SOI

SOI

Soi những góc khuất

23/02/2023

THAM Ô CÓ TỔ CHỨC, SỰ TÀN PHÁ KHỦNG KHIẾP
-Đỗ Ngà-

Thỉnh thoảng có người nói về 1+1 không phải bằng 2 mà là bằng 3, bằng 4 và có thể bằng n. Đấy là phép toán mang tính triết lý. Sự thật là có những cá nhân nếu đứng một mình họ chỉ là con số 1 nhỏ nhoi, nhưng khi đứng vào tổ chức, sức mạnh của họ có thể được nâng lên nhiều lần như vậy. Ví dụ như steve Job, ông đứng một mình không mấy ai thấy tài năng của ông ta, nhưng khi ông đứng vào Apple, sức mạnh của ông được cả thế giới biết đến.

Đó là sức mạnh của tổ chức, chính vì lẽ đó, Đảng Cộng Sản luôn chú ý đến việc đập cho tan tổ chức chính trị đối lập khi nó mới manh nha. Chỉ trích chế độ mà không đứng trong tổ chức nào Chính quyền Cộng Sản để cho tồn tại miễn sao đừng nói quá, nhưng một khi đứng trong bất kỳ một tổ chức nào thì Cộng Sản sẵn sàng kết tội thật nặng người đó, bất chấp pháp luật. Cộng Sản hiểu rõ hơn ai hết về sức mạnh của tổ chức.

Lợi ích nhóm cũng là một loại tổ chức, tổ chức ngầm. Nó là bộ máy hoạt động nhịp nhàng có khi khép kín rất khó phát hiện. Ngược với doanh nghiệp, tổ chức này sẽ nhân mức phá hoại của cá nhân lên nhiều lần và từ đó, nền kinh tế bị hút cạn sinh khí, máu dân bị rút về nuôi các nhóm lợi ích đấy. Ở các quốc gia khác vẫn có tham nhũng nhưng đó là tham nhũng mang tính cá nhân chứ không tham nhũng thành một tổ chức có phân công phân nhiệm như ở Việt Nam.

Trong lợi ích nhóm, tiền tham nhũng được rải từ thượng tầng xuống hạ tầng, có thế bộ máy hoạt động cho đồng bộ. Vụ án AIC với Bệnh Viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn dùng tiền rải từ Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh cho đến các Giám đốc sở liên quan. Đó là chi phí bắt buộc để lợi ích nhóm vận hành. Rất có thể đó là cách làm mang tính đặc trưng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Vì thế, khi vụ án AIC với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh bị khởi tố, thì Bộ Công an không thể không nghi ngờ bà Nhàn cũng dùng cách làm việc tương tự, tức là dùng tiền rải từ Bí thư tỉnh trở xuống. Mà bí thư tỉnh thời đó là ông Phạm Minh Chính.

Đấy là cách làm của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Chính bà dùng tiền rải, tuy nhiên, có những nhóm không dùng cách như vậy mà là đưa một cục tiền thông qua một đầu mối (thường là quan chức) rồi đầu mối ấy sẽ phân phát lại cho những người khác. Lấy ví dụ như vụ bà Trương Mỹ Lan nhờ Dương Chí Dũng đưa cho Phạm Quý Ngọ hàng triệu đô la hối lộ. Ông Phạm Quý Ngọ được hiểu là đầu mối nhận tiền và rải dùm cho Trương Mỹ Lan. Cách rải riền qua đầu mối như thế này có ưu điểm là dễ “cắt đuôi” dấu vết tham nhũng nếu bị lộ. Sau khi Phạm Quý Ngọ bị chết đột ngột, người đứng sau lưng ông Ngọ là ai thì không thể điều tra nữa. Hoàn toàn mất dấu.

Ông Đỗ Hữu Ca được xác định là cầm của phí hối lộ 35 tỷ đồng, tương đương 1,5 triệu đô la Mỹ. Số tiền cực lớn này không thể là hối lộ cho một người mà rất có thể hối lộ cho cả hệ thống. Theo suy đoán chủ quan của tôi thì rất có thể nhóm hối lộ đưa cho Đỗ Hữu Ca phân phối lại cấp trên, tuy nhiên vì cấp trên thấy bị động nên không nhận tiền và cũng không chạy án và 35 tỷ chết kẹt trong túi Đỗ Hữu Ca chứ chưa chắc gì Đỗ Hữu Ca dám quỵt.

Khi tham nhũng đã thành tổ chức thì số tiền hối lộ sẽ ngày một khủng hơn, bởi tiền tham nhũng nó rải cho toàn bộ tổ chức. Nhóm lợi ích càng lớn nó cần tiền càng nhiều để rải và tất nhiên, phía đưa hối lộ phải bòn rút sức lao động của công nhân, phải kinh doanh đểu, phải lừa khách hàng vv... để nặn ra tiền mà rải. Và đó là lý do kinh tế đất nước ngày một mất sinh lực.

Các doanh nghiệp bất động sản là hình mẫu cho loại phá hoại như thế. Để gọi vốn thì bọn này phải dùng tiền để rải. Nó cần rải cho nhóm quan chức ngành chứng khoán để bọn này thả lỏng quản lý và làm luật sơ sài, mục đích mở cửa cho bọn đại gia bất động sản chui vào đấy vơ vét tiền nhà đầu tư. Khi vơ vét được thì làm dự án rồi cấu kết nhau thổi giá nhằm hút cạn tiền người mua nhà và các doanh nghiệp lấy tiền lời đấy rải tiếp. Và vòng lặp cứ tiếp tục.

