1022 Cần Thơ

1022 Cần Thơ

Tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị của người dân TP Cần Thơ.

21/04/2022

Kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Sáng ngày 21/4, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng một số sở, ngành có liên quan đã đi kiểm tra thực tế công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Trường THCS An Thới 2 (phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Trước đó, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn thành phố Cần Thơ (dự kiến 130.595 trẻ).

Theo đó, đối với trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh; đối với trẻ không đi học: tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND quận, huyện lựa chọn; đối với trẻ có bệnh nền, trẻ đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng và các Bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi và các trường hợp vượt khả năng khác, Trung tâm Y tế quận, huyện lập danh sách trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đến tiêm tại điểm tiêm Bệnh viện Nhi đồng hoặc các bệnh viện có chuyên khoa Nhi có đủ điều kiện.

Về nguyên tắc triển khai: Thực hiện tiêm theo thứ tự lứa tuổi giảm dần, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương; ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi 10 đến dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi, ưu tiên tiêm cho trẻ chưa nhiễm COVID-19; tiêm mũi 1 ngay khi có hướng dẫn và tiếp nhận vắc xin của Bộ Y tế và tiêm mũi 2 sau khi đối tượng trên đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với từng loại vắc xin.

Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố - đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản vắc xin; công tác khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm chủng, cũng như công tác phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các quận, huyện trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế phối hợp với UBND quận, huyện, chỉ đạo cho các trường, đồng thời phối hợp với phụ huynh theo dõi các em sau tiêm chủng, nếu có vấn đề gì phải báo cho cơ sở y tế gần nhất.

Ông Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh, trong thời gian tới vai trò phối hợp rất quan trọng. Do đó, ngành y tế phải phải chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo tập trung tiêm cho trẻ trong các trường học; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh đồng hành cùng với nhà trường giúp công tác triển khai tiêm vắc xin cho trẻ diễn ra thuận lợi.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau khi có chủ trương thành phố sẽ triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch trong khi chờ nguồn vắc xin được Bộ Y tế phân bổ về cho địa phương. “Quá trình xây dựng kế hoạch, chúng tôi có sự phối hợp, liên kết giữa nhà trường với các trung tâm y tế, các đội tiêm để có sự phối hợp, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, đặc biệt cho lứa tuổi trẻ em”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi vấn đề nhận thức về sức khỏe còn hạn chế, do đó cần sự phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường, nhất là cán bộ y tế trong quá trình tổ chức khám sàng lọc cũng như theo dõi sau khi tiêm. Làm tốt những việc như thế sẽ đảm bảo được chiến dịch tiêm được an toàn, đúng theo chỉ đạo của UBND thành phố cũng như Bộ Y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cũng cho biết, trong đợt này thành phố được cấp khoảng 10.400 liều vắc xin. Sau khi có sự tính toán, Sở Y tế đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố tổ chức tiêm cho lứa tuổi từ các lớp lớn tới lớp nhỏ. Số lượng vắc xin cũng được phân theo nguyên tắc tam suất, đó là những quận huyện có tỷ lệ học sinh nhiều sẽ được phân lượng vắc xin nhiều; tương tự, những quận, huyện có tỷ lệ học sinh ít sẽ được phân số lượng ít hơn.

Được biết, trong ngày đầu triển khai, quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, mỗi quận được phân bổ số lượng vắc xin trên dưới 2.000 liều; các quận, huyện còn lại, mỗi địa phương được phân bổ khoảng 600 - 1.000 liều. Ngoài ra, Sở Y tế cũng dành một số lượng vắc xin để đưa về Bệnh viện Nhi đồng thành phố tổ chức tiêm cho những trẻ em có vấn đề về sức khỏe trong quá trình khám sàng lọc được đưa về Bệnh viện Nhi đồng thành phố theo dõi và tiêm tại đây.

