Vườn Trúc

Vườn Trúc

Dừng chân vườn trúc, vui ngắm lá xanh... Một người có nội tâm trong lành và an tĩnh không chỉ tận hưởng được hạnh phúc cho riêng họ.

Người ấy, khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sẽ trở thành một phương tiện để truyền tải năng lượng của bình an và tình thương...

14/02/2018

Người ta thường cầu mong cho bản thân và cũng chúc cho nhau "vạn sự như ý", nhưng bạn ơi, cuộc đời đâu có được sắp đặt để diễn ra theo ý muốn của chúng ta. Chính cái tâm hay mong cầu "vạn sự như ý" đó mang tới cho chúng ta bao nhiêu phiền toái, khổ đau.

Mọi sự vận hành theo những quy luật minh bạch và công bằng. Không ai mang lòng tham đi xin mà được sự đủ đầy, không ai lấy bất mãn đi đòi mà được tâm thanh thản. Chỉ người không nắm giữ mới hưởng được trọn vẹn những gì cần thiết, chỉ kẻ tùy thuận cuộc đời mới biết được thế nào là yên ổn và tự do.

Mọi điều xảy đến chỉ đơn giản là điều cần xảy đến nhờ đã hội đủ các điều kiện phù hợp. Mỗi người cần nhất là lo cho tốt việc của chính mình, tập nhìn thấu rõ nội tâm và điều chỉnh hành vi của bản thân. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ là sự phản chiếu trọn vẹn thế giới bên trong chúng ta.

Timeline photos 19/05/2017

Nhìn lên bầu trời đêm sâu thẳm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng những ngôi sao trong bức tranh lung linh của vũ trụ. Những đốm sáng rải khắp nền trời ấy hiện lên như những biểu hiện của sự sống màu nhiệm đang thật sự có mặt trong giây phút này.

Thế nhưng trong số những đốm sáng lung linh kia, rất nhiều chỉ là hình ảnh được lưu lại của những ngôi sao mà ngay lúc này đã không còn tỏa sáng, hay thậm chí không còn tồn tại trong một hình thái vật lí riêng biệt. Một ngôi sao có thể đã không còn đó nữa nhưng ánh sáng mang hình ảnh của nó vẫn tiếp tục được truyền đi trong vũ trụ. Ánh sáng ấy, hình ảnh ấy cho ta biết là ngôi sao đã có đó trong một hình hài.

Ngay cả trong khi ngôi sao không còn hiện hữu trong hình hài kia, thì ánh sáng của nó vẫn đi một chặng đường dài để đến với chúng ta, rồi hòa vào làm một với sự có mặt của chúng ta. Ngôi sao không chết mà hóa thân thành muôn biểu hiện. Ánh sáng của nó trở thành một phần của chúng ta. Ta đón nhận ánh sáng của ngôi sao, ngôi sao trở thành ta và ta trở thành hiện thân của ngôi sao trong một hình hài mới. Rồi hình hài này cũng tiếp tục tỏa ra ánh sáng, truyền đi năng lượng của mình và hóa thành muôn vạn hình hài khác. Cứ như vậy, cứ mãi như vậy, ngôi sao không chết, chúng ta cũng không chết.

Chúng ta chính là những vì sao, cứ dạo chơi khắp không gian và thời gian, liên tục hóa thân vào muôn hình vạn trạng. Trong một ngôi sao có vô số các ngôi sao và tất cả những hiện hữu khác trong vũ trụ. Chúng ta cũng được làm nên từ tất cả hiện hữu; và trong mọi hiện hữu, không gì không có chúng ta. Khi nhận thức được điều đó trong chính mình, chúng ta có khả năng thể nghiệm sự sống vĩnh hằng, sự sống không đối lập với cái chết. Đó là sự tiếp nối vượt ra ngoài giới hạn của hình hài và các ý niệm "có-không", "sinh-diệt", "còn-mất".

Nhận thức này cho phép chúng ta tiếp xúc và đón nhận mọi người và mọi việc bằng tâm thái bao dung và hòa hợp, bởi ta nhận ra rằng mình không phải một cá thể biệt lập mà vốn luôn có sự gắn kết sâu sắc với thế giới xung quanh, với toàn thể vũ trụ rộng lớn. Với bất kì một điều gì đang diễn ra, luôn có một phần của chúng ta trong đó. Mỗi hành động của chúng ta dù lớn hay nhỏ đều đóng góp cho sự chuyển biến của cả vũ trụ này.

Timeline photos 18/05/2017

Nghị lực vốn rất cần thiết để đương đầu với khó khăn, để công nhận những tổn thương. Nhưng cần nhiều nghị lực hơn thế nữa để có thể vượt qua khó khăn và chữa lành những tổn thương ấy.

Khi việc sống với tổn thương trở thành một thói quen, chính tổn thương lại trở thành trạng thái an toàn, tâm thức trở nên ưa thích bám víu vào tổn thương và từ chối sự trị liệu.

Chữa lành là một quá trình không thể thúc ép. Con đường trị liệu là con đường của ý chí tự nguyện và tự do. Một người cần rất nhiều nghị lực để đi theo con đường ấy. Nghị lực là sức mạnh của tự nguyện, sức mạnh chủ động can đảm bứt ra khỏi những thói quen bám víu để dấn thân cho sự chuyển hóa. Nghị lực chính là biểu hiện của tình thương.

