Nutri Center

Nutri Center

Trung tâm dinh dưỡng sức khoẻ mẹ và bé 4.0 đầu tiên tại Việt Nam

03/07/2021

🙋 BA MẸ CÓ BIẾT: Lý Do Vì Sao Con Bạn Không Muốn Đi Học?
🚫 Đừng nói với con “Bố mẹ đã tốn tiền cho con”, hay “Con không đi bây giờ thì từ sau ở nhà luôn”, hãy học bà mẹ này!
🌥️ Chuyện một buổi sáng đẹp trời, đứa trẻ ngoan ngoãn bỗng dưng dứt khoát không chịu đi học, liên tục mè nheo “Mẹ ơi! Con không muốn đi học” là cảnh mà bất cứ cha mẹ nào có con ở tuổi mẫu giáo, tiểu học đều từng phải trải qua.
Trong lúc đang bận rộn, lại chuẩn bị muộn giờ làm mà đứa trẻ vẫn như vậy, nhiều cha mẹ đã lựa chọn cách đáp lời
🤦 “Bố mẹ đã làm việc kiếm tiền cho con đi học mà giờ con lại nói vậy?”
🙅 “Nếu hôm nay con không đi thì từ sau đừng bao giờ đi học nữa. Ở nhà luôn”
🙍 “Thôi con đừng lằng nhằng nữa, mẹ sắp muộn làm rồi đây này”
….
👉 Đương nhiên dù có nói thế nào, đứa trẻ chắc chắn vẫn phải chịu kết quả như nhau: Được bố mẹ đưa đến trường và gửi thẳng cho cô. Kịch bản như vậy không hiếm. Tuy nhiên, cách phản ứng của bố mẹ khi đó chỉ giải quyết tình huống tức thời.
👉 Về lâu về dài sẽ càng khiến con chán ghét trường học, không muốn đi học, mất hứng thú với việc học tập…thậm chí căng thẳng, trầm cảm.
👨‍👩‍👧‍👦 Khi con nói “Mẹ ơi! Con không muốn đi học”, hãy học bà mẹ này!
💖 Mới đây, chị Hà – một bà mẹ cũng gặp tình huống tương tự. Cách giải quyết của chị khiến nhiều bà mẹ phải giật mình nhìn lại bản thân.
👩 Chị Hà kể:
👁️ Hôm đó, con gái tôi cũng nằng nặc không muốn đi học. Tuy nhiên thay vì giục giã con, tôi ngồi xuống nhìn vào mắt bé và hỏi:
“Tại sao vậy con. Nếu không đi học, con ở nhà sẽ làm gì?”
👧 Tại thời điểm đó, đứa trẻ mới bắt đầu kể cho tôi về những dự định khi ở nhà của con, và cả lý do con không muốn đi học.
"Con sẽ ở nhà với bạn gấu! Ở trường bạn ngồi bên cạnh hay giật tóc con."
👩 Tôi lắng nghe và phát hiện ra lý do của bé. Từ đó cùng con giải quyết và kết quả cuối cùng, con đã đến trường – một cách hoàn toàn tự nguyện.
🚫 Đừng dùng quyền ép con đi học, hãy giải quyết tận gốc lý do
👧 Trẻ nhỏ không muốn đi học, có nhiều lý do đằng sau mà cha mẹ đôi khi không biết, thờ ơ bỏ qua vì bản tính “tham lam”, cậy quyền làm cha làm mẹ.
👉 Con không muốn đi học, có thể vì đang bị bắt nạt ở trường.
👉 Con không muốn đi học, có thể vì chỉ muốn tìm kiếm sự chú ý từ bố mẹ.
👉 Con không muốn đi học, có thể vì sợ bị cô mắng.
👉 Con không muốn đi học, có thể vì một phần kiến thức nào đó chưa hiểu, bài tập về nhà chưa xong....
🙋 Tại thời điểm này, những gì trẻ là sự đồng cảm, lắng nghe của cha mẹ. Nếu mẹ buộc con đi học, mẹ sẽ chỉ làm tổn thương đứa trẻ về thể chất và tinh thần.
👨‍👩‍👧‍👦 Một đứa trẻ không muốn đi học – đừng hoảng sợ và lo lắng con sẽ “học dốt” hay con mình khác người. Một đứa trẻ không muốn đi học là chuyện quá bình thường. Thay vì sử dụng quyền của cha mẹ để buộc con bạn đi học, hãy cố gắng lắng nghe tiếng nói của con bạn, chấp nhận cảm xúc của trẻ và đưa ra hướng dẫn thích hợp.

Nguồn: Học hay

02/07/2021

KHẮC PHỤC “THÔNG MINH GIẢ” THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM

(𝑩𝒊𝒆̂̉𝒖 𝒉𝒊𝒆̣̂𝒏 - 𝒑𝒉𝒂̂𝒏 𝒃𝒊𝒆̣̂𝒕 𝒗𝒐̛́𝒊 𝑻𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒎𝒊𝒏𝒉 𝒕𝒉𝒂̣̂𝒕 - 𝒄𝒂́𝒄𝒉 𝒌𝒉𝒂̆́𝒄 𝒑𝒉𝒖̣𝒄 𝒕𝒖̛̀𝒏𝒈 𝒕𝒓𝒖̛𝒐̛̀𝒏𝒈 𝒉𝒐̛̣𝒑)
“Thông minh giả” là sự lanh lẹ, mánh khóe, mẹo vặt nhất thời. Không thể hiện ở chiều sâu hiểu biết, tư duy, về lâu dài không đem lại nền tảng tốt cho bé. Hay từ dân gian còn gọi là “Khôn lõi”
Dấu hiệu Thông minh giả - Khôn lõi:
- Bé luôn mánh khóe để được nghỉ học, được đi chơi
- Lí sự cùn để không bị phạt, bao biện cho lỗi lầm. Đùn đẩy để tránh trách nhiệm
- Đề cao lợi ích của mình như khư khư giữ đồ chơi, nhưng tìm mọi cách để chơi đồ, ăn bim bim của bạn, ăn hiếp những bạn yếu kém hơn mình.
- Lấy lòng, nịnh nọt những bạn, cô, chú đem lại lợi ích cho mình
- Luôn cho mình là đúng. Tỏ ra hiểu biết.
Ba mẹ thường cười xòa vì những hành động này của bé, cảm thán sao mới bé tí mà nó khôn thế nhỉ. Thậm chí còn tự hào, kể vui cho mọi người nghe về những hành động đó của con. Đâm ra bé cho đó là hay, là được mọi người công nhận, nên sẽ không điều chỉnh lại được hành vi. Càng lớn, bé sẽ càng mánh khóe hơn.
Với kinh nghiệm sống của chúng ta, khôn lanh một chút thì mới ko bị người khác qua mặt, lừa lọc. Nên cũng không muốn con mình quá khờ, thường dặn dò con đừng hiền quá, phải thế này, thế kia….
Nhưng 20 năm nữa, khi con lớn lên, đã là một thời đại khác. Xã hội đang dần coi trọng sự trung thực, đề cao tinh thần tập thể, đôi bên cùng có lợi, coi trọng lợi ích đồng đội. Những sự tính toán, luồn lách chỉ đem lại sự bất lợi, khó hòa nhập, khiến con không được đối tác tín trọng.
Khôn lỏi không phải là sự thể hiện của người thông thái, tài ba. Khôn lỏi có thể giúp con đi được nhanh. Nhưng thành đạt và hạnh phúc bền lâu chỉ dành cho những người thông minh và thật sự chân thành.
Đâu mới là biểu hiện thông minh thật sự ở trẻ:
- Đặt rất nhiều câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề
- Hay tưởng tượng phong phú
- Biết cách bảo vệ bản thân để không bị ăn hiếp
- Biết khen ngợi, ngưỡng mộ người khác thật lòng
- Không ngại ngùng hỏi lại nếu chưa hiểu, không giấu dốt
𝑳𝒂̀𝒎 𝒈𝒊̀ 𝒌𝒉𝒊 𝒄𝒐𝒏 𝒌𝒉𝒐̂𝒏 𝒍𝒐̉𝒊?
🍀 Khi con lý sự cùn, đùn đẩy trách nhiệm.
Ba mẹ cố gắng nhịn cười, hỏi xác nhận lại sự việc, và phớt lờ các lý do và cái cớ mà con đưa ra. Chẳng hạn “có phải ý con là con bị vấp té nên làm đổ tô cơm phải không, nào đưa chân mẹ xem..” và phớt lờ đi việc con nói tại cái ghế vướng đường, tại con muốn đi nhanh tới chỗ mẹ…
Về sau khi có mặt con, cũng không đem chuyện này ra kể vui cho mọi người nghe, làm con lầm tưởng điều đó là hay.
🍀 Khi con ích kỷ không muốn chia sẻ, nhưng lại luôn tìm cách xài đồ của bạn bè.
Hãy hỏi con, nếu con bị đối xử như vậy, con sẽ buồn chứ? Nếu bé tự tin trả lời: “con không bao giờ bị vậy cả, chỉ có bạn đó ngốc mới bị thôi”.
Bạn hãy tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ồ, ra vậy, mẹ thì hay chia sẻ đồ ăn với các cô chú khác lắm, nhưng cô chú không nghỉ mẹ ngốc, mà cho ngược lại mẹ. Nếu cô chú nghỉ mẹ ngốc, thì mẹ sẽ rất buồn, và sẽ ước rằng đừng ai đối xử với mẹ như vậy” – Đừng phê phán bé, hãy để bé tự cảm nhận việc làm của mình bằng một câu chuyện tương tự.
🍀Khi thấy con lấy lòng, nịnh những người mang lại lợi ích cho con.
Hãy hỏi con: “Con rất thích bạn ấy à, kể mẹ nghe về bạn ấy đi”.
Sau khi con kể xong “Ồ, nghe có vẻ bạn ấy rất hay cho con quà vặt. Thế con có cho bạn ấy món gì của con chưa?”.
Có thể bé sẽ nói: “Không, con không có gì để cho, mà bạn ấy cũng không cần”. Lúc này hãy giảng giải với con: “con rất nhiều tài vặt, như biết vẽ, biết đàn, biết kể chuyện,.. hãy dạy bạn cùng biết thay vì chỉ khen bạn, lời khen nghe xong là biến mất. Con đâu thua kém gì bạn, không cần xin bạn điều gì, đúng không con?”
🍀Đối phó với các mánh khóe của bé.
Vd bé không muốn ngủ trưa nên tới giờ thì quấn lấy ông bà, bảo con thương, con muốn chơi với ông bà. Hoặc giả bệnh để khỏi đi học. Ca này thì đừng vội lật tẩy bé, bé cảm thấy xấu hổ, sẽ càng cứng đầu tỏ ra oan ức thì khó trị hơn.
Hãy hỏi lại “Con rất thích đi học nhưng vì đau bụng mà con không đi được thôi phải ko?” – Tất nhiên bé sẽ Dạ – “Nếu thích như vậy thì sau khi con khỏe, mẹ sẽ chở con lên nhà cô giáo học lại bài hôm nay bù vô nhé. Mỗi ngày cũng sẽ đăng kí cho con học thêm ở nhà cô”.
Lúc này bé sẽ mếu mó không biết làm sao, bạn hãy gợi ý bé nói thật “Nếu con không muốn đi học, con cứ nói với mẹ nhé. Mẹ và con sẽ cùng thương lượng. Có thể con sẽ ở nhà tự học 1 hôm thay vì đến lớp, con nhé.
Nếu đau bụng rồi thì phải nằm mãi trên giường, cũng không được chơi đồ chơi rồi”…
Không ai hiểu con bằng bạn, mỗi tình huống, bạn hãy cân nhắc thật kĩ để ứng phó phù hợp với tính cách của con, tránh làm con sượng sùng, xấu hổ. Hãy để con tự nhận ra bài học ba mẹ nhé.
Nhân một buổi sáng đầy năng lượng, thương gửi 1 vài Tips nhỏ đến các ba mẹ cùng thảo luận.
Janes
Sưu tầm

