GIA SƯ VĂN Online

Contact information, map and directions, contact form, opening hours, services, ratings, photos, videos and announcements from GIA SƯ VĂN Online, Tutor/Teacher, Đà Lạt.

23/03/2024

"Trong muôn vàn bông hoa, lương thiện là bông hoa đẹp nhất.
Trong vô vàn món quà, thương nhau chân thành là quý giá nhất.
Và trong tất cả hạnh phúc, được hiện hữu bên nhau là hạnh phúc nhất".

13/08/2023

Đề bài: Trong sáng tạo văn học, đường biên thể loại thường có xu hướng bị phá vỡ, nhất là với những nhà văn tài năng.

🌸 Tác giả: NGUYỄN THANH LỘC

Văn chương không đa dạng như chúng ta tưởng. Mỗi thể loại được áp dụng chỉ đủ để giải quyết được một khía cạnh trong tiềm thức và nguyện vọng của tác giả. Xét về đề tài, có thể coi văn chương là vòm trời thăm thẳm, chan chứa những dư ba nguồn - ý; thế nhưng, nếu chỉ xét ở thể loại, văn chương xem chừng như bị gò trong một khoảng giới hạn hai đầu. Cũng vì thế mà trong sáng tác văn chương, các nhà văn nghệ thường đan xen, pha trộn nhiều thể loại với nhau để phản ánh tư tưởng mình một cách dễ dàng hơn, lấy cái "chất" trong từng thể loại rồi phối hợp nhịp nhàng với thể loại đang là để văn chương khi viết ra không bị khô cứng hoặc khuôn khổ. Nói một cách chính xác, "trong sáng tạo văn học, đường biên thể loại thường có xu hướng bị phá vỡ, nhất là với những nhà văn tài năng".

Thể loại văn học là sự khái quát hóa một nhóm lớn những tác phẩm có điểm chung về hình thức nhằm tách bạch và tái hiện đời sống một cách trực quan và sinh động. Từ xưa, các thể loại văn học đã được phân chia một cách đa dạng và phức tạp. Trong sự vận động và phát triển của văn học, các thể loại trong văn học dần dần được mở rộng, đáp ứng yêu cầu mà người sáng tác mong mỏi. Theo Trần Thanh Đạm, loại thể bao gồm loại (loại hình) và thể (thể tài). Theo Nguyễn Thị Dư Khánh, loại thể gồm loại (loại hình) và thể (thể thơ, thể văn) (1) Qua đó, ta có thể nhận định rằng trong loại là một nhóm lớn lại bao gồm những thành phần nhỏ gọi là thể. Tính từ thời của Aristole với điển hình lý luận "Nghệ thuật thi ca" thì văn học được chia thành ba loại bao gồm tự sự, trữ tình và kịch. Đến sau này, khi các thể loại mới được ra đời, các nhà lý luận mới phân chia văn học thành bốn loại: thơ ca, tiểu thuyết, kịch và kí (tản văn). Thế nhưng, chỉ cho đến khi Belinxki quay trở ngược lại lập luận của Aristole cùng nhận định: "... chia thơ ca (văn học) làm ba loại: tự sự, trữ tình, kịch là xuất phát từ ý nghĩa của việc nhận thức chân lí, cũng tức là trên tinh thần nhận thức- xuất phát từ mối quan hệ qua lại giữa chủ thể với đối tượng- khách thể nhận thức. Thơ trữ tình biểu hiện phương diện chủ quan của một con người, đem con người bên trong phơi bày ra trước mắt chúng ta, do đó toàn bộ là cảm xúc, tình cảm, âm nhạc. Thơ tự sự là miêu tả khách quan một sự kiện đã hoàn thành, là nhà nghệ sĩ đã chọn cho chúng ta một điểm thích hợp nhất để bày tỏ tất cả mọi phương diên, làm thành một bức tranh cho chúng ta xem. Thơ kịch là sự điều hòa hai phương diện trên, chủ quan, trữ tình và khách quan, tự sự. Trình bày ra trước mắt chúng ta, không phải là sự kiện đã hoàn thành, mà là đang thực hiện; không phải nhà thơ đang thông báo sự việc cho ta, mà là từng nhân vật xuất hiện nói với chúng ta” (2), các nhà nghiên cứu sau này mới thống nhất và bổ sung thêm ý kiến dựa trên nền tảng lập luận của Belinxki: Về tự sự, bao gồm: Tự sự dân gian (các thể loại thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười) và Tự sự cổ trung đại và hiện đại (các thể loại truyền kì, tiểu thuyết, truyện vừa, kí). Về trữ tình, bao gồm: Trữ tình dân gian (các thể loại tục ngữ, ca dao, dân ca, vè, câu đố) và Trữ tình cổ trung đại và hiện đại (các thể thơ cổ thể truyền thống và thơ tự do). Về kịch có Sân khấu dân gian (các thể loại chèo, tuồng, múa rối) và Kịch hiện đại (bi kịch, hài kịch).