Timeline photos 29/01/2017

Vô vàn biến cố xảy ra trên thế giới, góp phần khiến cho xã hội chúng ta ngày càng mất đi niềm tin vào những điều tươi đẹp trong cuộc sống, vào các giá trị nhân văn trong mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với vạn vật.

Thiếu hụt niềm tin là một trong các dấu hiệu của tình trạng bị chia cắt, mất kết nối tâm hồn. Điều đó dần biểu hiện thành lối sống đầy căng thẳng, nuối tiếc, lo âu, sợ hãi, nghi ngờ và tuyệt vọng.

Nhân loại cần tái lập sự kết nối với nhau và với tất cả các hình thái biểu hiện trong vũ trụ, bởi vì kết nối là điều kiện thiết yếu để năng lượng sống có thể phát khởi và lan tỏa. Trong trạng thái kết nối, năng lượng sống lưu chuyển thông suốt, có khả năng hòa tan những mâu thuẫn, làm sáng tỏ những băn khoăn, làm mềm những căng thẳng, tiếp sức cho niềm tin yêu và bồi đắp cho sự phát triển vững bền của các mối quan hệ.

Mỗi chúng ta có vai trò quan trọng trong quá trình nối lại mạch nguồn của sự sống.
Mỗi chúng ta là một mắt xích cần thiết để gắn kết lại toàn thể nhân loại và mọi hình thái biểu hiện khác.
Mỗi chúng ta có quyền, có khả năng lựa chọn những chất liệu và phương thức sử dụng các chất liệu ấy để làm nên đời sống đẹp tươi cho chính mình và cho xã hội.

Mọi cái lớn lao đều bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Không có mong muốn tốt đẹp nào là phi lí, không có nỗ lực nào là vô nghĩa. Chúng ta chỉ cần kiên trì, nhẫn nại từng bước thực hiện những nỗ lực nhỏ bé của mình, điều vĩ đại chắc chắn sẽ thành tựu. Từng nỗ lực nhỏ được kết nối với nhau sẽ đưa tới sự chuyển biến vĩ đại vô cùng.

Timeline photos 05/01/2017

Chúng ta sống trong thế giới có nhiều bất công và khổ đau. Chúng ta gặp nhiều khó khăn khi đối diện với những sự việc bất như ý. Chúng ta phản ứng bằng sự bất mãn và giận dữ, điều đó cứ lặp đi lặp lại và trở thành thói quen phản ứng của chúng ta trước các nghịch cảnh. Thực tập Tha Thứ là cơ hội để chúng ta nhìn lại các cách phản ứng và làm mới thói quen ứng xử của bản thân.

Khi chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội an hòa thì sự bình an trong tâm hồn là nhân tố quan trọng nhất. Chúng ta không thể hàn gắn cho những đổ vỡ, chữa lành những niềm đau và vun đắp cho nền hòa bình trên thế giới... nếu trong tim ta còn ngổn ngang những tâm niệm oán trách, giận dữ và ý muốn trừng phạt. Điều này sẽ đúng với bất kì ai, ở bất kì đâu và trong bất cứ thời điểm nào.

Một thế giới hạnh phúc bắt đầu từ sự an vui trong mỗi chúng ta.

Timeline photos 08/11/2016

Trong quá trình tiếp xúc và nhận biết thế giới, chúng ta hình thành các niềm tin về cuộc sống. Mỗi niềm tin phản ánh nhận thức của chúng ta trong một thời điểm, nó có thể được duy trì lâu dài hoặc được thay đổi nhanh chóng. Mỗi khi cố gắng bám víu và bảo vệ một niềm tin nào của mình, trong chúng ta diễn ra sự căng thẳng. Sự căng thẳng có thể biểu hiện mạnh mẽ qua lời nói, thái độ, hành vi bên ngoài, hoặc cũng có thể diễn ra bên trong, khiến chúng ta cảm thấy bức bối hoặc lúng túng. Kể cả khi chúng ta không cố ý bám víu vào niềm tin của mình, tâm trí ta vẫn có thể bị chi phối bởi cơ chế tự bám víu.

Bám víu là một thói quen của tâm trí khi nó chưa nhận ra sự đủ đầy và hoàn hảo của thực tại, nó vẫn còn muốn tìm kiếm những điều khác với thực tại đang diễn ra, muốn những gì xảy đến phải khác đi so với điều nó thấy. Tâm trí bám víu vào niềm tin của nó về thực tại, mà không biết rằng trong sự nỗ lực đó, nó đang từ chối đón nhận thực tại.

Niềm tin của chúng ta về thực tại có thể khác xa thực tại. Sự chênh lệch giữa niềm tin và thực tại làm nên cho chúng ta những trải nghiệm khó khăn. Các trải nghiệm ấy thuộc về bên trong chúng ta chứ không phải là bên ngoài. Môi trường và các sự kiện ở bên ngoài chỉ là bối cảnh để trải nghiệm bên trong được bộc lộ tùy theo niềm tin của mỗi cá nhân. Ở trong cùng một môi trường, một hoàn cảnh, những người có niềm tin khác nhau sẽ có những trải nghiệm khác nhau.

Càng cố bám víu và bảo vệ niềm tin của mình, chúng ta càng xây dựng cho mình một "thực tại" khác. Sự căng thẳng, bất mãn chính là thông điệp gợi nhắc chúng ta dừng lại bên các niềm tin của mình, nhìn kĩ chúng và khảo sát lại thực tại. Nếu một niềm tin nào khiến cho chúng ta đau khổ, sợ hãi, đó chắc chắn là niềm tin không xác thực.

