Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình

Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

09/10/2024

HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI NĂM 2024 “ƯU TIÊN SỨC KHỎE TÂM THẦN TẠI NƠI LÀM VIỆC”
Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10) được cử hành lần đầu vào năm 1992 theo sáng kiến của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới, được tổ chức hàng năm vào ngày 10/10 với mục đích: Giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần. Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động trong ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới là “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”.
Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cơ hữu giữa sức khỏe tâm thần và làm việc. Mục tiêu là thu hút tất cả các bên, bao gồm người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ.
Theo thống kê năm 2023, hiện có hơn 60% dân số toàn cầu đang làm việc. Công việc giúp con người có thu nhập, phát triển nhân cách, được thỏa mãn nhu cầu tự thể hiện, được kết nối với xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống. Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của con người: Một môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần; ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị quấy rối hay điều kiện làm việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, một trong những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần ở nơi làm việc là mệt mỏi, kiệt sức. Thế giới phát triển không ngừng tiến bộ, thay đổi hàng ngày, con người cũng phải chạy đua để theo kịp. Áp lực công việc là động lực có thể giúp con người rèn luyện bản thân, mỗi thử thách gặp phải, mỗi mâu thuẫn trong các mối quan hệ hay công việc đều giúp bạn hoàn thiện chính mình, nhưng đôi khi nếu áp lực quá nhiều, bạn có thể cảm thấy mình vô dụng. Nhiều người đang phải trải qua những căng thẳng kéo dài mạn tính dẫn đến kiệt sức. Những căng thẳng đó diễn biến hàng ngày một cách âm thầm, chúng ta đôi khi khó nhận thức những biến đổi. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức.
Vì vậy, chúng ta cần chia sẻ trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, từ người sử dụng lao động đến người lao động, từ giám đốc, người quản lý đến nhân viên. Mỗi người cần có những cách khác nhau để thư giãn, cần những cải thiện, thay đổi để tăng cường khả năng chống đỡ, hồi phục của cơ thể. Chúng ta phải đoàn kết trong việc rèn luyện bản thân, hỗ trợ nhau để hạn chế các căng thẳng và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh. Giải quyết được tình trạng mất hứng thú, chán nản, thiếu năng lượng làm việc, tạo ra một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần, khiến người lao động cảm thấy an toàn, khỏe mạnh tại nơi làm việc thì họ sẽ gắn bó với cơ quan, tổ chức và làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Điều này mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Hãy chung tay để chống lại sự giảm sút sức khỏe tâm thần và kiệt sức, tất cả mọi người cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, tạo môi trường làm việc thân thiện và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của tất cả thành viên trong đó.
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 02/10/2024

YÊN THỦY: KHÁM SÀNG LỌC VÀ PHẪU THUẬT CHO TRẺ EM KHUYẾT TẬT
Ngày 01/10/2024, Trung tâm II Trực tiếp hỗ trợ trẻ em tàn tật (thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Yên Thủy tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Đối tượng khám sàng lọc là trẻ từ 0-16 tuổi bị các dị tật như: Dị tật vùng mặt: Sứt môi, hở hàm ếch, rách mép, khuyết mũi. Dị tật vận động: khòng khoèo tứ chi, vẹo gù cột sống. Di chứng sau bỏng: các sẹo xấu làm biến dạng các bộ phận cơ thể. Dị tật mắt: lác mắt, sụp mi, đục thủy tinh thể. Dị tật vùng sinh dục, hậu môn: thoát vị bẹn, thoát vị rốn, tràn dịch màng tinh hoàn, ẩn tinh hoàn, lỗ tiểu lệch thấp, dính màng âm đạo, hẹp bao qui đầu. Dị tật tai mũi họng: Đau tai, khiếm thính do viêm các bộ phận bên trong. Các loại u lành tính.
Bệnh nhân khám, sàng lọc được hỗ trợ chi phí đi lại. Sau khi khám, sàng lọc nếu được chỉ định phẫu thuật sẽ được hỗ trợ chi phí phẫu thuật theo kế hoạch.
Chương trình khám sàng lọc, tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật và gia đình ở xa không có điều kiện đến Bệnh viện tỉnh khám, tư vấn, chỉ định phẫu thuật, phục hồi chức năng. Qua đó nhằm thực hiện tốt các mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng./.
Nguyễn Tưởng (TTYT huyện Yên Thủy)
Một số hình ảnh tại buổi khám

