Những người hâm mộ học giả Vương Hồng Sển

Diễn đàn của những người hâm mộ học giả Vương Hồng Sển, và lưu giữ những bài viết liên quan đến ông..

15/04/2024

HƠN NỬA ĐỜI HƯ…

HƯ vì “Tiền Sẵn trong tay mặc sức Tung Hoành… Tửu-sắc-tài-khí đều có chấm chút”; HƯ vì hai lần tự mình làm đổ vỡ gia đình; HƯ vì vẫn chưa bỏ tật ích kỷ, “trong thì ép vợ ép con ăn kham mặc mót, ngoài thì tiêu pha đàng đúm, hời hợt với người dưng”. Thế nên, thay vì như người khác về già viết hồi ký bêu thơm, ông lại muốn riêng bêu xấu, viết về cái hư của mình và những chua chát trong đời.

Hơn nửa đời hư là cách nói lộng ngữ mang tính tự trào, tự mỉa của tác giả: Bác Vương Hồng Sển; mà theo ông cho đến cuối đời, vẫn chưa làm nên sự nghiệp, dù chỉ với ý nghĩ khiêm nhường.

Bắt tay viết cuốn sách này, Bác Vương khi ấy đã vào cái tuổi ngoài Thập cổ lai hy (tức tuổi trên 70) xưa nay hiếm. Đó là vào năm 1974, cho tới tháng 7-1978 ông mới viết tiếp trang cuối cuốn hồi ức Hơn nửa đời hư này.

Đây là một thiên hồi ức của một nhà văn hóa, một lão học giả học cao, hiểu rộng, có vốn sống vô cùng phong phú và một phương pháp làm việc khoa học – nói có cách, mách có chứng – vì ông nhiều năm làm Viện trưởng Viện Bảo tàng, tinh thông nghề sưu tầm cổ ngoạn, ghi chép những sự việc, những điều chính ông nghe, thấy, làm và biết được. Đó là những bước thăng trầm, “những nỗi buồn, vui, đau khổ” ăn năn, tự vấn, “những tâm sự rải rác phân tán manh mún, vụn vặt về cuộc đời và con người” quanh ông hơn nửa thế kỷ, ở một thời mà ông gọi là “ kinh cụ, khóc, cười lẫn lộn”, nào “Tây cuốn gói, Nhật chạy càng, đến ông Ngô băng lẹ như diều dứt dây”. Trong đó, chính ông dù “địa vị thua, chức phận thua duy về chua tân khổ há dám thua ai”.

Bạn đọc sẽ tìm được trong sách những chuỗi ngày xưa tuy xa mà gần của vùng đất phương Nam này, từ Sóc Trăng, Sa Đéc, lên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… những phong tục, tập quán xã hội, phong cách sống, nét ứng xử, tình bạn thủy chung, tình thầy và trò cung kính, tình gia đình, cha mẹ, xóm làng ấm áp, đầy tình thương và trách nhiệm. Bên cạnh đó, tuy phác họa đơn sơ nhưng người đọc chúng ta cũng hình dung khá rõ chân tướng của hạng người sâu mọt, lọc lừa, nịnh trên nạt dưới, các thói kịch cỡm, rởm đời thời cũ (trước tháng tư năm 1975), mà bọn họ cũng điển hình trong các cách đe nẹt, hù dọa, miệt thị lẫn nhau, ăn hối lộ, hà lạm, hiếp dân, dựa vào thế lực ngoại bang để vinh thân phì gia.

Tất nhiên, ở Bác Vương, một lão tri thức đầy thiện tâm, tuy không có dịp thực sự hội nhập vào tư trào cách mạng, nhưng ông vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng dân tộc.

Ở tuổi của ông, việc dùng từ pha cổ, xen nhiều tiếng địa phương, cách viết cách tả đôi lúc rề rà, cà kê nhưng bạn đọc chắc chắn dễ thông cảm và thể theo sở nguyện của ông, những nét tốt, đức lành cùng những tật xấu, thói hư, tiếng thơm, tiếng thảo tôi cố giữ y như đã nghe thấy, được biết, chép lại đúng sự thật, ghi dẫu một thời đã qua để làm gương cho hậu thế..(VHS)

Mong rằng các bạn đọc trẻ, trung niên cùng những độc giả cao tuổi, những nhà nghiện cứu, sẽ tìm được trong cuốn sách này bao điều gạn lọc lý thú về cuộc đời, con người, xã hội của một miền đất đầy trăn trở, sục sôi, trồi sụt trong hơn bảy, tám thập kỷ qua, mà tác giả cố công giữ gìn, cất giấu những tài liệu quý giá, sống động để viết ra như vậy.

SỬ VIỆT SÁCH HIẾM

Thông tin sách:
Tác giả: Vương Hồng Sển
Khổ sách: 15x21cm
Số trang: 630
Giá bán: 249,000 VNĐ
NXB: NXB Trẻ
NPH: NXB Trẻ
In lần thứ 1 năm 2017

Photos from Những người hâm mộ học giả Vương Hồng Sển's post 12/04/2024

CHỈ CÒN LÀ HOÀI NIỆM…

Theo từng thời, từng lứa tuổi... gắn liền với những kỷ niệm, dư vị quá khứ... Hai tấm hình quá hay theo bài viết làm tôi nhớ sao thời sinh viên dựng xe PC (honda) xực phá lấu ghim tăm... ăn xong đếm tăm tính tiền... hồn nhiên trung thực... thỉnh thoảng đùa bỏ tăm qua phía mấy nàng...trò đểu vui cho cả 2 nhóm cùng cười...

Các Tiệm Ăn Với Những Món Ngon "Thời Thượng" Khó Quên Của Một Sàigòn Xưa.

***

Sài Gòn xưa có hai tiệm Thanh Bạch, một ở đường Lê Lợi, bên rạp xi-nê Vĩnh Lợi. Tiệm Thanh Bạch thứ hai ở đường Phạm Ngũ Lão, trong dẫy phố trệt dưới tòa soạn nhật báo Sàigòn Mới Ngoài bánh mì ốp-la, ôm-lết, thịt nguội, Thanh Bạch Lê Lợi đặc biệt có bánh mì bò kho.

Nhà hàng Thanh Thế bên Nguyễn Trung Trực có món suông ngon hết sảy. Bún suông dùng xương heo để nấu nước lèo, và đặc biệt ở đây là dùng tôm tươi lột vỏ, bỏ đầu, bằm nhuyễn sau đó vo lại thành sợi dài (như sợi bún). Nước lèo ở đây rất trong, ăn kèm với rau sống…

Nhà hàng Tài Nam trên đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) nổi tiếng với món đuông chà là chiên bơ rất ngon nhưng cũng rất mắc tiền. Theo nhà văn Sơn Nam, vua chúa cũng còn thèm “con đuông chà là”, tên chữ là “hồ đa tử”. Hồ đa là cây dừa rừng, tức cây chà là hoang thường mọc miền nước mặn Nam bộ, giống như cây cau kiểng. Cây dừa rừng có “củ hũ”, tức đọt non, đến mùa sau Tết thường xuất hiện con đuông, giống như con nhộng. Ðuông ăn đọt dừa non nên to, mập và thường được bắt trước khi nở thành bướm. Sơn Nam viết: “Ðem đuông nướng trên vỉ sắt, cho héo rồi ăn, chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Con đuông béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là”.