Bệnh tham ô có tổ chức ở đất nước này hết thuốc chữa, lợi ích nhóm nổi lên như dịch châu chấu diệt bao nhiêu con cũng không xuể. Khi tham nhũng hình thành một cách có tổ chức, đất nước này không còn cơ hội nào để ngóc đầu nổi nữa. Dân đen ráng làm mà dâng tiền cho bọn chúng xơi nếu không muốn lên tiếng.

-Đỗ Ngà-

14/02/2023

HÃY THẲNG TAY MỘT LẦN ĐI. ĐỦ RỒI!
-Đỗ Ngà-

Cách đây 4 năm, bạn mất 34 năm lao động để mua một căn nhà nhưng hiện nay, bạn phải mất 57 năm. Vậy thì thị trường bất động sản Việt Nam đã cướp mất 23 năm tiền công lao động của bạn chỉ trong 4 năm. Đây có thể ví như trò “siết cổ êm dịu” bởi người dân mất rất nhiều nhưng nhận biết có bao nhiêu? Đây là sự ăn cướp tàn nhẫn nhất và khó thấy nhất.

Năm 2019 tôi đã tích cóp được 30 năm làm việc, dự tính sang 2023 tôi sẽ mua được nhà. Tuy nhiên, đến năm 2023 tôi lại đợi đến 2046. Nếu tôi ráng dành dụm đến 2046 thì vẫn không thể mà phải đợi thêm 120 năm thiếp. Và cứ thế, người dân bị tước mất quyền an cư một cách tự nhiên mà chẳng mấy ai nhận ra điều đó.

Như vậy nhà đất cứ mỗi ngày mỗi rời xa tầm với người dân. Khi giá nhà đất quá cao, số người thực sự sở hữu được nhà ít dần trong khi đó dự án thì vẫn ồ ạt phát triển. Điều tất yếu là thành phố ma xuất hiện gây nên lãnh phí kinh khủng. Đấy là thực trạng thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.

Nguyên nhân là bởi thể chế chính trị mà ra. Đảng Cộng Sản nó giành độc quyền cai trị đất nước nhưng bản chất nó là tham lam và vô đạo đức. Từ tham lam và vô đạo đức nó hình thành nên các nhóm lợi ích như là một lẽ tự nhiên. Nhân là tham lam vô đạo đức thì ắt nó trổ ra quả là các nhóm lợi ích, không thể nào khác được.

Nhóm lợi ích là sự cộng sinh của bọn có quyền và bọn nó tiền. Bọn có tiền làm dự án, bọn có quyền đứng sau làm chính sách hỗ trợ. Mục đích là để hút hết tài sản của dân vào nhóm lợi ích và từ đó chia chát nhau. Thị trường bất động sản trở nên như ngày hôm nay cũng bởi từ đó mà ra.

Khi được “hút máu dân” thì lại tiêu pha hoang phí, giờ trổ bệnh thì đòi nhà nước phải làm chính sách riêng để nuôi sống bọn chúng. Vừa qua Vin Group, Novaland và Hưng Thịnh vv... đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa chính sách để chúng được sống. Chúng nó bảo phải giãn nợ cho chúng, chúng bảo phải hạ lãi suất cho chúng.

Nếu hạ lãi suất để cứu các đại gia bất động sản thì lạm phát mất kiểm soát ai chịu trách nhiệm? Mà làm phát cao thì khác nào móc túi toàn dân? Khi khỏe, mấy ông đánh chén sức dân chưa đã, giờ lâm bệnh mấy ông còn yêu cầu nhà nước hút máu dân truyền cho các ông? Các ông ăn gì khôn thế?

Biết rằng để cho Vin Group, Sun Group, Novaland vv... sụm thì sẽ gây ra hiệu ứng domino và nền kinh tế sẽ nát. Tuy nhiên, thà một lần đau rồi đứng dậy từ đống tro tàn còn hơn cứ hút máu dân nuôi mãi bọn phá hoại nền kinh tế này. Hy vọng, Ngân hàng Nhà nước siết cho ngọp thở bọn bất động sản và Bộ tài Chính tẩy sạch bọn “bán vịt trời” trên thị trường chứng khoán cho bay màu luôn để dân bắt đầu lại. Giờ nát quá rồi, không chữa gì được nữa.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo đọc ở phần bình luận 👇

Photos from Đỗ Ngà's post 03/02/2023

Đỗ Ngà không phải là người viết bài này. Mọi người chú ý! https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=242481041436175&id=100070228423635&mibextid=ykz3hl

06/01/2023

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA MỘT QUỐC GIA THẤT BẠI
-Đỗ Ngà-

Tôi là người Công Giáo nhưng lại rất thích triết lý nhà Phật. Trong thực hành chính niệm, Phật dạy rằng “không truy tìm quá khứ, không vọng tưởng vào tương lai mà hãy an trú trong hiện tại”. Quan điểm này có ý nghĩa rất sâu, đặc biệt với những ai đang thực hành nó. Thay vì bắt tâm trí phải bám chấp vào những thứ không thay đổi được thì hãy vứt bỏ nó để ta nhẹ đi một gánh, thay vì bắt tâm trí phải bám vào tương lai không gì chắc chắn thì hãy bớt để tâm tới nó thì ta bớt đi gánh nặng nữa. Khi bớt đi hai thứ gánh nặng đấy thì ta dồn nhiều năng lượng cho hiện tại và sống thật tốt ở hiện tại với tâm trí sáng suốt nhất.