Sự nhận biết chính xác về thực tại sẽ giúp loại bỏ các chướng ngại và trả lại cho chúng ta không gian thoáng đãng, tự do trong tâm thức, bởi vì thực tại vẫn luôn hàm chứa vô số khả năng, luôn cho phép chúng ta lựa chọn những gì phù hợp nhất cho mình để sống bình an và hạnh phúc.

Timeline photos 27/09/2016

Chúng ta được nghe nói nhiều tới khái niệm năng lượng, bao gồm "năng lượng tốt" và "năng lượng xấu", "năng lượng tích cực" và "năng lượng tiêu cực". Cách phân loại đó gây nên nhiều hiểu lầm về những gì mà năng lượng thực sự truyền tải và tác động tới chúng ta và toàn bộ thế giới quanh ta.

Không hề có năng lượng tốt hay năng lượng xấu. Năng lượng chỉ là năng lượng. "Tốt" và "xấu", "tích cực" và "tiêu cực" là sự phân định dựa vào hiệu quả của năng lượng đối với những gì chúng ta quan sát được, theo các tiêu chí đánh giá do chúng ta đặt ra.

Để nhìn nhận chính xác hơn về tính chất và hiệu lực của năng lượng, chúng ta cần nhìn vào sự biểu hiện của nó trong trạng thái thông tin. Thông tin là những gì có thể được quan sát từ năng lượng. Thông tin được sắp xếp một cách có trật tự và được truyền tải qua các kênh năng lượng theo các cường độ khác nhau.

Khi nói về "năng lượng tốt", chúng ta đang nói về những thông tin mà chúng ta đón nhận, xử lí và sử dụng theo cách mang lại lợi ích. Điều được gọi là "năng lượng xấu" tương ứng với những thông tin mà chúng ta đón nhận, xử lí và sử dụng theo cách không có lợi ích. Thay vì bàn về năng lượng tốt và năng lượng xấu, chúng ta cần nhìn vào khả năng của chính mình trong việc đón nhận, xử lí và sử dụng thông tin. Một thông tin chỉ đơn thuần là thông tin. Bản chất của thông tin là không tốt, cũng không xấu. Tốt và xấu chỉ là một cách phân loại để diễn đạt tính lợi ích hay không lợi ích, phù hợp hay không phù hợp theo các tiêu chí mà chúng ta đặt ra.

Nếu chúng ta biết sử dụng thông tin một cách khéo léo, tất cả thông tin đều có lợi, tất cả năng lượng vì thế đều tốt lành. Khi chúng ta nhìn nhận thiếu sót, hiểu lầm về các thông tin mình nhận được, hoặc không biết cách sử dụng các thông tin mình đón nhận, ta sẽ đánh giá sai lệch về thông tin và quy kết rằng năng lượng đến với mình là năng lượng xấu.

Năng lượng chỉ là năng lượng. Thông tin chỉ là thông tin. Cách nhìn nhận và khả năng ứng dụng thông tin của chúng ta quyết định tất cả hiệu quả của nó.

Timeline photos 11/08/2016

Khi chúng ta muốn bước trọn vẹn lên con đường bất bạo động, chúng ta cần đầu tư toàn bộ con người mình, toàn bộ sự sống của mình cho nó. Đó là con đường có rất nhiều khó khăn, thử thách. Trên con đường này, chúng ta có thể phải khám phá và đối diện với những tổn thương, những nỗi sợ hãi lớn nhất của mình.

Xu hướng của người chưa sống trọn vẹn với tinh thần bất bạo động là sử dụng bạo động để giải quyết các vấn đề mình gặp. Đặc biệt khi đối diện với các tình huống khiến mình bất an, chúng ta sẽ càng dễ lựa chọn những phương tiện hoặc phương thức có mức độ bạo động cao hơn để có thể chế ngự và kiểm soát tình thế.

Nền tảng của bạo động là sợ hãi. Bạo động chính là biểu hiện của sợ hãi. Sử dụng bạo động để áp đảo bạo động sẽ chỉ làm cho mức độ sợ hãi được nâng lên tầm cao hơn. Bất bạo động là thái độ xuất phát từ hiểu biết và yêu thương. Tình thương chân thật không để cho bạo động nảy sinh. Tình thương bao bọc lấy những nỗi sợ hãi và năng lượng bạo động, để cho tất cả được diễn ra khi sự việc cần phải diễn ra.

Tình thương cho phép khổ đau và sợ hãi có đủ không gian và thời gian để biểu hiện cho trọn vẹn. Có biểu hiện được thì khổ đau và sợ hãi mới có thể được chuyển hóa. Sự chuyển hóa diễn ra một cách tự nhiên khi khổ đau và sợ hãi được công nhận và đón nhận. Càng bị đè nén và áp bức, khổ đau càng lớn thêm. Càng bị phủ nhận và chạy trốn, nỗi sợ càng trở nên sâu sắc.

Sợ hãi chính là thông điệp về tình trạng thiếu vắng tình thương. Mọi biểu hiện bạo động đều là lời kêu cứu khẩn thiết, mong chờ tình thương đến. Người có thái độ và hành vi bạo động không phải là người xấu mà là người đang cần được yêu thương và cần được giúp đỡ để đánh thức tình thương trong bản thân.