Mỗi thể loại trong văn học đều mang một ý nghĩa và phương thức phản ánh khác nhau. Lại nói trong mỗi văn bản ứng một thể loại đều có cách tổ chức riêng như thơ thì có phân dòng, có ngắt đoạn, có nhịp điệu, có âm vận, có chia khổ, có ngắt đoạn; nếu có sự việc thì cũng chỉ để bộc lộ cái tình. Trong thơ lại phân chia thành nhiều loại thể khác nhau như trong thơ ca Trung Hoa ngày xưa, xét về hình thức lại có thơ Ngũ Ngôn, thơ Cổ Phong, thơ Thất Ngôn..., xét về nội dung phản ánh lại có Đả Du Thi, Cách Luật Thi, Tản Văn Thi... Như trong truyện thì có cốt truyện, có tình huống, có nhân vật, có sự kiện, nếu có thơ cũng chỉ để bổ sung thêm ý nghĩa về hình tượng mà thôi. Mỗi sự phản ánh nội tại bên trong từng thể loại thường có tính quy luật và có tính hữu hạn. Quy luật nằm ở số lượng mỗi thể văn, thể thơ thường chỉ ứng với tinh thần cảm nhận, tư duy về ngôn ngữ cũng như yêu cầu của nhà làm nghệ thuật, điều này còn tương quan với nhịp độ sống, phong cách sống cũng như văn hóa sống trong chính dân tộc đó. Hữu hạn là vì mỗi thể loại có phương thức phản ánh riêng xét từ hình thức tới nội dung như thơ chỉ để hướng tới khám phá, biểu hiện nội tâm, hay văn xuôi chỉ để hướng tới khám phá bức tranh đời sống rộng lớn. Vì thế, các thể loại thường có sự pha trộn nhịp nhàng, lấy chất của thể loại này áp vào thể loại kia như một thủ pháp để phản ánh một cách chân thực nhất hiện thực. Kết hợp lại không chỉ để phản ánh nội tại của người sáng tác mà còn để thực hiện một sứ mệnh cao hơn - giáo dục con người. Thí như vào thời Đường, thi ca với Bạch Cư Dị hiếm khi mang giá trị cá nhân tức là bộc lộ cảm xúc mà chuyển sang phản ánh đời sống, thực tại, vừa bảng lảng chất thi vừa pha trộn chất họa, chất văn và chất sử, điều mà trong chính bức thư khi ông gởi cho Nguyên Chẩn có nhấn đến - THI SỬ. Từng giai đoạn lại có những cách dùng và cách gọi tên thể loại khác nhau và mỗi thể loại lại có nhiệm vụ phản ánh quy luật thực tại - nơi mà nó ra đời. Đặt ngược lại vấn đề, nếu như thi không mang tính tự sự mà chỉ hướng đến phản ánh nội tâm con người sẽ không đủ sức thực hiện được những điều mà thời đại yêu cầu. Ngoài ra, khi nhấn mạnh về đặc trưng, thông thường thi ca dễ tiếp thu hơn văn xuôi, nếu tách bạch hai thể loại riêng biệt để phản ánh sẽ xảy đến tình trạng "thiếu hụt ý tưởng", vì vậy Bạch Cư Dị chủ trương đề xướng phong trào Tân Nhạc Phủ, kết hợp giữa thơ ca, lý luận và tự sự để phản ánh một cách chân thực và rõ ràng nhất về đời sống con người bấy giờ.
Các thể loại trong văn học không đứng yên mà luôn luôn thay đổi và phát triển. Mỗi giai đoạn phát triển văn học sẽ cho ra các thể loại văn học khác nhau, xuất phát từ cách sáng tác, cách nhìn cùng những tác phẩm để lại hay từ những nhận định của các nhà văn nghệ xa xưa để lại. Từ thời Tây Chu đến thời Xuân Thu, các thể loại được chia ra dựa trên quan niệm "văn sử triết bất phân" thành những khái niệm như đạo, đức, phong, khí, vận, thi, phú, tỉ, hứng, tụng v.v... Hay như ở Nhật Bản, nếu xét từ thời Thượng đại khi bắt đầu xuất hiện văn học bình dân cho đến thời kỳ Đại Chính năm 1926, các thể loại văn học được phân chia theo những cách phức tạp, thậm chí rối rắm. Họ dùng những thuật ngữ chỉ đặc điểm như Azuma uta (Đông ca), Banka (Vãn ca), Chika renga (Địa hạ liên ca)... để phân tách văn học thành từng mảng, từng loại thể khác nhau với mục đích truyền tải khác nhau. Không những vậy, mỗi thể loại được đặt ra tuy vẫn giữ được yếu tố truyền thống vốn dĩ nhưng ẩn tàng sau lớp áo nhẵn mòn đó lại chứa đựng những điều mới mẻ, là tiền đề để sản sinh ra những thể loại mới như thể loại Mushin renga (Vô tâm liên ca) trong văn học Nhật chỉ loại thơ renga theo khuynh hướng nhẹ nhàng đùa cợt nhưng lại mang tính tự sự có cội nguồn từ thể Haikai no renga (hài hước) hoặc trong thi ca ngũ ngôn Đường Thi như bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị lại ẩn chứa chất tự sự trong văn xuôi của Thoại Bản.

Đời sống là một dải màu muôn vẻ. Mỗi khía cạnh là một nhiệm vụ đặt ra trước mắt người sáng tạo. Có khi đẹp, có khi xấu, có khi tốt, có khi ác, tất cả đều mang dáng dấp của nghệ thuật, đòi hỏi người làm nghề phải đủ tỉnh táo và sâu sắc. Các hiện tượng thẩm mỹ mà nhà văn nắm bắt thật ra chỉ là một phần rất nhỏ nhoi so với những gì nó hiện hữu và có được. Bốn phạm trù mỹ học bao gồm cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài ra đời hầu bao quát một cách tương đối những hiện tượng vốn có của cuộc sống; thế nhưng hiện thực thì không đơn thuần chỉ có một tằng thứ nhất nhất mà là sự giao thoa, đan xen giữa cái này với cái khác. Trong những điều cao cả có thể chứa đựng những yếu tố bình thường, thậm chí tầm thường (Hêghen phát biểu rằng “ở trong cái trác tuyệt thì sự tồn tại bên ngoài (ở đây bản chất trở thành một đối tượng được chiêm ngưỡng lại bị hạ thấp so với bản chất) và sự hạ thấp nó xuống trình độ một cái gì phụ thuộc”) như lòng yêu nước cao đẹp của Nguyễn Trãi phảng phất đơn giản qua hình ảnh chân chỉ của tiếng ve "dắng dỏi", chợ cá "lao xao". Hoặc trong cái bi không hẳn chỉ toàn những điều tuyệt vọng mà còn ẩn chứa cái hài như khi Xuân Hương khóc Tổng Cóc, trong cái khóc lóc, ỉ ôi tưởng chừng như bi thương đó lại có sự giễu cợt, bảng lảng của cái hài: "Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé/ Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi". Vì một hiện tượng đôi khi không đơn giản chỉ là thứ dáng dấp mà ta thấy bên ngoài mà nó là bao hàm và tổng hợp của nhiều phạm trù thẩm mỹ. Vì thế sự dung nạp giữa các thể loại và các phạm trù là mang tính tất yếu xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu của tác giả.