Vùng Thanh Ða (Bình Thạnh) nổi tiếng khắp Sàigòn với món cháo vịt, gỏi vịt. Vào buổi tối người Sàigòn hay ra bán đảo Thanh Ða trước là để đón những luồng gió mát từ sông Sàigòn thổi vào và khi về, ghé mấy quán cháo vịt, gọi thêm đĩa gỏi vịt ăn kèm. Nếu là “bợm nhậu” thì gọi thêm chai bia Con cọp BGI để… đưa cay.

Nếu ngại ra Thanh Ða thì trên đường Hồng Thập Tự cũng có khu bán cháo vịt thuộc loại… “ăn được”. Thịt vịt tại đây khá mềm, nhai kỹ thấy ngọt và đặc biệt không thấy mùi hôi vốn có của thịt vịt. Có thể họ tuyển loại vịt chạy đồng nên không hôi (?).

Ðinh Công Tráng là một con đường nhỏ gần nhà thờ Tân Ðịnh với món bánh xèo. Bí quyết của bánh xèo nằm ở kỹ thuật pha bột, sao cho khi chiên lên, bánh giòn tan khiến người ăn có thể cảm được cái thú nghe miếng bánh đang được nhai dưới hai hàm răng. Lớp bột gạo pha chút nghệ khi đổ vào chảo dầu tạo nên một tiếng “xèo” khiến ta hiểu được tại sao lại gọi là… bánh xèo!

Ngày nay, đường Ðinh Công Tráng trở thành “đường bánh xèo” nhưng người sành ăn thì chọn quán bên tay trái, nếu đi từ đường Hai Bà Trưng vào. Quán không tên nhưng người ăn vẫn nhớ vì nó đã đi vào “bộ nhớ” của người Sàigòn từ bao năm nay. Những quán đối diện bên kia đường trông có vẻ lịch sự hơn, sạch sẽ hơn nhưng vẫn chịu cảnh vắng khách vì là kẻ… hậu sinh.

Khu Ða Kao có tiệm bánh cuốn Tây Hồ (127 Ðinh Tiên Hoàng), gần chợ Ða Kao, quận 1, nổi tiếng. Tại đây, mỗi bàn có để sẵn một thẩu nước mắm và một chồng chén nhỏ để khách tùy nghi sử dụng, thêm nhiều hay ít ớt bằm theo sở thích riêng của từng người. Tuy nhiên, có khách lại thích chan luôn nước mắm vào đĩa để bánh cuốn thấm nước mắm, đậm đà hơn. Chả quế và giò lụa được cắt thành miếng lớn, để riêng trong một đĩa nhỏ. Khách có thể chỉ ăn bánh cuốn nhân thịt mà không đụng tới đĩa giò chả, như vậy người phục vụ nhìn vào đĩa chả còn nguyên mà không tính tiền. Nếu cần, có thể gọi thêm đĩa bánh tôm hoặc bánh cuốn không nhân.

Sàigòn cũng có bánh cuốn Thanh Trì kiểu Bắc, mỏng như tờ giấy, ăn với “ruốc” (chà bông) và nước mắm phải kèm với vài giọt cà cuống mới là “sành điệu”!

Còn bánh ướt là kiểu bánh cuốn bình dân ở Sàigòn, cũng ăn kèm với bánh tôm chiên, giò, chả và rau, giá. Những xe bánh ướt được đẩy đi khắp Sàigòn, có cả nồi hấp nên lúc nào bánh cũng nóng và người bán bao giờ cũng chan nước mắm vào đĩa thay vì chấm kiểu “thanh cảnh” như bánh cuốn Thanh Trì.

Lại nói thêm, đường Albert (vào thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đổi tên thành Ðinh Tiên Hoàng) khá dài nên dọc theo con đường này có nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng.

Tiệm ăn Chez Albert (lấy tên theo con đường), Cà phê Hân, Mì Cây Nhãn (tên đặt theo cây nhãn hồi đó còn trồng trước sân), Thạch chè Hiển Khánh (nơi sưu tầm rất nhiều thơ ca tụng thạch chè)… Tôi chắc chắn còn bỏ quên khá nhiều điểm ăn uống khác nữa trên con đường này.

Ở góc đường Tôn Thất Ðạm và Hàm Nghi, trước kia vào thập niên 30 có một quán cháo cá nổi tiếng một thời. Buổi chiều cho đến gần khuya, khách đến ăn rất đông, nhất là khi cải lương, hát bội, hát bóng vãn hát.

Theo Vương Hồng Sển trong Sàigòn Tạp Pín Lù, quán cháo cá này của người Tàu, gốc Quảng Ðông, “cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ, trót trăm năm chớ không phải chơi… ”. Cháo tại đây nấu bằng gạo tấm hầm với cá, xương heo và thịt tôm hùm để thành một thứ hồ sền sệt khiến “người đau mới mạnh dùng không sợ trúng thực, người mệt mỏi ăn vào cảm thấy nhẹ bụng, mau tiêu". Tô cháo cá Chợ Cũ quả là một ‘tô thuốc tráng thần’… Cháo nóng hổi bốc hơi nghi ngút. Vừa thổi vừa húp xì xụp mới thấy được cái thú vị của món cháo cá Chợ Cũ. Thịt cá giòn, thơm, lẫn lộn hương vị của hành, tiêu, gừng và có thể ăn với “dầu cháo quẩy”. Thú thật, tôi là người thích thịt hơn cá nhưng thỉnh thoảng được thưởng thức món cháo cá vẫn thấy ngon đến toát mồ hôi !.Tại đây có Tiệm Cơm Tàu bán Cơm Thố nổi tiếng.

Có một tiệm cháo giò heo khá nổi tiếng trong ngõ đường Phan Ðình Phùng (ngày nay là Nguyễn Ðình Chiểu). Tiệm không có tên, chuyên bán cháo từ 6 giờ tối tới một, hai giờ sáng. Khách của tiệm này đa số là khách chơi đêm, khách đi nhảy, khuya về đói bụng đến ăn tô cháo nóng.

Tôi lại nhớ đến món phá lấu ở góc đường Lê Lợi-Pasteur, nơi đây còn có xe bò bía và nước mía Viễn Ðông. Bán phá lấu là một chú Tàu và “cửa hàng” của chú chỉ vỏn vẹn một cái khay tròn, trên đó bày đầy đủ nội tạng heo : lòng, dồi, gan, bao tử, ruột non, ruột già, tim, phèo, phổi…

Trông thật hấp dẫn, ngửi thơm phức và ăn vào thì giòn tan. Phá lấu nói chung có vị hơi ngòn ngọt, gan thì bùi bùi, lòng thì hơi dai dai nhưng khi nhai kỹ mới thấy ngon… thấu trời xanh!

Nghệ thuật làm phá lấu chắc chỉ mấy chú ba mới đáng hàng sư phụ. Phá lấu làm tại nhà cũng ướp húng lìu, ngũ vị hương nhưng không thể nào so sánh với phá lấu góc nước mía Viễn Ðông. Từng miếng phá lấu được ghim sẵn bằng tăm, chấm với tương đỏ trộn tương đen. Khách ăn xong chú Ba chỉ nhìn tăm mà tính tiền nhưng tuyệt không bao giờ sai.

Quá bộ vài bước là xe nước mía tươi mát đang chờ… để kết thúc một chuyến ăn hàng bên lề đường.