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 25/09/2024

MÍT TINH, DIỄU HÀNH HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ LÀM MẸ AN TOÀN NĂM 2024
Ngày 24/9, được sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức Lễ Mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 với chủ đề: “Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con”.
Đến dự buổi phát động có đồng chí Nguyễn An Trường – Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo TT Kiểm soát bệnh tật, các đơn vị y tế tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, Thành phố, đại diện Các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và TP Hòa Bình…
Tuần lễ Làm mẹ an toàn được Bộ Y tế triển khai từ ngày 01- 07/10/2024 thực hiện tại 51 tỉnh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Hoà Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và cũng là một trong 51 tỉnh được ưu tiên nguồn lực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để triển khai thực hiện chương trình, ngành y tế đã và đang tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai các Dự án thành phần, trong đó có các hoạt động như: Cung cấp các gói dịch vụ Làm mẹ an toàn – chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ trẻ em; Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; Tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm đối tượng thông qua nhiều kênh truyền thông, trú trọng truyền thông, tư vấn trực tiếp,...
Kết quả, sau nhiều năm kiên trì triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, đặc biệt là nhờ hiệu quả can thiệp của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại tỉnh Hòa Bình đã được cải thiện rất đáng kể: Đến nay, trên 90% bà mẹ mang thai được quản lý thai nghén, trên 99% bà mẹ sinh con tại sơ sở y tế. Các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều thấp hơn chỉ tiêu được giao và thấp hơn mặt bằng chung toàn quốc. Tại các địa bàn, người dân đều có thể tiếp cận với dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ về chăm sóc trước, trong và sau sinh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cũng được cải thiện đáng kể. Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 22,7% (năm 2010) xuống còn 14,2% (2023); Thể thấp còi giảm từ 30,6% (2010) xuống còn 22,5% (2023).
Tuy nhiên, chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Trong năm 2024, tại tỉnh Hòa Bình chúng ta vẫn có những trường hợp tử vong mẹ. Việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em tại hộ gia đình chưa được thực hành đúng hướng dẫn. Mạng lưới y tế cơ sở có nơi còn thiếu hụt về nhân lực, trang thiết bị. Năng lực của cán bộ y tế nhiều nơi chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thiếu cán bộ chuyên sâu về chuyên ngành Sản, chuyên ngành Nhi. Bên cạnh đó, tại các khu vực xã vùng 1, vùng 2 nhiều nơi cũng rất khó khăn nhưng chưa huy được nguồn lực hỗ trợ nên việc triển khai các hoạt động bị hạn chế.
Tại buổi lễ phát động, đồng chí Nguyễn An Trường – Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị: Trong tuần lễ này, các cơ sở Y tế cần tăng cường khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Cụ thể là cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thông qua đó thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về Làm mẹ an toàn như chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là những người khó khăn, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những người có hành vi nguy cơ cao.
Sau buổi phát động, Đoàn diễu hành thực hiện diễu hành, cổ động trên các tuyến phố chính của thành phố Hòa Bình.
Thu Hương Cao Cường (CDC Hoà Bình)