Để tiến bước trên con đường bất bạo động, chúng ta cần rất nhiều quyết tâm và lòng dũng cảm. Bởi vì bất cứ lúc nào những tổn thương và sự sợ hãi trong chúng ta cũng có thể được gợi lên. Khi chúng nổi lên, thông thường chúng ta sẽ đau khổ. Lòng quyết tâm và dũng cảm giúp chúng ta lựa chọn tình thương, lựa chọn nhận thức và thái độ bất bạo động, thay vì dùng bạo động để che giấu sự khổ đau của mình.

Lòng dũng cảm bắt đầu từ sự trung thực với bản thân. Khi công nhận được rằng mình đang sợ hãi, đang có tổn thương, chúng ta có thêm cơ hội để đối diện và thưởng thức những trải nghiệm sợ hãi và tổn thương đó. Lòng dũng cảm cũng lớn lên trong quá trình này, nội lực của chúng ta được phục hồi và những tổn thương dần được trị liệu, sự bất an dần được hóa giải, sợ hãi rồi cũng trở thành yêu thương.

Timeline photos 29/07/2016

Bình an không thể có được nhờ tìm kiếm, chờ đợi. Bình an không thể có được nhờ đòi hỏi, đấu tranh. Bình an chỉ có được khi chúng ta sẵn sàng đón nhận, cho phép nó xảy đến.

Chúng ta không thể đạt được bình an một cách chủ động. Chúng ta không thể cướp đoạt nó từ tay người khác, kể cả khi ta cho rằng ta đang đòi lại nó một cách chính đáng. Bình an sẽ chỉ xảy ra khi bối cảnh cho nó xảy ra đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bối cảnh đó nằm bên trong tâm hồn chúng ta. Nó được chuẩn bị bằng sự buông bỏ các cố gắng chống cự hoàn cảnh, chống cự người khác, chống cự chính mình, buông bỏ sự cố chấp về việc thay đổi thế giới bên ngoài và bên trong.

Bình an có biểu hiện hay không tùy thuộc ở vị thế mà chúng ta lựa chọn đứng vào. Khi chúng ta ngóng chờ hay đấu tranh đòi bình an, ta đang đứng ở lãnh địa của sự khổ đau, hận thù, sợ hãi, tuyệt vọng. Ở đó, tất cả những gì xuất hiện trước mắt chúng ta vẫn chỉ là khổ đau, hận thù, sợ hãi, thất vọng. Sự kì vọng thoát khỏi hoặc nỗ lực chấm dứt khổ đau để được hạnh phúc chỉ khiến chúng ta càng thêm bất an. Khi chúng ta dừng lại trước những mong cầu, đòi hỏi, áp lực, cố gắng tranh đua... thì ta bước chân vào lãnh địa của sự bao dung, của ý thức và lòng biết ơn về những gì đang có mặt trong hiện tại. Ở đó, chúng ta không còn tạo áp lực cho người khác, cũng không còn thúc ép hay ràng buộc bản thân, chúng ta để cho những gì xảy ra được xảy ra. Đó là bối cảnh sẵn sàng cho bình an tự xuất hiện.

Bình an giống như một thứ ánh sáng dịu dàng luôn tràn ngập xung quanh chúng ta, nhưng khi đứng trong lãnh địa của sự bất an, chúng ta không thể thấy được ánh sáng đó và không thể thưởng thức được nó. Bình an vì thế chỉ xuất hiện được khi chúng ta sẵn sàng mở tấm lòng mình ra để đón nhận nó. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng bước cả hai chân vào lãnh địa của bình an thì càng nỗ lực làm ra bình an, ta chỉ càng khiến cho sự bất an thêm trầm trọng.

Bình an không đến khi chúng ta đòi hỏi nó phải đến. Bình an tự xuất hiện khi chúng ta cho cuộc sống được diễn ra theo cách nó đang diễn ra, và cho mình cơ hội đón nhận mọi việc theo cách chúng đang xảy đến.

Timeline photos 27/07/2016

Tất cả mọi vấn đề, mọi khó khăn, mọi trở ngại đến với chúng ta trong cuộc sống đều là những cơ hội để chúng ta khám phá bản chất chân thực của sự sống, của chính mình. Tất cả đều đưa chúng ta đi qua những trải nghiệm để nuôi lớn tình thương và sự hiểu biết. Chỉ cần chúng ta mở trái tim, mở tâm trí của mình ra, cho phép mình đón nhận mọi trải nghiệm với lòng biết ơn và buông đi những kì vọng, ngăn trở đối với thực tại, thì ý nghĩa của cuộc sống hiện ra cho chúng ta chiêm nghiệm sẽ ngày càng sáng tỏ và đủ đầy.

Biết ơn và tha thứ là chìa khóa giúp mở ra mọi cánh cửa chặn giữa chúng ta với sự thật. Đó cũng là con đường cho chúng ta bước tới thảnh thơi. Mỗi bước chân trên con đường biết ơn và tha thứ là một bước chân giải thoát, một bước chân tự do.

Timeline photos 18/07/2016

Nếu nhìn nhận rằng thế giới ta đang sống là một thế giới hỗn loạn, thì điều quan trọng nhất ta nên lưu tâm là: "Mình có đóng góp vào sự hỗn loạn đó không?".

Nếu nhìn nhận rằng thế giới này rất đẹp đẽ, yên vui, thì điều quan trọng nhất ta nên tự hỏi là: "Mình có góp phần làm mất đi những vẻ đẹp đó không?".

Với ý thức gìn giữ những gì đẹp tươi trong cuộc sống, mọi điều diễn ra ngoài kia đều không quan trọng bằng sự soi xét và thanh lọc trong tâm ý của chính chúng ta.

