Ở đây chúng tôi phân tích tất cả bài đăng của Trích Diễm

Ở đây chúng tôi phân tích tất cả bài đăng của Trích Diễm

Mình không liên quan gì đến đội ngũ của trích diễm
Mình làm cho vui thôi

01/02/2024

Đối với nhiều người, Tết là niềm vui. Nhưng cũng đối với ngần ấy người khác, Tết là nợ. Bởi có cuộc vui vầy thì mới có cuộc ly tan. Nguyễn Bính, và tất cả cái hồn Việt trong ông, đã sáng tạo nên một bài thơ là sự chắt lọc chính xác cái phần hồn người Việt.

Đối với tôi, người Việt đẹp mà người Việt cũng thật xấu. Đẹp bởi vì cái bản tính con người chúng ta đã thế. Mà xấu là bởi vì người Việt bị thời cuộc ảnh hưởng đến tâm tình một cách rõ nét. Trong những ngày sinh hoạt bình thường của chúng ta, bạn lái xe nhường đường nó gần như là một chuyện thường tình. Song giả dụ như bạn đi lễ hội chẳng hạn, người ta va quẹt chửi nhau đinh hết cả. Người Việt dễ bị lu mờ đi cái bản tính tốt khi trong tâm họ đang chờ đợi, đang mong cầu một điều gì đó vui vẻ, hứa hẹn. Cả một dân tộc đều ham vui. Mà cái vui, phải là cái xuất phát từ sự tư hữu. Phải là của mình thì mới thật vui.

Do đó mà nợ nần hết cả với đời, với Tết. Bao nhiêu con người rong ruổi về quê thì cũng bấy nhiêu con người chôn chân đất khách. Có phải chăng vì sự đông đủ mặt người, hay cảnh cũ trời xưa mà lòng người thấy chộn rộn? Và phải chăng cái sự đông đủ, cái cảnh quang, cái không khí ở thành phố này, ở tỉnh thành kia nó không bằng được quê hương ta chăng? Vô lý, con người tạo nên quê hương chứ quê hương nào dám trói buộc con người. Do đó, cả dân tộc nợ nần hết cả. Cái vui vầy phải là cái vui vầy chủ quan của ta, phải đúng ý ta thì mới là đẹp.

Không phải cái gì cổ truyền quá cũng tốt, tôi tin rằng Tết mang nhiều khía cạnh ý nghĩa hơn là vài ngày nghỉ học nghỉ làm bài bạc, nhậu nhẹt. Có những cục nợ, những điều trì trệ đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ta phải tìm cách mà hóa giải nó đi. Để làm sao khi một cành mai nở rộ, dù ở quê hương nào đi chăng nữa, ta vẫn thấy là nhà. Dù là ngoài biên giới Việt Nam...

Không khí Tết lại gần về, tôi cầu cho những người con xa xứ, một mùa Tết tròn vẹn theo cái cách mà Tết mong muốn. Chúng ta, những người con, chỉ có thể làm tốt việc của mình. Thôi mong ngóng và hãy tin yêu hơn vì mỗi ngày một cánh hoa mai nở là mỗi ngày trời lại sáng.

QUÁN TRỌ

Hoa mai quán trọ trắng như sương
Chen với hoa đào dưới khóm dương
Dang dở một thân nơi đất khách
Tết này ta lại ngắm hoa suông.

Từ độ phiêu linh mãi tới giờ
Xuân dàn vào tết bốn năm thưa
Bốn năm biết mấy bao gian khổ
Thôi để xuân sau trở lại nhà.

Nhưng rồi tết ấy, tết sau qua
Lần lữa chưa ai trở lại nhà
Quán trọ xuân này hoa lại nở
Lại ngồi xem tết, tết người ta.