Các nghệ sĩ lớn là những người vừa dồi dào sức sáng tạo, vừa có tư duy nhạy bén, luôn có xu hướng tiếp thu các thể loại truyền thống khác nhau để tạo ra các hình thức thể loại mới như từ đời Hàn Dũ với những sáng tác suy xét và lý giải bản chất sự vật đã phát triển thêm một thể loại từ Thuyết sang Nguyên với những tác phẩm Nguyên đạo, Nguyên tính, Nguyên hủy, Nguyên nhân, Nguyên quỷ, hoặc đổi mới thể loại cũ tạo nên sự vận động cùng mở rộng khả năng phản ánh trong sự đa dạng, nhiều chiều kích, nhiều tầng vỉa. Nhà văn cũng là người, nhưng là tầng lớp người có tư tưởng, tình cảm, có chiều sâu trong tâm hồn, là những người chan hòa giữa tài năng và phẩm cách. Cái nhìn của họ là cái nhìn đa diện, hiện thực trong mắt họ là hiện thực nhiều chiều, đặt trong tình thế bị giới hạn cách thức phản ánh buộc nhà văn phải có cách gỡ rối một cách khôn ngoan và sắc sảo. Cho nên, từ văn chương, các nhà văn có thể biến hóa sao cho ngôn ngữ trong sáng tác mình vừa đậm chất văn xuôi, vừa đậm chất kịch, điện ảnh hoặc trong thơ những có sự giao thoa với chất nhạc, với chất tự sự, thậm chí chất nhiếp ảnh như Becton- Bailơ, nhà lý luận nhiếp ảnh nổi tiếng người Đức nói: "Bản chất của nghệ thuật là việc thơ hóa cuộc sống một cách có thẩm mỹ, là sự bổ sung thêm một nội dung có trí tuệ..." Chính sự giao thoa này giữa các thể loại cho nghệ thuật không chỉ thêm phong phú mà còn giàu giá trị.

Mỗi thể loại giữ một vị trí khác nhau, chức năng khác nhau. Có sự kết hợp, giao đối cũng chỉ là ẩn hiện, phảng phất, không thực rõ ràng. Do đó mà khi đưa thể loại này vào thể loại kia, nhà nghệ thuật chỉ "mạo muội" lấy cái "chất" (質) của thể loại này để bổ túc thêm ý nghĩa và giá trị cho thể loại kia. Vậy nên, trong văn chương tồn tại những dạng thức như chất thơ trong văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết); chất thơ trong kịch, điện ảnh (các thủ pháp và nét diễn của nhân vật), nhiếp ảnh; chất văn xuôi (màu sắc tự sự) trong thơ...

Mặc dù người đọc bao thế hệ quen gọi Đoạn trường tân thanh là truyện Kiều thế nhưng thực chất, nếu xét về mặt hình thức thì truyện Kiều thực ra là một áng thơ viết theo thể lục bát. Tuy nhiên trong truyện Kiều, không chỉ có cái tình mà Nguyễn Du gửi vào trong câu thơ, cái tâm mà Nguyễn Du rót vào ý tứ mà còn có cốt truyện, có tâm lý, có tình tiết, có suy nghĩ, có quan điểm của nhân vật về thế giới, về thân phận mình. Trong văn xuôi, người ta lấy hai đặc trưng chính là "sự" và "cái thô nhám" đối lập với "tình" và "cái hoa mỹ" vốn dĩ trong thơ, để cho nó nhập vào trong cấu trúc trữ tình và "cư trú" vào trong các "bình diện thi pháp" (3) Như khi Kiều cùng Đạm Tiên họa câu "đoạn trường" dù là thơ nhưng mang đầy màu sắc tự sự:

"Kiều vâng lĩnh ý đề bài
Tay tiên một vẩy đủ mười khúc ngâm
Xem thơ nức nở khen thầm
Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai"

Trần trụi hơn là khi miêu tả những hành động "chó má" của Sở Khanh với Kiều:

"Còn đương suy trước nghĩ sau
Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào
Sở Khanh lên tiếng rêu rao:
Nọ nghe rằng có con nào ở đây
Phao cho quyến gió rủ mây
Hãy xem có biết mặt này là ai?"

Ngược lại, trong truyện có chất thơ khi "cái thô nhám" và "sự" ở bên ngoài văn bản truyện được thay thế bởi "cái hoa mỹ" và "tình" của thơ, như hình ảnh buổi chiều nơi phố huyến tối tăm, buồn tẻ trong Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam trước mắt Liên nồng đượm màu trữ tình; sự thi vị được đẩy lên cao khiến câu chữ trong lời văn như bay bổng, hòa quyện cùng với cảnh sắc vòm trời; từ đấy, tâm trạng của Liên được bộc lộ, nương theo cái u uẩn lúc về chiều:

"Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn".