Khi trong người có năng lượng mạnh cộng với trí tuệ thì con người mới có thể sáng suốt quan sát nhận diện đâu là thứ vô giá trị và đâu là thứ có giá trị. Khi nhận diện được, ta tiến hành gỡ bỏ tiếp cái vô giá trị và chỉ dồn năng lượng cho những gì có giá trị. Đấy là cách chúng ta làm điều có giá trị với năng lượng sung mãn nhất. Nhiều khoảnh khắc hiện tại liên tiếp chắp nối sẽ cho ta được quá trình và quá trình đấy tự nhiên sẽ đưa chúng ta đến thành công. Rất hay!

Là con người không ai có thể làm hoàn hảo được, cho nên khó ai làm được như lời Phật dạy. Chỉ cần làm sao tiệm cận với chánh niệm đã là thành công. Đó là sự thành công bền vững. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp mà tiệm cận với chánh niệm thì ắt doanh nghiệp bền vững, nếu lãnh đạo quốc gia mà tiệm cận với chánh niệm thì ắt quốc gia sẽ thịnh vượng.

Triết lý Phật Giáo là triết lý Phương Đông, tuy nhiên, theo tôi thấy, dường như các lãnh đạo các quốc gia Phương Tây gần với chánh niệm hơn các quốc gia Phương Đông. Ở các nước giàu, họ thường đưa ra những mục tiêu rất thiết thực, rất hữu ích và khả thi. Trước khi thực hiện chính sách, họ nhận diện sai đúng rất tốt nhờ đó quốc gia hạn chế được sự hao tổn nguồn lực một cách vô ích. Cứ thực hiện những chính sách nhỏ cho thật tốt và hoàn thành mục tiêu ngắn hạn thật đạt thì chiến lược lớn sẽ hoàn thành một cách tự nhiên, nhờ đó mà quốc gia cứ thịnh vượng và phát triển.

Ngược lại, tại Việt Nam, các lãnh đạo Cộng Sản hầu như chỉ bám chấp vào quá khứ và vọng tưởng vào tương lai xa. Đến nay, Đảng Cộng Sản vẫn cố đu bám vào những hào hùng quá khứ để diễu võ giương oai với dân. Mỗi khi tới ngày lễ 2/9, 30/4 vv... họ tổ chức khoe chiến tích rất rầm rộ khoét sâu vào sự chia rẽ dân tộc. Việc làm này được người dân gọi là “ăn mày quá khứ”.

Còn tương lai thì sao? Họ đặt ra các mục tiêu cực kì hoành tráng. Đầu năm 2023, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài viết về giấc mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Thế giới. Sáng ngày 6 Tháng Giêng, trong buổi họp tại TP HCM, ông Nguyễn Xuân Phúc lại chém gió rằng ““TP. HCM cần phát triển chip, robot, chất bán dẫn...”. Những tham vọng tương tự như thế này người dân Việt Nam đã nghe rất nhiều từ bao thập kỷ qua. Mà có hoàn thành được đâu?

Vậy thì hiện tại của Việt Nam là gì? Đó là vụ án Việt Á, đó là vụ Chuyến bay giải cứu, đó là hệ thống đăng kiểm, đó là, đó là vv... Như vậy cái hiện tại của Việt Nam ra sao? Chẳng ra sao cả, toàn là những thứ đáng nguyền rủa.

Một đảng chính trị, một Nhà nước thì nó cũng chẳng khác gì cơ thể sống. Cũng có tâm lý, cũng có trí tuệ cũng có năng lượng bên trong vvv... nó tương đồng rất lớn với một con người. Mà với con người, một khi đã cố bám chấp vào quá khứ, cố vọng tưởng vào tương lai thì hiện tại chẳng ra sao cả. Vì hiện tại thiếu cả năng lượng và trí tuệ để thực hiện. Và đó là con người thất bại, và đương nhiên, Nhà nước nào như thế thì nhà nước đó chỉ mang đến thất bại cho đất nước.

-Đỗ Ngà-

Đọc tham khảo ở phần bình luận👇

02/01/2023

NGÀNH XÂY DỰNG VIỆT NAM, MẠNG NGƯỜI RẺ RÚNG
-Đỗ Ngà-

Trước đây tôi từng làm việc trong ngành xây dựng, và tôi đã quyết định bỏ nghề vì vấn đề bên trong của ngành này. Các nhà thầu vì tiết kiệm chi phí đã rất coi nhẹ trách nhiệm về an toàn lao động, không tuân thủ các quy định cần thiết khi thi công. Cứ mỗi lần chứng kiến những tai nạn liên quan đến tính mạng, con người mình cảm thấy bất lực và nản thực sự.

Năm 2014 khi đang thi công cụm biệt thự cao cấp thuộc dự án Vinhomes Central Park Tân Cảng ngay tại chân cầu Sài Gòn. Trong lúc thi công ép cọc, vì không tuân thủ những nguyên tắc an toàn lao động, dàn đối trọng hàng chục khối bê tông (mỗi khối nặng đến 5 tấn) ngã nhào đè 2 công nhân. Khi đó phía Chủ đầu tư (tức Vinhomes) cho phong tỏa toàn bộ hiện trường nội bất xuất ngoại bất nhập.

Không biết có ai đã gọi điện cho Công an phường và công an đã đến, tuy nhiên bảo vệ không cho vào và mời công an về. Công an phường “biết phận” nên đã ngoan ngoãn ra về. Đợi đến nửa đêm, Vin cho tháo dỡ hiện trường và dọn dẹp thật gọn như không có chuyện gì xảy ra. Mọi vấn đề đền bù phía Vin tự thỏa thuận với gia đình nạn nhân và sau đó vụ này chìm nghỉm, gần như người ngoài không biết gì.