01/07/2021

🍄🍄🍄LÀM SAO ĐỂ GIÚP CON THÔNG MINH mà không cần tới DHA???
Đôi khi để con phát triển, ba mẹ cần trở về với những điều đơn giản nhất:
✅ 1. Khi con mới sinh
🔑 Hãy cho con được NẰM SẤP CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT
🔑 Hãy tập cho con phản xạ cầm nắm.
✅ 2 .Khi con biết LẪY
🔑 Hãy ĐỪNG chạm vào con, lúc này hệ vận động của con đang hoàn thiện, các cơ khớp tay, chân và khớp cổ của con đang phát triển cứng cáp hơn bằng các cử động
🔑 Khi con vận động chức năng não của con cũng đang được hoàn thiện
✅ 3. Khi con biết BÒ
🔑 Hãy để con bò khắp nơi, bò càng nhiều càng tốt, năng lực không gian của con sẽ được phát triển tối đa, như vậy việc học hình không gian sau này của con quá dễ
🔑 Việc của người lớn là tạo không gian an toàn và sạch sẽ để con tự do tung hoành.
✅ 4. Khi con chập chững BIẾT ĐI
🔑 Hãy để con té và được tự đứng lên. Hãy để con được tự giải quyết vấn đề của mình. Chúng ta chỉ nhanh chóng ra tay ngăn cản ngay khi con có nguy cơ gặp nguy hiểm.
🔑 Bạn sẽ đau khi con trầy xước nhưng bạn sẽ đau hơn khi cả cuộc đời con chỉ biết nghe theo sự chỉ dẫn của người khác mà không biết tự quyết định điều gì cho cuộc sống của mình.
✅ 5. Khi con 1 TUỔI
🔑 Hãy để con tự bốc HOẶC tự xúc thức ăn cho vào miệng. Ăn là nhu cầu sinh tồn mà con làm không được thì sau này con sẽ làm được gì.
🔑 Hãy để con được làm những việc phù hợp với khả năng của con. Bố mẹ chỉ cần hỗ trợ con bằng cách tạo môi trường phù hợp cho con được tự làm. Giai đoạn BẮT CHƯỚC này bố mẹ không cho con được làm thì lớn lên chút nữa ĐỪNG MONG ép con làm những điều bố mẹ muốn.
✅ 6. Khi ĂN: Hãy để con được có cơ hội NHAI thức ăn.
🔑 Khi nhai thì cơ hàm, răng lưỡi, các chức năng về ngôn ngữ mới phát triển, con chậm nói cũng 1 phần do không được tập luyện các bộ phận này.
🔑 Khi ăn được nhai thức ăn với độ thô tăng dần giúp vị giác của con sẽ được kích thích, con sẽ ăn ngon hơn, có hứng thú với ăn hơn.
✅ 7. TAY VÀ NÃO BỘ liên kết chặt chẽ với nhau
🔑 ĐỪNG CẤM CON VIẾT TAY TRÁI: tay trái làm nhiều là não phải phát triển, và tay phải hoạt động thì não trái phát triển. Trẻ dưới 3 tuổi là thời kì hoàng kim của não phải vì vậy con thường hay sử dụng tay trái. Hãy để cho con hoạt động cả 2 tay, dưới 3 tuổi không được phép sửa tay hoạt động của con
✅ 8. ĐỪNG hy vọng 1 sức khỏe tốt khi chân con đứng mãi 1 chỗ
🔑 Khi con chạy nhảy là lúc tim con co bóp nhiều hơn dẫn đến máu được bơm đến các cơ quan nhiều hơn, các cơ quan sẽ hoạt động tốt hơn: sức đề kháng sẽ cao hơn, não bộ phát triển hơn

Nguồn: Giáo dục sớm - Con thông minh

30/06/2021

Người thầy đầu tiên của con
Chúng ta luôn bận bịu với những món quà tri ân đến các thầy cô giáo – những người đã và đang trang bị những kiến thức để ta đến với tiếp cận với nền văn minh rộng lớn của nhân loại. Tuy nhiên, ít ai có thể nhớ rằng, Cha mẹ: Người thầy đầu tiên, và họ cũng xứng đáng được tôn vinh trong ngày lễ Nhà Giáo 20/11
Cha Mẹ những người “Thầy” đầu tiên và duy nhất đi cùng chúng ta suốt đoạn đường dài
Từ lúc sinh ra, bước chân đầu tiên, câu nói đầu tiên, bài tập viết đầu tiên luôn có hình bóng cha mẹ của chúng ta ở đó.
Cha mẹ là những người dạy cho ta những câu nói bi bô đầu tiên: ‘Ba ơi, mẹ ơi,…’, uốn nắn từng câu từng chữ, dạy ta phải biết vâng, dạ với người lớn, dịu dàng với em nhỏ, dạy ta nói ‘xin lỗi’ mỗi khi làm sai và ‘cảm ơn’ mỗi khi nhận được sự giúp đỡ. Những bài học làm người đầu tiên, nếu không có cha mẹ, sẽ chẳng ai dạy ta điều đó, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của mỗi con người.
Cha mẹ chính là người dạy cho ta biết thế nào là thiện – ác qua những câu chuyện cổ tích, họ dạy phải yêu thương những người người có hoàn cảnh khó khăn, không xa lánh những người có bệnh hiểm nghèo, đùm bọc những người thiệt thòi trong cuộc sống, biết tự phân biệt đâu là đúng, là sai, biết đứng ra bảo vệ lẽ phải, luôn sống hết mình vì mơ ước và đam mê và tránh xa những cám dỗ của cuộc đời.
Cha mẹ là người dù ta có trưởng thành, khi gặp khó khăn vẫn có thể đến bên để học những kinh nghiệm sống, những lời khuyên và những hỗ trợ mãi mãi.
Cha Mẹ - Người Thầy dạy chúng ta mọi điều trong cuộc sống
Cha mẹ cũng chính là những người dạy ta phải biết khiêm tốn, phải biết kiên trì chờ đợi thời cơ, biết khi nào cần phải ‘nhịn’ để nhận ‘điều lành’ nhưng cũng phải biết vùng lên khi cần, không được vội vàng hấp tấp nhưng cũng không được lề mề, chậm chạp. Cha mẹ dạy phải lấy chữ ‘nhẫn’ làm đầu, chữ ‘tâm’ làm gốc để ta có thể sống tốt trong cuộc sống về sau.
Cả cuộc đời, điều cha mẹ lo lắng nhất là hai chữ ‘dạy con’, làm sao để con sau này có cuộc sống no đủ, vẹn tròn, dù có lớn đến đâu, con cái vẫn cần được cha mẹ ở bên chỉ bảo, răn dạy, học không bao giờ là thừa và học từ mẹ cha cũng không bao giờ là đủ. Cha mẹ chính là người thầy suốt đời của con cái.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, cũng là ngày mà chúng ta nên tri ân cho những ai đang làm cha, làm mẹ, những người được coi là người thầy đầu tiên và suốt đời của con.