(Nguyễn Bính)

28/01/2024

Điên và tình. Gần như là một trong những nhà thơ. Chúng ta đã quá quen với các nhà thơ đến điên tất cả chỉ vì tình yêu. Ở những khu chợ đông nghẹt người, ở những bệnh viện, ở dưới chân cầu. Có bàn chân ai tha thẩn đi lại, đi như trong mộng, dường như không ý thức được cuộc sống ngày qua ngày lại. Nhưng khi nói đến tình yêu, đến một nàng thơ, một chàng thơ duy nhất. Thì như tất cả sự rồ dại mà họ ném vào đời, đời đã đem trả lại bằng quyền lực của thơ ca.

"một đêm kia trái tim tôi ngừng đập
máu thôi hồng và tóc sẽ thôi đen
sẽ khô cạn hết đôi hồ nước mắt
thôi còn ai âu yếm gọi tên em"

Tương lai, tương lai luôn là một bản trường ca của số phận vừa mông lung mà cũng vừa kiên định. Một tương lai kiên định thấy trước khi trái tim "ngừng đập", "máu thôi hồng và tóc sẽ thôi đen", "sẽ khô cạn hết đôi hồ nước mắt". Nhưng dường như trên những cái tương lai là một cái chết đã đoán được định nó không hề khiến nhà thơ dao động. Sự dao động chỉ chực xuất hiện ở câu cuối "thôi còn ai âu yếm gọi tên em". À, thì ra, tôi nào có quan trọng trái tim tôi, máu tôi, nước mắt tôi dù có hay không có, nào có quan trọng. Nhưng em, em sẽ làm gì khi tôi không còn nữa, không còn tiếng tôi gọi tên em. Như chỉ có tôi biết gọi đúng tên em. "Đầu tiên phải hít hơi vào thật nhẹ. Đó là họ của em. Tên đệm ư, đầu lưỡi ướm lên nấc thứ ba của vòm họng. Tên của em à, hai cánh răng phải siết hờ lại."

"đừng xua đuổi tôi đã nguyền trốn tránh
chân thôi đi và miệng sẽ thôi cười
thôi cô độc bởi không còn kiêu hãnh
nỗi ê chề đau đớn của riêng tôi"

Khung cảnh đã đổi khác hay vẫn còn tồn đọng lại trong không gian phảng phất. Khi đối diện xong câu hỏi tương lai, ta đi lại thực tại. Thực tại có khá khẩm gì đâu. Ta thấy ta là một điều cô đơn bất lực. Không cần đợi người khác đuổi xua ta thấy chính bản thân ta phải "trốn tránh" vì một thứ gì nó làm ta thấy bản thân thật nhỏ bé. Và ta sẽ đứng ở đó, thôi đi và thôi cười. Ta thấy ê chề thất vọng. Ta mất đi cái kiêu hãnh vốn có, và ta cũng mất đi cái cô độc mà kiêu hãnh đã ngự ban cho ta. Ta thấy trơ trọi mà hòa vào với ngàn cái tệ bạc ở thế gian này. Phải có một mức độ kiêu hãnh nhất định để thấy mình khác biệt và đứng riêng lẻ giữa thế giới muôn hình vạn trạng này.

"ở trên đó sao sương mờ mịt lắm
hồn tôi bay quanh quĩ đạo mặt trời
xin vũ trụ chút hương nồng lửa ấm
kẻo khi xưa quen lạnh lẽo trên đời
người ta sẽ cười vui và tiếp tục
trong thiên đường và địa ngục trần gian
đôi mắt ấy chưa một lần biết khóc
bởi đôi tay chưa hứng lấy điêu tàn"

Tương lai một màu xám, thực tại một màu đen, ta bay về nơi có ánh sáng. Một sự trút hồn không lạ lẫm trong thơ ca: ta bay vào vũ trụ. "Hương nồng" như để chỉ một cuộc hôn nhân. Nhà thơ chỉ là vô tình khêu gợi hay thật sự đã để ta vào cuộc đua của dục tính? Và trong tình trong dục ta có thêm bớt nào chút hương ấm hay vẫn mãi bơ vơ lạnh lẽo tiêu điều. Ta nhìn ra thiên hạ vẫn cười vui nhảy múa, dù đó là thiên đường hay cõi u minh địa ngục cũng đâu hề gì. Và những con người có cái diễm phúc (hay là một lời nguyền?) chưa một lần "biết khóc" và "đôi tay chưa hứng lấy điêu tàn" sẽ làm gì với ta, một thực tế của loài người đã "biết khóc"?