Trước đó, ngày 19/4, UBND thành phố có văn bản về việc phân bổ 10.400 vắc xin Moderna phòng COVID-19. Thành phố ưu tiên sử dụng nguồn vắc xin này để tiêm mũi 1 cho tất cả trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi (vắc xin Moderna theo khuyến cáo chỉ tiêm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên) sinh sống hoặc học tập trên địa bàn thành phố Cần Thơ, thực hiện tiêm theo nguyên tắc: Tiêm theo thứ tự tuổi giảm dần, trong đó ưu tiên tiêm cho trẻ từ 11 đến dưới 12 tuổi (lớp 6) theo yêu cầu tại Quyết định 325/QĐ-VSDTTƯ ngày 14/4/2022 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; ưu tiên tiêm trước cho trẻ trong trường học, cơ sở giáo dục.

13/04/2022

Cần Thơ: Sẵn sàng tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Ngày 13/4, BS.CKI. Trường Quốc Chiến - Trưởng Khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ - cho biết: Hiện nay việc tiêm phòng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là hết sức cần thiết nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời đảm bảo bao phủ miễn dịch trong cộng đồng cho nhóm tuổi trẻ nhỏ, giảm các ca bệnh có triệu chứng và chuyển nặng do dịch bệnh COVID-19.

Theo BS Trường Quốc Chiến, để chuẩn bị cho công tác này, Ngành Y tế thành phố Cần Thơ đã tham mưu kế hoạch trình UBND thành phố phê duyệt. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố, Ngành Y tế đã chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản vắc xin để sẵn sàng tổ chức tiêm chủng ngay khi có vắc-xin của Bộ Y tế phân bổ về cho địa phương. Công tác quản lý đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng được các địa phương lập danh sách đầy đủ. Tính đến nay, các địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng vận hành để triển khai tiêm cho trẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, qua kết quả rà soát, toàn thành phố có 130.595 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Qua khảo sát, lấy ý kiến từ ngành giáo dục, đa số phụ huynh đồng thuận, hưởng ứng việc triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ. Dự kiến, việc tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được triển khai ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ vắc xin. Trẻ được tiêm trong đợt này gồm toàn bộ học khối trường mầm non công lập, tư thục, trường tiểu học, THCS và trẻ em không đi học có độ tuổi từ từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi. Hình thức triển khai tiêm, tổ chức tiêm đồng loạt tại tất cả các địa phương, cuốn chiếu theo từng cấp, khối lớp, từng lớp (tiêm lần lượt hết nhóm lớp thứ tự từ lớp 6 - lớp 5 - lớp 4 và hết đến học sinh lớp 5 tuổi trường mầm non) trên địa bàn thành phố.

BS Trường Quốc Chiến cũng lưu ý các bậc phụ huynh một số việc cần làm khi có con trong độ tuổi 5-11 tuổi tham gia tiêm chủng chiến dịch, bao gồm: Khai báo tình hình sức khoẻ của trẻ hiện tại và tiền sử bệnh tật của trẻ cho nhà trường, trạm y tế; trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, sau tiêm phối hợp cán bộ trạm y tế điểm tiêm theo dõi sức khoẻ trong những tuần đầu sau tiêm; không cho trẻ vận động mạnh trong vòng 3 ngày sau tiêm; đối với những trẻ nhiễm COVID-19: Thực hiện tiêm chủng sau 3 tháng kể từ ngày nhiễm bệnh; khi có những biểu hiện bất thường sau tiêm chủng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

08/04/2022

Long trọng khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX Cần Thơ năm 2022

Tối 7/4, tại quảng trường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX Cần Thơ năm 2022 được chính thức khai mạc với chủ đề “Hồn Việt phương Nam”.

Về phía lãnh đạo Trung ương tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía lãnh đạo TP Cần Thơ, đến dự lễ khai mạc có ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ; ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ… cùng lãnh đạo Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các đại biểu, các đoàn nghệ thuật, soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ và đông đảo nhân dân, du khách các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm và phù hợp với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, can trường của người dân Nam bộ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của 21 tỉnh khu vực Nam bộ đã chung sức, chung lòng để bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử theo hướng thích ứng với thời đại, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển nhưng luôn giữ gìn bản sắc riêng của loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng này. Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là minh chứng sống động nhất để khẳng định với cộng đồng quốc tế về cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể, tôn vinh giá trị văn hóa. Và cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người phương Nam với bạn bè, du khách quốc tế; mở rộng cơ hội xúc tiến, đầu tư thương mại và du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị 21 tỉnh thành phố khu vực phía Nam tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nâng cao chất lượng và phát triển phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử trên các phương tiện truyền thông, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ các nghệ nhân - những hạt nhân của nghệ thuật Đờn ca tài tử để các nghệ nhân yên tâm phát huy hơn nữa việc giữ gìn bản sắc và truyền lửa cho thế hệ tương lai.

