Văn học và những cảm nhận

Văn học và những cảm nhận

- Chia sẻ tài liệu, tác phẩm VH và những cảm nhận, bài phân tích, bình luận về tác giả, tác phẩm VH.

03/10/2023

MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRUYỆN
(Nguồn: Page Chuyên Văn)
1. Tự tìm hiểu và nêu được những nét khái quát về tác giả và tác phẩm:
1.1. Tác giả:
- Xác định được vị trí của tác giả trong một thể loại, một giai đoạn văn học, một trào lưu sáng tác hoặc trong toàn bộ tiến trình của nền văn học.
- Nêu được phong cách nghệ thuật của tác giả. Đối với những tác giả chưa hoặc không định hình về phong cách nghệ thuật, có thể nêu những đề tài quen thuộc trong các sáng tác của họ.
- Nêu được những tác phẩm tiêu biểu của tác giả: tên các truyện ngắn hoặc các tuyển tập truyện ngắn tiêu biểu.
1.2. Tác phẩm:
Nêu được xuất xứ hoặc hoàn cảnh sáng tác của truyện.
2. Tóm tắt được cốt truyện: tóm tắt các sự kiện chính của câu chuyện theo trình tự thời gian.
3. Xác định được đề tài của truyện:
Đề tài là một đối tượng hay một mảng hiện thực được nhà văn lựa chọn để đưa vào trong tác phẩm của mình.
Ví dụ: Đề tài của truyện ngắn “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố) là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám; đề tài của truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê) là người thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mĩ; đề tài trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long) là những con người lao động thầm lặng,…
4. Xác định chủ đề của truyện:
- Chủ đề là một khía cạnh, một phượng diện quan trọng của đề tài mà nhà văn tập trung thể hiện trong tác phẩm.
- Chủ đề của tác phẩm cũng thường gắn liền với tư tưởng của tác giả.
Ví dụ: Truyện ngắn “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố
- Chủ đề: Truyện phản ánh tình trạng bần cùng của một bộ phận nông dân trước Cách mạng tháng Tám.
- Qua đó, tác giả thể hiện sự đồng cảm, yêu thương đối với những người nông dân bị áp bức; ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của họ; đồng thời lên án những thế lực hắc ám hoành hành ở nông thông Việt Nam thời kì Pháp thuộc.
5. Xác định bố cục của truyện:
Xác định bố cục của truyện là tìm hiểu xem truyện có thể chia thành mấy phần, nội dung chính của từng phần là gì.
6. Nghệ thuật tự sự:
6.1. Xác định ngôi kể:
- Xác định ngôi kể có nghĩa là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Ai là người đang kể lại câu chuyện?
- Có hai loại ngôi kể thường được sử dụng trong truyện ngắn, đó là ngôi thứ nhất (xưng “tôi”) hoặc ngôi thứ ba (ẩn danh).
Ví dụ:
- Ví dụ 1: Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (xưng “tôi”): "Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi cánh tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sức lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ". (“Dế Mèn phiêu lưu kí” – Tô Hoài)
Ở đây ta thấy người kể chuyện chính là nhân vật xưng “tôi”, thuộc ngôi thứ nhất.
- Ví dụ 2: Người kể chuyện ở ngôi thứ ba (người kể chuyện ẩn danh): "Vua và đình thần chịu thằng bé thông minh lỗi lạc. Nhưng vua vẫn muốn thử một lần nữa. Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở công quán, bỗng có sứ giả nhà vua mang tới một con chim sẻ, với lệnh bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé nhờ cha lấy cho mình một cây kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo: “Ông cầm lấy cái này về tâu đức vua rèn thành một con dao để xẻ thịt chim”. Vua nghe vị sứ giả về nói lại, từ đó mới phục hẳn". (“Em bé thông minh” – Truyện cổ tích Việt Nam).
Ở đây, ta thấy có một người nào đó, không xưng tên, đang đứng quan sát và kể lại câu chuyện. Cái “người nào đó” ấy thuộc về ngôi thứ ba.
6.2. Xác định điểm nhìn trần thuật:
- Điểm nhìn trần thuật được hiểu là vị trí mà một người nào đó quan sát, kể lại câu chuyện.
- Có nhiều cách phân loại điểm nhìn trần thuật. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến hai loại điểm nhìn trần thuật cơ bản, là điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài.
+ Khi có một người đứng ở ngoài quan sát câu chuyện và kể lại cho chúng ta nghe, ta có điểm nhìn bên ngoài;
+ Khi người đứng ngoài đó lại hóa thân vào người trong cuộc, tức hóa thân vào nhân vật trong truyện để nói lên tình cảm, suy nghĩ của nhân vật, khi đó ta có điểm nhìn bên trong.
Ví dụ:
"Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!". ("Chí Phèo" - Nam Cao)
Ở đoạn văn trên, ta thấy những câu như: "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi" là lời của một người đứng từ bên ngoài quan sát và kể lại câu chuyện, đó chính là sử dụng điểm nhìn bên ngoài.
Tuy nhiên, đến những câu như: "Tức thật! Ờ ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!" thì ta thấy người kể chuyện đã hóa thân vào nhân vật để thể hiện suy nghĩ, thái độ của người trong cuộc. Đây chính là sử dụng điểm nhìn bên trong.
- Việc sử dụng kết hợp các điểm nhìn trần thuật làm cho câu chuyện vừa được kể lại một cách khách quan, giúp người đọc nắm được mạch diễn biến của câu chuyện; vừa làm cho người đọc nhận biết, thấu hiểu được những tâm tư, tình cảm sâu kín của các nhân vật trong truyện.
6.3. Phân tích tình huống truyện:
- Tình huống truyện là sự kiện quan trọng, có tính chất bước ngoặt, làm thay đổi hướng của câu chuyện, qua đó thể hiện tư tưởng, quan niệm nào đó về nhân sinh của tác giả.
- Có ba loại tình huống truyện:
+ Tình huống hành động
+ Tình huống tâm lí
+ Tình huống nhận thức
7. Phân tích nhân vật trong truyện:
- Một truyện ngắn bao giờ cũng có sự xuất hiện của các nhân vật, tức là người tham gia vào các sự kiện trong câu chuyện.
- Nhân vật có thể là con người, nhưng cũng có thể là con vật, đồ vật, cây cối được nhân hóa, mang những đặc điểm như con người.
- Nhân vật trong truyện được phân ra thành nhân vật chính và nhân vật phụ. Nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản; nhân vật phụ chỉ giúp nhân vật chính hoạt động.
- Một truyện ngắn có thể có nhiều nhân vật chính. Khi đó, nhân vật chính quan trọng nhất được gọi là nhân vật trung tâm.
Ví dụ: Trong truyện ngắn “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố thì Chị Dậu là nhân vật chính, còn các nhân vật như người chồng, những đứa con, vợ chồng Nghị Quế,… là nhân vật phụ. Trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài thì Mị và A Phủ đều là nhân vật chính, trong đó Mị là nhân vật trung tâm.
- Khi phân tích nhân vật, cần:
+ Chỉ ra và đánh giá được các phương diện như dáng vẻ, cử chỉ, điệu bộ, hành động, ngôn ngữ,… để từ đó làm nổi bật tâm trạng, tính cách của nhân vật.
+ Làm rõ được thái độ của tác giả đối với nhân vật; những quan điểm, tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm thông qua hình tượng nhân vật đó.