Tại công trường Vinhomes Central Park Tân Cảng không chỉ xảy ra một vụ tai nạn đấy mà còn có nhiều vụ bị điện giật chết người khác. Tuy nhiên, tất cả đều được bịt rất gọn. Từ đó tôi có ấn tượng xấu với doanh nghiệp này, nó là doanh nghiệp tàn nhẫn.

Lúc đấy công trình Landmark 81 đang thi công phần móng do nhà thầu Coteccons thi công. Theo như tôi biết nhà thầu này làm rất bài bản khâu an toàn lao động, tuy nhiên công trình Landmark 81 không có tai tiếng gì về an toàn lao động không có nghĩa là không có tai nạn lao động.

Làm trong ngành xây dựng tại Việt Nam tôi nhận ra một điều, những nhà thầu thường làm công tác an toàn lao động rất cẩu thả. Nguyên nhân là do họ phải nặn cho ra lợi nhuận vì vốn đầu tư bị phía chủ đầu tư và tư vấn giám sát gặm nhiều. Nếu không bôi trơn thì sẽ đứng ngoài lề cuộc chơi cho dù anh có năng lực tốt cỡ nào.

Để thắng thầu các công trình có vốn ngân sách phải biết luật chơi. Đó là phải chung chi với ban quản lý dự án để hai bên bắt tay nhau dựng nên một vỡ kịch đấu thầu, trong đó nhà thầu được chọn trước là nhân vật chính và dựng lên nhiều đối tượng chân gỗ (miền bắc gọi là quân xanh) để đấu và cuối cùng, điểm số thắng thầu luôn thuộc về nhà thầu đã chọn. Có những công trình chưa mở thầu mà nhà thầu đã vội tập kết vật tư chuẩn bị thi công rất lộ liễu.

Tôi từng làm công tác triển khai thi công nên tôi hiểu, bản thân đề xuất giải pháp an toàn lao động cho công trường nhưng thường bị bác bỏ bởi nó tốn kém. Bản thân điều hành công trình trong tình trạng thiếu điều kiện an toàn làm cho mình rất căng thẳng và bất an. May là thời tôi làm nghề này không để xảy ra vụ tai nạn nào nghiêm trọng. Dù rất chú ý an toàn lao động nhưng doanh nghiệp không đầu tư thì rất bất lực. Nản.

Tôi không lạ gì những công trình vốn ngân sách, ba bên bắt tay nhau nên họ không làm theo nguyên tắc để công trình có chất lượng và an toàn trong thi công. Giám sát có thể làm lơ nếu chi cho họ tiền, số tiền mua giám sát rẻ hơn nhiều số tiền đầu tư bài bản cho an toàn lao động.

Khâu an toàn lao động bị coi thường là bởi tính đặc thù ngành xây dựng Việt Nam. Thực tế nhà thầu phải xuất ra rất nhiều chi phí ngoài lề mới kiếm được dự án. Chi cho đại diện chủ đầu tư, chi cho tư vấn giám sát. Và tất nhiên, nhà thầu phải cắt giảm gì đó trong quá trình thi công để trả tiền cho nhóm “chuột” kia. Có thể nói, trong 100 nhà thầu thì chắc vài nhà thầu đầu tư bài bản cho an toàn lao động. Thực trạng ngành xây dựng Việt Nam nó thế nên tôi đã quyết định từ bỏ nghề này nhiều năm nay bởi tôi thấy tính mạng con người rẻ quá.

Vụ em bé 10 tuổi lọt lỗ cọc tại Đồng Tháp là một tai nạn thương tâm, chắc không còn hy vọng gì nữa. Lỗi lớn nhất là do thầu không hề rào chắn kỹ phạm vi công trường. Ai đã cạp mất rào chắn an toàn đó để trẻ con phải trả giá? Tôi tin rằng, đại diện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát không thể không ăn chút gì trong hàng rào đó. Bản chất ngành xây dựng Việt Nam là thế. Cần phải trừng trị thích đáng nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát đã xem nhẹ tính mạng con người. Tuy nhiên, để mọi nhà thầu ý thức cao về an toàn lao động trong thi công thì không thể, vì ngành này nó mục nát như chế độ này vậy.

-Đỗ Ngà-

29/12/2022

BÀN VỀ “SỐ ĐẸP”
-Đỗ Ngà-

Năm 2021, Chính quyền Cộng Sản đặt mục tiêu cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 là từ 6-6,5%. Tuy nhiên, kết quả mới đây cho biết kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 8,02% trong năm nay. Như vậy là nền kinh tế Việt Nam đã phát triển thần kỳ, có thật như vậy không?

Được biết, từ cuối Tháng Năm (đang quý II) các ngân hàng thương mại Việt Nam đã báo động về nguy cơ cạn room tín dụng. Cho đến Tháng Tám hầu như các ngân hàng không thể cho vay được nữa. Bắt đầu từ cuối quý II, các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay dần. Tuy nhiên, theo thống kê thì quý III là quý mà nền kinh tế phát triển mạnh nhất (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%). Thậm chí suốt cả quý IV nền kinh tế cạn tiền mà vẫn tăng trưởng hơn quý I khi mà room tín dụng còn rất dồi dào.

Doanh nghiệp có thể huy động vốn qua ngân hàng hoặc qua thị trường chứng khoán. Ngân hàng thì sớm cạn room, thị trường trái phiếu thì vắng bóng hẳng các doanh nghiệp mới chào bán từ khi ông Đỗ Anh Dũng bị bắt hồi Tháng Tư, thị trường cổ phiếu cũng ít doanh nghiệp IPO khi Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi cuối Tháng Ba. Các vòi tưới vốn tưới cho doanh nghiệp bị nghẽn nên ngay cả ông Phạm Nhật Vượng cũng phải lập ra VMI để gọi vốn, Nguyễn Tử Quảng – CEO của Bkav cũng lên mạng gọi vốn trực tiếp từ Fan.