21/09/2024

CHUNG TAY PHÁ VỠ RÀO CẢN - PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI
Ngày 28 tháng 9 là Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại hàng năm. Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2024 là: “Chung tay phá vỡ rào cản – phòng chống bệnh dại”.
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).
Thời gian qua, tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo đó, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 500 nghìn người bị chó, mèo tấn công, phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế. Do vậy, để phòng, chống bệnh dại hiệu quả, cần huy động mọi nguồn lực từ các địa phương và sự chung tay của cả cộng đồng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn
Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2151 /QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là kiểm soát đuợc bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Để thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Quản lý đàn chó, mèo; Tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống bệnh Dại; Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại; Điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại; Giám sát bệnh Dại trên động vật; Giám sát bệnh Dại trên người; Tăng cường năng lực xét nghiệm; Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh Dại; Kiểm soát vận chuyển chó, mèo; Nghiên cứu khoa học; Hợp tác quốc tế; Hợp tác nghiên cứu, sản xuất và cung ứng vắc xin.
Tại tỉnh Hoà Bình, theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 3 ca tử vong do dại (2 ca tại Lạc Sơn, 1 ca tại Yên Thủy). 8 tháng đầu năm số người tiêm vắc xin phòng Dại là 642 người.
Để phòng chống bệnh Dại có hiệu quả, ngành y tế triển khai nhiều biện pháp như:
Thực hiện chính sách hỗ trợ tiêm vắc xin Dại miễn phí sau phơi nhiễm cho đối tượng người thuộc hộ nghèo.
Tiếp tục triển khai hoạt động tiêm phòng bệnh Dại và điều trị dự phòng bệnh Dại trên người tại các phòng tiêm dịch vụ công lập của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế các huyện, Thành phố. Đối với huyện Mai Châu và Yên Thủy không có phòng tiêm vắc xin tại Trung tâm, thực hiện hướng dẫn người dân thuộc đối tượng tiêm vắc xin miễn phí tại cơ sở tiêm công lập gần nhất hoặc phòng tiêm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tăng cường công tác giám sát, thu thập thông tin, lập danh sách, điều tra dịch tễ và tư vấn để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp phơi nhiễm với vi rút Dại, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh Dại, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh Dại gây ra và giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn, hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh Dại vào năm 2030.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
2. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
3. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
4. Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.
Thu Hương (CDC Hòa Bình)

19/09/2024

HỘI ĐIỀU DƯỠNG TỈNH HỖ TRỢ HỘI VIÊN BỊ ẢNH HƯỞNG SAU CƠN BÃO SỐ 3
Do ảnh hưởng cơn bão số 3, nữ hộ sinh Xa Thị Sen (công tác tại khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản thuộc Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc) đã bị thiệt hại nặng nề về nhà ở, ngôi nhà đã bị nứt hoàn toàn do đất, đá gây sạt lở không thể khắc phục được.
Trước tình cảnh khó khăn, nhằm giúp cho đồng chí mau chóng ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, Hội Điều dưỡng tỉnh Hoà Bình đã kêu gọi hội viên chung tay quyên góp, ủng hộ, tiếp sức cho hội viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Ngày 19/9, đồng chí Nguyễn Quang Tự - Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh, thay mặt Hội Điều dưỡng chia sẻ những mất mát, thiệt hại do mưa bão gây ra và trực tiếp trao tặng số tiền vận động quyên góp ủng hộ là 23.150.000 đồng cho hội viên Xa Thi Sen, mong đồng chí vượt qua khó khăn để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Thu Hương – Cao Cường (CDC Hòa Bình)

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 18/09/2024

TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT
Ngày 16/9/2024 Sở Y tế tỉnh Hoà Bình tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoà Bình, tham dự và trao Quyết định Bổ nhiệm có ông Nguyễn An Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Theo đó, tại Quyết định số 1966/QĐ-SYT ngày 16/9/2024 của Sở Y tế về việc điều động và bổ nhiệm ông Vũ Quốc Hải giữ chức vụ Phó Giám Đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. quyết định có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký.
Phát biểu tại lễ trao quyết định, ông Nguyễn An Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế chúc mừng ông Vũ Quốc Hải được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và đề nghị ông Vũ Quốc Hải tiếp tục cùng tập thể, lãnh đạo Trung tâm phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, kế thừa thành tích đạt được tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Vũ Quốc Hải trân trọng gửi lời cảm ơn đến Đảng ủy, Lãnh đạo Sở Y tế, Ban Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo các Khoa, phòng cùng toàn thể các cán bộ, viên chức trong đơn vị đã dành sự ủng hộ và tín nhiệm đối với đồng chí. Có được sự ủng hộ trên vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm lớn đối với cá nhân đồng chí. Đồng thời, ông Vũ Quốc Hải bày tỏ sẽ dành toàn bộ tâm huyết, nghị lực và trí tuệ với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao./.
Hồng Dung - Cao Cường (CDC Hòa Bình)