21/09/2023

[BA CÁI “NGANG” CỦA NGUYỄN TUÂN 😂]
——
🌪️ Nói tới nhà văn Nguyễn Tuân, giới văn nghệ, trí thức không ai không thừa nhận tài văn chương của ông, đặc biệt là thể ký, nhất là tùy bút, Nguyễn Tuân đã cho xuất bản gần 20 tác phẩm thì quá nửa là tùy bút

🔥 Bút danh lạ hoắc

Nói tới nhà văn Nguyễn Tuân, giới văn nghệ, trí thức không ai không thừa nhận tài văn chương của ông, đặc biệt là thể ký, nhất là tùy bút, Nguyễn Tuân đã cho xuất bản gần 20 tác phẩm thì quá nửa là tùy bút. Tùy bút của Nguyễn Tuân có một văn phong riêng, sâu sắc, uyên thâm, nhưng đá đưa chút ngang ngang, vừa tài ba lại như đài các. Bạn đọc cứ đọc "Tùy bút Sông Đà", "Bên kia sông Tuyến", "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi"... thì thấy. Thông thường người có tài thì có tật, Nguyễn Tuân có tật ngang ngang, đại để sau đây: Ông có sáu bút danh thì ba bút danh: Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc cũng đã ngang ngang rồi.

💥 Các cậu ngại thì ra xe trước

Lại nữa, nhà thơ Tế Hanh có kể khoảng năm 1973, một đoàn nhà văn Việt Nam gồm Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tế Hanh được Hội Nhà văn Liên Xô (cũ) mời sang thăm. Khi đến thăm nghĩa trang danh nhân thế giới ở Maxcơva, nơi yên nghỉ của các danh nhân nổi tiếng trên thế giới trong mọi lĩnh vực: văn học nghệ thuật, chính trị. Lúc vào nghĩa trang này, người phiên dịch đi theo đoàn đã bố trí cho mỗi người một bó hoa, ai muốn viếng danh nhân nào thì đặt hoa lên mộ danh nhân ấy. Nguyễn Tuân yêu cầu cô phiên dịch mua cho hai bó hoa. Kim Lân đặt hoa lên mộ Êrenbua, còn Nguyễn Tuân đặt hoa lên mộ Sêkhốp và Gôgôn. Đi một đoạn chợt nhìn thấy mộ Khơrúpxốp, Nguyễn Tuân dừng lại thắp hương. Biết Kim Lân và Tế Hanh ngần ngại, Nguyễn Tuân giục Kim Lân và Tế Hanh: "Các cậu ngại thì ra xe trước".

✨ Nếu cắt thì viết lấy mà cắt

Khoảng năm 1968 - 1972, hồi nhà văn Hoàng Quốc Hải còn làm biên Tập tạp chí Sáng tác Hà Nội (nay là Báo Người Hà Nội). Năm đó, giặc Mỹ cho máy bay B52 leo thang ra bắn phá miền Bắc và Hà Nội. Chúng bị quân và dân ta bắn rụng tơi tả, Nguyễn Tuân viết bài về phi công Mỹ bị bắt giam trong dịp Tết âm lịch nhan đề: "Cho giặc tàu bay Mỹ nó ăn một cái Tết ta". Nguyên văn tựa đề lúc đầu là "Cho giặc lái Hoa Kỳ nó ăn một cái Tết ta". Nhưng chữ "giặc lái" nhà văn Nguyễn Tuân lại đánh một cái hoa thị (*) và chú thích: "Người Mỹ lái máy bay"... hoặc "Công dân Hoa Kỳ lái máy bay"...

Thấy ngay cái từ chú thích trên có ý ngang ngang, nhà văn Hoàng Quốc Hải nói với bác Tuân: Thưa Bác...
Hoàng Quốc Hải... e ngại ... còn ngập ngừng, nhà văn Nguyễn Tuân biết ngập ngừng điều gì mà ngại nói, Nguyễn Tuân chốp ngay:
- Cậu ngại cái hoa thị ấy phải không? Này, Hoàng Quốc Hải cứ để đấy cho mình chọc Tô Hoài (Tô Hoài lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí Sáng tác Hà Nội).
- Thưa bác, số báo này Nguyễn Bắc trực chứ không phải bác Tô Hoài.
Bác Nguyễn Tuân cười, cầm lấy bản thảo:
- Ờ thôi đưa đây.
Nguyễn Tuân ngồi sửa ngay tại chỗ, gạch xóa mấy dòng, miệng lẩm nhẩm: "Mình chữa lại bản thảo cho Hoàng Quốc Hải".
Hôm sau, Nguyễn Tuân đến tòa soạn, Hoàng Quốc Hải nhắc: Anh Bắc lại dặn: "Bảo bác Tuân cắt cái đoạn ấy"... Nhưng Nguyễn Tuân quyết không cắt như ý của anh Bắc.
Lần thứ ba bác Tuân lại đến tòa soạn - đúng lúc có Nguyễn Bắc (lúc đó là Phó Tổng biên tập và là Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội).
Thấy Nguyễn Tuân, Nguyễn Bắc reo lên:
- A may quá bác Tuân?
- Gì thế Nguyễn Bắc?
- Cái bài của anh
- Bài làm sao?
- Cái chỗ này anh phải xem lại cho...
Sau khi hai người tranh luận - người bảo để nguyên, người bảo cắt. Nguyễn Tuân thuyết phục Nguyễn Bắc không nghe, liền đổi sắc mặt bực bội:
- Sao phải cắt?
- Tôi thấy cứng quá!
Nguyễn Tuân đứng lên nói dằn từng tiếng: "Này nhé, anh muốn cắt của tôi thì anh viết lấy mà cắt".
Nguyễn Tuân quay lưng đi thẳng.
——