Nguồn; Học hay

28/06/2021

CAI TI ĐÊM - VÌ SỨC KHỎE CẢ MẸ VÀ CON
🤷‍♀️🤷‍♀️Khi nào cần cho bé cai ti đêm?
Giấc ngủ là tiền đề quan trọng cho con phát triển trí não, thể chất và tinh thần. Một giấc ngủ đêm liền mạch và dài còn quý hơn mấy bữa sữa đầy. Có bé ăn ít ngủ nhiều vẫn có thể lớn nhanh và trưởng thành vượt bậc vể mặt suy nghĩ. Để giúp bé ngủ giấc đêm dài thì ban ngay bé cần NGỦ ĐỦ.
- Độ tuổi có thể cai ti đêm: Theo khuyến cáo chung của các chuyên gia khoa nhi, trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi đã có đủ lượng calo trong cơ thể để ngủ ngon giấc suốt đêm nên các bậc phụ huynh có thể cai sữa đêm cho trẻ từ thời điểm này.
- Khi bé mọc răng và có hiện tượng sâu, nứt vỡ các mảng, ố sỉn sang màu vàng. Do trong sữa mẹ vẫn có 1 chút đường. Nên rất dễ ảnh hưởng đến răng của bé khi mới mọc và bé chưa vệ sinh răng miệng sau khi bú được.
🤷‍♀️🤷‍♀️ Nguyên tắc cai ti đêm cho bé, mẹ cần nắm rõ:
- Cai từ từ và dần dần:
Mẹ sẽ giảm dần các cữ bú sữa vào ban đêm. Cố gắng kéo dài khoảng thời gian giữa các lần ti để bé quen với việc ngủ dài hơn vào buổi đêm. Sau khoảng 1 tuần, bé có thể quen với việc ăn ít hơn vào buổi đêm, nếu bé vẫn tỉnh giấc đó chỉ là thói quen được duy trì trước đó, hãy vỗ về và an ủi để bé ngủ lại.
- Tăng lượng các cữ sữa, hay bữa ăn trong ngày
Để bé ngủ ngon giấc vào ban đêm mẹ nên đảm bảo việc cho bé ti hoặc ăn đủ lượng thức ăn mà bé cần trong ngày. Chú ý cho bé ăn thêm bữa phụ vào buổi tối trước lúc con ngủ. Bên cạnh đó mẹ cũng cố gắng đừng đánh thức con khiến giấc ngủ của bé bị gián đoạn.
- Tránh cai sữa đêm vào giai đoạn nhạy cảm
Đó là các thời điểm: bạn đang chuẩn bị trở lại làm việc, bé đang ở giai đoạn sốt mọc răng hoặc mắc các bệnh thông thường khác, con đang "khó ở" vì wonder weeks … Mẹ hãy cho bé thêm chút thời gian vì đây không phải là thời điểm tốt nhất để bé cai sữa đêm cho bé.
- Nhờ chồng chăm con giúp
Khi bé tỉnh dậy vào buổi đêm, mùi quen thuộc của mẹ hoặc sữa mẹ có thể khiến bé muốn bú. Vì vậy bạn hãy nhờ sự giúp đỡ của chồng để bé không quá quấy khóc và dễ ngủ trở lại hơn.
🤷‍♀️🤷‍♀️ Các phương pháp cai ti đêm, mẹ nên áp dụng!
✅ Phương pháp 1: Trì hoãn cữ bú: Khi bé đòi bú, mẹ trì hoãn chưa cho bé bú vội, thời gian tăng dần theo từng đêm
🌙 Đêm đầu tiên: Khi thấy bé có đòi bú, mẹ đợi khoảng 5-10 phút (thời gian lâu hơn với các bé biết tự ngủ) rồi vào hỗ trợ bé ngủ lại (mà không cho bú) trong vòng 20 phút. Sau 20 phút này, nếu bé vẫn khó chịu mà không ngủ lại, mẹ cho bé bú, làm như thế ở các cữ tiếp theo.
🌙 Đêm thứ hai: cữ 1 - trì hoãn 30-50 phút.
🌙 Đêm thứ ba: cữ 1 - trì hoãn 50-70 phút.
🌙 Đêm thứ tư: cữ 1 - trì hoãn 70-90 phút. Lúc này cữ thứ 1 và thứ 2 sẽ chập làm một.
Như vậy, sau khoảng 4-5 đêm thì số cữ ăn đêm sẽ giảm đi và mẹ tiếp tục tiến hành trì hoãn cữ bú trong các đêm tiếp theo, cho đến khi bé không còn bú đêm nữa. Nếu bé bú bình, song song với việc trì hoãn cữ bú thì mẹ giảm lượng sữa ở mỗi cữ đi 30ml ở mỗi đêm. Mẹ có thể tăng hoặc giảm thời gian trì hoãn cữ bú tùy thuốc vào biểu hiện của bé và sự quyết liệt của mẹ. Bé có thể vẫn khóc khi cai ti đêm theo cách này,và chát lượng giấc ngủ ban đêm có thể bị ảnh hưởng, nhưng sau khoảng 5-7 ngày bé sẽ quen và dần cai được bú đêm.
✅ Phương pháp 2: Cắt dần từng cữ: Mẹ cắt cữ muộn nhất trước rồi chuyển dần sang các cữ còn lại.
Mẹ cắt cữ muộn nhất trong đêm trước, ví dụ là cữ lúc 4h sáng. Khi bé tỉnh, thay vì cho bé bú, mẹ vỗ/ cho ti giả/ bế/ để yên cho bé ngủ lại và cho bé bắt đầu ngày mới lúc 6h sáng, cho bé bú vào lúc đó là cữ đầu tiên của ngày. Nếu không muốn trực tiếp cắt luôn, mẹ có thể trì hoãn cữ này giống như ở phương pháp 1. Tức là nếu 4h bé dậy đòi bú, thì 4h20 mẹ mới cho bé bú, cứ thế cho đến giờ bé thức dậy buổi sáng và bú cữ đầu tiên của ngày. Nếu kết hợp với trì hoãn cữ bú thì mẹ cần xác định là ban ngày bé sẽ khó mà ăn tốt được, đặt biệt ở cữ đầu ngày vì khoảng cách các cữ bú quá gần nhau.
Sau khi cắt được cữ này, thì ba đêm sau mẹ chuyển sang cắt cữ muộn thứ hai trong đêm và tiếp tục cho đến khi được hết tất cả các cữ, có thể kết hợp với cách trì hoãn cữ bú.
✅ Phương pháp 3: Cắt hết tất cả các cữ: Mẹ hoàn toàn không cho bé bú vào ban đêm nữa, khi bé đòi bú, bạn cho bé dùng ti giả, hoặc vỗ, hoặc ru bé.
Những ngày đầu tiên khi cắt hết các cữ, bé sẽ khóc rất nhiều và trằn trọc cả đêm, nếu bé dậy sớm hơn so với giờ dậy bình thường thì cho bé ăn ngay từ lúc đấy. Với cách làm này, bé sẽ khóc nhiều, dữ dội hơn, ngủ được ít hơn nhưng thời gian cai ti đêm sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.
Bé sơ sinh nếu có cân nặng từ 6kg trở lên đã có thể cắt ăn đêm nếu ban ngày bé bú kém dẫn đến ăn vặt, ngủ vặt. Thông thường thời gian lý tưởng để cai bú đêm cho bé là khoảng từ 12-26 tuần và thời điểm muộn nhất để em bé còn bú đêm là 1 tuổi. Sau thời điểm một tuổi, rất ít em bé con bú đêm, đặc biệt là các em bé bú sữa công thức thì nên cai càng sớm càng tốt cho sức khỏe răng lợi của bé.
💁‍♀️Công cuộc cai ti đêm có thể sẽ khiến bé khóc quấy và mẹ căng thẳng, mami hãy cố gắng cùng con vượt qua nhé. Chúc "chiến dịch cai ti đêm" sẽ sớm thành công và mang lại cho cả nhà những giấc ngủ đêm chất lượng.
--------------------------
Ý kiến của Bs. Trương hữu khanh :
TRẺ BÚ ĐÊM
- Đa số trẻ không cần bú đêm nếu ngày bú đủ
- Có trẻ hơn 3 tháng tuổi đã có thể bú ngày và ngủ xuyên đêm
- Khi trẻ ham ngủ đêm mà không bú đủ thì cởi dần đồ trẻ, gải nhẹ lòng bàn chân thì bé thức cho bú
- Trẻ không bú đêm thì khỏe mẹ và bé ngủ đủ giấc hơn
- Trẻ bú đêm, đa số sẽ bú nằm, nhất là bú bình, mà bú nằm thì dễ viêm tai
- Trẻ bú đêm sẽ dễ hư răng
- Đa số trẻ bú đêm không phải vì đói mà do sợ xa mẹ, ghiền ti mẹ, trẻ biết khi bú là chắc chắn có mẹ bên cạnh. Cho nên khi trẻ đòi bú thì dỗ mẹ đây mà khoan cho bú
- Tập cho trẻ uống sữa bằng ly khi trẻ lớn mà đòi bú đêm
- Tăng bú ngày, tăng lượng ăn dặm cữ tối
---------------
Nguồn: Tổng hợp