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 16/09/2024

CÔNG ĐOÀN CDC ỦNG HỘ NHÂN DÂN BỊ THIỆT HẠI DO CƠN BÃO SỐ 3
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn các tỉnh phía Bắc liên tiếp hứng chịu những trận mưa, lũ nặng nề gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình về việc ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3. Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Vừa qua Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Hòa Bình đã phát động ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trong toàn thể đoàn viên là cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị CDC Hòa Bình. Chỉ sau 3 – 4 giờ phát động, có 169 đoàn viên công đoàn và người lao động trong toàn đơn vị đã ủng hộ với tổng số tiền là 12.000.000 đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là tấm lòng của toàn thể đoàn viên và người lao động của đơn vị CDC Hòa Bình, góp phần giúp cho bà con vùng lũ, bão khắc phục khó khăn và sớm ổn định cuộc sống./.
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI PHÁT ĐỘNG

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 12/09/2024

TẬP HUẤN AN TOÀN THỰC PHẨM: CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) NĂM 2024
Ngày 12/9/2024, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hoà Bình phối hợp với Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức lớp tập huấn an toàn thực phẩm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham dự và chỉ đạo lớp tập huấn có đồng chí Nguyễn An Trường - Phó Giám đốc Sở Y tế.
Tham gia lớp tập huấn có hơn 50 học viên là cán bộ Văn phòng HĐND, UBND huyện, thành phố; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế hạ tầng, phòng Y tế; lãnh đạo, cán bộ chuyên trách chương trình ATVSTP tại các Trung tâm y tế huyện, thành phố; cán bộ chuyên viên các phòng chức năng thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Lớp tập huấn diễn ra trong 2 ngày. Tại đây, các học viên được cập nhật những thông tin, những điểm mới trong Bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; được tìm hiểu về Luật An toàn thực phẩm, chính sách mới hỗ trợ chương trình OCOP; trao đổi kinh nghiệm triển khai chương trình của một số địa phương để áp dụng tại tỉnh Hoà Bình.
Hồng Dung - Cao Cường (CDC Hòa Bình)

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 12/09/2024

CƠ QUAN SỞ Y TẾ ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CƠN BÃO SỐ 3
Hưởng ứng Thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình, chiều 11/9, Cơ quan Sở Y tế Hoà Bình đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn các tỉnh Miền Bắc đã có những trận mưa lớn, kéo dài, làm gãy đổ, sạt lở, lũ lụt ở nhiều nơi, gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa và tài sản của Nhân dân. Hơn lúc nào hết, người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt đang rất cần sự quan tâm, sẻ chia với tinh thân "nhường cơm, sẻ áo" từ các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", của dân tộc Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế đã kêu gọi toàn bộ cán bộ công chức, người lao động trong Cơ quan Sở chung tay ủng hộ ít nhất 1 ngày lương giúp người dân vùng bị thiên tai lũ lụt vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống./.
Hồng Dung – Cao Cường (CDC Hòa Bình)

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 04/09/2024

PHUN THUỐC DIỆT MUỖI NHẰM KIỂM SOÁT Ổ DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT
Vừa qua, tại xóm Cầu Phung, xã Ngọc Mỹ - huyện Tân Lạc. Trung tâm kiểm soát bệnh tỉnh Hòa Bình, Khoa Kiểm soát Bệnh tật Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc đã phối kết hợp với UBND xã Ngọc Mỹ tổ chức phun thuốc diệt muỗi nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết.
Hoạt động này được triển khai sau khi tại khu vực này ghi nhận 02 ca mắc Sốt xuất huyết và phát hiện nhiều muỗi vằn mang virus Dengue, nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh sốt xuất huyết. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, buổi phun thuốc nhằm tiêu diệt muỗi vằn và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết cho người dân.
Đồng thời, người dân cũng được truyền thông về tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh như: Vệ sinh dụng cụ chứa nước ngăn không cho muỗi vào đẻ trứng và diệt trứng muỗi; Đậy nắp kín bể, các vật dụng chứa nước bằng nắp đậy, hoặc bằng vải màn; Lật úp các dụng cụ có thể đọng nước không dùng đến; Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên. Dùng bàn chải cọ kỹ thành và đáy dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (chum, lu, vại, khạp...) hai lần mỗi tuần để loại bỏ trứng muỗi bám ở thành dụng cụ chứa nước; Cọ rửa và thay nước bình hoa hàng ngày; Các máng dẫn nước trên mái nhà nếu bị tắc cũng trở thành nơi đẻ trứng của muỗi vì vậy cần quét dọn và kiểm tra định kỳ.
Đức Hoành (TTYT huyện Tân Lạc)