Tại lễ khai mạc, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, sự kiện Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX Cần Thơ năm 2022 được tổ chức với mong muốn góp phần ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, tiếp tục tôn vinh quảng bá ẩm thực Việt Nam nói chung, bánh dân gian Nam bộ nói riêng. Qua đó, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ hội đẩy mạnh xúc tiến giới thiệu các giá trị văn hóa, tài nguyên, sản phẩm du lịch độc đáo đến bạn bè du khách gần xa; đồng thời, đánh dấu hoạt động mở cửa du lịch trở lại với vùng đất phương Nam.

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022 diễn ra từ ngày 6/4 đến ngày 11/4 tại Quảng trường quận Bình Thủy (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Trong đó, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III có sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ với các hoạt động như: Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử (tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ từ ngày 6/4), Không gian Đờn ca tài tử (tại Quảng trường quận Bình Thủy), Triển lãm Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam (tại Bảo tàng TP Cần Thơ)... Song song đó, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX có quy mô khoảng 200 gian hàng giới thiệu đến khách tham quan các loại bánh dân gian truyền thống, sản phẩm OCOP, ẩm thực và bánh hiện đại, đặc sản vùng miền; đặc biệt là Hội thi Bánh dân gian Nam bộ diễn ra từ ngày 7/4 đến 11/4 với sự tham dự của 31 đơn vị cùng 173 nghệ nhân dự thi và 97 món bánh.

07/04/2022

Chủ tịch nước dự khánh thành Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ

Tối 6/4, thành phố Cần Thơ long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Công trình nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tâm nguyện của đông đảo nhân dân thành phố Cần Thơ cũng như nhân dân các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban bộ ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố...

Tại buổi lễ, ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - cho biết: Sau khi được lãnh đạo Đảng và Nhà nước thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ, thành phố đã tập trung thực hiện các thủ tục triển khai và chính thức khởi công xây dựng công trình vào ngày 18/6/2019. Công trình có diện tích 4 ha, tọa lạc tại khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, với các hạng mục chính như: Đền thờ chính, Nhà bia, Nghi môn, Nhà điều hành, sân đường…

Theo Chủ tịch UBND thành phố, điểm nhấn của công trình là Đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu thời đại Hùng Vương. Tính biểu tượng, truyền thống của công trình được thể hiện chủ đề trang trí lấy từ hoa văn trên trống đồng. Đền chính được bao bọc bởi hồ nước tròn trên nền đế vuông, tượng trưng “trời tròn đất vuông”, 18 cánh cung bao quanh tượng trưng tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng; bên trong hồ nước có 54 trụ đá, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện sự kết hợp văn hóa sông nước Nam bộ.

Chủ tịch UBND thành phố cũng phấn khởi cho biết: Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ là niềm vinh dự, tự hào to lớn, thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính tổ tiên, đáp ứng sự mong mỏi, nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo người dân Cần Thơ, người dân các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhân dân Việt Nam. “Để gìn giữ, tôn vinh giá trị của Đền thờ Vua Hùng, Đảng bộ, Chính quyền và người dân thành phố có trách nhiệm phải tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Cần Thơ, ông Trần Việt Trường gửi lời cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và đơn vị tài trợ xây dựng Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Bao đời nay, từ trong tâm thức của mỗi người dân Việt đã coi các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam và là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt, là sự thể hiện lòng kính, biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. Đồng thời, đây là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng, mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt.