27/06/2021

NUÔI CON LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA AI?
Chúng ta dường như quá quen thuộc với hình ảnh người vợ đằng sau các công việc như cho con bú, cho con ăn, dạy con học đến những việc "lặt vặt" như tắm cho con, giặt quần áo, rửa chén... và gồm luôn những việc như nấu cơm, dọn cơm, mời chồng con ăn cơm, đến dọn dẹp chén dĩa. Vậy người bố làm gì trong 24 giờ đó? Đừng nói là người bố cần phải đi làm kiếm tiền ngoài xã hội, vậy người phụ nữ họ sẽ làm gì sau 8 tiếng ở cơ quan? Thực ra, không thể nói đó là bức tranh chung của mọi gia đình, nhưng chắc chắn là không nhỏ những gia đình đang như vậy! Cái mà chúng ta đang nói đến là sự mất cân bằng về vai trò bố mẹ trong nuôi dưỡng con cái- điều mà ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của đứa trẻ.
PHÁT TRIỂN TỐI ƯU CỦA ĐỨA TRẺ
Theo tính toán của TS. Carneiro, ĐH UCL, London, đầu tư thời gian, tiền bạc, tình yêu... ở độ tuổi càng nhỏ thì càng tốt vì kết quả dễ đạt được tối ưu nhất. Hiệp Hội Giáo Dục Trẻ Nhỏ Anh Quốc cũng đã nhấn mạnh mối quan hệ tích cực, cân bằng giữa cha mẹ trong gia đình được xem là một trong những điều cơ bản để giúp trẻ phát triển tối ưu trong độ tuổi nhỏ. Do đó, bạn hãy thử tưởng tượng xem: Khi chơi với con, người mẹ vừa phải check điện thoại để xem công việc như thế nào, vừa phải nấu ăn, vừa phải dọn dẹp nhà cửa... cái nào cũng buộc phải xong ngay thì còn thời gian đâu đầu tư cho tương tác với con.
Hơn nữa, phải bù đầu với nhiều thứ như vậy, liệu người mẹ có đủ niềm vui, sự thoải mái để chơi với trẻ trong lúc đó hay không?
Phát triển tối ưu là rất khó đạt được đúng không ?
Hình ảnh chỉ minh họa cho bạn thấy rằng: mất cân bằng là có ảnh hưởng đến chất lượng khoản đầu tư cho con cái. Dẫu biết đầu tư đúng thời điểm là tốt, nhưng cần đồng lòng chung sức là điều quan trọng để nó được tối ưu.
LÀM GÌ ĐỂ TỐI ƯU HƠN?
San sẻ thời gian và tình yêu với trẻ cho cả hai vợ-chồng là điều được khuyên để đạt được tối ưu cho đầu tư. Đây là một cách chia tham khảo để bạn có những khoản đầu tư tối ưu nhất cho sự phát triển của trẻ:
Thay vì nằm chơi điện thoại hoặc đọc báo hay chờ cơm, người chồng nên dành vài phút để chơi với con, tắm cho con, dọn đồ chơi và dọn cơm;
Người vợ thay vì ôm đồm khối công việc và bắt buộc nó phải xong ngay, thì mạnh dạn bỏ bớt những việc không cần thiết, lên danh sách việc cần làm từ thứ tự ưu tiên đến ít ưu tiên, quy định rõ món nào là của chồng, thời gian nào dành cho bản thân.
Càng thống nhất đồng lòng sớm ngay khi cưới thì khoản đầu tư của bạn càng sớm và tối ưu cho con.
HOẠT ĐỘNG GỢI Ý NGƯỜI BỐ NÊN LÀM ĐỂ CÓ LỢI ÍCH VỚI TRẺ
1. Cùng trẻ khám phá thế giới. VD. khi đi gặp bạn bè cafe mà dẫn trẻ theo. Hãy giúp trẻ làm quen với mọi người, đừng để trẻ với điện thoại hay ipad. Các hoạt động như tham quan bảo tàng, sở thú hay thư viện, người bố nên là người "hướng dẫn viên" chính. Thông tin người bố cho trẻ trong những buổi này sẽ làm trẻ nhớ tốt và hứng thú hơn.
2. Cùng trẻ thử thách hoặc làm cái mới lạ
Trẻ học cách tự tin khi cùng người bố thử 1 vài điều mới, trò chơi mới, hoặc làm những thứ có tính thử thách.
VD: Cùng trẻ chạy thi thật nhanh lên đồi cỏ
Cùng nhau bóp b**g bóng khí
Cùng trẻ vừa đi lên bậc thang và đếm từng bậc
3. Cùng trẻ đoán câu trả lời, hỏi đáp đố vui
Luôn hỏi trẻ đoán điều gì hoặc đoán câu trả lời là một hoạt động người cha nên quan tâm để giúp trẻ rèn luyện sự logic. Để đoán, trẻ cần suy nghĩ, liệu cái gì có thể đúng, liệu cái gì có thể sai. Tuy nhiên, khi tham gia trò chơi đoán, trẻ phải đi đến quyết định cho câu trả lời và khả năng liên tưởng logic là được rèn luyện.
4. Đọc sách với trẻ là một hoạt động bạn-người chồng có thể san sẻ cùng vợ. Nhưng, hãy làm nó khác-thú vị hơn như các hoạt động liên quan đến sách như chọn sách, bàn luận về nhân vật trong sách khi ngồi trên ghế sofa, bao bìa quyển sách, cắt dán sticker lên sách, thâm chí là thói quen thích đọc của bạn cũng làm trẻ hứng thú..