Gần nước mía Viễn Ðông có xe thịt bò khô của ông Năm (theo tên gọi của khách quen) và sau 1975 ông dời về đường Tự Ðức (nay đã đổi tên là đường Nguyễn Văn Thủ) thuộc khu Ða Kao. Dân chơi Sàigòn thường xếp hạng: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1” nên viết về món ngon Sàigòn mà bỏ qua khu vực Chợ Lớn là cả một thiếu sót lớn.

Dọc đường Trần Hưng Ðạo nối với đường Marins (Ðồng Khánh) thuộc địa phận quận 5 có những nhà hàng, tửu lầu nổi tiếng một thời như Arc-en-Ciel, Ðồng Khánh, Á Ðông, Bát Ðạt.

Theo tôi, Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze mà người Việt hay gọi trại là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này. Khu La Cai có mì vịt tiềm hầm thuốc bắc, một trong những món “tủ” của người Tàu.

Bên cạnh đó còn có những tiệm hủ tiếu mang tên Mỹ Tiên, Cả Cần và tiệm bánh bao Bà Năm Sa Ðéc. Ðêm đến có các quán sò huyết dọc theo lề đường. Khách bình dân ngồi ăn nhậu thoải mái giữa dòng xe cộ ồn ào bên ánh đèn nê-ông từ các nhà hàng, vũ trường sang trọng của Chợ Lớn “by night”!

KẾT

… Thôi thì đời người có lúc hưng lúc tàn, cũng như vận nước có khi thịnh khi suy. Viết lại món ngon Sàigòn chỉ để thỏa mãn kiểu “ăn hàm thụ” như đã nói ở trên. Giờ có cho ăn thực thụ chắc cũng chẳng thấy ngon như thời còn trai trẻ.

Tất cả bây giờ chỉ còn là… hoài niệm!

NGUYỄN NGỌC CHINH

Photos from Những người hâm mộ học giả Vương Hồng Sển's post 08/03/2024

"BÙNG BINH": DUYÊN NỢ PHƯƠNG NAM…

Ta nói, ở Sài Gòn này, gặp khá nhiều bùng binh, như bùng binh hằm giữa hai đại lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, bùng binh ngã sáu Phù Đổng, bùng binh chợ Bến Thành, bùng binh Cây Gõ, bùng binh trước bưu điện Chợ Lớn, bùng binh ngã bảy Lý Thái Tổ, bùng binh ngã tư giữa đường Hùng vương (trước 75: Hòng Bàng) và đường Châu Văn Liêm (trước 75: Tổng đốc Phương) .v.v...

"BÙNG BINH" là gì vậy?

/1/ Nhiều người từng biết đến câu chuyện về BÙNG BINH BỒN KÈN, vào thập niên 20 và 30 của thế ky XX. Bùng binh này nằm phía trước Tòa Thị chính (nay là UBND TpHCM), giữa hai đại lộ Charner (sau đổi tên: Nguyễn Huệ) và Bonard (sau này: Lê Lợi).

Theo cụ Vương Hồng Sển, hồi những thập niên đầu thế kỷ 20 nơi đây có cái bồn hình bát giác (xem hình trên cùng, cột phải, chụp năm 1938), binh lính Pháp thường đến đây thổi kèn cho dân chúng thưởng thức. Người dân gọi là "Bồn Kèn".

Cụ Sển cho rằng, "bồn" được đọc chệch thành "bùng", và do nơi đây gắn với binh Pháp, thành thử có cách gọi là "bùng binh".

1a) Kỳ thực, "BỒN" đã là môt cách nói quen thuộc trong ngôn ngữ của người phương Nam! "Bồn" là cách đọc của ký tư 盆 (vốn đã có trước đó từ lâu, trước khi thông dụng chữ Quốc ngữ), chẳng hạn "bồn bông", "bồn rửa mặt".... - hết thảy các cách nói như "bông", "rửa". "mặt"... đều thuộc về Nam âm (quốc âm) của tiếng Việt.

"Bồn"... chẳng phải là tiếng Tây để người dân nghe mang máng rồi đọc chệch, đọc trại. "Bồn" vốn có sẵn trong từ vựng tiếng Việt.

1b) Và đây là cứ liệu ngôn ngữ rõ rành: trong Đại Nam Quấc âm tự vị, xuất bản năm 1895, giải nghĩa: BÙNG BINH nghĩa là "khúc sông rộng lớn mà tròn”.

Tự điển xuất bản năm 1895, tức chữ nghĩa ghi trong Tự điển đã phải có mặt trong đời sống trước năm này. "BÙNG BINH" đã được bà con dùng trong thế kỷ 19, thậm chí còn sớm hơn nữa.

Tức cách nói "BÙNG BINH" đã có TRƯỚC sự kiện "Bồn Kèn" từ lâu rồi đa! (thành thử càng không thể suy đoán "bồn" thành "bùng", rồi "bùng binh" gì hết).

/2/ Ồ, "Bùng binh" sao mang nghĩa gắn với sông nước, đang từ sông nước sao lại áp dụng trên đất liền?

2a) "BÙNG" thuộc vè Nam âm, ghi bằng chữ Nôm 𩅛 (trong Đại Nam quấc âm tự vị), nghĩa là "nới ra, nở ra, sổ ra".

Còn "BINH"? Có 5 ký tự viết khác nhau, đều đồng âm "binh", trong đó có cái nghĩa là binh lính, thuộc quân sự mà chúng ta rất quen thuộc ("binh" quân sự này, ghi là: 兵 ).

Và, xin chú ý, "binh" được viết khác: 浜 (có bộ "thủy") mang nghĩa là "dòng nước nhỏ, ngòi (sông ngòi), rạch, bến"! Chính "binh" này, rất ư là sông nước, được dùng trong cách gọi là "BÙNG BINH" đó đa!

Đến đây, ắt hiểu vì sao trong Đại Nam quấc âm tự vi đả giải thích: BÙNG BINH là "khúc sông rộng lớn mà tròn”. Vài ba sông, rạch, lạch... gặp nhau, tụ lại lòng vòng, tạo thành một vùng không gian sông nước rộng hơn.

2b) Ắt hết thảy chúng ta hiện nay đều quen nghe cách nói như "cho quá giang", "đi quá giang". Nghĩa sát sườn của "quá giang" là "qua sông"!

Ở miền sông nước phương Nam, trong suốt trăm năm hơn, việc di chuyển đi lại bằng ghe, tắc ráng, vỏ lãi..., tức đi đâu cũng "quá giang".

Dấu ấn ngôn ngữ nơi miền sông nước in sâu tới mức, dù thay đổi về phương tiện đi lại, vẫn quen gọi là "quá giang".

Ngoắc xe đi nhờ, cũng gọi "quá giang", và ai nghe cũng hiểu (chớ không thắc mắc ... đâu có sông, có "giang" gì ở đây mà "quá").

/3/ Có thể xác định chính xác thời điểm (năm nào, tháng nào) mà cách gọi "quá giang" được áp dụng cho việc di chuyển trên đất liền (không phải trên sông) không? Không.

Có thể xác định chính xác thời điểm mà cách gọi "bùng binh" vốn dùng cho sông nước lại được áp dụng cho đặc điểm giao nhau giữa các con đường? Không.

Có ý nghĩa hơn nhiều, thú vị hơn nhiều, từ đây, chúng ta nhận ra (và tiếp tục khám phá):

Gìn giữ bản sắc ngôn ngữ phương Nam GẮN với đặc trưng văn hóa sông nước miền châu thổ!