Nguồn cấp vốn cho doanh nghiệp như là cơ quan hô hấp cho nền kinh tế. Nếu nói ngân hàng là lỗ mũi thì thị trường chứng khoán là miệng. Nếu mũi bị nghẹt thì thở bằng miệng, mà miệng bị ngạt nữa thì cơ thể nền kinh tế thiếu oxy nghiêm trọng. Mà theo con số thống kê thì cơ thể nền kinh tế Việt Nam vẫn “khỏe re như con ngựa kéo xe” thật là khó tin. Trong tình hình như vậy mà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên đến 8,02% thì nghe “có gì đó sai sai”! Con số tăng trưởng này so với những khó khăn trên thị trường vốn là không khớp nhau. Càng đói vốn càng phát triển là sao?

Năm ngoái, khối ngoại FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi đó năm 2022 thì tỷ trọng của FDI đã tăng lên thành 73,9%. Như vậy, khối ngoại thì càng ngày càng vững (lên cơ) mà khối nội thì càng ngày càng yếu (teo cơ). Nguyên nhân là do đâu? Do các các vòi cấp vốn cho doanh nghiệp (ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán) bị nghẽn, cho nên khối nội bị “teo cơ” là đúng. Sức khỏe của khối nội phản ánh đúng theo biến động của thị trường vốn của Việt Nam trong năm qua. Khối FDI không phụ thuộc nhiều vào thị trường vốn trong nước nên họ “lên cơ” cũng là điều hợp lý.

Không tiền thì làm sao “chuyển đổi xanh”? Mà không chuyển đổi xanh thì các nước Châu Âu và Nhật Bản không cho nhập, thế là đói đơn hàng nên hàng loạt doanh nghiệp sa thải công nhân hàng loạt. Năm nay rất nhiều doanh nghiệp Việt phải đóng cửa nhà xưởng cho công nhân “ăn tết sớm”, thậm chí có doanh nghiệp tính chuyện này từ Tháng Chín. Đó là thực tế đã được các báo đăng tin. Tình hình thế mà tăng trưởng kinh tế đến 8,02% thì cũng khó hiểu thật.

Mới đây, thống kê cho thấy ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 thất bại thảm hại, chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Tuy nhiên, các nước này sẽ khó mà “với tới” được con số tăng rưởng 8,02% của Việt Nam.

Chính quyền thông báo con số thế nào là chuyện của chính quyền, còn doanh nghiệp và người dân thì cảm nhận rõ nét nhất về sự ngột ngạt mà kinh tế đang tác động lên đời sống của họ. Năm nay là năm đại hạn của giới đại gia. Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết và Trương Mỹ Lan thì coi như xong, còn Phạm Nhật Vượng vầ Bùi Thành Nhơn vv... thì đang vật lộn để tồn tại. Các đại gia đã không cắn được miếng nào từ con số 8,02% vậy thì người nghèo có “cạp” được gì trong 8,02% không? Chắc cắn là không. Cả giàu và nghèo đều không cạp được thì rõ ràng đấy là con số ảo.

-Đỗ Ngà-

Đọc tham khảo ở phần bình luận👇

27/12/2022

VIỆT NAM ĐANG MẤT ĐÀ TRÊN ĐƯỜNG ĐUA, VÌ SAO?
-Đỗ Ngà-

Ngày 14 Tháng Mười Hai, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sang Châu Âu ký chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch. Đổi lại những quốc gia này sẽ hỗ trợ 15,5 tỷ đô la trong vòng từ 3-5 năm, nếu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thực ra đây là cái bẫy, tưởng dễ ăn nhưng ăn không dễ. Bởi để giải ngân gói 15,5 tỷ đô cam kết đó, Việt Nam phải chứng minh lộ trình chuyển đổi xanh ít nhất là ở các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường 9 nước trên. Nếu Việt Nam không làm nổi thì cánh cửa nhập khẩu dành cho hàng “made in Vietnam” sẽ bị khép dần. Khi cánh cửa bị khép thì các nhà nhập khẩu tại 9 quốc gia trên sẽ chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang quốc gia khác - quốc gia mà đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh.

Trò chơi chuyển đổi xanh là miếng mồi mà các nước giàu đưa ra để nhử cho các nước nghèo phải chạy theo lộ trình của họ. Bởi các nước giàu họ thừa biết, Chính phủ ở các nước nghèo chỉ toàn là tham nhũng, bất tài, vô trách nhiệm nên họ sẽ chây ì không chịu thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Không dùng quân sự nhưng các nước giàu đang dùng kinh tế để áp đặt luật chơi. Các nước nghèo dám chây ì không? Chây ì sẽ trả giả cả nền kinh tế.

Việt Nam là nhóm tranh ăn không phải nhóm có thể quăng mồi nhử như 9 quốc gia giàu kia. Cho nên, nếu Chính quyền Việt Nam kém cỏi trong lộ trình chuyển đổi xanh thì không những không lấy được gói tài trợ 15,5 tỷ đô la kia mà còn để cho nước khác cướp lấy thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Con số từ 3 đến 5 năm để giải ngân là áp lực cực lớn, không dễ để thực hiện.

Ngày 27 Tháng Mười Hai, báo CafeF có bài viết nói rằng, ngành dệt may Bangladesh làm không đủ bán trong khi đó Việt Nam than thở thiếu đơn hàng. Quốc gia Nam Á này đã chiếm lấy vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Nguyên nhân được phân tích được cho là Bangladesh có chuyển đổi xanh trong sản xuất nên đơn hàng đã đổ về đây ào ạt, còn Việt Nam thì “đói meo râu”. Như vậy là trong cuộc chơi chuyển đổi xanh mà các nước giàu áp đặt, Bangladesh đã nhanh chân hơn Việt Nam.