Timeline photos 13/07/2016

Khám phá bản thân là quá trình giúp chúng ta hiểu hơn về chính mình, để thấy rõ hơn những gì mình thật sự cần và những gì mình thật sự có. Sự hiểu biết về bản thân sẽ cho chúng ta sự tự tin và cảm giác đủ đầy. Càng nhận ra mình đủ đầy, chúng ta càng bớt đòi hỏi ở người khác và càng có nhiều mong muốn sẻ chia hạnh phúc, lan tỏa yêu thương.

Người cảm thấy mình thiếu thốn sẽ không cách nào thoát được khỏi ý muốn tìm kiếm sự khỏa lấp, sự đảm bảo từ bên ngoài. Người nhận ra mình đầy đủ sẽ không còn thấy cần phải đòi hỏi gì thêm mà sẽ để cho sự phồn thịnh bên trong của mình tràn ngập ra xung quanh.

Tình thương hướng về thế giới bên ngoài luôn bắt đầu bằng hạnh phúc nảy nở từ bên trong.

Timeline photos 02/07/2016

Đặc tính căn bản của tình thương là hòa hợp, không ngăn chia. Chia cắt mình với người khác là biểu hiện của mặc cảm, sợ hãi, là trạng thái thiếu vắng tình thương. Người sống trong nhận thức có sự chia cắt không thể có bình an chân thật và vững bền. Bình an chỉ có được trong sự hòa hợp. Chối bỏ và lãng quên cũng không mang lại bình an mà chỉ là một cách chôn vùi, trốn tránh, do đó sự bất an vẫn còn mãi cho tới khi sự hòa hợp được thành tựu.

Hòa hợp là đặc tính nuôi dưỡng sự sống. Cô đơn là biểu hiện của sự chối từ yêu thương. Từ chối yêu thương kẻ khác cũng tức là từ chối yêu thương chính mình. Khi tình thương không được biểu hiện, nó không chỉ vắng mặt cho người khác mà cho cả chính mình.

Hòa hợp là chấp nhận và bao dung mà không đòi hỏi quyền khống chế và kiểm soát. Trói buộc và níu kéo tuy có vẻ như là nỗ lực để gắn kết nhưng lại là biểu hiện của nhận thức chia cắt, tách rời mình với người khác. Trong nhận thức của tình thương, không còn có sự ngăn chia, không ai có thể xa rời và chống lại một ai. Trong nhận thức của tình thương, các cá nhân không còn là những cá nhân riêng lẻ; tất cả các cá nhân đều tương dung và hòa hợp, không bị ngăn cách bởi điều gì, kể cả bởi không gian hay thời gian. Trong nhận thức của tình thương, mọi lựa chọn cho người khác cũng là lựa chọn cho chính mình: xây dựng cho người khác là xây dựng cho chính mình, thành tựu cho người khác là thành tựu cho chính mình, chống phá người khác là chống lại chính mình, chối bỏ người khác là chối bỏ chính mình.

Timeline photos 29/06/2016

Thông thường chúng ta thích nghe những lời nói thuận tai và thích thấy những điều hợp ý mình, chúng ta ngại phải nghe những lời "khó lọt tai" và ghét phải thấy những điều "không vừa mắt". Nhưng chính những lời khó nghe và những điều khó nhìn lại là những thông điệp cho chúng ta cơ hội tiếp xúc với những khó khăn và khổ đau đang biểu hiện nơi người khác. Nếu khéo léo thì ta có thể tận dụng được những thông điệp đó để tìm hiểu kĩ hơn về người kia, giúp cho người ấy cởi mở tấm lòng và chia sẻ thêm với chúng ta về những nhu cầu chưa được thỏa mãn trong họ, những gì mà họ còn đang vất vả hướng tới. Đó là điều có lợi cho sự truyền thông giữa hai bên. Nó có khả năng đưa chúng ta tới sự hiểu biết đích thực về chính mình và về người mà ta đang muốn hiểu.

Truyền thông chân thành là khi chúng ta không giao tiếp nhằm đạt được một mục đích nào khác, không mong cầu một kết quả nào, cũng không có ý muốn khiến cho người kia phải thay đổi thái độ và hành vi. Sự truyền thông chân thành chỉ có tính chất giúp chúng ta thấu hiểu hơn về nhau, nuôi lớn thêm tình thương chúng ta dành cho nhau. Nền tảng của sự truyền thông đích thực là sự lắng nghe đơn thuần, chỉ lắng nghe để hiểu mà không đặt vào đó sự phán xét và ý định giải quyết một vấn đề nào.

Timeline photos 24/06/2016

Hãy kiên trì là chính bạn!

Hãy là chính bạn, kiên trì là chính bạn, cho dù người khác có muốn làm cho bạn phải đổi thay. Là chính bạn, không có nghĩa là sống hoài với những thói quen ấu trĩ, với sự cố chấp bế tắc của bản thân. Là chính bạn, nghĩa là tập nhìn nhận cuộc đời bằng đôi mắt của bạn, học hỏi từ những kinh nghiệm của chính bạn và để cho tâm thức của bạn được tiến hóa theo nhịp độ của riêng bạn.