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 30/08/2024

TẬP HUẤN CÔNG TÁC Y TẾ TRƯỜNG HỌC NĂM 2024
Ngày 29/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về chương trình y tế trường học năm 2024.
Tham gia lớp tập huấn tại 10 điểm cầu của các Trung tâm y tế huyện thành phố có hơn 40 học viên là lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công tác y tế trường học, cán bộ chuyên trách công tác tai nạn thương tích của các Trung tâm. Tại lớp tập huấn các học viên được hướng dẫn hoạt động quản lý, chăm sóc sức khoẻ học sinh; hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ trong trường học; phòng, chống bệnh tật học đường; phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học và thống kê báo cáo.
Thông qua lớp tập huấn 100% Cán bộ chuyên trách công tác y tế trường học của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nắm được các hoạt động quản lý, chăm sóc sức khoẻ học sinh, thống kê báo cáo; 100% Cán bộ chuyên trách công tác y tế trường học của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nắm được tầm quan trọng trong hoạt động truyền thông, phòng chống bệnh tật học đường, tai nạn thương tích trong trường học. Từ đó nâng cao năng lực thực hiện công tác y tế trường học và tăng cường, củng cố kiến thức phòng chống bệnh tật học đường, tai nạn thương tích trong trường học./.
Hồng Dung – Cao Cường (CDC Hòa Bình)
Hình ảnh lớp tập huấn tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 26/08/2024

HỘI THI TAY NGHỀ “ĐIỀU DƯỠNG - HỘ SINH - KỸ THUẬT VIÊN GIỎI” NĂM 2024
Để từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc phục vụ người bệnh, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc người bệnh ngày càng cao. Thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, các quy định y đức, giao tiếp ứng xử Điều dưỡng tại đơn vị.
Vừa qua, Hội đồng Điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Lạc Thủy đã tổ chức Hội Thi tay nghề “Điều dưỡng - Kỹ thuật viên - Nữ hộ sinh giỏi” năm 2024 cho toàn bộ cán bộ Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Nữ hộ sinh đang công tác tại các Khoa, Phòng thuộc viên chức
Trung tâm y tế huyện Lạc Thủy. Hội Thi diễn ra trong 4 ngày từ 20-23/8/2024.
Hội thi diễn ra gồm 2 phần: phần thi lý thuyết và thi thực hành. Các phần thi tập trung chủ yếu vào kiến thức chuyên môn, văn bản quy phạm pháp Luật có liên quan đến người lao động và hoạt động trong lĩnh vực của ngành Y tế như: Thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh, hướng dẫn sử dụng thuốc trong cơ sở y tế, quy định về qui tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế, quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các quy trình chăm sóc người bệnh, các quy trình kỹ thuật. Phần thi thực hành thí sinh tiến hành thi chạy trạm thực hiện các kỹ thuật điều dưỡng theo yêu cầu của đề thi.
Sau hội thi Ban tổ chức đã trao 06 giải cá nhân (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba) cho 6 đồng chí của các Khoa: Hồi sức cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức; Khoa Khám bệnh; Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Truyền nhiễm, Tư vấn và Điều trị nghiện chất; Khoa Nhi; Phòng Kế hoạch nghiệp vụ và điều dưỡng và 03 giải tập thể (nhất, nhì, ba) cho 3 khoa: Nhi; Hồi sức cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức; Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Truyền nhiễm, Tư vấn và Điều trị nghiện chất.
Hội Thi được tổ chức nhằm củng cố kiến thức chuyên môn, kỹ thuật thực hiện chăm sóc người bệnh cho đội ngũ Điều dưỡng, Kỹ thuật viên và Nữ hộ sinh trong công tác phục vụ chăm sóc người bệnh. Tạo phong trào thi đua sôi nổi góp phần nâng cao trình độ chuyên môn đặc biệt là cán bộ mới tuyển dụng. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh của đơn vị. Nhằm khuyến khích và giúp đỡ các nhân viên y tế phát triển năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện các kỹ năng cần thiết trong công việc hàng ngày. Làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, sắp xếp lại vị trí việc làm đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả. Qua đó từng bước chuẩn hóa các quy trình chuyên môn kỹ thuật, chăm sóc người bệnh ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Thu Trang (TTYT huyện Lạc Thủy)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THI TẠI TTYT HUYỆN LẠC THỦY