Bangladesh là nước nghèo, có thể nghèo hơn cả Việt Nam. Họ nghèo mà biết chớp thời cơ thì e là Việt Nam cần phải nghiên cứu và học hỏi cách làm của họ. Trong khi Việt Nam đang mơ trở thành cường quốc ô tô công nghệ cạnh tranh với Tesla thì Bangladesh đã đi từng bước rất vững chắc để cướp lấy thị trường hàng dệt may của Việt Nam. Làm chuyện lớn là rất tốt nhưng chuyện nhỏ hợp sức mình luôn quan trọng hơn. Ở cuộc chơi này, Đảng Cộng Sảng Việt Nam đang hoang tưởng trong khi Bangladesh lại thực tế hơn.

-Đỗ Ngà-

Đọc tham khảo ở phần bình luận👇

26/12/2022

KIÊN ĐỊNH ĐUỔI BẮT CHIM TRỜI
-Đỗ Ngà-

Nước Úc đã từng có một thương hiệu ô tô của riêng mình, đó là hãng Holden. Đây là một hãng xe lâu đời và chất lượng không thua kém gì các hãng xe khác trên thế giới. Tuy nhiên, công ty này đã chính thức bị khai tử từ năm 2020 vì không thể cạnh tranh với xe nhập.

Tuy là biểu tượng về công nghệ một thời của nước Úc bị khai tử nhưng nước Úc vẫn giàu. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Úc cao hơn Nhật Bản và Hàn Quốc trong khi đó cuộc sống dân Úc lại nhàn hơn cuộc sống của người Nhật và Hàn.

Thụy điển cũng thế, hãng ô tô Volvo từng là biểu tượng cũng lắm long đong, hết rơi vào tay hãng Ford rồi sau đó rơi vào tay ông chủ Trung Quốc. Nước Anh là cường quốc kinh tế, tuy nhiên thương hiệu Land Rover lừng danh của họ thì rơi vào tay ông chủ Ấn Độ, Rolls Royce lừng danh lại rơi vào tay BMW và Bentley cũng thuộc về Volkswagen. Tuy Anh, Úc, Thụy Điển lần lượt mất đi những hãng ô tô mang tính biểu tượng nhưng họ vẫn luôn là quốc gia giàu mạnh, phát triển một cách bền vững.

Những gì mình không làm tốt bằng người ta thì buông bỏ và tập trung vào những thứ mình làm tốt nhất, đấy mới là hướng đi bền vững cho đất nước. Người Úc làm ô tô không bằng người Nhật người Hàn thì cứ để Nhật và Hàn làm và họ mua hàng nhập mà dùng, cần gì níu kéo một thương hiệu không mang lại lợi ích kinh tế?

Mới đây trên các tờ báo Việt Nam cho biết, vải thiều Úc nhập về Việt Nam bán giá 1,3 triệu đồng/kg gấp 30 lần giá vải thiều Việt Nam. Vải thiều là trái cây nhiệt đới, Úc nhập giống về trồng và bán lại Việt Nam nhưng lại bán với giá cao ngất ngưởng. Vì sao cùng là vải thiều mà giá chênh lệch kinh khủng như thế? Người ta mua vải Thiều Úc là có lý do của nó.

Nông nghiệp Úc vốn là thương hiệu lớn, mua vải thiều Úc làm người ta tin tưởng về chất lượng hơn, họ làm nông không dùng hóa chất vô tội vạ như nông nghiệp Việt Nam. Vì thế, giới có tiền và biết coi trọng sức khỏe họ thà ăn vải Úc đắt đỏ để mua sự an tâm còn hơn là ăn vải Thiều Việt Nam để nạp hóa chất vào cơ thể. Cho dù một ai đó trồng vải thiều bằng phương pháp organic thì người tiêu dùng khó tính Việt Nam vẫn không chấp nhận vì nhãn hiệu organic vẫn có thể mua dễ dàng. Vụ mua chứng chỉ Vietgap (chứng nhận sản phẩm rau sạch) dễ như mua rau ngoài chợ bị phanh phui hồi Tháng Chín vừa qua là ví dụ cho lối làm nông nghiệp Việt Nam.

Nước Úc xa xôi bán sang Việt Nam một loại sản phẩm vốn là lợi thế của Việt Nam mà họ vẫn bán được, thậm chí bán giá rất cao là tại sao? Là vì thương hiệu quốc gia. Cũng là vải mà mang thương hiệu Úc khác thương hiệu Việt. Nước Úc bỏ ô tô tập trung vào nông nghiệp, lĩnh vực mà họ giỏi vượt trội và đất nước họ vẫn phát triển tốt.

Ngày 25 Tháng Mười Hai, trang VOV cho biết, rau quả Trung Quốc nhập qua Việt Nam tăng mạnh chiếm đến 40% thị phần. Hàng nông nghiệp cao cấp thì bị các nước tiến bộ chiếm lĩnh, hàng nông nghiệp bình dân thì bị Trung Quốc chiếm. Nông nghiệp Việt Nam bị ép cho ngọp thở ngay trên sân nhà vậy mà Đảng Cộng Sản lại dồn hết nội lực để phát triển công nghệ ô tô.

