từng ấy thời gian với những trải nghiệm tưởng như bằng cả 7 năm kể từ ngày mình bắt đầu học Đại học đến lúc gói hành lý đến Phần Lan. Một trong những điều giúp mình tối đa được lợi thế khi học ở nước ngoài là kỹ năng thích nghi trong môi trường đa văn hóa, để hành trình "du" và "học" cũng trở nên thú vị và đáng giá hơn rất nhiều. Những điều mình chuẩn bị chia sẻ hoàn toàn mang tính cá nhân, thế nên mình rất sẵn lòng nếu bất cứ ai có thêm góc nhìn khác để những bạn chuẩn bị rời Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất.

1. Tự lập để trưởng thành
Kể từ lúc đi học Đại học năm 2015 đến khi đặt chân đến Phần Lan cho kì học đầu tiên, mình đã có một khoảng thời gian khá dài để sống tự lập, thoát ly với gia đình. Có công việc dạy thêm, kiếm tiền để tự chi trả sinh hoạt phí, tự mình quyết định các vấn đề lớn nhỏ trong suốt quãng thời gian học Đại học giúp mình dạn dĩ và tích lũy được những kinh nghiệm sống nhất định. Nhờ vậy nên lúc sang một đất nước khác để học tập, mình cũng ít cảm thấy bỡ ngỡ hơn rất nhiều.
Sống tự lập giúp mình rèn luyện được tính trách nhiệm, trách nhiệm với bản thân khi không có sự bao bọc từ phía gia đình, trách nhiệm với việc học tập cá nhân, với công việc chung với những người khác.

2. Đừng để ngôn ngữ trở thành rào cản
Hầu hết các chương trình học ở châu Âu, Mỹ thậm chí là các quốc gia châu Á như Hàn hoặc Nhật hiện tại đều đã yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ tiếng Anh để đủ điều kiện học tập. Thế nhưng với một quốc gia nơi tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thì 6.5 hay 7.0 IELTS (kì thi rất nặng về format), vẫn là chưa đủ để sinh viên tự tin hòa nhập trong môi trường cần khả năng ngôn ngữ thực tế. Việc rèn luyện tiếng Anh (hay bất kì ngôn ngữ khác) trước khi đi du học thực sự nên được đầu tư để không chỉ việc học tập mà còn sinh hoạt, hòa nhập với những người khác trở nên ít khó khăn hơn.
Mình thi IELTS tháng 10/2021, nộp học bổng cuối năm 2022 và có kết quả vào tháng 3/2022. Trong thời gian chờ bay, mình đã tham gia rất nhiều câu lạc bộ tiếng Anh ở Hà Nội để vừa rèn luyện sự tự tin, vừa học thêm tiếng Anh trước khi thực sự đi du học.

3. Không ai bắt bạn phải hòa nhập nếu bạn không muốn
Mình từng là kiểu người sống khá khép kín, thậm chí là hơi nhát, mình ngại bắt chuyện với người lạ, ngại đến chỗ đông người, không dám thể hiện bản thân. Thế nhưng đến một ngày mình nhận ra nếu cứ giữ khư khư cái tôi thì chẳng có ai sẵn sàng kết nối với mình cả. Việc cởi mở để tiếp nhận những điều mới ở một văn hóa hoàn toàn khác với Việt Nam chắc chắn sẽ hơi khó khăn lúc đầu, nhưng với tâm thế dám thay đổi mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

4. Hòa nhập nhưng đừng đánh mất bản thân
Hồi mới sang Phần Lan, bạn mình rủ đi đến mấy quán bar khá thường xuyên. Mình thì hơi khép kín, ở Việt Nam thậm chí chẳng bao giờ đến mấy quán bar quán rượu nên rất ngại. Không muốn mọi người để ý nên mình cũng gượng gạo tham gia, nhưng lại cảm thấy bất an vô cùng. Sau này mình nhận ra việc làm hài lòng người khác để hòa nhập trong khi bản thân không cảm thấy thoải mái thực sự không hợp lý chút nào. Mình chọn cách nói cho bạn bè, chấp nhận làm một "corner boy" - ngồi một góc quan sát mọi người tận hưởng trong khi bản thân vẫn cảm thấy được là chính mình.