Khi bạn là chính bạn, bạn không cần phải chứng tỏ với người khác rằng bạn tốt đẹp. Khi bạn là chính bạn, bạn không cần cố trở thành một mẫu người nào đó để làm vừa lòng một ai. Khi bạn là chính bạn, bạn lắng nghe thật sâu tiếng nói từ trái tim bạn để biết điều gì thật sự là tốt cho bạn. Khi bạn là chính bạn và muốn sống với những gì thật sự là tốt cho bạn, bạn sẽ không làm hại ai khác và không hủy hoại môi trường sống xung quanh.

Khi bạn là chính bạn, bạn sẽ đẹp đẽ theo cách phù hợp nhất cho bạn, và theo cách phù hợp nhất cho sự có mặt của bạn trong cuộc đời này.

Timeline photos 14/06/2016

"Kintsukuroi" - nghệ thuật hàn gắn đồ gốm sứ bằng bột vàng. Những đồ vật bằng gốm sứ khi bị nứt, vỡ, có thể được gắn lại, và người Nhật đã chọn bột vàng để làm chất kết dính cho những mảnh rạn, vỡ. Những đồ vật này sau khi được hàn gắn, còn có giá trị lớn hơn cả trạng thái nguyên vẹn ban đầu.

Trong các mối quan hệ của chúng ta, cũng có khi sự rạn vỡ xảy đến. Và để có thể hàn gắn những rạn vỡ đó, chúng ta cũng cần một loại chất liệu kết dính bằng vàng.

Không chỉ chất kết dính là quan trọng, mà sự cẩn thận, tỉ mỉ của người làm công việc phục chế, hàn gắn đó cũng quan trọng không kém. Đó cũng chính là chất vàng trong tâm người.

Những mối quan hệ được hàn gắn thành công sẽ còn lưu lại các dấu tích của sự rạn nứt hoặc tan vỡ trong quá khứ. Các dấu tích ấy rất đẹp và đáng trân trọng vì được hàn gắn bằng chất vàng của tình người. Mối quan hệ mới được xây dựng trên sự hàn gắn sẽ còn đẹp đẽ và quý báu hơn xưa.

Timeline photos 07/06/2016

Ý muốn "sống có ích" là một cái bẫy lớn mà con người ta thường dắt nhau đi vào. Đó là một cái bẫy ngọt ngào vì khi rơi vào đó, chúng ta cảm thấy mình được công nhận, được đánh giá cao, nghĩa là mình đang có giá trị. Sự đảm bảo đến từ bên ngoài và luôn ve vuốt khiến cho chúng ta thoải mái, thích thú. Nhưng khi rơi vào cái bẫy "sống có ích", chúng ta lại trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi những loại chông g*i mang tên "sống vô ích", hay "vô dụng". Mỗi khi ta cho rằng sự có mặt của mình và những việc mình làm không có ích lợi cho người khác, khi ta không được công nhận, ta bị phê bình, bị đánh giá thấp... thì ta cảm thấy đau đớn và muốn thu mình lại, muốn chạy trốn, hoặc ta bộc lộ thái độ bất mãn để đòi lại sự công bằng.

Tìm kiếm hay chờ đợi sự công nhận từ người khác là biểu hiện cho thấy ta đang không tiếp xúc với sự sống đích thực trong mình. Ta không biết mình thật sự cần gì, muốn gì, và bằng cách nào ta có thể làm thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của bản thân trong khi sống giữa xã hội. Ta đã chấp nhận những tư tưởng mà xã hội gieo vào đầu mình rằng ta phải là một người có ích cho xã hội, cho dù có khi ta thậm chí phải hi sinh những nhu cầu của bản thân.

Nhưng lợi ích của xã hội không thể được xây dựng trên nền tảng là sự hi sinh lợi ích của các cá nhân. Khi lợi ích của mỗi cá nhân bị chối từ, bị hi sinh, thì lợi ích chung của tập thể chỉ là một ảo tưởng. Lợi ích đích thực của xã hội cần phải bắt nguồn từ sự hòa hợp lợi ích của mọi cá nhân trong xã hội ấy. Xã hội không thể được lợi ích khi chỉ có một phần nhỏ trong xã hội được hưởng lợi ích, phần còn lại phải hi sinh nhu cầu của bản thân. Xã hội không thể yên ổn khi các cá nhân bên trong đó đè nén nhu cầu của mình để chạy theo một lí tưởng nào đó không phục vụ cho chính đời sống của mình.

Xã hội chỉ có thể yên ổn khi bên trong các cá nhân của xã hội có sự yên ổn. Sự tương tác và giao tiếp an lành giữa các cá nhân sẽ làm nên môi trường sống bình an, hòa hợp cho cả cộng đồng. Sự yên ổn đích thực sẽ có mặt khi chúng ta nhận thức đúng đắn về các nhu cầu của mình và lựa chọn hành động phù hợp để chăm sóc tốt cho bản thân. Khi đã hiểu và biết cách chăm sóc bản thân, chúng ta sẽ hiểu hơn và biết cách chăm sóc mọi người xung quanh. Quay về tiếp xúc với chính mình để nuôi dưỡng hạnh phúc của bản thân thay vì hướng ra ngoài để gắng sống sao cho có ích, là ta đang cống hiến cho lợi ích thiết thực của xã hội và cởi bỏ những sợi dây ràng buộc khiến cho mình phải hi sinh nhu cầu của bản thân và đánh mất tự do.

Khi chúng ta hạnh phúc, chúng ta không còn cần phải băn khoăn về việc mình sống có ích hay không. Vì hạnh phúc chính là lợi ích, lợi ích chân thật của mỗi chúng ta chính là lợi ích chân thật cho cộng đồng.