Chủ tịch nước cũng cho biết, từ bao đời nay Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ là nơi thực hành các nghi lễ trang nghiêm thờ cúng các Vua Hùng. Ngoài ra, còn có hàng trăm đình, đền, miếu… nơi người dân thành kính thờ cúng Vua Hùng và các tướng lĩnh ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới cũng luôn thành kính thờ cúng Quốc tổ như sự gắn kết thiêng liêng với tổ tông, quê hương. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tôn tạo không gian thờ cúng trang nghiêm, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy thế hệ trẻ, tiếp nối Sắc lệnh tháng 2/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại niềm tự hào của cả quốc gia, dân tộc, của mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng khi cách đây 10 năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Đối với công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ, Chủ tịch nước cho rằng đây là điểm hội tụ tâm linh tại vùng đất Phương Nam, vùng đất Chín Rồng anh dũng quật cường. Chủ tịch nước tin tưởng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV; sớm đưa Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc hào sảng, nghĩa tình miền sông nước Cửu Long.

Cùng với vinh dự là nơi đặt Đền thờ Hùng Vương tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố Cần Thơ cần làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình một cách hiệu quả, thiết thực, để công trình thật sự trở thành điểm nhấn trung tâm tại khu vực, lan tỏa kết nối với mạn lưới các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, ông Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ - cam kết sẽ bảo tồn, giữ gìn và phát huy công trình Đền thờ Vua Hùng theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông, luôn đoàn kết cùng chung sức, đồng lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được biết, công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ sẽ chính thức mở cửa phục vụ Nhân dân thăm viếng, dâng hương từ ngày 7/4. Trước đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự dự Lễ dâng hương Quốc tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ.

06/04/2022

Hôm nay (6/4), khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ

Lễ Khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ sẽ diễn ra lúc 19g30 ngày 6/4 tại Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ (Khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Buổi lễ cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ là công trình văn hóa trọng điểm, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của thành phố Cần Thơ và của Quốc gia. Công trình đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng vào ngày 6/9/2016. Ngay sau đó, thành phố Cần Thơ đã tập trung thực hiện các thủ tục triển khai và chính thức khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2019 tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Công trình do Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV (2016 - 2021) Nguyễn Thị Kim Ngân vận động Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ.

Sau thời gian thi công khẩn trương với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, toàn bộ khối lượng hạng mục thi công, xây lắp đã hoàn thành theo đúng tiến độ, chất lượng, mỹ thuật theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt; quá trình thi công đã đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Thành phố Cần Thơ sẽ long trọng tổ chức Lễ Khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 AL) vào lúc 19g30 ngày 6/4/2022 (nhằm ngày mùng 6 tháng 3 Âm lịch) tại Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ (Khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Dự kiến có khoảng 500 địa biểu khách mời tham gia lễ khánh thành công trình này. Buổi lễ cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Công trình Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tâm nguyện của đông đảo Nhân dân thành phố Cần Thơ nói riêng, Nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đây còn là nơi thu hút khách du lịch đến thăm, viếng, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, tự hào tiếp bước ông cha trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được biết, Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ có tổng diện tích 39.033,7 m², với tổng mức đầu tư 129,5 tỷ đồng. Các hạng mục chính của công trình gồm: Đền thờ chính , Nhà điều hành, Nhà dịch vụ, Nhà bia, Nghi môn, Sân đường, Hồ điều hòa… Hình thức kiến trúc của Đền thờ chính là hình trống đồng cách điệu 18 cánh; Nhà điều hành, Nhà dịch vụ, Nghi môn, Nhà bia được thiết kế với hình thức kiến trúc nhà trệt mái dốc, kiến trúc dạng thấp, hình thức nhà gỗ truyền thống của người Nam bộ.

Công trình hoàn thành sau 30 tháng thi công và sẽ chính thức mở cửa phục vụ Nhân dân thăm viếng, dâng hương từ ngày 7/4/2022.

05/04/2022

Chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND thành phố tháng 3/2022

1) 79 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố xếp loại cấp độ 1

Kể từ 0g ngày 26/3, chỉ còn 4 phường: Long Hưng, phường Thới An, phường Phước Thới (quận Ô Môn), phường An Thới (quận Bình Thủy) được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 2; còn lại 79 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được đánh giá cấp độ 1.