MATTHEW NCHUONG


Hình ảnh côt phải: Bùng binh Bồn Kèn;
Hình ảnh cột trái (trên): Tượng Lê Lợi (hình tư liệu) đã không còn thấy tại Bùng binh Cây Gõ;
(cột trái, dưới): Tượng Trần Nguyên Hãn (hình tư liệu) đã không còn thấy tại Bùng binh chợ Bến Thành.

Photos from Những người hâm mộ học giả Vương Hồng Sển's post 02/03/2024

NƯỚC BẠC HAY NGƯỜI BẠC…

Ảnh là một trang viết trong cuốn hồi ký về vùng Hậu Giang-Ba Thắc của cụ Vương Hồng Sển. Theo như sách, vào những năm 1927, 1928, cụ đã mua 4 thùng thiếc tôm càng với giá chỉ 1 đồng bạc, giữa mùa nước lớn. Mua ngay giữa sông, gác chèo nhóm lò, nướng con tôm, ăn miếng gạch, thơ mang mang như nước. Để biết 1 đồng bạc lúc ấy trị giá thế nào, có thể tham khảo thêm cuốn "Người Bahnar ở Kontum", theo đó, thịt heo ở Kontum năm 1933 có giá được tác giả cho là rẻ vì nuôi tại chỗ nhiều, vào khoảng 3 đồng/10kg. Tức nếu so thì 4 thùng thiếc tôm càng sông Cửu Long năm 1929 chỉ bằng khoảng hơn 3kg thịt heo ở Kontum năm 1933. Con số ấy cho thấy sự trù phú của vùng đất đồng Cửu Long vào mùa nước về, nước mang sự sống.

Cũng trong trang sách này, cụ Vương cho biết "Mấy năm trước, cá mắm không làm sao cho hết", cụ viết bài này vào khoảng 1966, vậy vào khoảng đầu thập niên 60, khi chiến tranh chưa tăng cường độ, các khu vực sông miền Tây chưa bị mất an ninh vì 2 phe đánh nhau đến mức ít người khai thác và xăng dầu, súng đạn khiến cá tôm ít đi thì nước vẫn đãi đằng người hết mức.

Sự trù phú ấy đã thành cổ tích, chuyện bước ra là thấy cái ăn đã thành chuyện cười ra nước mắt. Câu chuyện đồng ngập mặn khiến bao nhiêu làng đã trở thành công nhân thời vụ ở các khu công nghiệp, nhấp nhổm chờ nước về, chờ đất ngọt lại để quay về không còn là hiếm. Câu chuyện không tiền mua nước ngọt xài, câu chuyện người dân các vùng hạn mặn phải đào ao trải bạt trữ từng ít nước ngọt để dùng trong các việc cần thiết nhất, ngay giữa vùng mà cách đây ít lâu người ta còn lo lắng hát hò kiểu "miền Tây nước lớn đứng ngồi không yên", nỗi kinh ngạc quá buồn. Không chỉ là ly hương, ly nông, một đời sống văn hóa đạp đẽ, những cuộc đời cụ thể đang biến mất dần.

Trong khi đó, 40 tỉ mét khối nước đang được 8 đập Trung Quốc giữ lại phía đầu nguồn. Báo chí Trung Quốc khi đề cập đến Mekong, không nói 1 từ nào về cách họ trải các bẫy nước khắp từ thượng đến hạ nguồn dòng sông này, họ đổ nước cạn là tại trời không mưa. Các đập thủy điện như Cảnh Hồng là một ông trời mới, khi cuối nguồn kêu ca quá, họ nhỉ ra một chút nước, những giọt nước sẽ đổ tiếp vào các đập như Xayaburi đang tích nước chạy thử nghiệm. Trong khi ước mộng bá chủ bằng nguồn năng lượng điện đang đốt cháy hừng hực dòng sông, khiến mọi phù sa biến mất, khiến mọi thủy tộc chết khô, thì người dân cuối nguồn chia nhau từng giọt nước ngọt, loay hoay tìm cách khai mở đời sống. Câu chuyện về thỏa thuận nguồn nước cách quá xa khả năng của họ. Đại dịch virus hôm nay, phải chăng là một cơ hội để những kẻ gom hết của thiên hạ về làm của riêng mình tỉnh ra một chút mà biết trong sự sống có người có ta, những vận động, chế tài nào đó có thể trả lại nước, trả lại phù sa, trả lại thủy sản, trả lại sự sống cho một dòng sông, cho nhiều dòng sông, cho một vùng đất, cho nhiều vùng đất.

Những chú tôm chết khô trên một nhánh sông Mekong kiệt nước ở Thái Lan (ảnh) sẽ nói gì với 4 thùng thiếc tôm trị giá 1 đồng bạc 1929 ở Hậu Giang? Chắc như những người dân, chúng không hiểu đời sống của chúng được quyết định cách đó rất xa bằng rất nhiều con số được gọi là chỉ số phát triển, gọi là tiền.

THUAN VUONG TRAN

Photos from Những người hâm mộ học giả Vương Hồng Sển's post 16/01/2024

Nghệ sĩ tiền phong:

• CÔ NĂM SA-ĐÉC

Năm Sa Đéc là nghệ danh của bà Nguyễn Kim Chung (1907-1988), nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lãnh vực nghệ thuật, từ hát bội cho đến cải lương, thoại kịch và điện ảnh. Bà là vợ của cây bút sưu khảo nổi tiếng và sưu tầm đồ cổ ngoạn Vương Hồng Sển (1904-1996).

Cô Năm Sa-Đéc

Vì mê hát bội, ông Hương Cả Nguyễn Duy Tam ở Sa-Đéc lập gánh "Thiện Tiền Ban" và đặt tên cho cô con gái út là Kim Chung để nhớ đến tên tuổi cô đào hát bội Năm Chung nổi tiếng ở Mỹ-Tho. Với lòng say mê ca hát cộng với khả năng thiên phú và sẵn có gánh hát nhà, cô Năm đã không phụ lòng thân phụ, từng bước đi lên và vững chắc trên bước đường nghệ thuật.

Cái tên Năm Nhỏ không còn xa lạ với khán giả say mê hát bội. Nhắc đến cô, khán giả nhớ đến những vai tuồng vang bóng một thời như Đào Tam Xuân (tuồng Đào Tam Xuân), Lữ Phụng Tiên trong (tuồng Phụng Nghi Đình), Hồ Nguyệt Cô (tuồng Tiết Giao đoạt ngọc), Tô Ánh Tuyết (tuồng Mạnh Lệ Quân), v.v..

Chia tay với sân khấu hát bội, cô Năm chuyển qua cải lương vào năm 1934. Ở lãnh vực mới và với nghệ danh mới, cô Năm Sa-Đéc (giống như các bạn đồng nghiệp cô Ba Trà-Vinh, cô Ba Bến-Tre, cô Năm Cần-Thơ) nhanh chóng gặt hái thành tựu mới ở các gánh hát đại ban như Huỳnh Kỳ, Trần Đắc, Song Phụng, Phụng Hảo, Thanh Minh Thanh Nga… Dù là tuồng tích cổ xưa, màu sắc hay tình cảm xã hội, cô Năm đều ca diễn xuất sắc. Những vai tuồng như Địch Thanh, Đổng Trác và đặc biệt vai bà Phán Lợi trong vở hát "Đoạn tuyệt" trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga được xem là vai diễn mẫu mực "thật và đẹp" cho các thế hệ sau này. Ở sân khấu thoại kịch và điện ảnh, cô Năm gặt hái được nhiều thành công khiến cho báo chí và khán giả khen tặng là "tài danh thinh sắc lưỡng toàn".