19/09/2023

Xuân Quỳnh: Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu

Trong hình tượng thuyền và biển

"Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu"

thấy được sự biểu đạt, sự tượng trưng cho tình yêu muôn thuở của con người, đến từ hai sinh thể khác giới để làm nên sự cộng hưởng, sự giao hòa, sự sinh sôi tạo nên cuộc sống. Tứ hay, lời da diết. Nghe trong thơ có sóng gió của cao rộng đất trời và sóng gió trong biển lòng dào dạt của con người. Đó là tiếng nói, là vang vọng của một tình yêu nói chung, đúng cho mọi người, chung cho muôn đời. Thế nhưng tình yêu, có khác với bất cứ tình cảm nào khác của con người, còn là riêng, là rất riêng; và cái phần riêng đó thật sự chi phối để làm nên cả hạnh phúc và đau khổ, cả bù đắp và chia sẻ, cả gắn nối và chia phôi, cả niềm vui và xót xa...
Đây là Xuân Quỳnh của thời con gái trẻ trung, thời chưa đến với Lưu Quang Vũ. Không biết thời của cuộc lập gia đình lần thứ nhất của chị có chút dư âm nào ở đây không? Tôi chưa bao giờ hỏi ai để được biết về Xuân Quỳnh của tuổi hai mươi, với gương mặt vui tươi và bừng sáng, dường như không biết buồn rầu, ủ dột là gì; một Xuân Quỳnh là cô văn công xinh đẹp, chỉ vài năm sau, qua "Chồi biếc" mà trọn vẹn một gương mặt thơ nữ, chắc hẳn từng làm say mê nhiều người, có thể ban phát hạnh phúc cho bao nhiêu chàng trai. Thế nhưng, tôi lại chưa đọc được trong thơ chị thời gian này những bài thơ thật say, tuy chị đã có bài hay, như ""Thuyền và biển""...
Chia tay với cuộc tình thứ nhất, Xuân Quỳnh đã sớm đến với Lưu Quang Vũ, lúc này còn ở tuổi 25, sau khi chia tay với Tố Uyên, rồi lại chia tay tiếp với một cuộc tình thứ hai; có nghĩa là một Lưu Quang Vũ sau mất mát trong hai cuộc tình dồn gấp chỉ trong khoảng dăm năm. Không kể Vũ còn phải chịu đựng biết bao là bất hạnh trong mưu sinh và lập nghiệp, sau khi rời quân ngũ, thậm chí đang trong một cơn khủng hoảng tinh thần có chiều tuyệt vọng: Điều anh tin không có ở trên đời/ Điều anh có không giúp gì ai được.

Xuân Quỳnh đã kịp đến và giơ tay đón Vũ, đã chở che, bao bọc Vũ, đã làm điểm tựa cả vật chất và tinh thần cho đời Vũ. Là người phụ nữ thông minh, giàu tình cảm và nhạy cảm, Quỳnh biết Vũ đang cần những gì. Còn chị, chị đã dành toàn bộ những gì mình có-trong tình yêu thứ hai và cũng là cuối cùng này-cho người yêu, đã bù đắp cho những thiệt thòi, bất hạnh của anh. Hơn thế, chị còn mong không phải chỉ là bù đắp mà còn là hồi phục, là tái sinh và trở lại nguyên vẹn những tiềm năng, tài năng Vũ có, mà có lẽ hơn ai hết, Xuân Quỳnh đã sớm nhận rõ trong thập niên 1970 gian khổ của đất nước và tuổi 20 có quá nhiều gian nan của đời Vũ.
Xuân Quỳnh đã đến với Vũ đúng vào lúc ấy, lúc Vũ đã có những bài thơ cho hai cuộc tình gồm cả say đắm và cay đắng. Vũ đã đón nhận tình yêu của Quỳnh, tỉnh táo trong một cảm nhận ân nghĩa, sau hai cơn bão lòng:

Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh
Điều mong ước đầu tiên, điều ở lại sau cùng
Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất
Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật
Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời.

Nghe mà thương, mà tội, bởi hình như cái bàng hoàng của những mất mát vẫn còn lẩn khuất đâu đây!
Trong tình yêu với Quỳnh, với thời gian không dài, Vũ đã lấy lại được sức lực và cả sự bình tĩnh của tâm hồn. Cách nói của anh trở nên điềm đạm hơn, như một trải nghiệm, một tổng kết mà dường như chỉ trong ân tình mới có được:

Biết ơn em, em từ miền gió cát
Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng
Anh thành người có ích cũng nhờ em
Anh biết sống vững vàng không sợ hãi
Như người làm vườn, như người dệt vải
Ngày của đời thường - ngày ở bên em.
Hạnh phúc bây giờ không có gì là chót gắt, là đột xuất như những mối tình đầu; và do vậy mà cái đời thường bỗng được đưa lên tầm cao hạnh phúc: Cái đời thường-ở bên em.
Còn Xuân Quỳnh - chị đã dành toàn bộ, dành trọn vẹn tình yêu cho Vũ. Có thể nói, Quỳnh đã yêu Vũ trong suốt khắp không gian và thời gian.
Trước đây, trong bài "Sóng", Xuân Quỳnh viết:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Còn bây giờ thì chị thức để “hát ru chồng những đêm khó ngủ”.
Khỏi phải nói, đó là tình yêu tuyệt vời của người vợ.
Kể từ "Thuyền và biển", hay và hấp dẫn trong thế bao quát, đúng cho mọi thời, mọi người, bây giờ Xuân Quỳnh đã đến với chính tình yêu của riêng mình, một tình yêu là sự hòa hợp của hai trái tim; nhưng trong sự nhận - cho của cả hai bên, dường như Xuân Quỳnh là người đã chọn hạnh phúc nghiêng về phía cho, một cách vô tư và tin cậy.
Và chị đã rất yên tâm trong tình yêu đó, trước hết giữa hai người, nhưng không chỉ có hai người. Đó còn là mẹ, là con - những ba con, là gia đình, là những lo toan cho một cuộc sống đầy vất vả nhưng không hiếm niềm vui trong chia sẻ.
Gian phòng của hai người mà tôi có nhiều dịp đến chơi ở 96 Phố Huế quả khó có nơi nào có thể chật hơn, chỉ một bàn con, một tủ nhỏ, một giá sách nhỏ đã đủ chật; chật nhưng cũng đủ để chứa cả khổ và vui.
Quỳnh đã rất yên tâm trong chật chội của những khổ và vui-chứ không phải buồn-vui. Và quan trọng hơn là yên tâm trước một sự nghiệp thơ và về sau là kịch mà cả hai người cùng theo đuổi; một sự nghiệp mà Quỳnh rất tin là Vũ sẽ vươn tới những đích xa của nó.
Chính lòng tin đó khiến Quỳnh càng yêu Vũ hơn. Yêu Vũ và yêu sự nghiệp của Vũ, ngay cả khi tài năng của Vũ mới đang là tiềm năng, mới chỉ vừa hé lộ.
Để giải thích sự bền vững, sự thủy chung trong tình yêu Quỳnh dành cho Vũ. Để hiểu vì sao Xuân Quỳnh-người của tài năng và nhan sắc như ai cũng nhận thấy thế, cũng là người rất tự tin về mình, lại có thể viết những câu như sau cho Vũ:

Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi...