Các nhà lý luận và phê bình cũng từ điểm nhìn của sự giao thoa thể loại như Thạch Lam, Hoài Thanh... mà khi phân tích những ý kiến và quan niệm của mình về văn chương cũng cho ra những hình thức ngôn ngữ văn xuôi mang đậm tính thơ, tính trữ tình. Trong cuốn Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh có đưa ra bình luận của mình về những nhà thơ "có tiếng" trong phong trào thơ mới. Tuy nhiên, ông không phân tích một cách dàn trải, phân bua mà mượn những đặc tính cốt tủy trong phong cách sáng tác của mỗi thi nhân, làm thành một đoạn văn vừa đậm tính lý luận vừa đậm tính trữ tình: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận".

Cũng như thế, trong các tác phẩm truyện đôi khi có đan xen vừa chất thơ, lại vừa chất kịch. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là minh chứng vậy! Ông cho rằng đời sống vốn chỉ như là một "sân khấu hài kịch" có tuồng tích, lớp lang, nhân vật với tính cách cuồng vọng, đấu đá, o ép, hạ bệ nhau như những con rối bị cao xanh điều khiển. Trong những truyện ngắn của ông, không gian nghệ thuật thường xuyên bị thu hẹp, chật chội như một sân khấu; thời gian nghệ thuật để các nhân vật bộc lộ tính cách thường bị dồn nén đến mức căng thẳng; lại chứa đựng những mâu thuẫn, đối kháng mang tính chất xã hội, do đó nói truyện của Nguyễn Công Hoan mang tính chất kịch là sự thật. Thí như trong truyện ngắn Tinh thần thể dục, nổi bật là mâu thuẫn giữa người nông dân và hạng huyện lệ, quan trên với chuyện đi xem bóng đá. Trong không gian thu hẹp là sân vận động làng Ngũ Vọng, người dân trong vùng dưới sức ép của lý trưởng buộc phải tới sân cho đủ số lượng, đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười; trong khi người dân Ngũ Vọng còn đau khổ vì túng bấn, nợ nần, đồng áng lại bị bắt, lôi kéo, ép buộc đi theo đến sân vận động như một tinh thần thể hiện ý chí yêu thể thao như chuyện anh Mịch van xin ông Lí cho miễn cho việc đi xem bóng đá vì anh còn phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, cảnh tượng thằng Cò, ôm con trốn ra đống rơm để trốn lịnh đi xem thật đáng thương tâm: “Thằng bé con nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy bố. Nó sợ quá, không khóc được nữa. Thằng Cò chưa kịp trả lời, đã bị lôi xềnh xệch đi”. Hay hình ảnh anh Kép Tư Bền phải "hò, hét, ngâm, cười, múa, nhẩy để mua gượng lấy những tràng vỗ tay” trong tình cảnh cha mình lâm bệnh nguy kịch. Sau tiếng cười tưởng chừng như mua vui đó lại là hoàn cảnh thương tâm và đau khổ của một kiếp người. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan bao giờ cũng xây dựng nhân vật thành hai chiến tuyến đối lập giữa một bên là những phu phen, thợ thuyền, dân quê... với một bên là bọn "lý dịch, cường hào; những nghị viên, dân biểu, quan lại (huyện, phủ, bố, án, tuần…); những ký, lục, phán, tham; những con buôn, tư sản, chủ thầu" (Phong Lê). Thế giới nhân vật trong truyện Nguyễn Công Hoan là một thế giới đa dạng, mỗi người sắm một vai khác nhau, một diện mạo khác nhau trong mỗi lần lên tuồng trang điểm, như huyện Hinh: “Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá như có thằng dân nào vô ý buột mồm nói ra một câu sáo rỗng nhờ bóng quan lớn là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông... Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá đến râu không có chỗ nào lách ra ngoài được”. Và trên cái bộ mặt béo đến quái thai ấy là hai hàng lông tơ “đứng ở hai bên miệng ông, nó hình thành hai cái dấu chua nghĩa”, như kẻ ăn mày với "cái nón toạc tung cả cạp, đã đóng khố lại mặc cái áo rách cụt cả tay, thành ra bốn chân tay khẳng khiu, đen thui thủi, dài ngoằng ngoẵng” (Răng con chó nhà tư sản)... nhưng tựu trung lại để phản ánh cái tình trạng nhu nhược và yếu đuối của xã hội lúc bấy giờ. Từ những điều đó, người đọc nhận ra rằng trong những tác phẩm truyện ngắn vẫn mang âm hưởng của thơ, của kịch hay ngược lại, trong kịch cũng có thể vương vấn hồn thơ như đoạn kết vở kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ với lời nói chập chờn trong hư không của Trương Ba: "Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà giẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu” cho thấy rằng trong kịch cũng thấm đẫm chất trữ tình, chất thơ nếu như nhà sáng tạo thật sự hiểu rõ và khát cầu phản ánh thế giới một cách chân thành và rõ ràng.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời là kết tinh của tư tưởng và tình cảm của người sáng tạo. Việc kết hợp các thể loại với nhau vừa mở rộng phạm vi phản ánh vào trong tác phẩm, vừa tạo nên nét độc đáo trong sáng tác của tác giả. Tạo thành lớp ngôn ngữ đặc trưng cùng với thể loại được áp dụng như lớp ngôn ngữ thơ hóa trong truyện, trong kịch hoặc lớp ngôn ngữ tự sự hóa trong thơ... hòa quyện một cách nhịp nhàng vào các tác phẩm nghệ thuật hầu gởi gắm cái tình, cái tâm ẩn tàng sau lớp vỏ ngôn từ tới người đọc. Không chỉ vậy, việc kết hợp và giao thoa như thế, khiến cho nghệ thuật không còn có sự ngăn cách, tách bạch; tạo đà để chuyển hóa giữa những thể loại với nhau, đưa nghệ thuật đến gần hơn với người đọc, người xem như gần đây, tác phẩm kinh điển Không gia đình của Hector Malot được chuyển thể thành phim điện ảnh, Truyện Kiều được đưa lên sân khấu nhà hát kịch nói, không thể không kể đến tác phẩm thuộc một trong Tứ đại kỳ thư của Trung Hoa - Tây Du Ký - được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập đến bây giờ vẫn còn âm vang trong trái tim của khán thính giả bao đời nay. Tóm lại, trong sáng tạo văn học, việc kết hợp các thể loại với nhau không chỉ góp phần phát triển các giá trị nghệ thuật mà còn nâng tầm sáng tạo của tác giả lên đỉnh cao, đưa văn chương đến gần với thế giới và con người.