Trái với con đường nghệ thuật thành công rạng rỡ, cô Năm đã trải qua đời sống tình cảm lận đận, chìm nổi. Sau vài mối tình trong cuộc đời nghệ sĩ rày đây mai đó, cô sống với ông Đặng Ngọc Chấn", từng là Đốc phủ sứ. Quan niệm "xướng ca vô loại" đã khiến cho cuộc tình này lâm vào ngõ cụt dù đã có với nhau một trai là Nguyễn Ngọc Đặng (1939-2005). Sau lần gãy đổ, cô Năm đưa con lên Sài-Gòn và đi thêm bước nữa với ông Vương Hồng Sển vào năm 1947. Con trai Vương Hồng Bảo (1950-1998) là kết quả của mối tình nghệ sĩ đẹp đẽ này. Dù đã bước qua hai lần đò nhưng cô Năm chưa từng được mặc áo cô dâu.

Đầu thập niên 70, quán bánh bao và hủ tiếu "Ông Cả Cần" ở góc đường Nguyễn Tri Phương trương bảng hiệu với bức chân dung khổ lớn của cô Năm Sa-Đéc. Hỏi ra mới biết người con trai của người yêu cũ thời son trẻ của cô Năm là chủ nhân của quán ăn này. Do hiểu biết, quý trọng tâm tình của cha mình và cũng xuất phát từ tấm lòng ái mộ tài năng nghệ thuật của cô Năm nên ông xin được làm con nuôi và xin luôn cái tên nghệ sĩ của cô làm thương hiệu để quán ăn được quảng bá rộng rãi hơn.

Vì tham gia vào chương trình "Thép Súng" của đài truyền hình số 9 nên sau ngày 30 tháng tư năm 1975, cô Năm bị cấm hát. Mãi đến khi văn nghệ miền Nam được "cởi trói", cô Năm mới được mời góp mặt trong vài bộ phim điện ảnh. Cũng nhờ cơ hội này mà cô được theo chân đoàn làm phim về thăm xứ sở quê nhà ở Nha-Mân, Sa-Đéc. Cuốn phim sau cùng được quay ở Đồng-Tháp-Mười đầy nắng lửa và muỗi mòng đã vắt kiệt sức của người nghệ sĩ lão thành. Hai ngày sau đó, cô trở về Sài-Gòn và qua đời vào ngày 26.01.1988.

Đám tang cô Năm được tổ chức đơn sơ, chỉ có hàng xóm và các đồng nghiệp bên điện ảnh đến tiễn đưa lần cuối. Vì không được quàn ở Hội Nghệ Sĩ trên đường Cô Bắc và không được chôn cất nơi nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò-Vấp nên ông Vương Hồng Sển đưa cô về an táng nơi quê nhà Nha-Mân với mấy dòng thơ khóc biệt:

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Chén cơm Bà-Chiểu, con đò Sóc-Sa
(Sóc là Sóc-Trăng, Sa là Sa-Đéc).

Tám Vạn - Germany


_________________
Hình 1: Cô Năm Sa-Đéc và chồng, Ông Vương Hồng Sển.
Hình 2: Cô Năm Sa-Đéc.
Hình 3: Một cảnh trong vở tuồng "Đoạn tuyệt" trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga.

09/01/2024

THÚ CHƠI SÁCH…

Sáng nay tui được chị Việt Hoa tặng cuốn “Thú chơi sách” của bác hai Vương Hồng Sển viết hồi năm 1961, nay nhà xuất bản Trẻ tái bản.

Tui mới đọc lần đầu tiên và là cuốn sách tui thích nhất trong những bộ sách của bác hai vì nó gợi tui một kỷ niệm không bao giờ quên, đó là:

Năm 1974, tui học nội trú trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định, mỗi tuần chủ nhật tui về nhà bác hai ở Nguyễn Thiện Thuật, Gia Định. Buổi trưa ở nhà bác hai, tui mượn bác cuốn truyện “Lục mạch thần kiếm” của Kim Dung, đang nẳm tòn ten trên võng say sưa đọc, bác tui đi ngang nhìn thấy tui đang cầm cuốn truyện một tay và sách gập lại một bên, bán liền kí đầu tui và nói: “Đọc sách phải cầm hai tay và không được gập lại như thế!”

Kể ra để mọi người thấy bác hai là người mê và quí sách đến cỡ nào? Tui xin trích một đoạn trong cuốn Thú chơi sách: “Thú chơi sách là một thú nhàn; đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy cũng còn chưa đủ: nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm- ái vuốt ve trang giấy mịn màng, gởi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử thời xưa tiếp kiến nhân-tình bằng xương bằng thịt”. (trích)

Chơi sách cỡ như thế nhưng bác hai vẫn cho rằng mình chưa bằng một số người quen của bác.

Tui xin được trích tiếp trong sách:

“Trong giới người Việt biết yêu sách, tôi có quen một ông, tánh tình hiền lành nhưng rất khó đối với sách: quyển nào anh em mượn, trả về có chút hư hao, ông không nói gì, sai đem bán lấy tiền đắp thêm mua cuốn mới.

Một ông cưng sách như trứng mỏng, cắp-nắp ôm-đồm từ những quyển học trường lớn bên Pháp đến những tập hai ba xu Việt văn. Việt Minh bùng dậy, phá làng đốt sách. Tủ sách ông ra tro. Từ ấy, tóc ông càng bạc thêm, ông chuyên về tu hành, nghiên cứu Phật- giáo, những ai dỡ chuyện sách ra nói, mí mắt ông ướt hồi nào không hay.

Một ông nữa cắp-ca cắp-củm, sưu tập nhiều bộ nếu nay còn, là một kho tàng quí giá vô cùng, vì ông là nhà khảo cứu chuyên về sừ học Việt Nam, không một bộ sách nào ông không có, nào Khâm-định, nào Thật-lục, đủ cả, luôn những bộ- môn sách Pháp như bộ Đô-thành hiếu cổ, bộ Viễn-Đông Bác-cổ, kịp năm loạn lạc, lớp bị đốt, lớp Tây lấy, lớp người ta dọn, ông chỉ còn cái cười hồn nhiên của nhà học giả chơn chính, không buồn sắm nữa, cũng không hít hà!…

Thừ hỏi chừng nào xã hội chúng ta mới có hạng người biết thương sách, mê sách, biết chơi sách và trân trọng xem cuốn sách như những bạn tốt, đáng được gìn giữ lâu dài, và muốn được như thế, cần phải biết dày công săn-sóc, nhất là phải biết nương tay. Cuốn sách phải được cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Lật mạnh tay, lật bằng móng tay, lật bằng tay thấm nước miếng, gạch làm dấu trong sách bằng móng tay ghì mạnh, bẻ gãy trang sách để nhớ chỗ, mặc dầu đi Tây về, mặc dầu có bằng chuyên môn quản-thủ thư-viện, có những cử-chỉ trên kia, chưa xứng mặt là nhà chơi sách”…

Gương mấy nhà chơi sách đạo mạo, mân-mê rờ-rẵm quyển sách như tinh thần, trân-trọng quyển sách như bảo-ngọc, không bao giờ biết nặng tay hay hờ-hẵng, các gương ấy quả có thật như lời. Các bạn chớ vội cười những người ấy cớ sao quá kính nể vật vô tri: tập giấy có bút tích của một tiền-nhân hoặc tờ hoa-tiên có ấn-triện của một đế-vương cựu thời.” (trích)