Vinfast hiện nay đã lỗ 4,7 tỷ đô la trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 4,4 tỷ đô và đang cứ tiếp tục đốt, điều đó cho thấy Vinfast đuối về tài chính. Xe thì quá nhiều lỗi mà lại bán giá cao ngất ngưởng cho thấy Vinfast đang đuối về kỹ thuật. Hai hình ảnh này cho thấy, Phạm Nhật Vượng làm ô tô để chứng tỏ năng lực chứ không phải làm ô tô để làm giàu đất nước. Đảng Cộng Sản đang cố làm ô tô để tạo mặt nạ chữa bệnh sĩ cho Đảng, hết.

Nông nghiệp cho dân còn làm không xong mà ráng đốt tiền để chứng tỏ năng lực công nghệ để làm gì? Đây rõ ràng là không bắt chim lồng mà lại cố đuổi bắt chim bay. Đảng Cộng Sản dưới sự “soi đường” của Chủ Nghĩa Mác Lê Nin nên mới không nhận ra sự vô ích của việc đuổi bắt chim trời như thế. Con chim trời “Chủ Nghĩa Xã hội” đã được Đảng Cộng Sản đuổi theo 77 năm ròng rã và giờ Đảng đang tiếp tục. Vô minh bền vững thì hết thuốc chữa. Đất nước này làm sao phát triển được?

-Đỗ Ngà-

Xin đọc tham khảo ở phần bình luận 👇

23/12/2022

MẮC KẸT TRONG BỆNH THÀNH TÍCH VÀ BỆNH SĨ
-Đỗ Ngà-

Khi dịch Covid-19 tàn phá các nước trên thế giới, toàn bộ nhân loại hóng vaccine. Trong lúc chạy đua với thời gian để giành lấy lợi thế ra vaccine đầu tiên thì Trung Quốc vượt lên song hành với Mỹ, thậm chí có thể vượt Mỹ lúc bắt đầu. Việc chạy đua để đưa vaccine ra chích đại trà nó là một con bài chiến lược. Đất nước nào chặn đứng dịch trước tiên thì đất nước đó có lợi thế. Lợi thế về phục hồi kinh tế, lợi thế về gây ảnh hưởng chính trị, lợi thế về uy tín trên trường quốc tế vv...

Lúc vaccine mới ra lò, trong khi Mỹ chưa đủ chích cho dân Mỹ thì vaccine Trung Quốc đã xuất tràn lan khắp thế giới. Lúc đó nhập vaccine Tàu rất dễ nhưng nhập vaccine Mỹ rất khó. Dẫu biết rằng, vaccine Trung Quốc không bằng vaccine Mỹ nhưng việc Trung Quốc đã sản xuất đủ vaccine đủ chích cho 1,4 tỷ dân và đủ để xuất khẩu ra thị trường thế giới còn nhiều hơn Mỹ làm cho thế giới phải kinh ngạc. Và đây cũng là niềm tự hào của Trung Quốc.

Có những nước không nhập vaccine Trung Quốc mà chỉ nhập vaccine Phương Tây về chích cho dân như Úc, Canada, các nước Châu Âu vv.. và cũng có nước vừa nhập vaccine Phương Tây và vaccine Trung Quốc trong đó có Thái Lan và Việt Nam. Chỉ có Trung Quốc là không chấp nhận vaccine Phương Tây. Kết quả là hầu hết các nước trên thế giới đều kiểm soát tốt dịch covid trong khi đó Trung Quốc lại bị Covid tấn công cho đến ngày nay.

Dùng vaccine Phương Tây thì kiểm soát được dịch, dùng cả Tây và Tàu cũng kiểm soát được dịch còn dùng vaccine Tàu lại bị dịch quật chơ tơi tả. Vậy thì nhìn vào đó cũng thấy, vaccine Tàu không chống được dịch. Ấy vậy mà ông Tập Cận Bình vẫn tuyên bố không dùng vaccine Phương Tây, có lẽ vì “bệnh sĩ” nên ông ta đã từ chối.

Có thể nói rằng, hiện nay Trung Quốc đang chết trong cái bẫy do chính nó đặt ra. Trung Quốc đã quyết chạy đua thời gian với Mỹ để sản xuất vaccine nhằm chứng tỏ năng lực, tuy nhiên, vì nội lực còn yếu nên Trung Quốc tung ra thứ hàng dỏm và giờ đây nó đang phải trả giá đắt. Bệnh thành tích là vô cùng nguy hiểm như thế đấy.

Trong khi cả thế giới đang dần đi vào ổn định kinh tế hậu covid thì Trung Quốc vẫn đang vật lộn với bệnh dịch này. Với việc từ chối vaccine Phương Tây làm cho covid cứ giảm rồi bùng thì không chóng thì chày các nhà sản xuất của thể giới đang có nhà máy ở nước này mất kiên nhẫn và tính đường rút. Sự cố chấp của Tập trong vấn đề vaccine sẽ làm cho Trung Quốc trả một giá không hề nhỏ.

Trung Quốc đang xây dựng hình ảnh cường quốc của nó bằng cách áo quanh thân nó một cái áo phao rồi dùng hơi thổi cho phồng to lên để khoe xác to. Cách làm như vậy, trước sau gì cũng bị lật tẩy khi mà một ai đó chọc thủng áo. Nước Nga là một bài học nhãn tiền, Putin xây dựng hình ảnh cường quốc quân sự bằng một loại áo phao căng phồng và rồi bị vướng vào cây kim Ucraina và thủng áo.

Trung Quốc, vẫn chưa sẵn sàng để thay thế Mỹ, bởi cạnh tranh với Mỹ mà cố thổi cho to xác bằng áo phao thành tích thì không sớm thì muộn Trung Quốc cũng tổn hao nội lực vì phải cố giữ cho áo phao không phải xì hơi.