Nghệ thuật không bao giờ đứng yên mà luôn chuyển động, phát triển. Nếu chỉ xét riêng về mặt hình thức, các thể loại văn học bao giờ cũng có sự cải tổ và thay đổi, vì tự thân thời đại sẽ cho ra những ý kiến cùng những quan niệm khác nhau đòi hỏi người làm nghệ thuật phải có những nhận định mới, những yếu tố mới. Văn học ra đời là vì con người, sống vì con người, chết cũng vì con người. Một tác phẩm, sống cùng với năm tháng, không chỉ hay, mà còn phải có sự cách tân, đổi mới, hợp với con người, nhân luân và tự nhiên đúng theo quy luật. Đó mới thực sự là một tác phẩm chân chính, trường cửu và bất diệt!

(1), (2) Nguồn download từ trang http://thpt-lequydon.edu.vn/Portals/1/van/nhung/day%20hoc%20tác%20phẩm%20văn%20chương%20theo%20loại%20thể.doc.
(3) Nguyễn Thanh Tâm, LATS Sự thâm nhập của chất văn xuôi vào thơ Việt Nam đường đại, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012

08/08/2023

𝐗𝐔𝐀̂𝐍 𝐐𝐔𝐘̀𝐍𝐇 – 𝐍𝐔̛̃ 𝐒𝐈̃ 𝐂𝐔̉𝐀 𝐓𝐈̀𝐍𝐇 𝐘𝐄̂𝐔 𝐓𝐇𝐎̛̀𝐈 Đ𝐀̣𝐈 𝐌𝐎̛́𝐈

💕 Tình yêu là một chủ đề vĩnh cửu trong văn học, và cả nghệ thuật.

Xưa nay, đã có bao thi sĩ của tình yêu, hoặc những người làm thơ có nói đến tình yêu.

Trong lịch sử văn học cổ kim, có mấy tên tuổi tiêu biểu được nhắc đến: Bà chúa thơ Nôm Xuân Hương, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, và gần đây là nữ sĩ tình yêu Xuân Quỳnh. Dĩ nhiên, họ làm thơ về nhiều đề tài, chủ đề, nhưng tập trung và nổi bật nhất vẫn là tình yêu.

Ba nhà thơ ấy rõ ràng là xuất hiện ở những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng, những quan niệm và nghệ thuật có điểm khá giống nhau.

Xuân Diệu (1916 – 1985) và Xuân Quỳnh (1942 – 1988) có vẻ gần gũi nhau, vì tuy chênh lệch về tuổi tác đến con số 26 năm, nhưng vẫn sống chung trong một thể chế mới. Tuy nhiên, đó vẫn là cách biệt về thế hệ, và quan trọng là họ có hành trình sáng tác khác hẳn nhau, và những mỹ cảm, phong cách và thi pháp đặc sắc riêng.

💕 Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ con đẻ của Cách mạng, được coi là nhà thơ trẻ thành danh từ thời chống Mỹ. Được mệnh danh là nữ sĩ của tình yêu, Xuân Quỳnh có thân phận riêng, và hành trình sáng tạo nghệ thuật mang dấu ấn đặc sắc, vượt trội trong thế hệ trẻ đương thời.

🌸 - 1 - CHỦ THỂ TRỮ TÌNH TÌNH YÊU

🛑 Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ thời đại mới, với biết bao cảm nhận về cuộc đời. Đó là một cuộc đời phong phú, bề bộn, ngổn ngang với bao sự kiện thời sự cực kỳ quan trọng, và những suy tư, cảm xúc không kém phức tạp về thế sự.

🛑 Xuân Quỳnh là một tâm hồn hồn nhiên, tươi mát, chân thành mà đằm thắm, da diết yêu thương, và lại mãnh liệt với bao khát vọng về tình yêu và hạnh phúc vừa sáng đẹp, cao cả; lại vừa bình dị, đời thường.

Chính vì vậy, nhìn chung, Xuân Quỳnh đã thể hiện một cái tôi trữ tình sôi nổi, thiết tha, chân thành và mạnh dạn. Đặc biệt là, cái tôi ấy luôn mang vẻ đẹp nữ tính – vẻ đẹp mới lạ, tiên tiến, nhưng vẫn giữ nét thuần phác, truyền thống.

Đó là điểm nổi bật.

Tình yêu là sự sống, sự sống sinh sôi, nảy nở, tuần hoàn và vĩnh cửu.

Chính vì vậy, nó tồn tại trong bất kỳ tình thế, trạng huống hoàn cảnh nào, ngay cả trong chiến tranh ác liệt.

🛑 Chủ thể trữ tình thơ Xuân Quỳnh, là một chủ thể biết chủ động trong kiếm tìm, gìn giữ, bảo vệ tình yêu như một vật báu thiêng liêng của con người.