Để bớt dài dòng, tui xin kết thúc ở đây cũng trích từ Thú chơi sách:

“Viết đến đây tôi bùi ngùi nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi mất năm 1913, lúc tôi vừa được mười một tuổi, ngây thơ nào biết gì. Mẹ tôi sắm nhiều bộ truyện Tàu, Tam-Quốc, Nhạc-Phi, Phấn-trang-lầu dành dụm từ cắc từ xu, đếm đủ bốn cắc bạc mới mua được một cuốn truyện mỏng-dính “xem một chút một lát là hết” (lời mẹ tôi nói). Thế mà mẹ con đêm nào như đêm nấy, thức chong đèn dầu lén đọc đi đọc lại mãi cũng bao nhiêu cuốn ấy: mẹ tôi nhờ nó mà biết chữ quốc ngữ, tôi cũng nhờ nó mà hiểu qua các điển-tích Tàu và “hiếu trung” hai chữ. Nay mẹ tôi còn ở chốn âm-cảnh lạnh-lẽo tối-tăm hay đã đi đầu thai lớp khác? Con đây, mỗi khi lấy truyện cũ ra xem lại, lật đến những trang vấy dầu lem-luốc không quên những đêm mẹ con đọc truyện dưới ánh đèn toạ-đăng. Truyện còn đây, đèn vẫn còn đây, con cũng còn đây. Duy mẹ đã không còn và chừng nào mới đến phiên con về chốn ấy để mộ con gần với mả mẹ?” (trích)

***

Bây giờ tui đang nâng niu cầm bằng hai tay để đọc cuốn “Thú chơi sách” và có lẽ tui sẽ không bị bác kí đầu nữa!…

V.Q.T

23/12/2023

ĂN CƠM MỚI, NÓI CHUYỆN CŨ…

Tác giả: Vương Hồng Sển (1902-1996)

Người Tàu sống chung với dân ta từ nhiều thế kỷ, nhưng các bạn có biết người Triều Châu sống ra sao? Người Quảng Đông sống thế nào? Và người Phước Kiến làm ăn cách nào? Muốn biết hãy chịu khó theo tôi tìm hiểu. Từ ngàn xưa phương pháp vẫn không đổi. Có đổi là đổi danh từ, thay vì gọi Tàu, Chệc, Khách, thì gọi thanh bai hơn là "người Việt gốc Hoa". Chớ làm sao đổi được lòng người? Phương pháp ấy là nuôi mộng: ban đầu là một cái lều con ở tận mũi Cà Mau xa mú tí tè, mặc cho đỉa đeo muỗi đốt, tụ tiểu thành đa, cách vài chục năm sau dời cái lều lên Chợ Lớn biến thành một cái lầu chọc trời có máy lạnh và có nhạc lùm tùm xùm.

1. Người Phước Kiến: có vẻ thanh bai nhứt. Uống trà quạu, mà hút nha phiến cũng đậm. Hòn Vũ Di Sơn (ở Nam Bình, phía bắc tỉnh Phúc Kiến bên Tàu) là của họ, mà giao thiệp đầu tiên với bọn nha phiến Ăng-lê bên Tàu cũng là họ. Ở đây họ chuyên nghề mua lúa chà ra gạo. Ở tỉnh thì làm chủ chành lúa, ở Chợ Lớn - Bình Tây thì nhà máy xay của họ là phần nhiều. Người họ mảnh mai, vóc cao mà ốm. Gần hết đều sói đầu, không sói thì đầu phải có chốc. Xưa họ dám tự hào: "Không chốc trên đầu, chưa phải là người tỉnh Phước, chưa phải con cháu dòng Minh Thái Tổ, lên ngôi xưng hiệu là "Hồng Võ" (1368-1398). Nhưng ngày nay tắm gội mỗi ngày có mỹ nhơn xức nước hoa đắt tiền, làm gì còn các quốc túy "xái thạo Hồng Bú" (xài dầu Hồng Võ)?

Tôi là con cháu người tỉnh Phước, tôi nói ra đây xin ai đừng vội giận. Những tánh tốt của người đất Mân (閩 Mân vào thế kỷ thứ 10 là một nước nhỏ, xa xưa nữa thời Chiến Quốc là Mân Việt 閩越, nay là địa bàn tỉnh Phúc Kiến) dư che tiểu tật, tánh tôi ưa nói pha lửng, giận thì để bụng. Vả lại đây là tranh chấm phá, việc khen "phò mã tốt áo" tôi cho rằng thừa. Món ăn của người Phước Kiến gồm hải vị nhiều hơn là sơn trân, vì ta chớ quên xứ của họ ở gần duyên hải. Ai có nếm "tàu hủ thúi như phổ mác" (phổ mác "fromage" tức là phô mai) chưa? Ngon vô cùng, ăn rồi nhớ mãi. Nhưng thiện nghệ nhứt là thuật nấu đồ chay theo phái minh sư. Thiếu Lâm tự và môn võ thuật tuyệt luân "võ Thiếu Lâm" cũng ở trong vùng Phước Kiến. Thêm giỏi nghề vẽ vời, viết chữ đại tự. Các tiệm bán trà trong Chợ Lớn, hộp nào cũng có phóng bút đỏ xanh, hỏi ra đều gốc Phước Kiến.

Nói nhỏ: bán ve chai làm giàu cũng họ. Quách Đàm ngày xưa là ông vua. Nói luôn: vì họ ham gần cô Nha phiến, hễ khá thì hút, nên dân Việt ngày xưa ít gả con cho họ, duy người Miên lại thích, khen mặc dầu ghiền nhưng biết trọng chữ tín hơn ai. Có con gả cho bọn Phù dung, không bị bỏ xó, thì cũng chẳng nên cơm cháo gì. Có câu ví, nhưng hơi tục: "Địt như chệc".

2. Người Quảng: Xin đừng lầm với dân Ngũ Quảng ở miền Trung. Quảng ở đây là Quảng Đông, xứ của ông Triệu Đà. Người Quảng phần đông làm chủ các hiệu cao lâu lớn, ăn mỡ thật nhiều, đa số bụng phệ, ngày xưa đại đa số rất thích ở trần phơi rún sâu và đặc biệt nếu đi dép thì quét sạch sân nhà, còn khi đi guốc hoặc giày đế cứng thì họ kéo họ lê họ khua cho thật kêu họ mới bằng lòng. Không tin cứ vô Chợ Lớn giờ tan ciné và hãy xem thềm lát gạch bông đã mòn thế nào thì biết. Hình như bài matjong (mã chược), bài thín cẩu (thiên cửu) đều là của dân Quảng sáng chế; muốn chơi nó, không phương nào lọt khỏi tai thính của cảnh sát và đối với dân Quảng, cái gì không rầy rà không điếc tai là họ không ưa.