"em từ giã và mang theo hờn tủi
suốt một đời như bóng núi chơ vơ
anh dù đến dù đi, em mòn mỏi
suốt một đời hấp hối nỗi bơ vơ
em sẽ nói với vì sao thứ nhất
gọi giùm tên một kẻ dưới xa kia
viên ngọc quí đã tan tành nước mắt
bởi yêu người tôi chọn kiếp điên mê"

Và hình như kẻ lạ mà ta thấy, đó chính là em. Em mà ta đã ám ảnh trong những câu thơ đầu tiên. Em, ta đang nghe em nói. Hình như em không đi đến những miền xa mà ta đã từng làm. Em chỉ mòn mỏi với anh, mà anh dù đến dù đi thì hình như nỗi hờn tủi bơ vơ của em vẫn âm thầm như núi đá không rung không chuyển. Rồi một vì sao hứng lấy lời nguyền của em, lời than trách mà em đã giáng vào số phận. Thì ra kẻ lạ đó là ta, ta là kẻ điên mà không còn ảnh hưởng đến cuộc đời em nữa. "Em giã từ" ta và từ giờ đã "không còn ai âu yếm gọi tên em"...

VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG

một đêm kia trái tim tôi ngừng đập
máu thôi hồng và tóc sẽ thôi đen
sẽ khô cạn hết đôi hồ nước mắt
thôi còn ai âu yếm gọi tên em

đừng xua đuổi tôi đã nguyền trốn tránh
chân thôi đi và miệng sẽ thôi cười
thôi cô độc bởi không còn kiêu hãnh
nỗi ê chề đau đớn của riêng tôi

ở trên đó sao sương mờ mịt lắm
hồn tôi bay quanh quĩ đạo mặt trời
xin vũ trụ chút hương nồng lửa ấm
kẻo khi xưa quen lạnh lẽo trên đời

người ta sẽ cười vui và tiếp tục
trong thiên đường và địa ngục trần gian
đôi mắt ấy chưa một lần biết khóc
bởi đôi tay chưa hứng lấy điêu tàn

em từ giã và mang theo hờn tủi
suốt một đời như bóng núi chơ vơ
anh dù đến dù đi, em mòn mỏi
suốt một đời hấp hối nỗi bơ vơ

em sẽ nói với vì sao thứ nhất
gọi giùm tên một kẻ dưới xa kia
viên ngọc quí đã tan tành nước mắt
bởi yêu người tôi chọn kiếp điên mê

(Nguyễn Thị Hoàng)

15/08/2023

Nguyễn Sĩ Đại, nhiều suy tư, nhiều ẩn ý nhưng cốt cách vẫn là một người thẳng thắn. Thơ, nói chung, gọn gàng. Và hay.

Nguyễn Sĩ Đại, theo nhiều kênh truyền thông, luôn được khắc họa như một nhà thơ "nông dân", một nhà thơ "chân chất". Tôi thấy nhiều điều trái ngược. Và các bạn hãy tự đọc những vần thơ này và các bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói:

"Ta trả cho em mười sáu tuổi
Nơi đám mây như trang giấy học trò
Dòng mực biếc trôi xanh màu viễn xứ
Khung trời nào cũng nở mấy ngàn hoa..
Nào ai biết sau miền hai mươi tuổi
Bước vào đời đâu cũng gặp phục binh
Mong cái ch/ết như một điều cứu rỗi
Trời pha lê nát vỡ dưới chân mình..
Ta trả cho em mùa hạ của nồng say
Triền sông ngát, Trương Chi chiều đứng hát
Ngàn sao cháy làm sao mà chịu được
Ước ao đành khóc lỗi với mưa ngâu!