Thế nhưng cuộc sống bao giờ cũng là gồm hai phía, và hành trình con người có ai mà không đi giữa hai bờ vui - buồn, được - mất, hạnh phúc và đau khổ.
Đúng như Xuân Quỳnh đã từng tiên cảm, ở tuổi 30, khi chị có bài ""\Thơ viết cho mình và những người con gái khác":

Như các cô, tôi có một tình yêu rất sâu
Rất dữ dội, nhưng không bao giờ yêu được hết
...
Tôi yêu tất cả mọi người mà chẳng yêu được riêng ai
Không sĩ diện đâu nếu tôi yêu được một người
Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm
Tôi yêu anh dẫu nghìn lần cay đắng...

Những năm 80 của thế kỷ trước, nếu thơ tình Vũ viết cho Quỳnh có ít đi hoặc vắng hẳn, do con số hơn 50 vở kịch đã hút hết tâm sức của anh, thì Quỳnh vẫn viết đều. Bởi chị là nhà thơ. Cả hai đều đã chín muồi hơn trong các trải nghiệm về cuộc sống, kể cả trải nghiệm trong tình yêu của họ. Một âm điệu có gì khang khác bỗng đã len vào thơ Xuân Quỳnh. Vẫn một Xuân Quỳnh đằm thắm, nhưng đã lại thấy vương vấn nhiều khắc khoải xót xa:

Dòng sông này bãi cát cánh buồm quen
Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu

Sao vậy nhỉ, nếu như “quá khứ” đã thoáng len vào đây với “hoa lau trắng”? Tận cùng hạnh phúc là tình yêu. Và tận cùng đau đớn cũng là tình yêu. Có lẽ đến lúc này Xuân Quỳnh mới có dịp trải nghiệm đến tận cùng nghịch lý đó để cho ra mắt bạn đọc bài thơ "Tự hát" rồi sẽ trở thành bài thơ tình theo tôi là hay nhất của Xuân Quỳnh, cũng là một trong số ít bài thơ tình hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại. Tự hát - hát một mình. Phải chăng tình yêu khi hạnh phúc là song ca, là đồng ca-hạnh phúc cần được nói lên, được nhân lên; còn khi đau khổ là hát một mình, là đơn ca hoặc độc ca - dẫu vẫn rất mong được chia sẻ. Sau định nghĩa tình yêu không phải là Vàng, là Mặt trời, mà là Trái tim, Xuân Quỳnh bỗng nói đến sự hoang vắng, sự cô đơn và một nỗi lo âu đang xâm chiếm lòng mình:

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh.

Sớm tắt rồi sao cái hạnh phúc giản dị, dễ hiểu, đơn sơ mà thấm thía của đời thường? Để thay vào đấy là bão và mưa, là cuộc hành trình đi vào chỗ những mênh mông thẳm sâu của đồng hoang và đại ngàn, của những miền tối tăm không thể biết.
Rồi tiếp đến:

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn?

Đường xa tắp và nỗi lo âu. Những điều không thể nói. Những cồn cào cơn đói... Có chuyện gì đây trong trái tim hẳn lúc này đã chớm đau của Xuân Quỳnh-nó là hiện thân của tình yêu theo cách giải thích của chị? Dẫu về phía Xuân Quỳnh, trái tim đó-biểu tượng của tình yêu:

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

Những cô đơn và hoang vắng không chỉ xuất hiện trong "Tự hát". Nó còn trở lại hơn một lần:

Mắt anh nâu một vùng đất phù sa
Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ
Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ
Giữa vô cùng hoang vắng, giữa cô đơn.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Vũ đạt rất nhiều vinh quang trong kịch trường. Vũ liên tục giành các đỉnh cao, có lúc đến chóng mặt. Cũng có thể nói ngọn đuốc Lưu Quang Vũ trở nên rực sáng trong bầu trời sân khấu. Lại là những năm Quỳnh mang bệnh tim. Ba tháng trước khi đi tới cái tin khủng khiếp bất ngờ và gần như có chút tiên liệu vào chiều 29-8-1988, Vũ đã làm bài thơ "Thơ viết cho Quỳnh trên máy bay", trong đó, sau những câu hỏi và câu trả lời của Vũ:

Có phải vì 15 năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
...
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ
điên rồ, những ngọn lửa không có thật.
...
15 năm mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài
Người yêu ơi
Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?
Vũ lại đã đem đến cho Quỳnh những lời của tình yêu-nhưng không biết có quá muộn không?
Trái tim em trong ngực anh rồi đó
Hãy giữ gìn cho anh
Đêm hãy mơ những giấc mơ lành
Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em chưa viết kịp tặng em.
...
Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh.

Vậy là, vẫn lời Vũ “ngày của đời thường, ngày ở bên em” đã chuyển sang “ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh”.
Để sau đó đến với chúng ta bản thảo bài thơ cuối cùng của Quỳnh làm trong bệnh viện: "Thời gian trắng", như một trao gửi, một đối thoại lần cuối đời. Bài thơ như cả một niềm tiên cảm lớn: Tất cả, tất cả trên đời này, kể cả những người thân yêu nhất của Quỳnh đều đã trở thành quá khứ-cái quá khứ đã một lần xuất hiện trước đây với màu trắng hoa lau; tất cả đều đã thành một màu vô tận trắng:
Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu
Đều trong suốt một màu vô tận trắng.

Trong hoang vu và rợn ngợp của màu trắng, của quá khứ bất tận, càng hiện rõ lên nỗi nhớ của hiện tại, nỗi nhớ làm nên hiện tại khiến Xuân Quỳnh bỗng thảng thốt kêu lên:
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu?