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 24/08/2024

TẬP HUẤN KỸ NĂNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN
Thực hiện công văn số 131/GDSK-ĐTCL ngày 13/8/2024 của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở Về tập huấn Kỹ năng phát triển sản phẩm truyền thông đa phương tiện về phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung. Từ ngày 20–22/8/2024, tại Thành phố Hòa Bình, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương tổ chức lớp tập huấn cho 02 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Tham gia lớp tập huấn có 36 học viên gồm: cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác xã hội 16 người (Hòa Bình 08 người, Sơn La 08 người); cán bộ làm truyền thông tại các Trung tâm Y tế huyện, thị trấn, thị xã 20 người (Hòa Bình 10 người, Sơn La 10 người).
Tại lớp tập huấn, các học viên được học các nội dung: tổng quan về Bệnh không lây nhiễm: Ung thư cổ tử cung, tăng huyết áp, đái tháo đường...; tổng quan về phát triển sản phẩm truyền thông giáo dục sức khỏe; sáng tạo đồ họa thông tin trong truyền thông y tế (đồ họa thông tin là gì? Các loại hình đồ họa; Ưu điểm, nhược điểm , vai trò của đồ họa thông tin trong truyền thông y tế; quy trình chung xây dựng 01 đồ họa thông tin; thực hành phát triển đồ họa thông tin về phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung; góp ý và chỉnh sửa sản phẩm); kỹ năng sáng tạo video clip trên điện thoại thông minh (khái niệm, vai trò của video trong truyền thông; ưu điểm, hạn chế; quy trình xây dựng video ngắn; cách chụp ảnh tạo khung hình đẹp; các khung hình và ý nghĩa (toàn, trung, cận cảnh); hướng dẫn viết tin, bài, kịch bản; thực hành sáng tạo video clip trên điện thoại thông minh; nhận xét chỉnh sửa sản phẩm; thảo luận các chủ đề và nội dung truyền thông về phòng chống bệnh không lây nhiễm trên sản phẩm vừa học).
Sau lớp tập huấn giúp cho các học viên có thêm kỹ năng, kiến thức trong việc phát triển các sản phẩm truyền thông đa phương tiện phục vụ đắc lực trong công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cơ quan, đơn vị.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI LỚP TẬP HUẤN
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)

Photos from Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình's post 23/08/2024