Ta trả cho em sợi tóc bạc trên đầu
Chờ đợi mãi, bao nhiêu là nước chảy
Còn tất cả khi em vừa kịp tới
Tan hết vào mười sáu tuổi, vầng trăng..."

- Ta trả cho em mười sáu tuổi; Nguyễn Sĩ Đại -

Hầu hết mọi người biết đến nhà thơ qua bài thơ "Lá Xanh"-:

"Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh"

Và đã cảm tưởng những vần thơ của Nguyễn Sĩ Đại luôn là một cái gì đơn giản, một cái gì trong trẻo. Nhưng nếu đọc nhiều hơn, ta nhận ra bút lực của người đàn ông này không đơn giản. Hình ảnh, âm thanh, mùi hương được đính vào cách thả vần rất quen thuộc với người Việt. Nguyễn Sĩ Đại luôn gợi tôi nhớ đến Hữu Thỉnh. Đó vẫn là những góc phố mướt trời xanh, những cơn mưa thu, những tiếng nói trẻ nhỏ. Thơ của Nguyễn Sĩ Đại là một vùng ký ức đầy rẫy những cảm giác rải rác đôi lúc ngạt ngào mùi hoa cỏ, đôi lúc chỉ thoảng đâu đây tiếng kêu của cào cào. Nhưng bao giờ cũng rất thơ và rất say sưa.

Hai câu thơ rất đẹp ở đây:
"Có ch/ết nửa trái tim thì một nửa vẫn còn
Để nơi đó suốt đời em có mặt"
Đối với Nguyễn Sĩ Đại, ta bắt gặp những câu thơ cảm giác nhiều hơn là những câu thơ chiêm nghiệm. Đây lại là hai câu thơ chiêm nghiệm. Nhưng đừng quên những đặc tính vốn có của nhà thơ, rằng mọi thứ vẫn chỉ là ký ức đẹp đẽ. Hai câu thơ chiêm nghiệm chứng tỏ được sự tồn tại của rất nhiều câu thơ hình họa khác (có thể là trải nghiệm trước đó trong đời nhà thơ) nhưng những vần thơ đó vẫn quá mênh mông và có đôi phần lạc lõng nếu muốn ép vào một khuôn thơ. Do đó nhà thơ đã chuyển hóa những trải nghiệm kia, những đau đớn, băn khoăn, trăn trở đã cô đọng lại chỉ còn 2 câu thơ. Nếu cuộc đời chỉ đơn thuần là sống những ngày đơn điệu, sẽ không ai phải nghĩ tới cái ch/ết. Con người chỉ nghĩ đến sự kết thúc của cuộc đời khi: 1. Cuộc sống có quá nhiều đau thương và 2. Cuộc sống có quá nhiều điều đẹp đẽ. Trong khúc thơ, tồn tại cả hai trạng thái đó. Khi "ch/ết nửa trái tim" biểu trưng cho sự mất mát, sự phong trần ở đời và "em" là đẹp đẽ hiện hữu ở trần gian. Như thế, trong những bương chải, trong những thứ kh/ốn nạ/n ở đời con người đã gần như đánh mất chính mình, đã "ch/ết nửa trái tim" tuy thế, con người vẫn chống chọi được với cái xấu và giữ "em" trong sáng trong trái tim mình. "Em" ở đây đâu đơn giản chỉ là một người yêu? "Em" là mẹ già, là "chị gái", là "em gái". "Em" cũng là "Cha", là "anh", là "em". "Em" lại là "những bài thơ hay", lại là "tình yêu", lại là "những giọt nước mắt phân ly".

Con người, dù sống, dù ch/ết, hay dù tồn tại giữa sống và ch/ết. Vẫn còn những điều đẹp đẽ trong tim họ. Dù họ đang chạy xe vòng vòng ở quận 7 hay mồ cỏ đã xanh thì những ký ức tươi xanh, những mộng mơ, những tình cảm của họ vẫn tồn tại. Ký ức là điều thiêng liêng ở con người vì không ai khác sở hữu điều đó ngoài họ. Và sâu thẳm ở trong linh hồn giống vật đau khổ của thế kỷ 21, luôn cháy bỏng một chữ "em" vừa cay đắng mà cũng vừa ngọt ngào.