Có thể đó là mong ước, là khao khát cuối cùng của Quỳnh cho nỗi nhớ trở về với hiện tại; nhưng lại là điều bỗng trở nên rất mong manh, bởi thời gian rất vô tình; thời gian là sự vĩnh viễn của màu trắng quá khứ; thời gian sao mà đổi được sắc màu, trong những ngày Quỳnh mang một trái tim đau!

- GS PHONG LÊ -

14/06/2023

NHÀ VĂN TÔ HOÀI TÂM SỰ VỀ TÁC PHẨM "VỢ CHỒNG A PHỦ" 🍃
————————————
Truyện “Vợ chồng A Phủ” được rút ra từ tập “Truyện Tây Bắc” và là truyện ngắn xuất sắc nhất của tập sách này. Truyện có 2 phần: Phần đầu kể chuyện Mị và A Phủ ở Hồng Ngài; phần sau là thời kì ở Phiềng Sa, hai người gặp cách mạng rồi trở thành du kích. Nhưng chương trình văn lớp 12 chỉ trích dạy phần đầu của tác phẩm.

Thưa nhà văn, những năm đầu thập niên năm mươi, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã có những thay đổi về chiến lược. Tinh thần và sức mạnh bất khuất của cả nước được nuôi dưỡng và phát triển trong những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc. Sống với những ngọn thác dữ dội, những núi đá hùng vĩ, những vạt rừng âm u là các dân tộc thiểu số anh em. Đời sống sinh hoạt của họ khác nhau nhưng tinh thần kháng Pháp thì là một. Nhưng dường như đời sống của người Mèo (H'Mông) đã để lại ấn tượng riêng biệt và sâu đậm cho ông?

Nhà văn Tô Hoài: Năm 1952, khi các hoạt động kháng Pháp tăng mạnh trên chiến trường, quân ta đã dần đánh đuổi quân Pháp khỏi Sơn La, Lai Châu, tôi là phóng viên của báo Cứu Quốc, báo Đại Đoàn Kết bây giờ, được cử đi viết về các căn cứ cách mạng và đời sống ở vùng mới giải phóng. Tây Bắc với những cánh rừng bạt ngàn là nơi sinh sống chủ yếu của người Mường, Thái, Mèo… và một số dân tộc nhỏ khác. Trong các dân tộc anh em, người Mèo thường sinh sống ở những vùng núi cao nhất và xa nhất. Đấy cũng chính là nơi có căn cứ cách mạng sớm nhất. Người Mèo chống Pháp với một tinh thần bất khuất và kiên cường kỳ lạ. Tôi chọn đi viết về đời sống dân tộc Mèo là vì vậy. Tôi đi từ núi này sang núi khác, từ vùng Mèo Nghĩa Lộ đến Lai Châu trong 5 tháng trời. Đường đi rất khó khăn, hiểm trở, thiếu thốn đủ thứ cộng với khí lạnh của vùng Tây Bắc, nhưng may mắn là đến bản nào cũng gặp cán bộ cách mạng. Từ 1950 – 1951, tôi và Nam Cao đã từng đi viết và sống với đồng bào miền núi. Khó nhất là sự cách biệt ngôn ngữ, phải có chung tiếng nói mới có thể hiểu được nhau. Người Mèo có ngôn ngữ riêng, tuy nhiên vốn từ vựng của họ ít, nên tôi không mấy khó khăn khi học tiếng của họ. Chỉ cần vài chục từ là có thể giao tiếp được. Tuy vậy, vì ở vùng núi cao và xa nên đời sống của họ trăm bề thiếu thốn. Hạt muối quý hơn vàng. Có nơi 5-6 tháng ăn không tí muối nào. Khi bản có việc, thịt bò, ngựa đều phải ăn nhạt. Tôi sống trong sự thiếu thốn của người Mèo 5 tháng, đi sâu tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của họ, viết được một số truyện ngắn, trong đó có Vợ chồng A Phủ. Thực ra trong ngôn ngữ Mèo không có chữ Phủ chỉ có chữ Phữ thôi.

Đời sống văn hóa của người Mèo giờ đây vẫn mới lạ và bí ẩn đối với chúng ta. Họ có những truyền thống văn hóa độc đáo. Nhưng trong Vợ chồng A Phủ, thân phận người đàn bà thật không khác gì con trâu con ngựa. Điều đó có thật hay chỉ là một cốt truyện hư cấu của tác giả?

Nhà văn Tô Hoài: Câu chuyện Vợ chồng A Phủ là câu chuyện hoàn toàn có thực. Tức là nguyên mẫu ở ngoài đời sống. Đợt ấy tôi đi công tác từ Tà Xùa sang Phù Yên (Sơn La). Ở Tà Xùa tôi gặp một cặp vợ chồng người Mèo vào đúng dịp tết truyền thống của họ, tức khoảng tháng 11 âm lịch, trước tết Nguyên Đán của ta 1 tháng. Tết người Mèo kéo dài cả tháng. Tôi cùng đôi vợ chồng nhà kia đi ăn tết từ bản này sang bản khác. Ăn tết và uống rượu, rồi anh chồng kể chuyện. Anh kể về cuộc đời anh, cuộc đời chị vợ, về chuyện thống lý ở bản anh làm tay sai cho Pháp, rất tàn ác, cho nên anh phải đưa vợ chạy trốn đi nơi khác. Câu chuyện của đôi vợ chồng nọ cộng với vốn hiểu biết của tôi về đời sống người Mèo làm cho cốt truyện cứ sáng tỏ dần. Và tôi bắt tay vào viết.

Nhân vật chính của truyện là cô Mị. Mở đầu truyện, Mị đã xuất hiện như một ấn tượng buồn, khi “quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước”, bao giờ “cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Cô ấy không phải là con gái Pá Tra , vì con gái Pá Tra không bao giờ biết khổ để buồn. Nhưng chỉ cần một câu trả lời: Cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lý Pá Tra, là người ta đã hiểu ra nỗi buồn ấy là đương nhiên. Tại sao vậy?

Nhà văn Tô Hoài: Trên danh nghĩa Mị là vợ A Sử, là con dâu nhà Pá Tra. Làm dâu nhà giàu ắt phải sung sướng, nhưng đó chỉ là cái lý do thông thường của người Kinh ta. Với các cô gái Mèo, làm dâu nhà giàu là cả một nỗi kinh hoàng. Mị là con dâu gạt nợ của nhà Pá Tra, món nợ đâu từ thời kiếp nào, từ ngày cha mẹ Mị lấy nhau, ngày Mị chưa chào đời. Mị phải đem thân mình phục dịch, làm trâu ngựa cho nhà Pá Tra vì những việc không do Mị làm, những món nợ không vay bởi Mị. Đó là do những hủ tục của người Mèo, và bọn thống lý đã lợi dụng những hủ tục đó để bóc lột dân chúng. Vậy thân phận Mị, nỗi khổ của Mị không thể là trường hợp cá biệt.