Timeline photos 27/05/2016

Tình yêu thương, lòng tha thứ, bao dung... là biểu hiện diệu dụng của năng lực chuyển hóa và chữa lành. Nơi nào tình thương được mời tới, nơi ấy cuộc sống mới lại được bắt đầu. Tình thương đi vào nơi có đầy sợ hãi và khổ đau cũng như ánh sáng tràn vào nơi tăm tối. Không có sự xung đột, chỉ có sự hòa tan vào nhau.

Ánh sáng đến với bóng tối bằng tất cả sự có mặt của mình. Ánh sáng nhấn chìm mình vào bóng tối và bóng tối liền trở thành ánh sáng. Bóng tối chỉ còn đó khi chúng ta không cho phép ánh sáng được đi vào. Khi chúng ta dùng mọi cách để ngăn chặn ánh sáng đến với bóng tối, thì ánh sáng vẫn cứ đứng ngoài bóng tối và bóng tối cũng xa cách ánh sáng.

Từ chối yêu thương một ai đó, từ chối tôn trọng một điều gì đó, cũng tức là ngăn cản tình thương đi vào một nơi tăm tối trong tâm hồn của chính mình. Ở nơi tăm tối ấy, khổ đau vẫn ẩn náu và tiếp tục hoành hành, tiếp tục gây ra những tổn thương. Che đậy khổ đau, chạy trốn nỗi sợ hãi và ngăn cản tình thương nghĩa là bao che và yểm trợ cho sức mạnh tàn phá. Sự tàn phá bắt đầu từ nơi tâm trí, từ lĩnh vực tinh thần, có thể lan tỏa sang nơi thân thể, biểu hiện thành sự tàn hoại ở cập độ vật lí.

Chỉ tình yêu thương chân thành và trọn vẹn mới có khả năng nuôi dưỡng và chữa lành trọn vẹn. Nơi nào sợ hãi, khổ đau, oán thù, hiềm khích, giận dữ còn có mặt, dù chỉ bằng một dấu vết nhỏ bé nhất, nơi ấy cần được mở b**g ra để đón nhận tình thương.

Timeline photos 26/05/2016

Cầu nguyện không phải là hành động chỉ thuộc về tôn giáo hữu thần. Cầu nguyện cũng không phải là một hành động mà chúng ta chỉ có thể làm khi mong muốn một điều gì đó cho tương lai trước mắt.
Cầu nguyện có thể là hành động bày tỏ niềm hân hoan và lòng biết ơn với sự sống, với những gì đã, đang và sẽ đến trong cuộc đời mình.

Lời cầu nguyện không đợi chờ một kết quả trong tương lai là lời cầu nguyện có hiệu lực mạnh mẽ nhất. Sức mạnh của nó có được bởi gốc rễ của nó cắm sâu trong hiện tại, giây phút mà chỉ ở đó sự sống mới thật sự có mặt. Nó vượt khỏi những hoài niệm về quá khứ, nó tự do trước mọi lo âu cho tương lai, nó chỉ đơn thuần đánh thức và phát huy tất cả sức mạnh tâm linh trong giây phút hiện tại. Nó bao phủ lấy những gì đơn lẻ, nó thấm đẫm vào những nơi khô cằn, nó làm tan chảy những khối hờn ghen, oán hận, nó nuôi dưỡng sự sống tươi nhuận và trị liệu cho những đau thương.

Hãy cầu nguyện bằng tâm tình chân thật, lắng nghe sâu và khơi dậy lòng biết ơn, nguyện cởi bỏ mọi ràng buộc khổ đau cho chính mình và cho mọi người; nguyện nuôi lớn tình thương, lòng bao dung và sự thấu hiểu, nguyện tìm về cội nguồn tâm linh trong trẻo và thiện lành; nguyện cho mọi người, mọi loài sống bình an trong từng phút giây; nguyện cho sự sống của chính mình, biểu hiện trong từng suy nghĩ, từng thái độ, lời nói hay hành vi... đều đóng góp cho sự bình an của toàn thế giới.

Hãy nguyện cầu bình an bằng sự trân quý đối với mọi biểu hiện của sự sống, và để cho lòng biết ơn tiếp tục mở ra những món quà màu nhiệm của cuộc đời.

Đồng hoa 20/05/2016

Nếu bạn có bình an trong nội tâm, bạn sẽ tìm thấy bình an khi ở bên tất cả mọi người. Nếu tâm bạn bị náo động, bạn sẽ thấy sự kích động ở khắp mọi nơi. Thế nên trước hết bạn hãy tìm lại sự an tĩnh bên trong, rồi bạn sẽ thấy sự bình an nội tại ấy phản chiếu ra khắp nơi bên ngoài. Bạn chính là sự bình an này. Bạn chính là hạnh phúc, hãy khám phá điều đó! Bạn có thể tìm thấy bình an ở nơi nào nếu không phải là ngay trong chính bạn?