Nhạc Quảng nội một cái phèng la cũng đủ bịt lỗ tai, tà ma phải vắt giò bỏ chạy. Còn cái trống bắc cấu (bác cổ), không biết họ dùng thứ da gì, luôn cả cây đờn tam huyền (đờn tam), mỗi lần trống xổ đàn khua, thì ông cha mồ tổ luôn con ráy cũng muốn rời lỗ tai để tản cư nơi khác. Người Quảng Đông là dân tỉnh thành (xẻn xèn) nên thiện nghệ về ăn. Mì, hủ tiếu, bò vò viên, hà hứ, ầm cối quảy (Tần Cối quỷ) kêu trại ra dầu cha quảy (油炸鬼 du tạc quỷ tức quỷ bị thiêu ám chỉ Tần Cối), đều của họ. Đồ vàng nữ trang, vải lụa, đồ gỗ đồ mộc đắt tiền đều bởi họ làm. Họ giỏi chịu đựng, khó nhọc khổ tâm cách mấy cũng không nệ hà. Bán ra một cái tủ sắt chẳng hạn, nếu lao công cu li hè hụi khiêng không nổi, thì a-lê-húp, xì thẩu chủ tiệm cởi áo ra tiếp sức, không như đồng bào ta vừa da mắt bớt tái, làm ăn vừa khá, thì lên chưn lo sắm ô tô hay cô vợ bé. Người mình làm chủ tiệm mà khách lầm (gọi) "Ê mầy! Ê kia!" thì "Mầy sẽ biết tay tao!".

3. Người Tiều: Trong tập tôi không nói đến người Bắc Kinh, người Tô Châu, vì họ qua đây rất ít, tôi không dám nói càn. Tôi xin nêu ra một sắc dân điển hình dễ chung đụng và dễ dung hoà với chúng ta, đó là người Tiều. Tiều đây xin chớ nhầm lẫn với tiều phu đốn củi. Đây là một cách gọi tắt, vì làm biếng, của dân miền Nam, nhứt là giọng dân Chợ Lớn, để chỉ định người Triều Châu (潮州 Teochew, nay là một thành phố nằm phía đông của tỉnh Quảng Đông, cách ranh giới tỉnh Phúc Kiến khoảng 60 km về hướng đông bắc), bởi tiếng phát âm cho đủ chữ và gọi như thế cho khỏi đánh vần chữ "r", khỏi líu lưỡi đỡ ê răng. Và tôi xin thuật một chuyện đã xảy ra cho tôi, tuy mới đây nhưng dung tả được người Tiều xưa nay không thay đổi.

Năm ấy, 1946, tôi chạy tản cư xuống Hoà Tú (Sốc Trăng) rồi xuống Bạc liêu và đi lạc vào vùng ruộng muối, đóng dàn theo bờ biển, ngó xa mú tí tè toàn là một màu trắng phếu như ai lấy bông gòn trải đầy mặt đất, và không có một bóng cây che nắng. Mà phải biết vào mùa hạn khô như vầy, cứ đếm mỗi một ngày nắng ráo như thế nầy, muối trên ruộng lọt vô túi các chủ sở bạc ức bạc triệu chớ không chơi. Và hễ trời âm u không nắng thì họ rầu thúi ruột non ruột già, vì thiếu nắng thì muối không thành muối. Và lạ thay cái xứ giàu muối ấy lại khan hiếm nước mưa để uống và nước mưa ở đây quý giá hơn bạc hơn vàng. Nhắc lại lần nữa, tôi đã nói mùa khô ráo vô bạc triệu cho chủ kho muối, vì hễ nắng càng gắt thì càng làm cho nước mặn trên ruộng mau bay hơi, mau khô và trở thành muối hột. Trái lại nếu trời chuyển mưa hay âm u vần vũ thì nước lâu bốc hơi, muối tự nhiên lâu thành hình.

Người phu làm muối ở Bạc Liêu chuyên đi gánh muối ngoài ruộng phần đông là người Tiều tức là người Tàu ở phủ Triều Châu, quen nghề rẫy bái, qua đây vì ít vốn nên buổi đầu không làm nghề buôn bán như dân Quảng Đông, dân Phước Kiến, và họ lựa nghề làm rẫy trồng rau tưới cải, v.v... không cần có vốn nhiều. Họ chịu khó, xuống tận Cà Mau ra đến hải đảo cù lao trồng khoai lang rồi sắm ghe cà vom chở khoai bán khắp vùng Hậu Giang, hốc kẹt nào cũng tới. Họ trồng dưa nơi mé biển, phơi tôm khô, trồng nhãn, và nếu nghèo lắm thì nhào vô ruộng muối gánh muối cho Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch), Hoàng Dù Kia (Huỳnh Như Gia), công tử Dù Hột (Huỳnh Như Phước) vân vân. Ở ruộng muối vì ít người lai vãng, họ đóng khố, tối ngày "lù coi", hoặc vận quàn xà lỏn (tà lỏn, tiếng Pháp pantalon) "lặc còi", luôn luôn họ để mình trần như nhộng, vì bận áo quần vào hơi muối bám rít làm sao chịu nổi thêm áo quần mau mục rách.

Người Tiều có tính hiếu khách. Khi nào gặp họ, xin họ một bữa cơm, họ sẵn lòng không tiếc. Nếu muốn ăn dưa tại chỗ, ăn mấy trái họ cũng vui lòng và không tính tiền, ta vào vườn nhãn hái trái ăn no bụng họ cũng không hề cự nự, duy phải nhớ trái nào món nào mình xách trên tay đem về thì họ tính tiền rắc rắc. Tánh họ hào hiệp làm vậy, nhưng đến khi mình vào ruộng muối thử thời xin họ một gáo nước uống giải khát, chính tôi bữa ấy gặp một thằng tửng con, nó trả lời làm vầy: "Lứ (ông) xin mí cái? Lứ xin nước mưa để uống hả? Ở đây hóa (tôi) không có nước mưa để rửa dái (ngoại thận), làm sao có nước mưa cho lứ uống?". Nghe vậy giận quá, ước sức muốn tát cho nó một bốp tai thật đau để sau chừa tật ăn nói không lựa lời, nhưng khi chủ nhà cắt nghĩa lại thì thương chú tửng con nầy quá, vì nước mưa đối với họ là thuốc tiên chớ không vừa.

Mùa mưa cũng như mọi nơi, ở đây họ hứng để dành dùng qua tới mùa hạn. Kẻ giàu thì xây hồ xi măng cốt sắt thật lớn để chứa bộn bề, nhưng nước chứa hồ xi-tẹt họ không thích mấy, chê không ngon ngọt bằng nước mái nước lu không có mùi xi măng cưng cứng và uống vào mát lạnh, nước tới đâu mát tới đó, đã khát còn hơn uống nước dừa xiêm. Gặp mùa hạn kéo dài, nước chứa đã cạn, khi ấy dẫu bốn năm đồng bạc (bằng cả ngàn đồng ngày nay (thập niên 60)) giá mỗi thùng thiếc đựng mười tám lít, họ cũng không tiếc tiền và cố mua cho được để mà dùng. Hiện thời đã có người thấy xa biết dùng ghe lớn chở nước ngọt sông Cái Cồn, Cái Cau miệt Kế Sách đem xuống đây bán, gọi "đổi nước" (vì tránh chữ "bán nước" nghe trái tai). Nhưng cho đến bao giờ, người phu làm muối vẫn đổi nước sông để uống để ăn và luôn luôn họ để dành nước mưa để "làm thuốc", và bởi thế mới có câu trả lời cộc lốc của chú tửng con bên Tàu mới qua nầy.