Tình tiết Mị bị bắt mang đi gây nhiều thắc mắc, Mị bị bắt vì bước ra ngoài sau khi “quơ tay lên” gặp “ngón tay đeo nhẫn” của người yêu. Có một bạn đọc đã từng viết trên báo chí, tại sao sau đó , trong suốt cuộc đời Mị, không bao giờ cô gặp lại người yêu nữa? Anh ta đã biến đi đâu?

Nhà văn Tô Hoài: Tôi có đọc bài báo đó và tiện đây xin trả lời. Trước hết để hiểu rõ tình tiết này phải hiểu phong tục của người Mèo. Dù sống ở trên cao và còn nhiều hủ tục, nhưng trai gái thì được tự do tìm hiểu, yêu đương nhau. Chữ “người yêu” là chữ của người Kinh tôi dùng để chỉ một người bạn trai nào đó trong nhóm bạn hay đánh pao với nhau. Mị có thể có tình cảm với anh ta nhưng không phải là mặn mà, không thể nói là hứa hẹn… Vậy nên sau này trong đêm tình mùa xuân, bồi hồi nghe tiếng sáo gọi bạn yêu, thì cũng không phải là Mị nhớ lại người có “ngón tay đeo nhẫn” ngày xưa.

Đau khổ vì bị bắt làm dâu nhà thống lý Pá Tra, có lúc Mị đã không chịu chấp nhận Mị đã tìm đến cái chết. Nhưng thương cha, Mị “đành ném nắm lá ngón xuống đất” để trở lại nhà Pá Tra. Nhưng rồi từng ngày Mị dường như cũng quen được với khổ nhục, Mị cảm thấy “mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”, thậm chí không bằng con trâu con ngựa, vì con trâu con ngựa còn có lúc nghỉ “đứng gãi chân, đứng nhai cỏ”, mà Mị thì không. Cách đối xử của nhà Pá Tra khiến Mị ngự trị bởi ý nghĩ ấy. Vậy là hoàn cảnh đã thực sự chôn vùi Mị khiến cô không còn nhớ đến “con người tự do” của mình trước kia…

Nhà văn Tô Hoài: Không phải là Mị không bao giờ nhớ đến “con người tự do” của mình nữa, mà cái chính là không có một tác nhân nào gợi cho Mị nhớ đến điều đó. Đời sống tủi nhục, mỏi mòn đã huỷ hoại Mị, cô ngày càng bị thu hẹp lại trong cái xó buồn bã, nhẫn nhịn: “mỗi ngày Mị càng không nói, lầm lũi như con rùa nuôi trong xó nhà”. Mị là con rùa, là tù nhân. Ở buồng nơi Mị nằm chỉ có một chiếc cửa sổ nhỏ “lỗ vuông vuông bằng bàn tay”. Trong căn buồng đó, Mị được chốc lát một mình, vậy cô có thể suy nghĩ, có thể nhớ lại quá khứ lắm chứ. Nhưng không. Cái cửa sổ đó quá bé, và lúc nào nhìn ra Mị cũng chỉ có thể thấy “trăng trắng, không biết là sương hay nắng”. Đấy là cái mờ mịt của tâm hồn,của số kiếp Mị. Chỉ có chết đi Mị mới thôi nhìn thấy cái mờ mịt ở nơi cái lỗ vuông kia. Như vậy rõ ràng đời sống tủi cực và tăm tối đã lấn át và che giấu đi con người thật của Mị, con người trẻ trung, ham yêu, ham sống ngày trước, đến nỗi Mị cũng không nhận ra. Mị là cô gái có cá tính, nhưng thời gian và khổ hạnh ở nhà Pá Tra đã làm cá tính ấy không phải bị mài mòn mà bị nhấn chìm hẳn. Đó là sự tha hóa, vào thời Mị, là sự tha hóa do xã hội.

Vâng, Mị đã hoàn toàn thành một cái bóng. Tưởng chừng cái bóng mãi mãi dật dờ, quên hết yêu thương, thù hận. Nhưng không, trong đêm mùa xuân, Mị được hồi sinh. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng vô cùng lộng lẫy. Mị sống lại những âm thanh náo nức, Mị “thiết tha bồi hồi” nghe tiếng sáo gọi bạn tình.
Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu

Nhà văn Tô Hoài: Khi viết đoạn này tôi thích lắm. Tôi muốn nhấn mạnh và mô tả tâm hồn Mị. Cô gái vì nợ của cha mẹ bị bắt về trình ma nhà Pá Tra, bị đày đọa cả thể xác lẫn tâm hồn, giờ đây, trong đêm mùa xuân, nghe tiếng sáo từ xa vọng lại, trong khí trời rạo rực và niềm vui vẻ tràn khắp bản làng, dưới tác động của rượu, Mị thấy lòng thiết tha bồi hồi, được “sống về ngày trước”. Cuộc sống trâu ngựa ở nhà thống lý Pá Tra không còn đáng sợ với Mị nữa. Mị trở lại là thiếu nữ ngày xưa “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo” và “có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo”. Ký ức tưởng như vùi lấp chợt bừng sáng khiến Mị “thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng”. Toàn bộ sức sống , toàn bộ cảm xúc thanh xuân bấy lâu bị vùi lấp trỗi dậy và Mị biết Mị còn trẻ, trẻ lắm.Mị muốn đi chơi. Nhưng tại sao Mị không đi chơi luôn mà lại “từ từ bước vào buồng”? Sự trở lại chậm chạp với cái lỗ vuông “mờ mờ trăng trắng” giúp Mị bất ngờ liên hệ được quá khứ với thực tại. Mị hiểu rõ rằng “A Sử và Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Đấy là hiện thực. Chưa bao giờ Mị cảm đến tận cùng nỗi đau đớn và đọa đày của số phận mình như thế. Mà giờ đó, Mị vẫn phải là vợ A Sử, là con dâu nhà Pá Tra, vậy thì niềm vui nho nhỏ, khát vọng thoáng chốc mang đầy “tính người” ấy sẽ không thể cứu vớt được Mị khỏi số phận của cô… Mị lại nghĩ đến nắm lá ngón. Nhưng tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường, tiếng sáo mê hoặc, dẫn dụ Mị. Mị không còn biết gì khác nữa. Tinh thần Mị đã thăng hoa đến một cõi khác, thoát hẳn đời sống cô, con người cô, và cô mặc kệ A Sử, không nhìn thấy A Sử…