Có chết nửa trái tim thì một nửa vẫn còn
Để nơi đó suốt đời em có mặt

(Nguyễn Sĩ Đại)

14/08/2023

Về Hàn Mặc Tử không bao giờ nên là câu hỏi "Ai là Hàn Mặc Tử?"
Mà hãy hỏi "Tại sao lại là Hàn Mặc Tử"

Cái câu chuyện về một người bệnh tật, bị xã hội ruồng bỏ, viết nên những vần thơ như rướm máu thì chúng ta chắc cũng không lạ gì. Hãy tạm để những nỗi buồn sang một bên, những cơn phẫn uất mà thi nhân đã chứng kiến sang một bên để có chỗ để ta đào khoét một khía cạnh khác:

TẠI SAO LẠI LÀ HÀN MẶC TỬ?

Đối với Xuân Diệu, sáng tác là để theo đuổi cái đẹp. Đối với Lưu Trọng Lư, viết thơ là theo đuổi cái mơ. Với Đinh Hùng, đó là theo đuổi cái kinh hoàng khó hiểu. Còn đối với Hàn Mặc Tử, viết, là một hành động để thoát ly thực tại và cường điệu hóa những gì mà người đã thấy.

Viết về hai người yêu xa cách, Nguyễn Bính viết đơn sơ:
"Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi..."

Trường hợp tương tự, nhưng Mặc Tử lại kéo những tiếng thơ rất độc đáo:

"Anh nằm ngoài sự thực
Em ngồi trong chiêm bao"

Trong thơ ca, ít lần nào người ta chứng kiến một sự chia cách lớn mà mơ hồ đến nhường ấy. Vì là "nằm ngoài sự thực" nên không ai biết thi sĩ đang nằm đâu và cái khoảng cách "ngoài sự thực" và "trong chiêm bao" vừa chỉ một sự chia tách lớn lao nhưng hay ở chỗ nó cũng là một điều gì rất kỳ ảo bâng quơ. Không phải chỉ về khoảng cách "mấy ngàn dâu" của người chinh phụ năm xưa mà câu thơ còn mở rộng ra hơn. Khi bắt đầu bằng tình yêu thi sĩ lại chọn kết thúc bằng một nỗi cùng quẫn rất lớn được hình tượng hóa bằng hành động "cắn". Và cũng chớ tìm hiểu xem tại sao thi sĩ lại muốn cắn những điều ấy, có chi đâu là quan trọng. Khi ta nhận thức được rằng khổ thơ 2 là một khổ thơ điên. Điên vì những mộng mơ không tựu thành, về nỗi nhớ cao cả dành cho một ai đó. Ở khổ đầu tiên, ta đã ngỡ mình vừa chỉ mới đọc được những khổ thơ đầu của bài thơ và sẽ còn những câu chuyện, những cảm xúc mạnh hơn xảy ra. Vì đơn giản là 4 câu thơ đầu "hiền" quá, vì thiếu bút pháp sáng tạo nên bút lực giảm đi rất nhiều. Nhưng sau khi đọc hết khổ 2, có ai đó ngờ ngợ một điều gì.

"Hình như, ở trước khổ 1, còn rất nhiều khổ thơ khác, còn những câu chuyện trước kia, về những hoa và mộng"

Nhưng nay mọi thứ chỉ trơ trọi lại 2 khổ thơ này. Xin đừng lấy làm lạ. Những lúc người ta sắp bộc phát căn bệnh tinh thần trong người, thì đầu óc họ sáng suốt đến lạ. Có lẽ ta không bao giờ biết được những khổ thơ trước Mặc Tử đã viết những gì. Như thế có một vết răng đã xé toạc những điều đó ra, để thơ vung vãi như m.áu túa ra từ vết thương của gã bại tướng trên thi trường. Tại sao lại là ông?