Nguồn: Dạy con

26/06/2021

NGUYÊN TẮC 5 KHÔNG TRÁCH, 6 KHÔNG MẮNG]
Trẻ con hẳn có lúc làm sai, nhưng trách mắng trẻ cũng phải có nghệ thuật và phương pháp. Lời nói ra như xô nước hắt đi, người hắt có thể quên, nhưng đứa trẻ bị hắt chắc chắn sẽ nhớ đến lúc lớn lên.
🍎5 KHÔNG TRÁCH
1. Không trách con cái kém cỏi
Khả năng của con người là có hạn, vì thế nếu có điều gì đứa con không làm được cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, trí thông minh và năng khiếu cũng có nhiều loại, không giỏi cái này thì sẽ giỏi cái khác. Không thể chì chiết một con cá tại sao không biết leo cây, mà tốt hơn hết nên tìm vùng nước nào phù hợp mà thả nó xuống.
2. Không trách con cái hỏi nhiều
Trẻ con tò mò, nhiều lúc hỏi phát mệt, mà có khi hỏi những câu người lớn cũng không biết trả lời thế nào. Nhưng chính nhờ hỏi đáp mà trẻ học về thế giới xung quanh, đừng thiếu kiên nhẫn mà gạt đi kể cả những câu hỏi ngốc nghếch nhất. Giải thích tỉ mỉ, không biết thì nghiên cứu google rồi giải thích lại, đấy chính nuôi dưỡng tri thức.
3. Không trách con cái vì tai nạn chẳng may
Ai mà chẳng có lúc lỡ tay lỡ chân, đổ vỡ hay vấp ngã hầu hết là do chẳng may. Làm cha mẹ không nên cứ xảy ra tai nạn nhỏ là trách mắng con cái, khiến chúng về sau có gặp chuyện cũng không dám nói.
4. Không trách con cái làm chậm
Mới học không thể tinh, mới làm không thể nhanh, thà chậm mà chắc còn hơn nhanh mà ẩu. Nếu như lúc con làm mà mải chơi, không tập trung, làm theo kiểu chống đối...thì mới đáng trách, còn nếu đã chăm chú cố gắng thì dù không nhanh nhẹn cũng đáng được cổ vũ.
5. Không trách con cái bị ốm
Nhiều người có con bị ốm, dù lo lắng chăm sóc nhưng cũng phải cằn nhằn là vì con thế này thế kia nên mới bị ốm đấy, tốn tiền mua thuốc các thứ. Ốm đau là khi cơ thể con người yếu đuối nhất, tinh thần cũng mềm yếu, dễ tủi thân. Bản thân đứa trẻ đâu có cố tình bị ốm, tại sao lại bị trách bởi một điều khó kiểm soát này?
🍎6 KHÔNG MẮNG
1. Không mắng trẻ ở nơi đông người
Danh dự là thứ mà ai cũng có, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ. Bởi vậy, mắng mỏ con cái trước chốn đông người chỉ làm trẻ càng thấy xấu hổ, tự ti.
2. Không mắng khi trẻ đã biết lỗi
“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Một khi trẻ đã nhận ra lỗi lầm của mình thì đừng chì chiết thêm nữa, chỉ phản tác dụng, mà nên ân cần chỉ bảo thế nào mới là cách làm đúng.
3. Không mắng trẻ vào ban đêm
Trách mắng trẻ vào lúc này có thể khiến con bạn đem theo cảm giác tủi thân, buồn chán vào giấc ngủ, làm trẻ ngủ không ngon giấc, thậm chí gặp phải ác mộng đáng sợ.
4. Không mắng trẻ trong bữa ăn
“Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Mọi lời phê bình, trách phạt, để sau bữa ăn hãy nói.
5. Không mắng khi trẻ đang vui mừng
Trẻ đang vui mà bị mắng không khác gì đang đi chơi lại gặp bão. Sự thay đổi đột ngột thậm chí có thể gây ra cú shock tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách của trẻ.
6. Không mắng khi trẻ đang gặp chuyện buồn
Những lời phê bình lúc này sẽ chỉ càng làm tâm trạng con bạn xấu đi, tạo thêm áp lực tinh thần cho trẻ. Những áp lực ấy nếu không được giải tỏa kịp thời có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường về sau