Cả khi bị A Sử trói đứng vào cột, Mị vẫn “như không biết mình bị trói”, trong đầu vẫn văng vẳng tiếng sáo gọi đến những cuộc chơi…

Nhà văn Tô Hoài: A Sử trói Mị nhưng chỉ trói được thể xác Mị, khi đó lòng Mị còn nồng nàn hơi rượu, hơi men của kí ức. Tiếng sáo kia quá tha thiết, quá mạnh mẽ, nó dìu hồn Mị bay lên trên hoàn cảnh, nó là biểu tượng của niềm khát sống, khát khao yêu, ở đây còn là lòng khao khát tự do nữa. Mị nương theo tiếng sáo, theo những cuộc vui, và bài ca rất đẹp từ ngày xưa quấn quít:
Em không yêu
Quả pao rơi rồi
Em yêu người nào…

Tiếng sáo, lời ca ấy là tiếng thổn thức của tâm hồn Mị. Mị “yêu người nào”, Mị “bắt quả pao nào”… Tiếng thổn thức cứ láy đi láy lại, trong phút chốc Mị quên mất mình bị trói, “Mị vùng bước đi”. Nhưng ngay khi ấy, sự đau đớn thể xác liền kéo Mị ra khỏi cơn mê, nhắc nhở Mị nhớ đúng thân phận đau đớn của mình. Tiếng sáo biến mất. Tình yêu ấy, khát vọng rực rỡ ấy bỗng chốc lại bị vùi lấp, Mị “chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách”, và âm thầm trong vòng dây trói, “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.

Nhưng dường như Mị còn mơ hồ chờ đợi một điều gì đó. Đêm đã khuya, giờ này là giờ con gái chờ bạn yêu đến phá vách nhà để đi chơi. Có lẽ Mị mong một phép lạ?

Nhà văn Tô Hoài: Mị không nghĩ đến điều đó. Tâm trạng Mị lúc bấy giờ là “lúc mê, lúc tỉnh”. Suốt đêm “lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ”. Mị chập chờn giữa hiện tại và quá khứ, cho đến khi bàng hoàng tỉnh, ý thức về thân phận trở lại một cách cụ thể. Mị nhớ lại câu chuyện kể về người đàn bà chết trói trong nhà Pá Tra. Người đàn bà ấy là Mị, hay Mị là điển hình của rất nhiều kiếp đàn bà làm dâu nhà giàu. Mị sẽ chết, chết đứng, chết trói như người đàn bà kia. Nghĩ thế Mị sợ quá, và “cựa quậy xem mình còn sống hay chết”. Sự sống chết ở đây khác hẳn sự sống chết ở đoạn trên, nó là cái sống – chết có tính bản năng. Nhưng cả lần này, cái khát vọng sống ở cấp độ bản năng này cũng bị chôn vùi. Cho nên khi người chị dâu đến cởi trói, không phải Mị đổ xuống, ngã xuống mà là “ngã sụp xuống”. Từ đó Mị trở lại là cô MI6 “cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Tóm lại, Mị, nhân vật của tôi, là điển hình của con người bị tước đoạt hết quyền làm con người, bị dìm xuống kiếp ngựa trâu. Nhưng những thoáng chốc trỗi lên làm người sẽ là tiền đề cho những phản ứng của Mị về sau, mà bởi nó số phận cô đã thay đổi.

Nhân vật chính thứ hai của tác phẩm là A Phủ. A Phủ được miêu tả như chàng trai Mèo tiêu biểu: “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất thạo”; dũng cảm và ngang tàng, từ nhỏ đã không cam chịu sống ở vùng thấp cùng người Thái, dám đánh A Sử và khi nhà Pá Tra đánh thì “chỉ im như cái tượng đá”. Dù bị bắt trình ma nhà Pá Tra, nhưng A Phủ lại quanh năm “một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng”. Vậy sao A Phủ không chịu làm trâu ngựa cho nhà thống lý? Sao A Phủ không trốn đi?

Nhà văn Tô Hoài: Để giải thích điều này phải hiểu tập tục của người Mèo. Cũng như Mị, A Phủ bị “trình ma” nhà Pá Tra, vậy A Phủ đã hoàn toàn bị lệ thuộc vào nhà Pá Tra. Nếu A Phủ trốn, anh cũng sẽ không tìm được đường sinh sống trong các bản người Mèo. Hơn nữa, dù bị nô lệ, sông do tính chất công việc, đời sống của A Phủ có phần phóng khoáng hơn. A Phủ và Mị, dù thân phận giống nhau, song mức độ tủi cực có khác nhau. Vậy hoàn cảnh ấy chưa có một cái gì bức xúc xô đẩy A Phủ trốn đi cả, nếu không có chuyện để mất bò…

Cả Mị và A Phủ đều bị trói. Mị bị A Sử trói không cho đi chơi. A Phủ bị Pá Tra trói vì mất bò. Hai tình huống này có tương đồng ở điểm nào không?

Nhà văn Tô Hoài: Như trên đã nói, Mị và A Phủ, ở trong nhà Pá Tra, giống nhau về thân phận nhưng đồng thời giữa số phận họ cũng có những điểm khác nhau. Song khi A Phủ bị trói vào cọc, thì anh đã đi đến cái điểm nút như Mị vào đêm mùa xuân trước kia: trước mắt là cái chết, cái chết cầm chắc, không thể tránh được. Như Mị, A Phủ không muốn chết, đến đêm anh “cúi xuống, nhay đứt hai vòng mây” nhưng đó chỉ là sự cố gắng vô ích, vì sáng mai ra cổ anh lại thêm thòng lọng, dường càng chặt hơn, càng tàn bạo hơn. A Phủ cũng như Mị, không có khả năng tự cứu mình. phải có một ai đó giúp họ. Nhưng là ai thì họ hoàn toàn không biết.