Số là khi ban ngày phơi lưng kệch ra gánh muối ngoài nắng, hơi nước mặn bốc lên vùn vụt gặp da thịt chỗ nào có mồ hội ướt ướt thì bám vào khiến nên những nơi lắt léo, như nách non, khoé mắt, khớp cùi chỏ, khớp đầu gối, kẹt háng, kẽ bẹn, đều có muối bám vào, nếu không tẩy sớm thì muối ăn nứt da thấu thịt, đau nhức lắm, và cái vị thuốc trừ muối ăn không gì khác hơn là nước mưa vậy. Mỗi trưa giờ nghỉ hay chiều giờ về nhà thì phải có một chút nước mưa thấm bông gòn lau nhẹ những nơi muối đóng, lau cho sạch rồi thoa dầu dừa vào là êm mát như xưa, mà ác nghiệt thay phải đúng nước mưa rửa mới hiệu nghiệm. Không có nước mưa không lấy gì thay thế được, dẫu thuốc dán mát hay vaseline, pommade gì bôi vào cũng không linh ứng bằng. Cho nên khi chú tửng nói: "không có để rửa dái (ngoại thận)" là lời nói chơn thật chớ không phải nói đánh đầu.

Mà ngộ: người Tiều xấu xí ấy, là chỉ xấu xí bề ngoài, chớ bề trong họ có nhiều đức tánh để trở nên một người chồng tốt nhứt thế gian nầy. Họ hiền từ, giỏi giắn, biết nhịn nhục nhứt là có nước giỏi chịu cực hơn bất cứ ai. Nhờ vậy mà người dân bản xứ, nhứt là người Miên lai và người Việt quê mùa củi lụt rất ưng ý có thằng rể Tiều và hễ có con gái giỏi thì dành gả cho họ, vì như đã nói hắn giỏi chịu đựng, dầu vợ có ăn hiếp họ vẫn cười hề hề, thêm họ có tánh biết cưng đàn bà, không cho vợ làm lụng nhiều sợ sẽ xấu xí đi, và bao nhiêu công việc đồng áng, gánh phân bón rẫy, cày cuốc, đổ thùng xí ban đêm, giặt rửa cho con, thảy thảy họ đều "bao sổ" cho nên con gái miền Tây có chút nhan sắc, tuy không nói ra, chớ gả cho Tiều là họ ưng liền, các con trai trong làng làm không lại Chệc.

Mà trời sanh điểm nầy mới lạ cho chớ. Bố là cha Tiều nước da vàng, hình thù lớn xương gần như thô, thế mà khi pha với máu mẹ là Thổ lai, vốn vóc dáng nhỏ con hơn Tàu, nhưng chắc da chắc thịt, chắc như cua biển Bạc Liêu đêm tối trời, tuy đen đúa nhưng duyên dáng, ngực phồng lưng eo, nên khi hai người ráp nhau, hễ sanh trai thì tuấn tú đẹp trai, bằng sanh gái, thứ gái "đầu gà đít vịt" ấy, thế mà chu choa, mũi nó cao và ngay như treo trái mật (nhại văn truyện Tàu), nước da vàng dợt và mịn màng như ngà lâu năm lên nước. Ngực nở lưng ong, người thon thon d**g dảy, cái đẹp lạ mắt nầy có phần lấn áp các cô gái vườn của đồng bào ta tuy vẫn đẹp không kém chút nào. Nhưng các trai làng không thích bằng vì thuộc thành phần đa số, không như cô gái "đầu gà đít vịt", không tốn tiền thuốc, gặp mưa gặp gió không bao giờ hề hấn, đẻ cả bầy mà thịt da săn cón như gái một con.

Gái Tàu lai có tánh thùy mị khả ái, giỏi nhịn chồng và không biết ghen xằng. Cô có cặp mắt phụng xiên xiên, quả là phụng nhãn của Hán Chiêu Quân, cặp phụng nhãn ấy lại đóng dưới đôi chân mày đều đặn như lá dừa mới trổ và mỗi lần rớm lệ, đôi má bỗng đỏ hây hây và đỏ tự nhiên chớ không phải vì năng lai vãng các lò "sát nhân" sửa sắc đẹp. Đúng là tuyệt thế giai nhân, đẹp tự nhiên chớ không phải nhờ son phấn giả tạo. Đoá hoa lạ miền Tây ấy, khi cất tiếng lên hát, tượng trưng là cô Bảy Phùng Há, là những giọng oanh vàng của các ban hát Tiều nghe từ lúc nhỏ khi còn ở Sốc Trăng, vừa trong như ngọc vừa nhẹ nhàng như tiếng hạc trên mây, mới chết anh hùng cho chớ. Nhưng nay đã khác. Những nhân vật tôi kể nãy giờ đã thuộc thế hệ ông bà chúng tôi lớp trước, chớ người Trung Hoa ở miền Nam ngày nay, cả nam lẫn nữ đã Việt hóa rất nhiều và đáng với dân ta bắt tay làm bạn đời đời.

V.H.S

Want your establishment to be the top-listed Arts & Entertainment in TP. HCM?
Click here to claim your Sponsored Listing.

Category

Art

Telephone

Website

Address

Nguyễn Thiện Thuật, Bình Thạnh
Tp. Hcm

Other Art in Tp. Hcm (show all)
Uống trà đi - An Nhiên Tịnh Quán Uống trà đi - An Nhiên Tịnh Quán
Tp. Hcm

Niềm vui uống trà, trà thiền - zen tea, thơ thiền, nhạc thiền zen music, sưu tầm ?

Trạm Cảm Hứng - Lớp Mĩ thuật và Thủ Công Trạm Cảm Hứng - Lớp Mĩ thuật và Thủ Công
156/3 TX21, Thạnh Xuân, Quận 12
Tp. Hcm

🌟 Trạm Cảm Hứng - Khám phá thế giới mĩ thuật và sáng tạo không giới hạn!

Trà Giang Store - Giày Túi Vip Trà Giang Store - Giày Túi Vip
Tp. Hcm

Giày Dép- Túi Xách VIP- VVIP- SIÊU CẤP- LIKE AUTH Since 2019

Công ty Giống - Cây Trồng SÀI GÒN Công ty Giống - Cây Trồng SÀI GÒN
Office Building 168 Nguyễn Công Trứ, Phường Nguyễn Thái Bình Quận 1
Tp. Hcm

Nước hoa tại là các sản phẩm nhập khẩu chính hãng, giá cả hợp lý + Hài Lòng Mới Lấy + 30 Ngày Bao Đổi Trả. + Giao Hàng Tận Nơi. + Cam Kết Chính Hãng

Thập Lục Cổ Tranh Thập Lục Cổ Tranh
Tp. Hcm

Dạy Đàn Tranh ( Thập Lục ) và Cổ Tranh ( Guzheng ) tại Hà Nội + Online 0904476686

Có Một studio Có Một studio
23 Trịnh Văn Cấn, P. Cầu Ông Lãnh, Quận 1
Tp. Hcm

không gian thực hành nghệ thuật của một nhóm bạn nhỏ

Tặng Preset + Mua $ Bán Lightroom Preset Tặng Preset + Mua $ Bán Lightroom Preset
Tp. Hcm

Nơi giao lưu và học hỏi cho những anh em yêu thích nhiếp ảnh

Trần Anh Pha Model Trần Anh Pha Model
Tp. Hcm

Đây là trang Page của Pha, Page cập nhật những thông tin hằng ngày và đời thư?

Mỹ thuật Phạm Hường Sài Gòn Mỹ thuật Phạm Hường Sài Gòn
409/88/80 Huỳnh Thị Hai, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12
Tp. Hcm, 700000

Nhận vẽ tranh tường-tranh sơn dầu Dạy vẽ- bán tranh ảnh Zalo: 0977750881 Fb: Phạm Hường Art

Jeally Jelly Jeally Jelly
Tp. Hcm

Just jelly being jeally Where us jelly duo trash and be artistic Chỉ là những cục thạch ha