- Papaji

~~~

Tâm Hồn Xanh cẩn dịch

⇨ Nguyên văn:

If there is peace in your mind you will find peace with everybody. If your mind is agitated you will find agitation everywhere. So first find peace within and you will see this inner peace reflected everywhere else. You are this peace. You are happiness, find out. Where else will you find peace if not within you?

Timeline photos 28/04/2016

Sơ sài là những gì được làm từ thái độ xuề xòa, tùy tiện, khiến cho mọi việc không đến nơi đến chốn cả về hình thức lẫn nội dung.
Giản dị là biểu hiện của lựa chọn dựa trên sự hiểu biết, nắm lấy những gì là cốt yếu, để sự thành tựu không thiếu nhưng cũng không thừa.

Phức tạp là sự bộc lộ của nhận thức rối rắm, không sáng tỏ, muốn làm việc lớn mà không thấy rõ được từng việc nhỏ.
Cầu kì là sự sáng tạo được đặt một cách tỉ mỉ, cẩn trọng vào trong từng lựa chọn, từng chi tiết để làm nên những gì tinh xảo nhất.

Hãy nhìn thiên nhiên, thiên nhiên vô cùng giản dị nhưng cũng vô cùng cầu kì.
Hãy nhìn vào từng cánh hoa, từng đường gân của mỗi chiếc lá...
Hãy nhìn vào từng nốt sần trên vỏ cây và những đường vân trên từng thớ gỗ...
Hãy nhìn kết cấu của cuộc sống ở mọi cấp độ như nguyên tử, phân tử...
Và còn rất nhiều, rất nhiều những biểu hiện diệu kì của thiên nhiên...
Tất cả đều rất trọn vẹn và cũng rất phong phú, nghĩa là rất giản dị và cũng rất cầu kì.

Chúng ta cũng là biểu hiện của thiên nhiên. Chúng ta có phát huy những năng lực đẹp đẽ của thiên nhiên không?
Chúng ta có đang lầm tưởng một lối sống xuề xòa là giản dị?
Và chúng ta có cho phép nỗi e sợ về sự phức tạp ám ảnh và trói chặt tư duy sáng tạo và chu đáo, để rồi cứ muốn chạy trốn khỏi sự cẩn thận và cầu kì?

Timeline photos 25/03/2016

Hai cặp khái niệm "nhanh - chậm" và "vội vã - thảnh thơi" rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Trong xã hội mà người ta muốn làm mọi thứ một cách nhanh chóng, thái độ vội vã khiến cho họ không kịp tiếp xúc với sự sống, không kịp thưởng thức những gì đang có mặt và không tận dụng được những điều kiện sẵn có để sống một cuộc sống có phẩm chất, có sự vững chãi và bình an.

Với mong muốn đối trị thói quen vội vã đó, người ta lựa chọn một cách tiếp cận khác, hướng về một lối sống gọi là "sống chậm". Nhưng "chậm" và "thảnh thơi" là hai điều không nhất thiết giống nhau, cũng như "nhanh" và "vội vã" không phải là một.
Khi chưa nhận ra sự khác biệt này, cách ứng xử và hành động trong cuộc sống của chúng ta sẽ khó có thể đưa tới hiệu quả như ý.

Chậm hay nhanh chỉ là biểu hiện ở hình thức, ở tốc độ vận động của chúng ta. Vội vã và thong thả là thái độ, là tình trạng vận hành bên trong tâm thức. Chúng ta có thể làm một việc gì đó rất chậm nhưng ta chỉ chậm chạp ở hình thức, ở chân tay, mà trong đầu óc thì có vô vàn suy nghĩ đang vận động, kéo theo cảm xúc hồi hộp và nôn nóng. Đó là chậm nhưng không thảnh thơi, chậm chạp nhưng vẫn rất vội vã. Thậm chí có người vội vã tới mức trở nên luống cuống, không làm nổi một việc gì, khi ấy sự chậm chạp và dừng lại của người ấy là biểu hiện của sự vội vã, nóng nảy chứ không phải là thư thái, thảnh thơi. Vậy "chậm hay không chậm" không phải là vấn đề.

Vấn đề là chúng ta có thật sự thảnh thơi hay không. Ta cần biết sự thảnh thơi được làm từ chất liệu gì, ta phải có chất liệu đó thì mới có thể chế tác được sự thảnh thơi trong khi hành động.

Thảnh thơi là trạng thái phản ánh sự tự do trong tâm thức. Khi tâm ta không nóng vội, không hối hả chạy theo một ý niệm, một hoàn cảnh nào, khi trong tâm ta không có sự giục giã, là khi ta đang thảnh thơi. Thảnh thơi không có nghĩa là phải chậm. Chúng ta có thể làm một việc gì đó rất nhanh nhưng vẫn thảnh thơi. Bởi vì thảnh thơi là tâm thái, không phải vấn đề chậm hay nhanh.

Những ai còn đang bị cuốn vào thói quen vội vã, có thể tập hành xử chậm rãi hơn để bớt bị kéo đi bởi những việc diễn ra nhanh chóng, để làm quen dần với tâm thái thảnh thơi. Chúng ta sử dụng cách hành động chậm lại là để nếm được vị ngon của sự thảnh thơi, chứ không phải để bắt buộc cuộc sống của mình phải trở thành một bộ phim quay chậm. Với tâm thái thảnh thơi, chúng ta nhìn được mọi việc một cách sáng rõ hơn, chúng ta tiếp xúc được với sự sống một cách sâu sắc hơn, hài hòa hơn.

Vậy, câu hỏi ta cần đặt cho mình không phải là sống nhanh hay chậm, mà là mình có đang xây dựng một cuộc sống có phẩm chất hay không, có tự do, thảnh thơi và hài hòa hay không.

Nhìn nhận rõ ràng về điều này sẽ giúp chúng ta tiếp cận với cuộc sống một cách linh động, mềm dẻo, không kẹt vào sự cứng nhắc của hình thức, để biết nhanh nhẹn mà không vội vã, để trong sự chậm rãi thật sự có chất thảnh thơi.