Tại sao lại là Hàn Mặc Tử?

Anh điên

Anh nằm ngoài sự thực
Em ngồi trong chiêm bao
Cách xa nhau biết mấy
Nhớ thương quá thì sao?

Anh nuốt phứt hàng chữ
Anh cắn vỡ lời thơ
Anh cắn, cắn cắn cắn
Hơi thở đứt làm tư!

(Hàn Mặc Tử)

03/07/2023

Về bài thơ này, mình xin phép nói đôi lời về bản thơ cũ (nghĩa là bản được viết và phổ biến hơn của bài thơ này):

"Em bỏ chồng về với tôi không?" là câu hỏi đau đáu, cháy bỏng của một mối tình đơn phương dường như tuyệt vọng. Đâu phải ai cũng hỏi được một câu như thế? Xưa nay ở Việt Nam, nhà thơ buồn vì người thương theo chồng thì nhiều, mà người dám "đòi hỏi" người mộng của mình về với mình thì quá ít. Điều này ắt hẳn là do những định kiến, những nét suy nghĩ của người Việt xưa nay rất ít cho phép chuyện "tán tỉnh", "bày tỏ" tình yêu với những người đã có gia đình. Điều đó chăng cũng là hợp lý. Nhưng trong nội tại bài viết này không thể bàn tới vấn đề xa xôi đó. Chúng ta chỉ biết rằng ở trong xã hội Việt Nam những năm 1989 thì một bài thơ như thế này rất "độc" va "lạ".

Đồng Đức Bốn là một bông hoa nở muộn ở thi đàn. Nói về ông, Nguyễn Huy Thiệp từng viết "Đồng Đức Bốn có nhiều đóng góp quan trọng trong thể loại thơ lục bát. Thơ lục bát của ông với cách ngắt nhịp, dùng từ và rất giàu hình ảnh với tứ thơ sâu sắc đã chinh phục được bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét về thơ của ông là trong khoảng 80 bài thơ, có khoảng 15 bài thơ cực hay, tài tử vô địch, nhưng có nhiều bài cũng chẳng ra gì". Do bắt đầu vào giới thơ ca khá trễ trong đời, thơ ông nhiều vô định, dù có suy nghĩ nhưng chỉ dừng ở đó, không bao giờ nhà thơ đưa cho ta một lời kết luận rõ ràng trong những bài thơ của ông. Ông như một con sâu chưa kịp biết đến vị ngon của chiếc lá, chưa biết cảm giác đi trên khúc hốc cây rộng mà sau một giấc ngủ đã phải lớn lên thành một con bướm già cỗi hốc hác. Giọng thơ ông luôn ứ đọng một cảm giác gần như bất cần, lại gần như đau đớn. Vừa cay đắng mà cũng vừa mặc kệ những cái bất cập ở đời, những điểm sai trái ở trong đời mình.

"Đời tôi tan nát bơ vơ
Nhớ thương là đợi còn chờ là yêu.
Đời tôi như một con diều
Đứt dây để trống cả chiều ngẩn ngơ."

Cũng bởi thế, ông là người hoàn hảo nhất để viết nên những bài thơ như "Em bỏ chồng về với tôi không?". Xin chớ lầm nhà thơ sáng tác ra thi phẩm này để ngạo đời, để "cách mạng", để thay đổi suy nghĩ của người này người khác. Không hề, ông chỉ là một người đau khổ, không còn rảnh kiếp để quan tâm đến những người khác nữa.