-Đỗ Ngà-

21/12/2022

VÙNG ĐẤT HUNG VÀ HOA TRÁI
-Đỗ Ngà-

Theo tổng kết của ngành du lịch Việt Nam thì năm 2017, cứ 10 người đến Việt Nam một lần thì có 8 người “say goodbye” không bao giờ trở lại. Thực trạng tệ hại như thế nhưng ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến 13 triệu lượt khách quốc tế vào năm sau.

Rồi năm 2018 đến 2019 con số vẫn vậy, cũng 80% “một đi không trở lại”. Sau hai măm gián đoạn vì Covid, đến năm 2022 thì tình hình lại khác đi, mà là khác theo hướng tồi tệ hơn. Năm 2022 người ta thống kê, cứ 10 từng đến Việt Nam thì thành phần “never again” lên đến 9 người. Từ 80% khách du lịch quốc tế “tởn tới già”giờ tăng lên thành 90% thì cũng gọi là “tăng trưởng” đấy chứ?

Theo thống kê thì cứ 100 người xin thôi quốc tịch Việt Nam thì chỉ có 6 người xin nhập quốc tịch Việt Nam. Những người xin nhập quốc tịch Việt Nam thường là người gốc Việt muốn hồi hương để về sống quê nhà sau khi đã cống hiến hết nội lực cho “bọn tư bản giãy chết” hoặc những người không thể hòa nhập ở xứ người. Con số này sẽ giảm vì thế hệ sau là những người gốc Việt sinh ra ở nước ngoài sẽ không muốn về nước làm gì nữa.

Theo thống kê, năm 2005, từ 25-30% số lao động tại Hàn Quốc bỏ trốn ở lại bất hợp pháp, và con số này ở Đài Loan trên 10% phần trăm. Tuy nhiên, đến năm 2022 thì người ta thống kê có thời điểm 75% lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp, con số này với thị trường lao động Đài Loan là gần 50%.

Du khách quốc tế thì đến một lần rồi tởn tới già, người Việt nào có điều kiện thì cuốn gói ra đi để tìm vùng đất khác mà sống, người lao động thì một khi bước chân ra khỏi đất nước thì tìm cách trốn ở lại. Đấy là hình ảnh của một vùng đất hung, bởi “đất lành chim đậu” là chân lý muôn đời.

Ở chiều ngược lại, giới nghệ sỹ gốc Việt chủ yếu là ở Bắc Mỹ về Việt Nam sinh sống và biểu diễn ngày càng nhiều. Hồi Tháng Hai 2021, Nghệ sỹ ưu tú Quốc Thảo nói 'Nghệ sĩ 10 người sang Mỹ thì hơn 9 người muốn về', rồi đến Tháng Hai 2022, nghệ sỹ hài Quang Minh cũng khẳng định “10 người đi Mỹ hết 9,5 người muốn về'. Những câu nói này làm dậy sóng cộng đồng mạng bởi nhiều người nghĩ rằng, hai nghệ sỹ này nói về nguyện vọng của người Việt nói chung, nhưng thực chất không phải vậy. Theo tôi, hai nghệ sỹ này chỉ nói về giới nghệ sỹ của họ mà thôi.

Tôi nhớ thời thập niên 90, chương trình ca nhạc hải ngoại tràn ngập Việt Nam. Trung tâm Asia, Paris by night, Trung tâm Vân Sơn vv... chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, sau đó thì các trung tâm hải ngoại mất dần vị thế và các trung tâm ca nhạc trong nước mọc lên quá nhiều làm cho giới nghệ sỹ thi nhau về nước biểu diễn. Từ những năm 2000, nghệ sỹ hải ngoại đã ồ ạt về Việt Nam là một thực tế không thể chối cãi.

Sự di chuyển của giới nghệ sỹ về nước đồng thời các trung tâm âm nhạc lớn ở hải ngoại lần lượt suy tàn. Trung tâm Asia lừng lẫy một thời thì giải tán, Trung tâm Vân Sơn cũng mất hút và Trung tâm Thúy Nga thì cũng ngoắc ngoải. Điều đó cho thấy rằng, văn hóa Việt Nam đang bị đào thải và nó bị trả về quê hương của nó. Lý do tại sao?

Thực tế các trung tâm âm nhạc hải ngoại chỉ phục vụ cho cộng đồng người Việt. Hiện nay thế hệ người gốc Việt sinh ra ở nước ngoài đã dần thay thế cho thế hệ cha chú. Và thế hệ mới này “nuốt không trôi” văn hóa Việt Nam trong khi đó lớp già thì ngày một ít đi và không bao lâu nữa chẳng còn ai. Và khi tầng lớp thưởng thức văn hóa thuần Việt ít dần thì loại hình văn hóa đấy làm sao còn đất sống ở hải ngoại? Đó là lý do các trung tâm ca nhạc lụi tàn và ca sỹ gốc Việt phải tháo chạy về Việt Nam là điều tất yếu.

Thực tế, giới nghệ sỹ Việt Nam ở hải ngoại quay đầu về nước không nói lên Việt Nam đáng sống mà chỉ nói rằng, nghệ thuật Việt Nam không thể tồn tại được khi bước ra ngoài vỏ kén của nó. Sự hồi hương của giới nghệ sỹ chính là sự hồi hương của nghệ thuật sân khấu “made in Vietnam” chứ không phải là người Việt muốn về Việt Nam.

Vùng đất hung khiến người ngoài vào một lần thì phải tháo chạy, người ở trong thì tìm cách thoát thân, còn sản phẩm nghệ thuật sân khấu do nó làm ra thì bị trả lại nơi sản xuất.

-Đỗ Ngà-

Đọc tham khảo trong phần bình luận👇

Website