Trên cơ sở việc cập nhật cấp độ dịch nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả và đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó, tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.

Bên cạnh đó, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ dịch, tuyệt đối không để gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc tuân thủ các biện pháp, quy định phòng, chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm cho các đơn vị điều trị trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm chủng, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, tổ chức tiêm chủng tại nhà cho người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển và chuẩn bị đầy đủ cho công tác tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi có hướng dẫn và nhận vắc xin được cấp từ Bộ Y tế…

2) Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 23/3, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Công văn số 1046/XDĐT-UBND về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ chủ đầu tư/chủ dự án, quản lý dự án tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND thành phố tại Công văn số 367/UBND-XDĐT ngày 26/1/2022 về chấn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 10/2/2022 theo dõi, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn thành phố Cần Thơ và Công văn số 779/XDĐT ngày 4/3/2022 về việc tập trung nguồn nhân lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố thành lập Tổ kiểm tra tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, định kỳ hằng tuần Tổ tiến hành kiểm tra thực tế trên công trường/công trình (dự án trọng điểm, dự án ODA, Khu tái định cư, dự án có số vốn lớn, dự án có vướng mắc,…) đang triển khai, trước 16 giờ thứ sáu hằng tuần báo cáo kết quả về UBND thành phố để xem xét, chỉ đạo thực hiện kịp thời. Thời gian thực hiện hoàn thành trong tháng 3 năm 2022.

Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND quận, huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo bộ phận chuyên môn, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định/thẩm tra hồ sơ; tăng cường cán bộ làm công tác thẩm định/thẩm tra, cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư và trong công tác đấu thầu.

Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND thành phố sẽ kiểm tra đột xuất các dự án trọng điểm, có số vốn lớn, chậm tiến độ,… đánh giá khả năng triển khai, quy trách nhiệm cụ thể tổ chức và cá nhân liên quan, người đứng đầu, nếu để chậm trễ tiến độ, kém chất lượng, thiếu tinh thần trách nhiệm và các biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ thi công, không hoàn thành mục tiêu giải ngân đã đặt ra (trên 95% kế hoạch vốn năm 2022)…

Chủ đầu tư, quản lý dự án tăng cường công tác kiểm tra trên công trường, đánh giá khả năng hoàn thành gói thầu, dự án/công trình, có biện pháp chế tài nhà thầu thi công theo từng mức độ phù hợp (xử phạt theo hợp đồng, tăng ca, tăng đội thi công, tăng cường thầu phụ, cắt hợp đồng, đăng Cổng các nhà thầu yếu năng lực, cấm tham dự thầu tại địa phương,…) theo đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND quận, huyện theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn quản lý, đảm bảo kế hoạch tiến độ triển khai các dự án. Chịu trách nhiệm toàn diện nếu chậm bàn giao mặt bằng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân các dự án theo thẩm quyền.

3) Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu

Ngày 21/3, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo tiếp tục đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, cũng như trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch tăng sản lượng để đảm bảo nguồn cung, cung ứng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp và tiêu dùng người dân trên địa bàn thành phố; đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung ứng xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đủ xăng dầu để bán, thương nhân cung cấp phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp với các cơ quan có liên quan giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn và đúng quy định; Công an thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ động, quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định. Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, trường hợp phát hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng bán hàng mà không được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc hạn chế bán hàng, xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

4) Thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng

Chủ tịch UBND thành phố có văn bản giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 793/BTTTT-THH ngày 5/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.

Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Nhiệm vụ Tổ Công nghệ số cộng đồng thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đồng thời, tham gia hiệu quả vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối chung.

5) Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai và xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại địa phương và thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01- CT/TU ngày 12/10/2020 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung rà soát các văn bản, quy định pháp luật về quản lý đất đai, xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay; đồng thời, thường xuyên rà soát, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tổ chức lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của thành phố, nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các quận, huyện. Kịp thời rà soát, điều chỉnh hoặc đề xuất hủy bỏ các công trình, dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã quá 3 năm liên tục nhưng chưa thực hiện theo quy định. Tham mưu UBND thành phố xem xét, chỉ đạo triển khai chính sách về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm góp phần thực hiện cơ chế, chính sách của Nghị quyết số 45/2022/QH15; xây dựng kế hoạch khai thác quỹ đất theo thứ tự ưu tiên, tập trung tháo gỡ các vướng mắc đối với công tác định giá đất cụ thể đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư... để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo đúng quy định…

Sở Xây dựng tiếp tục hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu các quận còn lại và phối hợp hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết. Hướng dẫn UBND quận, huyện trong công tác thực hiện và quản lý theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng đã cấp; chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo quy định; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo được tích hợp và đổi mới theo quy định của Luật Quy hoạch; có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư, đồng thời theo dõi chặt chẽ tiến độ các dự án, kiên quyết đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư đối với những dự án không đảm bảo về tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, làm cơ sở thu hồi đất theo quy định, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật về đất đai, xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, nâng cao ý thức, nhận thức cộng đồng về chấp hành pháp luật đất đai, trật tự xây dựng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý về đất đai, xây dựng trên địa bàn, đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục, hồ sơ. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, trong đó quan tâm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác tại địa phương. Tham mưu thực hiện tốt quy định tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã thường xuyên rà soát tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn và tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép, đặc biệt kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn và xử lý triệt để các trường hợp xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn quản lý. Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng không phép, trái phép theo quy định của pháp luật.

6) Đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

UBND thành phố Cần Thơ đã có Công văn số 837/UBND-KGVX gửi các sở ngành có liên quan về việc triển khai thực hiện Công điện số 286/CĐ-BYT ngày 3/3/2022 của Bộ Y tế.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Y tế rà soát, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế theo nội dung tại Công văn số số 854/BYT-TB-CT ngày 23/2/2022 của Bộ Y tế.

Văn bản nêu rõ, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương; danh sách số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang y tế bị thu hồi trên Cổng thông tin điện tử của thành phố và các cơ quan truyền thông của thành phố. Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thực hiện việc niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm cho người dân.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Cần Thơ giao Giám đốc Sở Y tế; Sở Công Thương; Chánh Thanh tra thành phố phối hợp với Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường Cần Thơ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo nội dung tại Công văn số 729/BYT-TTrB ngày 18/2/022 của Bộ Y tế. Đồng thời, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

7) Triển khai thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa TP Cần Thơ năm 2022

Ngày 3/3, UBND TP Cần Thơ có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa của TP Cần Thơ năm 2022.

Theo UBND TP, chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa TP Cần Thơ năm 2022 là 73%. Để triển khai thực hiện hiệu quả, đảm bảo đạt chỉ tiêu về tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 của TP theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra, Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra, theo dõi, tổng hợp số liệu về tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn TP; đôn đốc, theo dõi quá trình thu hút, lấp đầy dân cư tại các khu vực đã và đang đầu tư phát triển đô thị, nhà ở trên địa bàn TP...

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Cục Thống kê TP chỉ đạo và phối hợp với UBND quận, huyện trong việc thống kê dân số đô thị và dân số toàn TP; tổng hợp số liệu gửi Sở Xây dựng, báo cáo UBND TP chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn; gửi số liệu dân số đô thị và dân số toàn TP về Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu UBND TP trong lĩnh vực tạo việc làm, đào tạo nghề nhằm thu hút dân cư đô thị theo dự báo về đô thị hoá năm 2022; Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu trong việc phát triển các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu tăng thêm của cư dân đô thị trong năm 2022 theo dự báo; Sở Công Thương tham mưu việc thu hút đầu tư tại các địa bàn, ngành nghề hợp lý để tăng lượng việc làm khu vực đô thị, là sinh kế của cư dân đô thị; Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu chính sách trong đầu tư, quản lý đầu tư, thu hút đầu tư các dự án, công trình, chương trình có ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến mục tiêu đạt được về tỷ lệ đô thị hóa…

Want your organization to be the top-listed Government Service in Can Tho?
Click here to claim your Sponsored Listing.

Telephone

Address

02 Hoà Bình, Tp Cần Thơ
Can Tho