Một tình yêu chân thành, yêu hết mình, là điều cao đẹp tuyệt vời, là tình yêu không có tuổi:

Tay trong tay tôi đến bên người

Tôi chẳng nói điều chi là vĩnh viễn

Vì mỗi sáng, khi mặt trời hiển hiện

Là một ngày tôi lại bắt đầu yêu

Khát vọng tình yêu, khát vọng khám phá đến cùng cái đẹp mỹ lệ và huyền diệu của tình yêu, nhưng cũng không giấu nổi mặc cảm bất lực: “Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la/ Thuyền đi hoài không mỏi/ Biển vẫn xa, còn xa” (Thuyền và biển).

Chẳng phải Xuân Diệu xưa từng đòi hỏi vu vơ trong khao khát tột cùng: “Đố ai cắt nghĩa được tình yêu” đó sao?

Cái tôi trữ tình – tình yêu Xuân Quỳnh, cũng thể hiện là cái tôi bản lĩnh.

🛑 Hoa dọc chiến hào là tập thơ thể hiện rõ một cái tôi quả cảm, can trường trong chiến tranh. Chỉ qua nhan đề, đã thấy, bên cạnh chiến hào ngoài trận tuyến, vẫn là một đường hoa cộng sinh, tương sinh, như dắt tay nhau chung sống.Hạnh phúc nở hoa trong chiến đấu là lẽ thường tình.

Đây là một cảm nhận lớn, rất đáng quý so với đời sống thời chiến.

Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có ý tưởng, cùng mỹ cảm lớn qua tập thơ Hoa ngày thường – Chim báo bão. Hai hình tượng tưởng chừng đối nghịch nhau, mà lại kết hoà một cách bình thường trong đời sống bất thường. Bom nổ phá hoại căn phòng, mái ấm hạnh phúc, nhưng sự tàn bạo không tài nào tiêu diệt được tình yêu lứa đôi.

Ngoài đời, Xuân Quỳnh là người dám yêu hết mình, yêu say mê đến mức từ bỏ cuộc đời vẫn yêu, đúng như lời Tự hát:

Em trở về đúng nghĩa trái – tim – em
.. Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Mặt khác, dám hy sinh tất cả vì tình yêu.

Quỳnh dám xây dựng hôn nhân với Lưu Quang Vũ là cả một sự quả cảm ghê gớm, đã vượt qua được hai định kiến lớn. Một là, sự chênh lệch về tuổi tác: Quỳnh hơn Vũ 6 tuổi. Hai là, sự phản đối ghê gớm của bà mẹ Vũ. Ấy là tình thế lúc ban đầu.

Vậy là, Quỳnh đồng thuận với Vũ về quan niệm tình yêu không kể tuổi tác, và quan trọng hơn là tự do kết hôn.

Qua thơ là một thông điệp minh bạch về quan niệm bình đẳng trong quan hệ nam nữ. Điều này đúng với Luật Hôn nhân và Gia đình, và quyền tự do lựa chọn của con người – con người mới trong xã hội dân chủ.

Tất nhiên, đấy mới chỉ là về lý.

Tuy nhiên, về mặt tình thì, cũng trong đời, Xuân Quỳnh đã cải thiện mối quan hệ gia đình, dần dần chinh phục được cảm tình của tất cả mọi người. Để, chỉ còn lại một sự hoà thuận thật tốt đẹp hiếm có.

🛑 Thơ Xuân Hương về tình yêu xưa kia, là một tiếng kêu than lớn cho thân phận người phụ nữ, và đòi hỏi nữ quyền thời đó còn là ảo tưởng.

Xuân Quỳnh, bằng cuộc sống và bằng thơ ca, đã hiện thực hoá nữ quyền trong thời đại mới – một vai trò và công lao đáng trân trọng.

🌸 - 2 - 𝐓𝐇𝐈 ĐỀ, 𝐓𝐇𝐈 Ả𝐍𝐇 𝐓Ì𝐍𝐇 𝐘Ê𝐔

🛑 Hai bài thơ Thuyền và biển, Sóng rất tài hoa, là tiêu biểu nhất cho thi ảnh, thi đề trong sáng tác thơ của Xuân Quỳnh.

Hình ảnh Thuyền và biển, là ẩn dụ thấp thoáng bóng hình anh và em – hai nhân vật chính của bài thơ. Cũng có thể hiểu là nhà thơ đã nhân cách hoá, đưa hồn người sống động vào thuyền và biển. Đây là một mẩu chuyện tình, nói lên tình cảm ngọt bùi, cay đắng của tình yêu.

🛑 Câu chuyện vắn tắt từ lúc tình yêu chớm nở, còn bao hứa hẹn: “Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la” đến lúc đã yêu nhau, và tình sâu nghĩa nặng: “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu”. Ở đây, ta thấy sự đồng cảm, vả thấu hiểu nhau tinh tường, và cặn kẽ.

Nhưng có mảnh đời thực của tình yêu là sự xa cách: lòng nhớ thương quay quắt vời vợi.

Một giả dụ đặt ra: nếu cuộc tình chia xa, chỉ nếu thôi. Sẽ là một sự đớn đau tột độ, nhất là đối với biển – “em”:

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố

🛑 Bài thơ Sóng gửi gắm tâm tư sâu kín qua trạng thái tinh vi, phức tạp của một tâm hồn người thiếu nữ trong tình yêu.

Sóng là ẩn dụ của người con gái. Lại có hình tượng Em. Hai mà là một. Một mà tự phân thân ra, để soi chiếu vào nhau.

Sóng mang giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện được tâm trạng khát khao yêu đương, với nhiều cung bậc tình cảm ở các sắc thái khác nhau, có khi như đối nghịch: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sóng không hiểu nổi mình/ Muốn tìm ra tận bể”.