MAI CHÂU: TẬP HUẤN PCTHTL CHO CÁC TỔ CHỨC, ĐOÀN THỂ THÔN XÓM
Ngày 22/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Mai Châu tổ chức lớp tập huấn về Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) cho 30 học viên là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, xóm, các đoàn thể gồm mặt trận tổ chức xóm, chi hội phụ nữ xóm, đoàn thanh niên xóm của 2 xã Đồng Tân và Vạn Mai.
Tại buổi tập huấn, các học viên được truyền đạt các nội dung về: Những nội dung cơ bản của Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Trong đó chú trọng về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức địa phương; Các hành vi bị nghiêm cấm; Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá… Bên cạnh đó, lớp tập huấn còn dành thời gian cho việc phổ biến và thảo luận về sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá không khói, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng); Hướng dẫn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng; Quy định xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền và quy trình xử phạt vi phạm hành chính về PCTHTL.
Chia sẻ tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Văn Mậu – Trưởng xóm Thanh Mai, xã Vạn Mai cho biết: Thông qua hệ thống loa truyền thanh, hay các buổi họp, sinh hoạt của các hội, đoàn thể, nội dung những bài tuyên truyền về tác hại của thuốc lá rất là có ý nghĩa. Qua lớp tập huấn lần này, tôi còn được biết thêm những điều nghiêm cấm trong Luật để có thể về tuyên truyền cho bà con trong xóm không mắc phải. Ví dụ như không bán và cung cấp thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi; không hút thuốc tại các cơ sở y tế, trường học, địa điểm công cộng…
Xây dựng địa bàn dân cư không khói thuốc và giữ môi trường trong sạch là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, nhất là trong điều kiện môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Để có thể làm được điều đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức, đoàn thể ở khu dân cư trong việc tuyên truyền, vận động người dân không hút thuốc ở những nơi công cộng và trong gia đình. Theo kế hoạch năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tổ chức lớp tập huấn về Phòng chống tác hại thuốc lá cho các Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, xóm, các đoàn thể gồm mặt trận tổ chức xóm, chi hội phụ nữ xóm, đoàn thanh niên xóm của 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Đây sẽ là đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở nòng cốt trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại địa phương.
Thu Hương (CDC Hoà Bình)
HÌNH ẢNH BUỔI TẬP HUẤN

21/08/2024

TẬP HUẤN CHƯƠNG TRÌNH VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NĂM 2024
Ngày 20/8/2024, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hoà Bình đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về chương trình Vệ sinh môi trường năm 2024 cho lãnh đạo, cán bộ chuyên trách chương trình vệ sinh môi trường của các Trung tâm y tế trong toàn tỉnh. Nội dung chính tại lớp tập huấn là về Biến đổi khí hậu và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến môi trường, phát triển kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng; BĐKH kéo theo là thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoạn (tăng tần suất và cường độ bão, nhiệt độ trái đất ấm dần lên và nước biển dâng...) đang trở thành mối đe dọa toàn cầu trong thế kỷ 21. Theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm BĐKH góp phần gia tăng gánh nặng một số bệnh tật như suy dinh dưỡng với 3,5 triệu người tử vong, tiêu chảy với khoảng 2,2 triệu người tử vong, sốt rét với khoảng 900 ngàn người tử vong và khoảng 60 ngàn người tử vong do các hiện tượng thời tiêt cực đoan như nắng nóng, sốc nhiệt.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề của biến đôi khí hậu. Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với sự phát triển kinh tế đã tạo ra những tác động kép đến nhiều vùng, nhiều địa phương trên cả nước, gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt... ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống y tế và sức khỏe người dân. Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Quyết định số 7562 (ngày 24/12/2018) phê duyệt Kế hoạch hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của BYT, ngành Y tế tỉnh Hoà Bình, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những nhiệm vụ đó được triển khai tại lớp tập huấn về chương trình vệ sinh môi trường năm 2024. Trong đó, nội dung lớp tập huấn gồm: Tổng quan về biến đổi khí hậu, công tác ứng phó biến đổi khí hậu ngành y tế và các nhiệm vụ ưu tiên năm 2024; hướng dẫn triển khai bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế; thực hành đánh giá tính dễ bị tổn thương và năng lực thích với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực y tế tuyến tỉnh, huyện; hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lũ.
Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế, từ đó phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% các cán bộ chuyên trách vệ sinh môi trường của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai được Bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế; 100% các cán bộ chuyên trách vệ sinh môi trường của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nắm được cách xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lũ. Từ đó tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ chuyên trách tuyến xã, y tế thôn bản./.
Hồng Dung (CDC Hoà Bình)

Want your business to be the top-listed Health & Beauty Business in Hòa Bình?
Click here to claim your Sponsored Listing.