5. Đừng bao giờ đi ăn/ chơi một mình
Kinh nghiệm cá nhân của mình để việc làm quen với môi trường mới trở nên dễ dàng hơn là đi tìm "cạ". Mình rất nhanh chóng hòa nhập cùng một nhóm bạn đến từ 5 quốc gia khác nhau (Tây Ban Nha, Philipines, Mexico, Nigeria, Colombia và Việt Nam chính là mình). Chúng mình luôn tham gia các hoạt động cùng nhau, học chung nhóm và nói chuyện trên trời dưới biển lúc có thời gian rảnh. Để có thể hòa nhập được, mình đã chọn cởi mở, hiểu bản thân có gì để thu hút những người "cùng tần số", mình sẵn sàng giúp mọi người, mời các bạn ăn đồ Việt Nam,... không khó để nghĩ ra rất nhiều cách khác nhau để trở nên thân thiết. Tất nhiên, hiểu và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo là điều cần nhớ để những mối quan hệ đa quốc gia không bao giờ bớt thú vị.

Mình rất khuyến khích những bạn sắp đi học ở bất cứ quốc gia nào, nên tìm hiểu những hoạt động giải trí phổ biến ở đó. Ví dụ sinh viên thường xem phim gì, nghe loại nhạc nào, chơi boardgame gì,... sẽ giúp các bạn rất rất nhiều để không bị lạc quẻ trong cuộc hội thoại với bạn bè.

-------------------------------------
Đợt này mình chắc sẽ hạn chế chia sẻ vì nhiều dự án và công việc phải làm, cảm ơn mọi người vẫn ủng hộ nhé ^^
Ảnh mình chụp ở Nauy đợt nghỉ lễ phục sinh vừa qua.

Vil du plassere din offentlig person på toppen av Offentlig Person-listen i Oslo?
Klikk her for å få din Sponsede Oppføring.

English Exchange

Dự án ENGLISH EXCHANGE của chúng mình đã chính thức quay trở lại rồi đây các bạn ơi!
Một lớp CHỈ 5 HỌC VIÊN nên hãy nhanh tay đăng ký để giành lấy cơ hội ngay nhé 😍
THỜI GIAN: 7h00 - 8h30 pm, Thứ 2 hàng tuần
ĐỊA ĐIỂM: Phòng sinh hoạt ký túc xá Đại học Ngoại ngữ
HỌC PHÍ SIÊU RẺ: Chỉ 60k cho một buổi học với 5 học viên và 1 giáo viên người bản xứ
THỜI LƯỢNG KHOÁ HỌC: Vì là lớp học giao tiếp, mỗi buổi sẽ có những topic khác nhau nên chúng mình không giới hạn số lượng buổi học nhé. Bạn có thể tham gia đến khi nào cảm thấy hoàn toàn tự tin là được 😆
Mau điền vào chiếc link bé xinh này để tham gia thôi các bạn ơi 😍

➡ Link đăng ký: https://goo.gl/forms/wDtqr8AvigYf0GPH2

Videoer (vis alle)

English Exchange debating part
English Exchange - learn English with foreigners

Type

Nettsted

Adresse

Oslo
Oslo

Andre Blogger i Oslo (vis alle)
Tunisian in Norway Tunisian in Norway
Oslo

Norway through tunisian eyes

J.k Ajaba J.k Ajaba
7033
Oslo, 703033

Jokes

Mc-Pinay Mc-Pinay
Hagelundveien 6
Oslo, 0963

Mc-pinay vlog Spoken Word Poetry Tagalog

medhytv medhytv
Oslo

Memberikan informasi dan Berita real Akurat dan Tepat

Bruno & Baba Bruno & Baba
Oslo

Bruno the Pomeranian

Irine page Irine page
Oslo

I love Hiking and camping

Norvegia Regnum Norvegia Regnum
Oslo

🅽🅾🆁🆆🅰🆈....🅸🅽🆂🅿🅸🆁🅰🆃🅸🅾🅽 🅵🅾🆁 🆈🅾🆄🆁 🅽🅴🆇🆃 🅹🅾🆄🆁🅽🅴🆈...

Vitalii_K Vitalii_K
Oslo

Смешные видео ролики и не только! Подпишись

NL Nation Burma Voice NL Nation Burma Voice
Oslo

မြန်မာပြည်အတွက်နေ့စဉ် သတင်းတွေကို အချိန်နှင့်အမျှ တင်ဆက်ပေးပါမည် ပြည်သူအားလုံး ဘေးရန်ကင်းကြပါစေ

Marek Zagrobelny Marek Zagrobelny
Oslo

były wieloletni i skutecznie wyleczony PiSowiec • pasjonat skandynawskiej rzeczywistości • mój dom to Norwegia

bibe4225 bibe4225
Oslo

Fighter of born