Sóng nước là sóng tình, mà tình yêu là điều không ai, và không bao giờ có thể cắt nghĩa được đầy đủ và minh bạch. Bởi vì, khát vọng tình yêu là muôn đời, vạn thuở:

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Yêu và nhớ, dù là con sóng nào – “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước”, và đấy là diễn biến của tình yêu và nỗi nhớ: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Tình yêu sẽ đem lại sức mạnh. Trăm ngàn con sóng rồi cũng tới bờ: “Dù muôn ngàn cách trở”. Để rồi: “Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ” – như là triết lý của tình yêu.

Trong thơ Xuân Quỳnh còn nhiều phép ẩn dụ tinh tế và sâu sắc khác: Hoa (Hoa cỏ may, Hoa dại trên núi Hoàng Liên, Hoa cúc xanh…), Mây, Gió,...

Hầu hết là biểu tượng của không gian và thời gian, thậm chí đôi khi mang màu sắc mộng mị, mông lung như “màu” thời gian. Xuân Quỳnh từng viết Thời gian trắng (6/1988): “Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng”.

Tạo nên những hình ảnh, hình tượng thơ lung linh sắc màu, giàu ý tứ tinh tế quả là một biệt tài của nữ sĩ tình yêu Xuân Quỳnh.

🌸 - 3 - 𝐆𝐈Ọ𝐍𝐆 Đ𝐈Ệ𝐔 𝐓Ì𝐍𝐇 𝐘Ê𝐔

🛑 Khác với cô gái còn đang mơ mộng trong tình trường, Xuân Quỳnh là người phụ nữ đã trải nghiệm trong tình yêu và hôn nhân.

Là người thông minh và khá “đáo để”, Xuân Quỳnh mạnh dạn bộc lộ mình. Không phải đến Tự hát , mà từ lâu, nhà thơ nữ trẻ tuổi đã tự thể hiện mình qua thơ, nhất là thơ tình yêu.

Nhà thơ là người trải qua những cuộc tình và hôn nhân, từ cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, đến cuộc xây lại tổ ấm lần thứ hai. Vậy là, Xuân Quỳnh đã trải qua tình yêu và hạnh phúc, kinh qua hầu hết các cung bậc tình cảm, với biết bao tâm trạng, tâm thế, tâm tư.

🛑 Thơ tình Xuân Quỳnh hấp dẫn, trước hết, về sự trải lòng qua giọng điệu giãi bày, tâm tình.

Có thể, đó là những lo toan, vun vén nhỏ nhặt thường tình, đến cao nhất là sự hy sinh quên mình cho tình yêu. Từ lo toan nội trợ cho một bữa ăn sum họp, đến chi chút chăm sóc sức khoẻ cho người yêu: “Sao không cài khuy áo lại anh/ Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét” (Trời trở rét).

Là người rất quan tâm đến hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời thường, Xuân Quỳnh cũng không thể từ bỏ niềm say mê làm thơ, một hạnh phúc tâm tình và trí tuệ như lý tưởng:

Và trong em không thể còn anh

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Xuân Quỳnh Nói cùng anh, lại có Thơ tình cho bạn trẻ. Rõ ràng, trong tình yêu không chỉ Tự hát, mà phải giãi bày, phải cắt nghĩa, phải trao gửi trải nghiệm yêu và sống.

Tuy nhiên, nổi bật là giọng âu lo, trăn trở, thậm chí có lúc thảng thốt, hoài nghi, đau khổ.

Đó là vì cuộc đời đã có lầm lẫn đến tan vỡ về hôn nhân, cũng vì thời gian vô tình làm tàn phai nhan sắc, và cũng vì cái bí ẩn muôn đời cần giải mã của tình yêu.

Anh là sở hữu trong vòng ôm chặt chẽ của bàn tay, mà vẫn thảng thốt:

Anh con đường xa ngái

Anh bức vẽ không màu

Anh nghìn nỗi lo âu

Anh dòng thơ nổi gió

Hai nhà thơ, hai tâm hồn nghệ sĩ đã thông cảm nhau hết mực trong tình yêu bền chặt, mà vẫn có những giây phút như bất định. Bởi, xét cho cùng, đó là hai chủ thể có thể “ào ạt”, có thể “nổi gió” theo tâm tính cũng như cá tính sáng tạo với khát khao tìm hiểu khôn cùng về lý tưởng thẩm mỹ.

🛑 Có người nghĩ về thân phận Xuân Quỳnh như “bông hoa dại” khi vận vào mình sự mặc cảm về những cái nhỏ nhoi, trơ trọi, dễ bị quên lãng (Cỏ dại, Hoa dại núi Hoàng Liên). Lại có người mường tượng Xuân Quỳnh như “Cánh chuồn trong giông bão” (Chu Văn Sơn) với bao nghịch lý trong đời về tình yêu: “Khắc nghiệt và yên lành”, “Phấp phỏng và lo âu”…

Có những mặc cảm như điều tự nhiên về triết lý nhân sinh. Như nhận ra cái hữu hạn của đời người:

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Thơ tình cuối mùa thu

Sắc lá phong rực vàng lên lần cuối

Trái mùa thu chín vội trước khi xa

Tuy nhiên, như con sóng ngầm nơi biển cả vẫn tạo ra âm điệu thâm trầm mà mãnh liệt, thơ Xuân Quỳnh vẫn có giọng khát vọng tin tưởng mãnh liệt như chủ âm.

Là người yêu hết mình, Xuân Quỳnh luôn khát vọng một tình yêu lý tưởng.

Thuyền và biển, Sóng là những hình tượng thật đẹp trong khát vọng cháy bỏng của tình yêu.