Nguồn: Dạy con

25/06/2021

16 BÍ QUYẾT DẠY CON NGOAN KHÔNG CẦN MẮNG MỎ ROI VỌT
1. “Con có nhớ mình cần làm gì không nhỉ?”
Thay vì: “Cẩn thận đấy!”
Ví dụ: “Con có nhớ mình phải làm gì khi chơi trong công viên không nhỉ?” hoặc “Con nhớ di chuyển thật chậm khi leo lên bức tường đó nhé”.
Lý giải: Hầu hết trẻ con đều sẽ làm ngơ với những câu nói được lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Để tránh gặp phải tình trạng này, hãy kết nối tư duy phản biện, phân tích của con và khiến con nhắc lại những cảnh báo quan trọng. Hoặc đưa ra chỉ dẫn cụ thể về việc bạn muốn con làm.
2. “Con nói nhẹ nhàng thôi được chứ!”
Thay vì: “Đừng có hét lên nữa!” hoặc “Im lặng đi!”.
Ví dụ: “Con yêu, con có thể nói nhẹ nhàng hoặc ra đây nói thầm với bố mẹ được không,” (nhớ nói với con bằng giọng nhỏ nhẹ thì thầm), hoặc “Mẹ thích giọng hát của con lắm, nhưng mẹ nghĩ con nên ra sân hoặc vào phòng giải trí hát thoải mái hơn”.
Lý giải: Một số đứa trẻ bình thường đã có giọng nói to hơn nhiều đứa trẻ khác. Nếu bạn nhận thấy con khó có thể nói nhỏ, hãy chỉ cho trẻ nơi chúng có thể “cất cao tiếng nói” mà không sợ ảnh hưởng đến người khác.
3. “Con muốn tự mình làm hay muốn mẹ giúp một tay nào?”
Thay vì: “Mẹ nói với con lần này là lần thứ 3 rồi, làm ngay đi!”.
Ví dụ: “Đã đến lúc mình phải đi rồi. Con muốn tự đi giày hay để mẹ giúp nào?” hoặc “Con muốn tự vào xe hay cần mẹ bế lên?”.
Lý giải: Hầu hết mọi đứa trẻ đều có phản hồi rất tích cực khi được trao quyền. Hãy cho con cơ hội được lựa chọn để con có thể động não tư duy đưa ra phản hồi tốt thay vì cảm thấy bị ức chế.
4. “Con học được gì từ lỗi sai vừa rồi nào?”
Thay vì: “Con đúng là đáng xấu hổ” hoặc “Con nên biết mình phải làm gì để cải thiện vấn đề”.
Ví dụ: “Con học gì từ lỗi sai vừa rồi nào?” hoặc “Nói mẹ nghe bài học đắt giá con vừa học được từ lỗi sai vừa rồi, và cho mẹ biết liệu con sẽ làm gì để không gặp rắc rối ở trường nữa đây?”.
Lý giải: Tạo động lực để thay đổi hành vi trong tương lai sẽ cho kết quả tốt hơn là việc cố gắng khiến con xấu hổ hoặc thấy tội lỗi về lỗi lầm trong quá khứ của mình.
5. “Con có thể…..”
Thay vì: “Đừng!” hoặc “Dừng ngay lại!”.
Ví dụ: “Con làm ơn có thể vuốt ve nhẹ nhàng chú cún được không” hoặc “Con có thể tự để giày vào tủ được không”.
Lý giải: Có ai ở đây muốn trải qua một ngày nói toàn những lời chúng ta không muốn nói với những người xung quanh hay không? Không phải, đúng không? Chúng ta cũng sẽ không bao giờ có được sự phản hồi tích cực nếu nói những lời lẽ khó nghe với người khác. Kiểu giao tiếp cực đoan như vậy không chỉ bị bài xích mà còn gây ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng ta với mọi người. Thay vì dùng những lời lẽ khó nghe, hãy nhẹ nhàng giải thích với người xung quanh những gì bạn muốn.
6. “Hôm nay không có thời gian nên chúng ta sẽ phải rất khẩn trương con nhé!”
Thay vì: “Nhanh lên!” hoặc “Sắp muộn rồi đấy!”.
Ví dụ: “Hôm nay thực sự là một ngày bận rộn và chúng ta không có thời gian đâu con, hãy cùng xem mình nhanh nhẹn tới mức nào nhé!”.
Lý giải: Thỉnh thoảng bạn cũng nên cho phép con chậm chạp như con muốn, vậy nên hãy dùng những từ ngữ mang tính chậm rãi và bình tĩnh thay vì suốt ngày thúc giục con.
7. “Con muốn đi luôn bây giờ hay đợi thêm 10 phút nữa?”
Thay vì: “Đến lúc phải đi rồi đấy!”.
Ví dụ: “Các con muốn đi luôn bây giờ hay chơi thêm 10 phút nữa rồi mình đi nhỉ?”.
Lý giải: Trẻ con luôn muốn được làm chủ định mệnh của mình, và nếu bạn có thể khiến con cảm nhận được điều đó thì quá tuyệt vời. Hãy trao cho con cơ hội, bạn sẽ nhận được phản hồi tích cực và tốt hơn bạn nghĩ rất nhiều.
8. “Con viết vào đây món đồ chơi mình muốn vào sinh nhật này nhé”
Thay vì: “Bố mẹ không có tiền đâu” hoặc “Không có đồ chơi gì hết, mẹ nói rồi, KHÔNG CÓ ĐỒ CHƠI Đ U!”.
Ví dụ: “Bố mẹ thực sự chưa sẵn sàng muốn mua món đồ chơi đó cho con bây giờ, nhưng con có muốn bố mẹ viết tên món đồ đó vào danh sách quà sinh nhật con ước mình sẽ nhận được hay không?”.
Lý giải: Thay vì đổ lỗi cho tài chính và tạo cảm giác khan hiếm cho con với thứ con muốn, hãy thiết lập giới hạn bằng cách gợi ý tặng cho con món đồ đó vào những dịp đặc biệt, ví dụ như sinh nhật, giáng sinh…
9. “Dừng lại một chút, hít thở đều và nói cho mẹ nghe con muốn gì nào”
Thay vì: “Đừng có rên rỉ nữa!”.
Ví dụ: “Bây giờ mình cùng bình tĩnh lại, hít thở đều và con nói mẹ nghe con muốn gì nhé”.
Lý giải: Nếu muốn con làm như trên, bạn phải làm mẫu trước. Hãy lặp đi lặp lại hành động đó cho đến khi con có thể bình tĩnh và thay đổi cách nói chuyện.
10. “Con hãy tôn trọng bản thân và mọi người, được không”
Thay vì: “Cư xử tử tế vào”.
Ví dụ: “Tình huống hôm nay chính là bài học giúp con biết tôn trọng bản thân và người xung quanh”.
Lý giải: Trong trường hợp này, hãy lý giải mọi thứ thật cụ thể và rõ ràng vì trẻ con thường không hiểu được hết những câu nói chung chung bố mẹ vẫn nói hàng ngày. Hãy nói rõ với con bạn muốn con làm gì, đồng thời yêu cầu con nhắc lại điều cần nhớ.
11. “Mẹ muốn con...”
Thay vì: “Đừng có làm...” và “Thật tệ hại khi con...”.
Ví dụ: “Mẹ muốn con vuốt ve chú cún thật nhẹ nhàng, vì nó thích được yêu thương vỗ về, và chắc chắn nó sẽ bên cạnh con lâu hơn nếu con biết cách âu yếm nó”.
“Mẹ cần con đi chậm lại thay vì lao như ngựa trong khu đỗ xe đầy nguy hiểm này”.
Lý giải: Trẻ nhỏ sẽ có phản ứng tích cực và tốt hơn khi không phải nghe những lời nói mang tính buộc tội. Bên cạnh đó, nói rõ với con những gì bạn muốn con làm sẽ giúp con tuân thủ theo đúng điều bạn muốn.
12. “Không sao mà, con cứ khóc đi”
Thay vì: “Đừng có khóc lóc như trẻ con thế,” hoặc “Đừng có khóc nữa”.
Ví dụ: “Buồn là cảm xúc bình thường mà con, mẹ sẽ luôn ở đây bất cứ khi nào con cần. Mẹ biết con luôn có cách tự chăm sóc bản thân mình thật tốt”.
Lý giải: Bạn sẽ thấy điều kỳ diệu xảy ra khi ngừng thúc ép và gây áp lực để khiến con kìm nén cảm xúc hoặc cấm con không được cáu giận. Hãy trao quyền và khiến con hiểu mình hoàn toàn có khả năng vượt qua cảm xúc và sự buồn phiền - đây cũng đồng thời là phương pháp khiến con trở nên tự lập hơn.
13. “Bố mẹ sẽ từ từ để đợi con xong xuôi mọi việc nhé”
Thay vì: “Cứ để đó bố mẹ làm luôn cho”.
Ví dụ: “Có vẻ con cần thêm thời gian đúng không, bố sẽ ngồi đây đợi hoặc đi xếp bát đũa lên tủ trong lúc đợi con nhé”.
Lý giải: Nhiều khi chính người lớn lại là những người cần thư giãn. Hãy cứ bình tĩnh và đợi con thắt dây giày, hoặc ấn đúng tầng thang máy. Trẻ em chính là người khiến chúng ta cảm thấy mình đang sống, đang tồn tại. Vì thế thỉnh thoảng hãy cho phép bản thân và con được lề mề một chút. Hãy ngủ nướng vài phút trên giường, hoặc thay lại chiếc giày bị nhầm... Mục đích của việc này là khiến trẻ biết thử sức, thất bại, thử lại một lần nữa và cảm nhận khả năng của bản thân để chúng không bị phụ thuộc vào chúng ta.
14. “Bố mẹ luôn yêu con cho dù có chuyện gì chăng nữa”
Thay vì: “Con mà cứ hư như vậy thì sẽ không có ai muốn bên cạnh con đâu,” hoặc “Chính vì hành động tồi tệ đó mà con sẽ không được bố mẹ ôm và hôn ngày hôm nay”.
Lý giải: Tình yêu vô điều kiện là cội nguồn đích thực của cách nuôi dạy con kiểu tích cực, cũng có nghĩa tình yêu của bạn dành cho con không phụ thuộc vào việc con cư xử ra sao. Hãy khiến con hiểu chúng ta luôn yêu thương con dù cho có chuyện gì xảy ra. Một khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, trẻ sẽ ít cư xử tồi tệ hơn.
15. “Mẹ cảm thấy không ổn với...”
Thay vì: “Con chưa đủ lớn đâu,” hoặc “Con quá nhỏ để làm việc đó”.
Ví dụ: “Mẹ thấy không ổn khi con đi bộ vắt vẻo trên bờ tường như vậy, mẹ sợ con sẽ ngã và bị thương”.
Lý giải: Thể hiện với cho con rằng bạn đang lo lắng và sợ hãi sẽ khiến trẻ tôn trọng và nghe lời chúng ta nhiều hơn. Đứa trẻ nào cũng luôn cảm thấy mình đủ lớn, đủ mạnh mẽ, đủ đô và đủ khả năng làm những việc nguy hiểm như đi xe tốc độ cao, leo trèo hay bê cốc nước to đùng. Vì thế hãy luôn sử dụng đại từ nhân xưng như bố, mẹ cảnh báo con để chúng hiểu và tiết chế hành vi của mình.
16. “Con đang cảm thấy thế nào?”
Thay vì: “Thoải mái lên đi, con không cần buồn quá như thế đâu!”.
Ví dụ: “Mẹ có thể thấy con đang rất buồn, bây giờ con thấy thế nào, nói cho mẹ nghe với được không?”.
Lý giải: Giúp trẻ nhận biết cảm xúc của mình và nói ra cảm xúc đó là cách hiệu quả trong phương pháp dạy con tích cực. Khi con có thể thoải mái nói lên cảm xúc của mình với người khác (thay vì chối bỏ và xua đuổi nó), hành vi của con cũng sẽ có xu hướng rõ ràng và có tính tôn trọng hơn rất nhiều