Cả bài thơ là một chuỗi những hình ảnh, chiếu nhanh như một cuốn phim ký ức, về nhân vật trữ tình "anh" và "em". Khi đọc thi phẩm, người đọc cứ ngờ ngợ "Mình là gì ở đây?". Có nhiều nhà thơ khi sáng tác họ đã định hướng sẵn một nhóm độc giả và chỉ viết để thỏa mãn thị hiếu của nhóm đó. Ngược lại, có nhà thơ thì chỉ viết cho bản thân họ đọc. Nhưng "Em bỏ chồng về với tôi không?" lại chỉ viết cho một người "Nhà của em ở giữa phường Trung Tự" mà thôi. Những câu chuyện của họ, trên trang thơ đã phô bày, còn sâu xa hơn nữa, tôi thua.

Em bỏ chồng về ở với tôi không?

Xa một ngày bằng triệu mùa đông
Em bỏ chồng về ở với tôi không?
Nỗi nhớ em cồn cào như biển
Nơi em ở tôi đi và tôi đến
Cho tháng ngày em sống bớt cô đơn

Con muỗm xanh trên sóng lúa rập rờn
Mùi cỏ dại vẫn ven bờ nước đắng
Tình của em như một tờ giấy trắng
Mãi bây giờ tôi mới viết thành thơ

Tình của em như lối rẽ bất ngờ
Tôi đi đến trọn đời còn chưa biết
Dẫu cho đến tận cùng cái chết
Em bỏ chồng về ở với tôi không?

Tôi không tin rằng trong bão giông
Em cam chịu con tàu chết chìm trên sóng
Và tôi tin rằng trong cát bỏng
Em - Cây xương rồng vẫn hoa

Em ở gần tôi lại ở xa
Tim vẫn đập về nơi em nhiều nhất
Và tôi tin tình em là có thật
Những lúc buồn tôi mới viết thành thơ

Và niềm vui có khi đến bất ngờ
Tôi lại hát ru em ngủ
Nhà của em ở giữa phường Trung Tự
Cây tháp nước bồn hoa còn nhớ chỗ ta ngồi

Cỏ nát rồi cỏ mới lại sinh sôi
Hoa vẫn nở mùi hương đằm thắm
Và tôi tin một ngày gần lắm
Em bỏ chồng về ở với tôi.

(Đồng Đức Bốn)

___

Khi tập hợp và in thành thơ tuyển “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” trước lúc mất không lâu, bài thơ được chính tác giả sửa đôi chỗ. trích diễm xin đăng ở đây để các bạn cùng đọc một dị bản gần gũi hơn của bài thơ này:

Em bỏ chồng về ở với tôi không

Xa một ngày hơn triệu mùa đông
Em bỏ chồng về ở với tôi không
Nỗi nhớ cồn cào như biển.

Nơi em ở tôi đi và tôi đến
Cho tháng ngày em sống bớt cô đơn
Con muỗm xanh trên sóng lúa dập dờn
Hương cỏ dại vẫn bên hồ nước đắng.

Tình của em như một trang giấy trắng
Để đến giờ tôi mới viết thành thơ
Tình của em như lối rẽ bất ngờ
Tôi đi đến hết đời không biết mệt
Còn đi đến tận cùng cái chết
Em bỏ chồng về ở với tôi không.

Tháng ngày qua cứ liên miên mùa đông
Tháng ngày qua cứ liên miên mùa nóng
Bao con tàu đã chết chìm trên sóng
Sao mùa về chim ngói chả di cư.

Những ngày xa không viết một dòng thư
Mà trong mắt vui buồn tươi tắn thế
Càng yêu em càng thương đời rất trẻ
Giọt sương đầu hè nắng hé lúc rạng đông.

Khi cuộc đời còn lắm bão nhiều dông
Nhiều người tốt nhưng còn bao kẻ xấu
Trên đất rắn chân đi còn bật máu
Em bỏ chồng về ở với tôi không.

Tôi chẳng tin là trong bão dông
Em cam chịu con tàu chết chìm trên sóng
Nhưng tôi tin rằng trong cát bỏng
Em như cây xương rồng vẫn hoa

Em ở gần tôi lại ở xa
Tim vẫn đập về nơi em nhiều nhất
Bởi tôi tin một ngày có thật
Em bỏ chồng về ở với tôi.

(Đồng Đức Bốn)

Website