Nhà thơ đưa ra một định nghĩa bình dị mà sâu sắc về tình yêu hoà hợp tạo nên hạnh phúc bền chặt, thuỷ chung. Biển và thuyền gắn bó với nhau trong môt tình cảm hữu cơ:

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ

Tình yêu lý tưởng là sự hoà nhập vào nhau trong cái vĩnh hằng của vũ trụ nhân sinh: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ” như ước nguyện của cả sóng và biển.

Lo âu cho bất trắc, thậm chí có thoáng nghi ngờ nào đó. Mùa hoa roi: “Đốt lòng em câu hỏi/ “Yêu em nhiều không anh?”. Và Hoa cỏ may dám can đảm thắc mắc: “Lòng yêu mỏng manh như màn khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay?”.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả vẫn là niềm tin bền chặt của tình yêu bằng vào sự cảm nhận được đền đáp, che chở thực sự, tôn trọng, chân thành rất mực của một tình yêu trần thế. Đó là chuyện thường nhật như trong cuộc đời, như chính cuộc đời. Tình yêu Lại bắt đầu như “mặt trời hiển hiện” chiếu sáng và toả ấm hạnh phúc!

Mối tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ là của đôi tình nhân, hai vợ chồng lý tưởng, từng được ca ngợi, và sẽ còn là một bài thơ tình tuyệt đẹp gửi lại: Thơ tình cho bạn trẻ. Lưu Quang Vũ đã tìm được “một nửa của mình” ơ nơi bến đỗ mới. Xuân Quỳnh cũng tìm ra được tình yêu chân chính, định mệnh của đời mình:

Trong cơn khát cháy lòng

Bỗng tìm ra nguồn nước

Mùi hương không hẹn trước

Tình yêu đến bất ngờ

Bao giờ hoa ngâu nở

Ngôn ngữ thơ của Xuân Quỳnh cũng tinh khéo, và thích ứng với giọng điệu như một sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.

Vượt lên các nhà thơ nữ cùng thế hệ, Xuân Quỳnh như một nữ sĩ về tình yêu ở đẳng cấp cao.

Trong địa hạt thơ tình, đó là một ngôi sao.

Mạn phép vong linh người quá cố, xin được tôn vinh trong thế giới thơ tình, nếu Xuân Hương là Bà chúa, Xuân Diệu là Ông hoàng thì Xuân Quỳnh xứng đáng là Ngôi Hậu./.

----------------------------------------------------------
👉 Nguồn: http://nguvan.hnue.edu.vn/
📝 Mời các bạn đón đọc thêm những phần kế tiếp của Búp Sen nhé!
📝 Tham gia nhóm của Trang Văn Búp Sen để cập nhật những thông tin hay và bổ ích về văn học:
https://www.facebook.com/groups/nguvanthcsvathpt/

Want your school to be the top-listed School/college in Đà Lạt?
Click here to claim your Sponsored Listing.

Category

Telephone

Address


Đà Lạt

Other Tutors/Teachers in Đà Lạt (show all)
TJ English Corrections TJ English Corrections
Đà Lạt

Chuyên cung cấp dịch vụ sửa lỗi và hiệu đính cho văn bản tiếng Anh được vi?

Gia Sư Dạy Kèm Đà Lạt Gia Sư Dạy Kèm Đà Lạt
Đường Phạm Ngọc Thạch
Đà Lạt

Dạy kèm 1-1, theo nhóm các môn Toán-Lý-Hoá-Sinh + Dò bài Chiêu sinh học sinh các cấp 1-2-3 Zalo: 0985964768 (Thuý)

Trung Tâm Gia Sư Đà Lạt City Trung Tâm Gia Sư Đà Lạt City
Mạc đỉnh Chi
Đà Lạt

Hỗ trợ tìm gia sư dạy kèm tại nhà cho quý phụ huynh và các em học sinh. Liên h?

Luyện chữ đẹp Hoàng Nhi Luyện chữ đẹp Hoàng Nhi
D16 Kqh Hoàng Diệu Phường 5 Đà Lạt Lâm Đồng
Đà Lạt, 66100

Chuyên luyện chữ đẹp , vẽ mỹ thuật cho mọi lứa tuổi

Da Lat Bright English Club Da Lat Bright English Club
F12 Khu Quy Hoạch, Đường Hoàng Diệu, Phường 5, Thành Phố
Đà Lạt, 66113

Da Lat Bright English hiện đã mở cửa seeventure.wixsite.com/brightenglish xin chia sẻ với học sinh hoặc phụ huynh

The IELTS Ordinary The IELTS Ordinary
Đà Lạt

mình là Uyen P. Le và đây là lớp IELTS quy mô nhỏ của mình. học online; nhận học viên khắp hành tinh.

Awesome ESL Awesome ESL
110 Nguyen Thi Nghia, Da Lat
Đà Lạt, 670000

Whether you're interested in group or private classes, on site or online, or want a more informal and relaxed learning experience, we have something to suit everyone. We host teach...

Train Your Voice Train Your Voice
145/3 Trường Xuân 1, Xã Xuân Trường
Đà Lạt, 660000

Train Your Voice là một khóa học chuyên luyện phát âm tiếng Anh. https://uspeakenglish.my.canva.site

Gia Sư Một Cái Chấm Đà Lạt Gia Sư Một Cái Chấm Đà Lạt
Hẻm 27, Triệu Việt Vương, Phường 3
Đà Lạt, 670000

Việc học là một niềm vui.

Trung Tâm Gia Sư Đà Lạt 24h Trung Tâm Gia Sư Đà Lạt 24h
Đà Lạt

Hỗ trợ tìm gia sư cho quý phụ huynh và các em học sinh. Liên hệ SDT/Zalo 0985383955

Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ TWA Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ TWA
Đà Lạt

Trung tâm đào tạo về Tin học và Ngoại ngữ dành cho mọi lứa tuổi: - Tin học v?