Người đó là Mị. Nhưng liên tiếp mấy đêm liền, đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp ngồi hơ lửa, nhìn sang “thấy mắt A Phủ trừng trừng”, Mị vẫn thản nhiên, “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Nghĩa là lòng Mị đã hoàn toàn câm lặng, Mị không còn chỗ để nhói thương cho một người khốn khổ giống Mị. Vậy mà vào một đêm như thế, Mị đã cảm động…

Nhà văn Tô Hoài: Quả vậy. Đời sống trong nhà Pá Tra không có chỗ cho lòng thương và lương tri. Mỏi mòn, tủi nhục, bị chà đạp tận cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, Mị đã thành một con rùa, một con trâu, con ngựa. Lòng Mị đã chai lì, vô cảm. Từ lâu, từ sau đêm mùa xuân kia, ngay chính bản thân mình Mị cũng không xót thương nữa, huống chi với người khác, vì nếu có tự xót thương, hẳn Mị đã thâm một lần nghĩ đến nắm lá ngón. Mị đã bị đè bẹp trong ý nghĩ mình là trâu, là ngựa nhà Pá Tra, đến nỗi không còn thấy dằn vặt, khổ sở. Mị mặc nhiên tồn tại, một cách chai lì, xơ cứng trong tủi nhục, buồn bã, như gương mặt “buồn rười rượi” là định mệnh vậy. Cho nên, trong những đêm dài dậy hơ lửa, nhìn thấy A Phủ, lòng Mị vẫn dửng dưng, lạnh lùng. Mị không cần ai, không cần gì, Mị “chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa”.

Vậy tại sao Mị lại cứu A Phủ?

Nhà văn Tô Hoài: Tôi muốn nói đến phần vô thức trong mỗi con người, Mị đã lạnh lùng vô cảm với người khác, cụ thể ở đây là với A Phủ. Nhưng dường như trong sâu thẳm, trong vô thức Mị, điều này chính Mị cũng không thể hiểu được, vẫn mong manh một ước vọng, cái ước vọng được chút hơi ấm sưởi nóng cuộc đời lạnh lẽo của mình. Hằng đêm Mị trở dậy hơ lửa là vì thế. Ngọn lửa là hình ảnh có tính chất tượng trưng, nó ở trong sự vô vọng của cuộc đời Mị, dù rất mơ hồ nhưng nó níu kéo không để sự vô vọng lùa đi đến tuyệt cùng.

Mị đã không xúc động trước tình cảnh của A Phủ. Nhưng vào một đêm… Mị hé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ vừa mở, “một dòng nước lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Bấy giờ, sau mấy ngày bị trói, nhịn đói, nhịn khát, và thương tâm nhất là sự dửng dưng của đồng loại, A Phủ đã đứng bên lề cái chết, đã hoàn toàn tuyệt vọng. A Phủ đứng dưới trời lạnh lẽo, trong đêm thẳm sâu, bên kia là một người đàn bà và bếp lửa. Tôi không miêu tả tâm trạng A Phủ vào thời khắc đó, nhưng bạn đọc có thể hình dung, A Phủ cô độc và yếu đuối dường nào. Không còn là chàng A Phủ nhanh nhẹn và dũng cảm như trước, bây giờ A Phủ sắp chết… Và chính dòng nước mắt “lấp lánh” kia đã chạm được vào đáy sâu chút tình người bị chôn vùi nơi Mị, nó làm Mị nhớ lại nỗi tuyệt vọng của mình ngày nàng bị A Sử trói “nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”. Kí ức nhắc Mị nhớ đến thân phận mình. Cùng với nó, lần này là sự trỗi dậy ý thức về kẻ thù. Lần đầu tiên Mị hiểu một cách cặn kẽ “chúng nó thật độc ác”. Mị đã xót thương, xót thương mình và xót thương người.

Con người trong Mị lại hồi sinh. Mị cắt dây trói cho A Phủ. Nhưng khi hành động như thế trong Mị chưa xuất hiện ý định chạy trốn cùng A Phủ. Vậy phải chăng Mị giải thoát cho A Phủ một cách vô thức…

Nhà văn Tô Hoài: Ở đây phải chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Không phải Mị hành động một cách vô thức, trái lại, Mị hiểu rất rõ việc mình làm. Khi bếp lửa tắt, Mị không thổi lửa, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình rồi Mị tưởng tượng ra cảnh A Phủ trốn đi, Mị đứng thay vào chỗ đó, Mị sẽ chết ở chỗ đó. Trong đầu Mị không phải là hình ảnh A Phủ mà là hình ảnh của chính Mị. Cắt dây trói cho A Phủ là Mị giải thoát ( hay là mong giải thoát) cho chính tâm hồn mình. Khi cắt dây trói xong Mị mới hốt hoảng. Ấy là lúc cuộc sống thực tại ập đến. Mị thì thào “Đi ngay…” Đó là mệnh lệnh đối với A Phủ đồng thời là một lời kiên quyết đối với tâm hồn mình.

Tức là nguyên do dẫn đến hành động chạy trốn của Mị là nỗi sợ hãi?

Nhà văn Tô Hoài: Lúc đó nếu suy nghĩ kĩ Mị sẽ sợ nhiều thứ: chạy trốn, cuộc sống Mị sẽ ra sao, con “ma” nhà Pá Tra có buông tha Mị... Nhưng cận kề nhất là cái chết, chắc chắn là chết, nếu Mị ở lại. Đồng thời cái hình ảnh của A Phủ “quật sức vùng lên” tác động mạnh vào Mị. Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi cũng vụt chạy ra. “Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”. Nghĩa là phía trước mọi cái vẫn tối tăm và bất định lắm, nhưng đó là sự bất định chưa rõ, còn cụ thể ngay giờ đây là cái chết. Trong tình huống đó, cả A Phủ và Mị không thể có con đường nào khác là chạy đi. Và từ đó cuộc sống của người này liên quan đến người kia. Mị đuổi kịp A Phủ, nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt: “Cho tôi đi với; ở đây thì chết mất”. Và A Phủ hiểu, người đàn bà này vừa cứu sống mình. A Phủ đỡ Mị, nói “Đi với tôi”. Không thể khác, từ đây, số phận hai người sẽ phải gắn chặt với nhau.

👉 Nguồn:
- Bài viết: Tô Hoài, "Vợ chồng A Phủ", in trong Tác giả nói về tác phẩm, Hỏi chuyện các tác giả có tác phẩm giảng dạy trong nhà trường, Nguyễn Quang Thiều chủ biên, NXB Trẻ, 2000.
- Ảnh: Chân dung Tô Hoài trên bìa một cuốn sách của ông.
————————————
🗳 GAC VAN - "Học VĂN khó, có GÁC lo!", là nơi chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích cho việc học văn. GAC VAN ra đời và hoạt động với tôn chỉ: Khác biệt - Tiên phong - Chất lượng - Hiệu quả.
🌐 Theo dõi GAC VAN tại Instagram: để học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!

Telephone