Videos (show all)

THÔNG ĐIỆP PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU
ĐOÀN PHONG TRÀO ĐẨY MẠNH DINH DƯỠNG ĐẾN THAM QUAN VÀ LÀM VIỆC TẠI HUYỆN LẠC SƠN
🎥 8 lời khuyên phòng chống sốt xuất huyết của Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương
▶️Sở Y tế vừa tổ chức Lễ bàn giao công trình khu nhà điều trị, khám chữa bệnh cho TTYT huyện Kim Bôi. Đây là một trong 4...
▶️Trong 2 ngày 02 - 03/8. Công đoàn Ngành Y tế Hòa Bình đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023 - 2028....
▶️Sáng 01/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm nă...
▶️Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức 2 lớp Tập huấn "Hướng dẫn khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới ...
▶️Sở Y tế phối hợp với Quỹ hỗ trợ Trẻ em và Gia đình (TFCF) tại Việt Nam triển khai Chương trình "Chăm sóc sức khỏe cho ...
▶️Bộ Y tế - Triển khai hợp tác tăng cường năng lực y tế cơ sở nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu và Quản lý bệnh không l...
🔥SỐT XUẤT HUYẾT - KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN
▶️SỞ Y TẾ SƠ KẾT CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 - GẶP MẶT CHIA TAY ĐỒNG CHÍ HOÀNG THỊ THỦY - PGĐ SỞ Y TẾ NGHỈ HƯU THEO CH...
📺 TOẠ ĐÀM "COVID-19 - BỆNH TRUYỀN NHIỄM NHÓM B" Ngày 19/6/2023, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã ...

Category

Telephone

Address

Đ. Trần Quý Cáp, P. Thịnh Lang
Hòa Bình

Other Medical & Health in Hòa Bình (show all)
TrungTâm Chuyên Điều Trị UXƠ UNANG UVÚ U TUYẾN GIÁP ĐT : 0358.873.291 TrungTâm Chuyên Điều Trị UXƠ UNANG UVÚ U TUYẾN GIÁP ĐT : 0358.873.291
KM36 Quốc Lộ 6 Xã Hoà Sơn Huyện Lương Sơn
Hòa Bình, 36000

Chất Lượng Cao Được Bộ Y Tế Kiểm Chứng

Viên Hoàn Cứng Madhu - Ổn Định Đường Huyết Viên Hoàn Cứng Madhu - Ổn Định Đường Huyết
Khu Công Nghiệp Lương Sơn, Xã Hòa Sơn, Huyện Lương Sơn
Hòa Bình, 35000

Ổn Định Đường Huyết Tại Nhà Ngăn Ngừa Biến Chứng Tiểu Đường

Tạm Biệt Đau Nhức Xương Khớp - L.Y Dương Toàn Vinh Tạm Biệt Đau Nhức Xương Khớp - L.Y Dương Toàn Vinh
Hòa Bình
Hòa Bình, 36000

Những ai bị bệnh Xương khớp thì cứ liên hệ tôi theo đường dây nóng 0826690798

Hypoly VietNam Hypoly VietNam
Lương Sơn
Hòa Bình

Thầy Thuốc Phùng Thị Lâm Thầy Thuốc Phùng Thị Lâm
Hòa Bình, 100000

Các bài báo viết về bà Phùng Thị Lâm https://baophapluat.vn/thuoc/thao-duoc-bi-truyen-chua-dut-benh-tri-301081.html?fbclid=IwAR2UpIZw9XM_FvFbX1p4XOkqI-A2Hira6i5UMczrc9yw4GaD9HVrolU...

Trung Tâm Bác Sĩ Nguyễn Hồng Hải Điều Trị U Xơ - U Nang Trung Tâm Bác Sĩ Nguyễn Hồng Hải Điều Trị U Xơ - U Nang
Lac Son
Hòa Bình

chuyên chua DUT ĐIEM -u xơ tử cung -u nang buồng trứng -u tuyến vú Liên hệ BS: 0975.337.013

Phùng Thị Vui Phùng Thị Vui
Hòa Bình

Th.Sĩ Bác Sĩ Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám Đốc Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền Th.Sĩ Bác Sĩ Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám Đốc Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền
Hòa Bình
Hòa Bình, 36000

Thầy thuốc ưu tú, Th.Sĩ Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Hải – Phó giám đốc b

Madhu VietNam Madhu VietNam
Lương Sơn
Hòa Bình

Trung Tâm Xương Khớp Việt Nam Trung Tâm Xương Khớp Việt Nam
Lương Sơn
Hòa Bình, 36000