Nguồn: Nhóm dạy con đúng cách

Videos (show all)

7 ngày cải thiện biếng ăn + Tăng cần vù vù
TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN Ở TRẺ
BỔ SUNG VITAMIN D CHO TRẺ
VITAMIN D cho bé yêu của bạn
Xử lý khi bé bị rối loạn tiêu hoá
Lưu ý gì khi cho bé ăn dặm??
10 LOẠI THỰC PHẨM LÀ NGUYÊN NHÂN GÂY TÁO BÓN  CHO TRẺ
Livestream cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thuý NgânBác sĩ chuyên khoa Nhi -Nutri center Chia sẻ chủ đề: Bất dung nạp lactose ở t...
BIẾNG ĂN KÉO DÀI SẼ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN CON TRẺ?
NUTRI CENTER - TRUNG TÂM TƯ VẤN DINH DƯỠNG 4.0 ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM
QUY TRÌNH TƯ VẤN DINH DƯỠNG TỪ XA HIỆU QUẢ VÀ TIỆN LỢI CỦA NUTRI CENTER
TƯ VẤN TRỰC TUYẾN CÙNG BÁC SĨ TỪ NUTRI CENTER Chuyên đề:  GIẢI PHÁP NÀO CHO TRẺ BIẾNG ĂNTƯ VẤN TRỰC TUYẾN CÙNG BÁC SĨ TỪ...